NGUYỄN QUANG HẢI
Cố đô Hoa Lư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là một quần thể di tích lịch sử- văn hóa và danh thắng nổi tiếng. Trong giai đoạn lịch sử từ năm 968- 1010, nơi đây là kinh đô của triều Đinh, triều tiền Lê và đầu triều Lý, là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền, tự chủ đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Lý Thái Tổ dời đô ra Đại La, đặt tên là Thăng Long - Hà Nội ngày nay, trải dư một nghìn năm, Hoa Lư trở thành cố đô.
Trung tâm kinh đô Hoa Lư xưa thuộc khu vực đền vua Đinh, đền Vua Lê trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Kết quả khảo cổ học đã chứng minh rõ: nơi đây là cung điện, sân rồng kinh đô Hoa Lư xưa.
Tổng thể khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư rộng trên 13km2, thuộc địa bàn huyện Hoa Lư, có phần giáp ranh với huyện Gia Viễn và thành phố Ninh Bình.
Vùng bảo vệ đặc biệt cố đô (vùng lõi) rộng khoảng 3 km² có các công trình lịch sử văn hóa và thắng tích: Đền Vua Đinh Tiên Hoàng thờ người anh hùng lập quốc, trí dũng vô song là một khu đền to đẹp bậc nhất trong cả nước; đền Vua Lê Đại Hành uy nghiêm, trầm mặc; lăng vua Đinh; lăng vua Lê; nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ; đền thờ Công chúa Phất Kim; chùa Nhất Trụ; phủ Vườn Thiên; bia Cầu Dền; chùa Kim Ngân; chùa Cổ Am; chùa Duyên Ninh; phủ Chợ; sông Sào Khê ngàn năm soi bóng cố đô… Mỗi thắng tích này đều hàm chứa cả pho lịch sử và truyền thuyết.
Vùng đệm (xung quanh) cố đô có diện tích rộng trên10 km², gồm khu vực cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sông Hoàng Long gắn với sự tích Vua Đinh cưỡi rồng qua sông. Trong vùng có các di tích lịch sử: Động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, hang Bói...
Vùng ngoại vi cố đô có các di tích, danh thắng: Chùa Bái Đính với nhiều kỷ lục Việt Nam và Đông Nam Á; động Thiên Tôn (cửa ngõ kinh đô xưa, là thắng tích nổi tiếng, nơi thờ thần Thiên Tôn Trấn Vũ); động Hoa Lư, nơi nghìn năm về trước Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu tập trận cờ lau nuôi chí lớn thu giang sơn về một mối; đền thờ Đinh Bộ Lĩnh (thuộc địa bàn huyện Gia Viễn, quê hương Vua Đinh).
Dấu tích cung điện Hoa Lư hiện nằm sâu dưới mặt đất khoảng 3m đã được khoanh vùng phục vụ khách thăm quan. Tại đây hiện có trưng bày các phế tích khảo cổ học thuộc về các thời: Đinh, Lê, Lý. Trong số hàng trăm hiện vật cổ tìm thấy tại đây, có những viên gạch lát nền có trang trí hình hoa sen. Có những viên gạch cỡ lớn mang dòng chữ "Ðại Việt quốc quân thành chuyên" (gạch xây thành nước Ðại Việt).
Thành lũy bao quanh kinh đô Hoa Lư xưa gồm cả thành thiên tạo và thành nhân tạo. Thành thiên tạo chính là các dãy núi non hùng vĩ, trường tồn. Thành nhân tạo được người xưa xây đắp nối kết các núi đá mà nên. Đây là một sáng tạo của Vua Đinh Tiên Hoàng cùng triều đình khi định đô từ năm 968.
Lễ hội Cố đô Hoa Lư (Lễ hội truyền thống Trường Yên) thường diễn ra vào những ngày 8- 10 tháng Ba âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, nội dung phong phú. Phần lễ có: Lễ rước nước, lễ rước lửa, nghi lễ “thượng long” (thả rồng bay), lễ đăng quang, tế nữ quan… Phần hội có: Múa tập trận cờ lau; Kéo chữ “Thái bình”; hội thi “Người đẹp cố đô”; thi “Làng vui chơi, làng ca hát”; hội trại; triển lãm và các cuộc thi đấu thể thao.
Về ẩm thực, các món sơn hào hải vị được đưa từ các địa phương tới kinh đô không phải là hiếm, song chủ yếu vẫn là nguồn sản vật dồi dào ở quanh vùng. Nguồn sản vật ấy vốn rất đa dạng và quý hiếm so với ngày nay như: thịt thú rừng, các loại lâm sản, thủy sản, các sản vật từ vườn tược, đồng quê từ thế kỷ X. Đã ngàn năm trôi qua, thật khó biết rõ được các món ẩm thực sang trọng, quý hiếm ở kinh đô Hoa Lư xưa. Tuy vậy, những món ẩm thực đặc sắc ở vùng Hoa Lư ngày nay chắc hẳn cũng đã có từ thời Đinh- Lê còn được lưu truyền. Về món ăn, đó là các món như: tái dê, cá rô Tổng Trường, lợn Mường… Về thức uống thì có: các loại rượu, đặc biệt trong đó phải kể đến “ngọc dương tửu”…
Cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt là cả một tổng thể di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá.
N.Q.H