Thứ tư, 25/06/2025

Về với Mùa Thu

Thứ tư, 03/07/2024

Truyện ký dự thi của LÊ ĐÌNH THẢO  (Nguồn TC số 294/6/2024)

Máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 2 giờ chiều, ông Nghĩa nhận hành lý xong nhanh chóng dời khu vực nhà ga nội địa. Vừa bước ra sảnh sân bay, ông Nghĩa đã thấy các thành viên trong ban tổ chức lễ đứng chờ với bảng hiệu trên tay "Ban tổ chức Đại lễ Vesak hân hạnh đón tiếp". 

Sau khi kiểm tra giấy mời, ông Nghĩa được một bạn trẻ cấp cho một thẻ đại biểu, một phiếu ghi nơi ăn nghỉ và chương trình chi tiết của hai ngày diễn ra lễ hội, sau đó ông Nghĩa được hướng dẫn lên chiếc xe 54 chỗ ngồi đang chờ sẵn.

Xe chuyển bánh, dời thành phố Hà Nội xe rẽ sang đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… càng đến gần thành phố Ninh Bình thì ký ức về những năm tháng sống trong quân ngũ càng ùa về trong tâm trí ông Nghĩa.  

… Cuối thập niên 70 thị xã Ninh Bình nghèo xơ xác, vết thương do chiến tranh phá hoại bằng máy bay của đế quốc Mỹ hằn sâu trên đồng ruộng, phố phường. Lúc ấy, nói đến thị xã Ninh Bình là người ta nghĩ ngay đến bụi, vì nồng độ bụi trong không khí cao nên người ta đặt cho thị xã cái tên Thành phố bụi. Nguyên nhân dẫn đến bụi là bởi nhà máy điện Ninh Bình do Trung Quốc xây dựng, vì công nghệ lạc hậu nên nhà máy thải ra khói bụi làm ô nhiễm cả một vùng rộng lớn…

Tiếng cô gái hướng dẫn viên trên xe cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Nghĩa.        

- Thưa các quý vị đại biểu!

Phía trước chúng ta là thành phố Ninh Bình. Nơi đây là vùng đất cố đô Hoa Lư gắn với 3 triều đại Đinh - Lê - Lý với nhiều huyền thoại. Sông Vân với truyền thuyết về Lê Hoàn khi thắng quân Tống trở về, Dương Vân Nga đem một đoàn cung nữ ra đón, bà mở tiệc chiêu đại nhà vua cùng các tướng lĩnh trên dòng sông này. Từ sự kiện đó, cái tên Vân Sàng tức là giường mây ra đời. 

Ở cửa ngõ phía đông thành phố có núi Non Nước vào đời nhà Trần đổi thành Dục Thúy Sơn. Núi Thuý, Sông Vân trở thành biểu tượng độc đáo của thị xã Ninh Bình và là đề tài thơ ca cho thi nhân xưa và nay... Nơi đây còn có hàng trăm di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Địch Lộng... Tháng 6-2014 UNESCO đã vinh danh quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Sau khi giới thiệu về lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư và danh thắng đất Tràng An, cô hướng dẫn viên thông báo chương trình hoạt động buổi tối:

- Thưa các vị đại biểu! Sau khi đến điểm nghỉ, các vị chủ động nhận phòng, 5 giờ ăn chiều ạ. Tối nay đúng 7 giờ mọi người tập trung ở sảnh khách sạn để xe đưa các vị đi tham gia các hoạt động lễ về đêm ở khu vực chùa Bái Đính.

Đại lễ Phật Đản (Vesak) tổ chức ở Bái Đính - Ninh Bình là đại lễ "Tam hợp" gồm lễ đức Phật đản sinh, lễ đức Phật thành đạo, lễ  đức Phật nhập Niết bàn. Đại lễ Vesak là một trong các hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên hợp quốc, nhằm tôn vinh giá trị nhân văn và hòa bình của nhân loại. Hằng năm, đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở chính của Liên hiệp quốc ở New York và ở các khu vực khác trên thế giới. Sau thành công của đại lễ Vesak lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào năm 2008, đây là lần thứ 2 giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với ủy ban tổ chức quốc tế (ICDV) đăng cai chủ trì đại lễ Vesak tại Việt Nam.  

Hai ngày lễ hội với nhiều sự kiện diễn ra trang trọng… đại lễ  Vesak bế mạc vào trưa ngày 9/5/2014. Tranh thủ thời gian còn lưu lại ở thành phố Ninh Bình, ông Nghĩa thu xếp thời gian về thăm Hợp tác xã  Mùa Thu.

Nhìn thấy ông Nghĩa đi về phía xe của mình, chàng trai trẻ lái taxi nhanh nhẩu hỏi:

- Cháu chào bác! Bác về đâu ạ?

- Cháu cho bác về Hợp tác xã Mùa Thu - Ông Nghĩa trả lời.

- Hợp tác xã Mùa Thu ở chỗ nào vậy bác?

Câu hỏi của chàng trai trẻ cho ông Nghĩa biết rằng, địa danh hợp tác xã Mùa Thu đã trở thành quá khứ, ông Nghĩa lưỡng lự một lúc rồi nói: 

- Cháu có biết ngã 3 thị xã Tam Điệp không?

- Cháu có biết ạ.

- Thế này nhé, cháu cứ chạy đến ngã 3 Tam Điệp rồi rẽ trái, sau đó vừa đi, bác vừa chỉ đường cho cháu.

- Vâng ạ, mời bác lên xe.

Xe chuyển bánh, càng đến gần ngã 3 thị xã Tam Điệp thì cảm xúc bồi hồi trong ông Nghĩa càng tăng lên. Kỷ niệm về những tháng ngày gắn bó với đất và người nơi đây sống dậy dâng đầy. Tình thầy trò, tình bạn, tình đồng đội đồng chí, tình quân dân... những kỷ niệm về những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, đói rét của thời học trò trong quân đội ùa về, trái tim ông như có ai đó bóp nghẹt nghẹn lại. 

- Bác ơi! đến đây rồi đi đường nào hả bác?

Trả lời câu hỏi của chàng thanh niên lái taxi, ông Nghĩa nói:

- Cháu cho xe dừng lại để bác xác định đường đi, rồi hai bác cháu đi tiếp nhé.

- Vâng bác ạ. Chàng trai trẻ đáp lời.

Ông Nghĩa xuống xe đi bộ về phía cổng gác của đơn vị quân đội, khi lại gần ông mới nhận ra đó là cổng vào cơ quan Bộ tư lệnh Quân đoàn 1. Nhìn sang hai bên đường thấy nhà phố san sát, ông đi thêm 50m nữa thì phát hiện phía tay phải có con đường nhựa. Sau khi xác định được đường về Hợp tác xã Mùa Thu ông quay lại xe nói với tài xế taxi:

- Đã lâu rồi bác mới trở lại nơi đây, cảnh vật đã đổi thay quá nhiều cháu ạ. Bác đã tìm được đường đi, hai bác cháu ta tiếp tục cuộc hành trình về với Mùa Thu cháu nhé. 

- Vâng ạ.

Con đường phía ngoài hàng rào doanh trại Bộ tư lệnh Quân đoàn I  đi về Hợp tác xã Mùa Thu giờ đây đã được trải nhựa, đồi chè xưa nay đã trở thành khu dân cư, trên nền khu A và khu B của trường văn hóa Quân đoàn 1 giờ đây đã là trường học, trạm xá, trụ sở cơ quan hành chính của chính quyền địa phương…  

- Bác ơi!

Câu nói của chàng thanh niên cắt ngang dòng suy tư của ông Nghĩa.

- Có chuyện gì vậy cháu?

- Bác về thăm quê hay thăm bạn bè vậy bác?

- Bác về thăm lại nơi bác đóng quân ngày xưa cháu ạ.

- Đã bao lâu rồi bác mới trở lại nơi đây ạ?

Ông Nghĩa nhẩm tính thời gian để trả lời cho câu hỏi của chàng trai trẻ… giọng của ông bỗng trùng xuống.

- Hơn 30 năm đã trôi qua.

- Ôi! Thế thì đã quá lâu rồi. Lúc bác đóng quân ở đây cháu chưa sinh, bởi năm nay cháu mới 23 tuổi bác ạ.

Câu nói của chàng trai trẻ tạo nên sự se thắt trong lòng ông Nghĩa, trong sâu thẳm của tâm hồn vẳng lên câu nói: Ôi! thời gian sao mà trôi đi nhanh quá vậy?

Khi xe đi vào khu dân cư, ông cảm nhận được sự đổi thay  của một vùng quê đang trên con đường đô thị hóa. Nhìn sang bên trái con đường ông nhận ra đồi đá phía sau trường học cũ, nơi mà ngày xưa mỗi buổi chiều ông cùng đồng đội ra ngồi học bài. Lấy đồi đá làm vật chuẩn để xác định được đoạn đường đến nhà mẹ Kim, ông nói với lái xe:

- Dừng lại để bác hỏi thăm gia đình mà bác cần tìm cháu nhé.

- Vâng ạ.

Xe dừng lại ven đường, ông ghé vào một tiệm tạp hóa. 

- Chào anh! Anh làm ơn cho tôi hỏi thăm.

- Bác hỏi thăm gì ạ? - Anh chủ tiệm tạp hóa đáp lời ông Nghĩa.

- Anh chỉ giúp tôi gia đình mẹ Kim.

Người chủ tiệm tạp hóa nhìn ông Nghĩa từ đầu đến chân, biểu hiện sự ngạc nhiên hiện ra trên nét mặt. Người chủ tiệm tạp hóa như muốn nói điều gì đó, nhưng rồi dừng lại… 

- Ông bà cụ chết lâu lắm rồi. Tiệm chữa điện thoại phía bên kia đường là cháu nội của ông bà Kim đấy bác ạ.

- Cảm ơn anh đã giúp đỡ.

Ông Nghĩa nói lời cảm ơn rồi đi về phía tiệm sửa chữa điện thoại.

- Chào cháu! Cháu cho bác hỏi thăm.

- Bác hỏi thăm ai ạ?

- Cháu có phải là cháu nội của ông bà Kim không?

- Vâng ạ. Bác là ai mà biết ông bà nội cháu ạ?

- Bác tên Nghĩa.

Cháu trai nhìn ông Nghĩa bằng ánh nhìn ngạc nhiên… rồi đột ngột nói:

- Ông bà nội cháu đã mất từ lâu rồi bác ạ. Khi ông bà nội cháu còn sống, ông bà vẫn thường nhắc đến tên bác. 

Trước chuyến đi trở về thăm hợp tác xã Mùa Thu ông Nghĩa đã nghĩ rằng, chuyến đi này sẽ không gặp được bố mẹ Kim. Bởi  hơn 30 năm đã trôi qua kể từ ngày ông chia tay với gia đình để trở về đơn vị cũ, khi ấy bố mẹ Kim tuổi đã già, sức đã yếu. Tuy suy nghĩ trước chuyến đi là vậy, nhưng khi nghe cháu nội của ông bà nói “lúc còn sống ông bà vẫn thường nhắc tên bác” thì ông Nghĩa nghẹn ngào xúc động.  

- Cháu mời bác vào nhà cháu uống nước ạ.

- Cho bác biết tên cháu để rễ xưng hô?

- Cháu tên là Thành ạ.

- Mộ ông bà nội cháu ở đâu vậy Thành? Bác muốn đến viếng mộ ông bà.

- Ở xa lắm bác ạ, bác không đi được đâu, vì ô tô không vào được trong ấy.

Nghe Thành nói vậy, ông Nghĩa suy tư một lúc rồi hỏi:

- Nơi thờ cúng ông bà ở đâu hả cháu?

- Bàn thờ ông bà ở nhà bác cả ạ.

- Nhà bác cả cách đây bao xa, cháu đi cùng bác đến đó để bác thắp hương cho ông bà được không ?

- Vâng, được bác ạ.

Cháu nội của bố mẹ Kim đưa ông Nghĩa  đến gia đình bác cả. Ông Nghĩa đặt chút lễ vật trước di ảnh của bố mẹ Kim rồi thắp nén nhang thơm. Trong sâu thẳm tâm hồn ông dâng lên niềm cảm xúc... nghẹn ngào... Ông đứng lặng một hồi lâu... hình ảnh bố mẹ Kim hiện về trong ký ức…

Ông Nghĩa trở lại bộ sa lon, một lúc lâu sau mà ông vẫn chưa nói được thành lời, bởi cảm xúc nghẹn ngào vẫn khôn nguôi. Khi trấn tĩnh trở lại, ông chậm rãi kể cho các cháu nghe câu chuyện về ngày xưa ấy.

- Những ngày sau tết năm 1979, tình hình chung của cả nước diễn biến rất phức tạp. Hậu quả chiến tranh do đế quốc Mỹ  gây ra chưa khắc phục được, chiến tranh biên giới phía Tây Nam giải quyết chưa xong, chiến tranh biên giới phía bắc bùng nổ, kinh tế của  nước ta bị Hoa Kỳ và các nước phương tây cấm vận… khó khăn chồng chất khó khăn.

Lúc bấy giờ dân đói, bộ đội cũng đói. Học viên trường Văn hóa Quân đoàn 1 cũng phải chịu chung hoàn cảnh ấy. Bữa ăn của bộ đội khi ấy toàn là sắn gạc và khoai lang. Gạo trong kho còn lại rất ít, chỉ đủ để nấu cháo cho những người bị bệnh.

Nghĩa dừng cuộc nói chuyện, châm điếu thuốc lá hút vài hơi rồi kể tiếp:

- Vào một ngày giữa tháng 3 năm 1979, sau khi nhận được phụ cấp hàng tháng, mấy anh em trong tiểu đội học viên của bác rủ nhau vào nhà dân mua sắn luộc ăn cho đỡ đói lòng. Bước vào nhà bà nội các cháu, thấy bà đi tập tễnh bác liền hỏi: 

- Mẹ bị làm sao mà chân đi tập tễnh vậy ạ?

Bà nội các cháu nói cho bác biết là bà bị rắn cắn đã mấy hôm. Nghe bà nói vậy, bác xin được kiểm tra vết thương, vết rắn cắn ở trên mắt cá chân tuy không gây chết người, nhưng có dấu hiệu nhiễm trùng. 

Thấy vậy, bác trở về đơn vị xin bông băng, thuốc kháng sinh đem đến điều trị cho bà. Sau hơn một tuần điều trị, vết thương lên da non, bà các cháu lành bệnh. Từ đó, mối quan hệ giữa bác với ông bà ngày thêm gắn bó. 

Nghĩa nhấp ngụm nước trà rồi kể tiếp:

- Trong những ngày ôn thi đại học, bác thường xuống nhà ông bà các cháu ôn bài. Một hôm, khi ngồi vào chiếc bàn gỗ kê ở gần cửa sổ,  bác chợt ngửi thấy mùi thơm của cơm, bác kéo ngăn bàn ra thấy một bát cơm đầy và thức ăn để cạnh.

Nghĩa dừng kể chuyện, nhấp một ngụm trà, giọng ông nghẹn lại, nước mắt làm nhòe cặp kính... một hồi lâu  sau ông  mới kể tiếp được.

- Bác nói ra điều này chắc có lẽ các cháu cho rằng, điều đó chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Câu chuyện bác kể là có thật, một sự thật mà mỗi khi nghĩ tới hay nhắc lại tim bác như có ai bóp chặt, nước mắt lại ứa ra.

Khi thấy bát cơm trong ngăn kéo tỏa mùi thơm của gạo mới thì cơn đói trong bác càng thêm cồn cào, bác kéo ra rồi lại đẩy ngăn kéo vào, đấu tranh với cơn đói của mình... cuối cùng bác đứng dậy ôm tập vở rồi chào ông bà các cháu ra về. Sau đó một thời gian, bác mới quay trở lại nhà ông bà các cháu, thấy bác bà nội các cháu liền hỏi:

- Mấy hôm nay con đi đâu mà không xuống ôn bài? Bố mẹ biết thời gian qua bộ đội không có gạo nên phải ăn khoai lang, vì thế bố mẹ để  phần cơm cho con, sao con không ăn?

Suy nghĩ trong giây lát, bác trả lời bà nội các cháu.

- Con rất đói và rất thèm cơm mẹ ạ, nhưng con không thể ăn cơm của bố mẹ được, vì bố mẹ đã già và cuộc sống còn  khó khăn.

Nghe bác nói vậy, bà các cháu nói với bác bằng giọng trách móc:

- Gia đình mẹ không phải khá giả nhưng không đến nỗi đứt bữa, thương con nên bố mẹ để cho con bát cơm có gì lớn lao đâu.

- Vâng, con cảm ơn tấm lòng của bố mẹ ạ.

Ông bà nội các cháu biết không thể thuyết phục được bác ăn cơm, nên mỗi buổi tối bà các cháu dành 2 miếng sắn luộc và một chút muối ớt để vào ngăn kéo nơi bác thường ngồi ôn bài và nói rằng:

- Con không ăn cơm của bố mẹ thì ăn sắn cho đỡ đói, ăn đi lấy sức mà ôn thi Nghĩa ạ.

Kể cho các cháu nghe chuyện ngày xưa, mà ông Nghĩa cứ tưởng như câu chuyện mới diễn ra ngày nào... ông nghẹn lòng, một hồi lâu sau đó ông mới kể tiếp: 

- Sau khi hoàn thành kỳ thi đại học, trường văn hóa Quân đoàn 1 quyết định trả tất cả học viên lớp học của bác trở về  đơn vị cũ. Ngày chia tay, ông bà các cháu đưa tiễn bác ra đến tận chân đồi chè. Trước khi chia tay, bà nội các cháu đưa cho bác một gói nhỏ rồi nói:

- Bố mẹ không có nhiều, có chút tiền cho con đi đường uống nước.

Thấy bà  các cháu nói vậy, bác xúc động nói:

 - Con thực sự xúc động và vô cùng cảm ơn bố mẹ, con có đủ tiền để trở về đơn vị. Bố mẹ giữ lại số tiền để mua thuốc ạ,  con đi nhé.

Khi bác đi lên đến đỉnh đồi chè thì bác mới dừng lại, nhìn về hợp tác xã Mùa Thu bác vẫn thấy ông bà nội các cháu  đứng dưới chân đồi dõi theo bác, ông bà giơ tay thay cho lời chào tiễn biệt trong buổi chia ly. 

Ông Nghĩa châm điếu thuốc hút vài hơi, ông nhìn vào cõi xa xăm, không gian tĩnh lặng, buổi nói chuyện như trùng xuống.

- Trở lại đơn vị được một thời gian bác tiếp tục đi học. Năm 1984 bác chuyển vào công tác ở trường Sĩ quan Lục quân 2 đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. 

Lúc này trên khuôn mặt ông Nghĩa bớt đi nét buồn, ông tâm sự tiếp:

 - Hơn 30 năm đã trôi qua, hôm nay bác mới trở về Mùa Thu, gặp được các cháu, được thắp cho ông bà nén nhang, lòng bác ấm lại. Bác cầu mong  cho hương hồn ông bà các cháu ở cõi vĩnh hằng được hưởng an lạc và mong ông bà cảm thông cho bác với sự trở về chậm trễ này.

 Hai người cháu trai của ông bà Kim cùng chàng thanh niên lái xe taxi chăm chú lắng nghe, thấy ông Nghĩa dừng cuộc nói chuyện, cháu trai cả của ông bà Kim bùi ngùi nói: 

 - Nghe bác kể chuyện, chúng cháu rất xúc động và trân trọng  tình cảm của bác dành cho ông bà nội các cháu, chúng cháu rất biết ơn bác đã không quên ông bà.

  Chàng trai trẻ lái  taxi góp thêm vào câu chuyện.

- Cháu mới ngoài hai mươi tuổi, nghe bác nói đến 34 năm đã trôi qua, cháu cảm thấy khoảng cách về thời gian bác sống và học tập ở nơi đây so với hôm nay xa vời vợi. Được nghe bác kể chuyện cháu vô cùng  xúc động, tình cảm của các bác bộ đội với nhân dân thật quý trọng ạ.

Cuộc gặp đến lúc phải chia tay, ông Nghĩa xin số điện thoại của các cháu và cho các cháu số điện thoại của mình để tiện liên lạc. Xe chuyển bánh, Mùa Thu dần xa... cảm xúc trào dâng trong lòng ông Nghĩa:

             Trở lại Mùa Thu buổi chiều nay

             Trốn cũ người xưa ở nơi này!

             34 năm lẻ, hơn vạn ngày.

             Lòng mình đang thức, ngỡ mình say?

                                 

             Cảnh cũ ngày xưa đã đổi thay.                    

             Đồi chè bát ngát không còn nữa.

             Bạn cũ giờ đây ở chốn nào?

             Lòng tôi rạo rực đến nao nao.

                    

             Con đã về đây mẹ Kim ơi!

             Mong mẹ linh thiêng ở cõi trời

             Hiểu tấm lòng con mãi không vơi.

             Con về thăm mẹ, mẹ Kim ơi!

                    

             Thắp nén nhang thơm ở cõi trần.

             Mong mẹ được sống kiếp hồi luân.

             Để con tạ mẹ, để phân trần.

             Con về thăm mẹ, mẹ Kim ơi.

                          

                                              Tân Phú - Đồng Nai, xuân 2024.

Bài viết khác