Chủ nhật, 23/03/2025

Nghiên cứu, bảo tồn di tích khảo cổ, khuyến khích du lịch có trách nhiệm,tạo xu hướng phát triển bền vững

Thứ sáu, 01/04/2022

Đồng chí NGUYỄN CAO TẤN
Phó Giám đốc Sở Du lịch


Vùng đất Ninh Bình vốn ken dầy những dấu tích lịch sử nhân loại, lịch sử quốc gia dân tộc Việt, đặc biệt hơn khi ở thế kỷ 10 nơi đây đóng vai trò là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, có một nền văn hóa kinh kỳ-đô hội còn tiếp nối vang vọng đến ngày nay.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hầu như thời kỳ nào vùng đất Ninh Bình cũng ghi lại, để lại dấu ấn của tiền nhân, quốc gia, dân tộc, có những thứ đã ẩn sâu trong lòng đất mẹ có những thứ đang thi gan cùng tuế nguyệt. Để góp phần thúc đẩy vùng đất Ninh Bình phát triển toàn diện, thì việc nghiên cứu, bảo tồn di tích khảo cổ, khuyến khích du lịch có trách nhiệm, tạo xu hướng phát triển bền vững là hết sức cần thiết.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thăm khu khảo cổ tại Cố đô Hoa Lư.                  Ảnh: MINH TUYỀN

Là phần kéo dài và phân tán về phía đông của dãy núi đá vôi đồ sộ phía tây bắc của tổ quốc do vậy Ninh Bình có nhiều dãy núi chạy theo hướng tây bắc-đông nam trải dài trên các huyện Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô và thành phố Tam Điệp. Thời điểm hình thành những dãy đá vôi này dao động trong khoảng từ 250 triệu đến 300 triệu năm cách ngày nay. Trên cơ sở lịch sử địa chất lâu dài, đa dạng về địa hình, địa mạo là điểm giao thoa giữa các luồng di cư của động vật, thực vật theo hướng lục địa và biển và giữa các vịnh biển theo hướng bắc - nam đã làm cho Ninh Bình có một hệ sinh thái hết sức đa dạng. Đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện sớm của loài người trên đất Ninh Bình, là tiền đề hình thành nhà nước, rồi có thời kỳ đóng vai trò là kinh đô nhà nước Đại cồ Việt.

Di tích khảo cổ học thời Tiền sử

Qua quá trình hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa các đơn vị nghiên cứu ở trong nước và quốc tế cho chúng ta một kho tư liệu vô cùng phong phú về lịch sử nhân loại. Từ những vỏ ốc biển được chế tác làm đồ trang sức (vòng đeo tay; đeo cổ…) có tuổi trên 20.000 năm, đến những mảnh gốm có niên đại sớm trên dưới 9.000 năm (xác định nơi đây là một trong những cái nôi của gốm có tuổi sớm nhất ở vùng Đông nam Á và thế giới) được trang trí văn đập; cùng với hàng loạt các công cụ đồ đá, đồ xương được phát hiện trong các di tích khảo cổ làm cho chúng ta ngỡ ngàng về cách kiếm sống, cách làm đẹp của người Tiền sử, cách di chuyển của người tiền sử ra khỏi nơi cư trú hàng chục cây số để giao lưu, trao đổi hay cách di cư theo mùa, theo chu kỳ sinh trưởng của động, thực vật đến những vùng đất mới hay trở lại chốn cũ. Cách di chuyển này cũng là cứ liệu để chúng ta giải thích cách di cư khắp trái đất của người tiền sử, một cuộc du lịch đầy thú vị ngoài mục đích kiếm sống, sinh dưỡng, còn có mục đích khám phá, đáp ứng nhu cầu làm đẹp, nhu cầu tinh thần của người Tiền sử, có sự giao lưu văn hóa và tiếp biến văn hóa từ đây. Và tất cả những thông tin ấy cho chúng ta viết nên một câu chuyện thú vị về cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo, thậm trí có cả những hiện tượng thiên tai bất thường như động đất. Chúng ta có thể khẳng định một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Ninh Bình, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm, thể hiện trên 50 di tích khảo cổ học thời tiền sử được phát hiện và nghiên cứu. Và qua đó trước những biến đổi khí hậu ngày nay từ những thông tin có được, từ di sản nhân loại cho chúng ta một kinh nghiệm sống, một trải nghiệm trong hiện tại và trong tương lai.

 Các di tích giai đoạn kim khí, nền tảng hình thành nhà nước

Đã phát hiện những di tích quan trọng, như di tích Mán Bạc; di tích Núi Sệu; di tích Núi Một (hay còn gọi là di chỉ Hang Chợ Ghềnh), di tích Núi Hai; ngoài ra còn phát hiện lẻ tẻ di vật ở những địa điểm thuộc các xã Trường Yên, Ninh Mỹ, Ninh Giang (huyện Hoa Lư).

Hai di tích Núi Một và Núi Hai nằm gần nhau thuộc phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp. Qua những di vật, như lõi và mảnh vòng tìm thấy ở di chỉ Núi Một, các nhà khoa học cho rằng nơi đây là di chỉ xưởng chuyên chế tác đồ trang sức làm từ đá, cũng qua đó cho thấy giai đoạn này con người đã có sự phân công lao động rõ ràng (những người thợ chuyên làm đồ trang sức). Tại di chỉ Núi Hai, ở sườn phía tây nam của núi này xuất lộ rất nhiều mảnh gốm, các nhà khoa học cho rằng người cổ đã làm nhà dựa vào sườn núi để ở. Đây cũng là giai đoạn hình thành Nhà nước sơ khai của người Việt cổ (kết thúc thời Tiền sử) là kết quả của sự liên kết chặt chẽ giữa các làng cổ trong cùng địa bàn cư trú, để chống thú giữ, thiên tai, chống cướp.

Trải qua hàng chục ngàn năm lao động, những thế hệ người tiền sử mở rộng dần vùng sinh sống ra nhiều nơi. Người tiền sử đã rời những thung lũng khép kín hướng về vùng biển để khai thác hải sản, do đó những di tích mới phát hiện thuộc dãy đá vôi Tam Điệp, Nho Quan, Hoa Lư, Yên Mô có xuất lộ vỏ nhuyễn thể biển: ốc nhảy, ngao dầu, cua, sò huyết, hầu ... Với một số dãy núi đá vôi ven biển ở Ninh Bình trong bối cảnh thời tiền sử cư dân cổ ở đây gần như sống và khai thác cả hai hệ sinh thái là nước ngọt (sông suối) và nước mặn (biển cả) đã làm nên một sắc thái văn hoá riêng của người dân cổ trên đất Ninh Bình. Nguồn thức ăn chính của người nguyên thuỷ là ốc suối và ốc núi. Song cư dân cổ sống trong môi trường có hệ sinh thái có nhiều loài cây, con; họ biết tận dụng những điều kiện tự nhiên, bổ sung cho nguồn dinh dưỡng lấy từ các loại củ, quả, hạt, săn bắt chim thú nhỏ. Giai đoạn sau họ đã biết làm đồ gốm, làm nông nghiệp để bước sang giai đoạn kim khí sự có mặt của người tiền sử rộng khắp trên đất Ninh Bình góp phần vào việc xây dựng nền Văn minh Đông Sơn rực rỡ, mở đầu thời kỳ dựng nước của dân tộc Việt.

Những dấu ấn vật chất về kinh đô Hoa Lư

Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất trong nhiều năm qua đã góp phần làm sáng rõ diện mạo của kinh đô Hoa Lư: thành quách kiên cố, có nhiều kiến trúc quy mô lớn và các cung điện, lầu gác được trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng của thời Đinh và Tiền Lê. Bước đầu cho chúng ta mường tượng ra cách bố trí quy hoạch hệ thống cung điện từ cấm thành đến hoàng thành, khu sinh hoạt tôn giáo trong cái không gian mà nhà Đinh đã khéo quy hoạch, đắp những tuyến tường thành khép nối những dãy núi, núi lẻ để có một kinh thành mang dáng dấp một thung lũng lớn được bao bọc bởi núi và tường thành nhân tạo, bên bờ hữu sông Hoàng Long. Qua đó cũng cho thấy khi nhà Đinh cho xây dựng kinh đô ở đây trong bối cảnh môi trường không hoàn toàn hoang sơ mà nơi đây có thể đã là một trung tâm đô hội hay còn là trị sở của của một huyện dưới thời thuộc Bắc.

Cũng qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học môi trường cho thấy Kinh thành này cũng mang đậm một yếu tố đô thị ven biển (một tầm giáo là phóng tới biển Đông), khi đó sóng biển còn vỗ về dưới chân núi Non Nước mà cho tới thời Lý còn có cửa biển Đại Ác - Đại An cận kề với núi này, hay thời điểm trước đó còn có một cửa biển “Gián Khẩu” liền kề, nơi thế lực đô hộ phương Bắc xây dựng cầu cảng chuyên chở những sản vật, sa khoáng khai thác từ lưu vực sông Bôi và sông Hoàng Long. Như vậy, Kinh thành Hoa Lư bên hữu của con sông Hoàng Long lúc đó còn có vị trí ở gần vùng giao thủy giữa nước ngọt của sông và nước mặn của biển. Con người đã sớm biết lợi thế của điểm giao thủy để tụ cư khai thác một nguồn thủy sản phong phú (có cả hải sản nước mặn lẫn thủy sản nước ngọt) vừa là điểm ngược lên thượng nguồn hay xuôi ra biển cả đều rất dễ dàng thuận tiện.

Ngoài ra, tại một số địa phương thuộc lưu vực sông Hoàng Long, sông Lạng, sông Bôi và ven sông Đáy đã phát hiện nhiều dấu tích vật chất cho thấy kinh đô Hoa Lư không chỉ gói gọn trong những tuyến tường thành tự nhiên (núi đá) và nhân tạo mà còn được quy hoạch những vòng đai phòng thủ, những làng ven đô phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Hay trước đó nó còn có một kinh đô dã chiến, một kinh đô tạm thời trong quá trình xây dựng kinh đô Hoa Lư tại Sơn Lai trước và sau năm 968.

Vùng đất Hoa Lư, trong nối liền lưu vực sông Mã, sông Lam, ngoài nối liền với miền hạ lưu phì nhiêu của sông Nhị, đã trở nên một vùng căn cứ liền khoảnh đủ giàu có về nhân tài vật lực để gánh vác sứ mệnh nền tảng thống nhất nước nhà.

Ninh Bình, có một không gian bảo tồn khá nguyên trạng những giá trị lịch sử địa chất, địa mạo cùng với những giá trị về lịch sử sự sống, lịch sử tiến hóa của loài người, lịch sử của tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật... đã cho chúng ta những tư liệu phác họa nên một bức tranh, một câu truyện sống động về sự thích nghi của loài người trước những biến đổi của thiên nhiên, một truyền thống sử dụng vùng núi, vùng biển để sinh tồn và để hôm nay chúng ta tiếp tục bảo vệ và phát huy những giá trị di sản của nhân loại.

Vấn đề đặt ra:

Xu hướng lượng khách du lịch khá lớn muốn tiếp cận với di tích khảo cổ, như là một trong những nhu cầu tự nhiên của con người là tìm hiểu về quá khứ, hiểu về thời đã qua, để “ôn cố tri tân” tìm hiểu về cái cũ để nhận biết được cái mới trong hiện tại và mong muốn cao hơn nữa là dự đoán được tương lai. Việc bảo tồn di tích khảo cổ, tạo không gian (hành lang bảo vệ) cho khách du lịch tiếp cận được di tích, hiểu được giá trị của di tích mà không làm ảnh hưởng tiêu cực tới di tích cần thực hiện bài bản, công phu, có đầu tư lớn, cần được khuyến khích đầu tư. 

Hầu hết những di tích khảo cổ đều nằm ở những vị trí có cảnh quan đẹp, thiên nhiên hùng vĩ, thuận lợi giao thông. Hiện tại con người vẫn lấy nơi đây làm nơi cư trú, phát triển kinh tế xã hội thông thường (di tích khảo cổ liên quan tới Kinh đô Hoa Lư thế kỷ 10); hoặc sử dụng làm khu nghĩa trang hiện đại (Núi Sệu; núi Liên Sơn; một phần di tích Mán Bạc…); một số ít đã được công nhận di tích bước đầu đã khoanh vùng bảo vệ một phần (Khu di tích cố đô Hoa Lư; di tích Mán Bạc); một số di tích đã đưa vào làm điểm tham qua cho khách du lịch (Khu Hoa Lư; động Người Xưa, vườn quốc gia Cúc Phương; hang Núi Tướng, động Thiên Hà) bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Một số di tích mới được phát hiện, nghiên cứu, ở những nơi hẻo lánh, khó tiếp cận. Do vậy công tác lập quy hoạch di tích khảo cổ là rất cần thiết, nhằm sớm nhận biết, đánh giá giá trị di tích khảo cổ có kế hoạch dài hơi trong việc bảo vệ, có chính sách di dời dân cư, nhường không gian cho bảo tồn, diễn giải giá trị di sản bằng công nghệ hiện đại, khuyến khích du lịch có trách nhiệm tạo xu hướng phát triển bền vững. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác bảo tồn di tích kết hợp với phát triển du lịch nhất là những di tích ở những nơi khó tiếp cận. Việc đầu tư vào công tác bảo tồn khá tốn kém, thu lại từ việc phát triển du lịch cần có thời gian dài nên cần có chính sách riêng trong lĩnh vực này.

Chúng ta bảo tồn để phát triển chứ không phải đóng băng di tích, hàng ngày di tích cần có người chăm nom, theo dõi đánh giá tác động của môi trường từ đó mới có biện pháp bảo vệ tốt. Giá trị của di tích cũng cần nhiều người nhận biết được thông qua chương trình diễn giải giá trị của di sản. Chỉ khi cộng đồng địa phương và nhiều người khác biết đến giá trị của di tích thì cùng chung sức bảo vệ di tích tốt hơn. Và vấn đề bảo tồn cũng cần phải có nguồn lực, nguồn lực từ đâu ra, chắc không ngoài chính nguồn lực từ cộng đồng địa phương và từ việc khuyến khích phát triển du lịch trách nhiệm. Du lịch có trách nhiệm đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong hệ thống du lịch bao gồm chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhân viên làm việc trong ngành du lịch, cộng đồng địa phương và khách du lịch. Chính phủ có trách nhiệm trong việc hoạch định chính sách và đưa ra các mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm. Doanh nghiệp có trách nhiệm hiện thực hóa chỉ đạo của nhà nước trong việc thực hiện du lịch có trách nhiệm thông qua những dịch vụ du lịch mà doanh nghiệp cung cấp. Nhà quản lý và nhân viên đều cần là những thành tố tích cực trong tiếp cận du lịch có trách nhiệm. Nhân viên làm việc trong ngành du lịch cần ý thức được lợi ích của du lịch có trách nhiệm và trở thành thành phần thay đổi đầu tiên và tích cực trong xã hội theo cách tiếp cận du lịch có trách nhiệm. Cộng đồng địa phương có ý thức tiếp cận du lịch có trách nhiệm bằng cách gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương, cũng như bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vốn có tại địa phương. Khách du lịch có trách nhiệm trong việc lựa chọn các sản phẩm du lịch bền vững, có ý thức giữ gìn di sản và bảo vệ môi trường khi đi du lịch.

Ninh Bình ngày nay cuốn hút chúng ta không chỉ bởi bà mẹ trái đất đầy diễm lệ mà còn bởi cách bà đã sinh dưỡng loài người cũng như cách thích ứng của loài người trước những thử thách của bà. Để những thế hệ trong tương lai biết tôn trọng quá khứ hơn, yêu thiên nhiên, có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, thông qua di sản, tiếp cận với di tích khảo cổ là tạo nên xu hướng phát triển bền vững.

N.C.T

(Nguồn: TC VNNB 262+263-3/2022)

Bài viết khác