NGUYỄN QUANG HẢI
Từ thuở xa xưa, ở Việt Nam đã hình thành, lưu tồn qua nhiều đời tín ngưỡng dân gian sâu đậm, phổ biến về tam phủ hoặc là tứ phủ. Tín ngưỡng về tam phủ hay tứ phủ cũng được dân gian gọi là “Đạo tự nhiên”.
Tam phủ là ba cõi trong vũ trụ, gồm: Thiên phủ là cõi trời, nhạc phủ là cõi rừng núi, thuỷ phủ - hay thoải phủ (do đọc chệch) là cõi nước.
Tứ phủ là bốn cõi, trên cơ sở phát triển tam phủ thêm một cõi nữa là địa phủ (cõi đất).
Theo đạo Mẫu (hay tín ngưỡng dân gian về Mẫu) của người Việt và những dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thì mỗi “phủ” (cõi) là do một vị thánh Mẫu cai quản, làm chủ với quyền năng siêu phàm, tối thượng, tối linh.
Mẫu Thượng Thiên cai quản cõi trời, được tôn thờ là Mẫu Đệ Nhất.
Mẫu Thượng Ngàn cai quản cõi rừng núi, là Mẫu Đệ Nhị.
Mẫu Thoải cai quản cõi sông nước, là Mẫu Đệ Tam.
Dưới quyền các Mẫu là các vị quan, gồm có năm vị, gọi là ngũ vị tôn ông, theo thứ tự từ Quan lớn đệ nhất đến Quan lớn đệ ngũ. Tiếp đến là các vị nữ thánh, gọi là “Chầu bà”, gồm mười một vị theo ngôi thứ: Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị, Chầu Đệ Tam… Chầu Mười, Chầu Bé. Tiếp theo nữa là mười một ông hoàng, rồi mười một cô và mười một cậu – cũng theo thứ tự như trên.
Trong mỗi ngôi phủ thờ Mẫu, nơi chính cung đều có ba pho tượng thờ ba vị thánh Mẫu ngự, gọi là “Tam toà thánh mẫu”, gồm: Mẫu Thượng Thiên ngự chính giữa, trang phục màu đỏ; Mẫu Thượng Ngàn ngự phía bên phải Mẫu Thượng Thiên, trang phục màu xanh; Mẫu Thoải ngự phía bên trái Mẫu Thượng Thiên, trang phục màu trắng. Nơi thờ tứ phủ thì có thêm Mẫu Địa, trang phục màu vàng, ngự phía bên trái Mẫu Thoải.
Theo tín ngưỡng dân gian, Mẫu Thoải hiển ứng ở khắp mọi miền sông nước để âm phù cho dân lành. Những người sùng đạo Mẫu mỗi khi qua lại trên sông nước vẫn thường cầu khấn Mẫu Thoải phù hộ độ trì để tránh khỏi tai họa hiểm nguy.
Dưới quyền Mẫu Thoải là Quan lớn Đệ Tam, thuộc hàng ngũ vị tôn ông. Dân gian lưu truyền rằng Quan lớn Đệ Tam vốn là một vị võ tướng ở thời Hùng Vương, khi hết hạn ở cõi trần, ngài hiển thánh theo lệnh Mẫu để cai quản, trị nhậm nơi thủy phủ. Ngài thường du ngoạn khắp nơi đây đó, gặp người trần bị nạn kêu cầu thì ngài ra tay cứu giúp.
Chầu Đệ Tam là một vị nữ thánh mà người đời xưa xem như là hóa thân của Mẫu Thoải hiển hiện trên khắp các vùng sông nước để trị bệnh cứu người. Theo truyền thuyết dân gian, Chầu Đệ Tam có một cuộc đời đầy oan khuất ở dương gian. Ấy là vì: người chồng của bà do đã nghe theo lời xúc xiểm của
cô nàng hầu tên là Thảo Mai rồi đày đọa bà ở nơi Thác Hàn suốt cả mười năm, vò võ ngày dài đêm thâu, bất hạnh. Đời sau, những người con gái, phụ nữ trên đời mà có tính điêu ngoa, lẳng lơ thường bị dân gian gọi là “thảo mai”, hẳn là do tích này.
Ông Hoàng Ba (Hoàng Bơ) đương thời xưa kia là người có công lao phò vua dẹp giặc. Sau khi hóa, ông lĩnh phận sự Mẫu giao phó là “hành sự” ở các miền sông nước. Ông luôn đi mây về gió, lại có những thú ăn chơi độc đáo, tinh túy của những ông hoàng, được xem là một “thần tượng” của giới phong lưu quý phái ở trên đời thời xưa.
Từ Quan lớn Đệ Tam, Chầu Đệ Tam, Ông Hoàng Ba cho đến Cô Bơ, Cậu Bơ khi giáng trần ngự đồng (nhập thân vào người lên đồng) thì đều vận trang phục màu trắng. Có thể đó là ước lệ của người xưa: màu trắng biểu trưng cho cõi nước với sự tinh khiết, trắng trong.
Nếu như các nhân vật: Quan lớn Đệ Tam, Chầu Đệ Tam, ông Hoàng Ba là các “tướng sĩ” thì cô Bơ Thoải, cậu Hoàng Bơ (Hoàng Ba) được xem như là đại diện cho con cái hay “lính tráng” của Mẫu Thoải ở khắp thủy phủ là tất cả các vùng sông nước mênh mang.
Trong số các cô, từ Cô Nhất cho đến Cô Bé thì dường như Cô Bơ Thoải xưa nay rất hay được thỉnh mời về ngự đồng ở khắp nơi trong các đền phủ. Đây cũng là một trường hợp cần tìm hiểu để có thể “giải mã”.
Theo truyền thuyết dân gian, Cô Bơ Thoải là con gái vua Thủy Tề, mệnh danh là thủy cung tiên nữ vì cô vô cùng xinh đẹp. Cô giáng sinh qua một giấc mộng của Thái Bà là người mẹ sinh thành ra cô ở cõi dương gian để phò vua dẹp giặc theo lệnh của Cao Minh (Thượng Đế).
Khi Lê Lợi dấy cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn thì Cô Bơ đang độ tuổi trăng tròn. Một hôm, chủ soái Lê Lợi bị quân giặc đuổi gấp. Trên đường chạy trốn vô cùng nguy nan, Lê Lợi gặp cô đang trỉa ngô trên rẫy. Thấy vậy, cô bảo Lê Lợi kíp thay trang phục bằng bộ áo quần thảo dân, nhanh chóng vùi giấu áo quần thủ lĩnh đi rồi cùng cô giả dạng làm đôi vợ chồng nghèo đang trỉa ngô trong rẫy. Vừa khi quân giặc đuổi tới nơi. Chúng quát hỏi cô rằng có thấy Lê Lợi chạy qua đó không? Cô trả lời chúng rằng không thấy ai cả. Thế là vị chủ soái nghĩa quân Lam Sơn thoát khỏi cơn nguy cấp.
Khi cuộc kháng chiến chống quân Minh đại thắng, Lê Lợi lên ngôi báu. Nhà vua hạ chiếu cho quần thần đi tìm lại cô gái trỉa ngô xưa kia đã từng cứu mạng để tri ân thì mới hay rằng cô gái ấy đã mất.
Thoải phủ thật rộng lớn mênh mang. Các sông suối trên địa bàn nước Việt thuộc xứ sở nhiệt đới thật phong phú, muôn hình muôn vẻ. Ở nơi đâu trên đất nước này cũng có thể bắt gặp tình cảm quen thuộc như: “chung một dòng sông”, hay “dòng sông quê hương”. Theo trí tưởng tượng dân gian, Cô Bơ Thoải thường hay chèo thuyền đi du ngoạn ngược xuôi khắp đây đó trên các vùng sông nước. Dân gian tâm niệm rằng: mỗi khi du ngoạn đây đó, Cô Bơ Thoải vẫn thường dùng thuốc tiên để trị bệnh, cứu vớt những người gặp tai nạn rủi ro.
Trong bài hát chầu văn Cô Bơ Thoải luôn có điệu “chèo đò” (thường có những tiếng “khoan hò dô khoan” theo nhịp xen giữa các câu hát. Bài múa lên đồng của Cô Bơ Thoải cũng theo điệu múa chèo đò. Để thực hiện điệu múa này, người lên đồng dùng hai mái chèo làm đạo cụ. Mở đầu bài văn chầu Cô Bơ Thoải như sau: “Đêm qua chớp bể mưa giông/ Nhác trông đã thấy con thuyền rồng bơi xa/ Phách nhất cô bẻ lái ra/ Phách nhì giậm nhịp, phách ba cô cầm chèo…”
Hình ảnh cô gái chèo thuyền, lái đò từ xa xưa đã trở nên rất đỗi quen thuộc, thân thiết đối với đông đảo cư dân người Việt. Phải chăng, Cô Bơ Thoải trong tâm thức dân gian cũng chính là sự kết đọng hình ảnh các cô gái chèo thuyền trên sông nước ấy? Riêng con thuyền đã trở thành vật dụng vô cùng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt, lao động và đời sống văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật cùa cộng đồng người Việt Nam và nhều dân tộc trên thế giới từ thời cổ xưa.Và như vậy, Cô Bơ Thoải tuy vốn là một sản phẩm của tín ngưỡng dân gian song cũng chính là một biểu tượng văn hóa rất đỗi đặc sắc, thân quen.
N.Q.H