Thứ sáu, 04/10/2024

Phú Cổ kinh danh thắng một áng văn đặc sắc về cố đô Hoa Lư                        

Thứ năm, 27/04/2023

THANH THẢN

Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) đã có rất nhiều thơ phú ngợi ca, nhưng nổi lên hơn cả, hào sảng hơn cả là bài "Phú Cổ kinh danh thắng" của Vũ Duy Thanh.

 Vũ Duy Thanh, người làng Kim Bồng, phủ Yên Khánh (nay là làng Bồng Hải, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Ông sinh năm 1807, từ nhỏ đã nổi tiếng là "Thần đồng", từng đối đáp chữ nghĩa với quan huyện, được quan huyện rất phục tài, miễn cho đi đắp đê. Năm 37 tuổi ông đỗ Cử nhân, 45 tuổi đỗ Phó bảng, liền sau đó, kỳ thi Cát sỹ đỗ Bảng nhãn. Khi ấy “nhà Nguyễn lại có lệ “tứ bất” [lệ tứ bất: không đặt tể tướng, không lấy trạng nguyên, không lập Hoàng hậu, và không phong tước vương...” (Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.190] nên Vũ Duy Thanh dù đỗ đầu đại khoa vẫn chỉ được phong Bảng nhãn. Tuy vậy, ông vẫn được gọi là "Bảng nhãn thị Trạng nguyên" và nhân dân vẫn quen gọi là Bảng Bồng hay Trạng Bồng...    

Mộ Bảng nhãn Vũ Duy Thanh ở Ninh Bình    

Vũ Duy Thanh là một trí thức lớn, một tài năng đa diện, làm quan triều Nguyễn tới chức Tế tửu Quốc tử giám. Hiện tại Văn Miếu (Hà Nội) còn lưu tấm áo Vua ban khi ông đỗ Bảng nhãn. Ông là người biết về than đá là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của đất nước, ông cũng là người có chủ trương đóng tàu biển để chống Pháp (Phái chủ chiến). Ông mất năm 1861, thọ 54 tuổi. Một lần vua Tự Đức phái ông về Trường Yên (Ninh Bình) để xem xét vẽ họa đồ, ghi chép bi ký về kinh thành Hoa Lư. Công việc xong trở về triều, ông dâng lên vua bài phú này. Vua Tự Đức xem xong rất ca ngợi.

Bài phú ra đời sau kinh thành Hoa Lư gần 800 năm, khi chỉ còn là một phế tích, là cố đô. Những lâu đài nguy nga, tráng lệ, những lầu vàng, lầu bạc... không còn nữa... mà chỉ có hai ngôi đền thờ vua Đinh và vua Lê dựng sau này với những núi non, hang động và nhiều dấu tích đã bị vùi lấp dưới lớp đất sâu. Nhưng hình bóng kinh thành Hoa Lư đô thị Hán Tràng An thì vẫn còn ngời ngời trong sử sách, trong văn thơ và trong lòng mỗi người dân đất Việt. Vậy mà với tài văn chương, với sức tưởng tượng phong phú, Vũ Duy Thanh vẫn tái hiện được một cách sinh động về kinh thành Hoa Lư (Một kinh đô đá) nguy nga, tráng lệ, lồng lộng giữa trời Nam.

Bài phú được kết bằng một bài thơ "Thất ngôn bát cú". Giọng văn khỏe khoắn, hùng hồn tràn đầy niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Vào bài phú, tác giả khái quát, khẳng định vị thế của kinh đô Hoa Lư: “Tảng đá trời xây, bức tranh trời vẽ/ Nét mực cố đô, dấu xe Thịnh đế/ Có thành quách, có lâu đài/ Có đẳng uy, có đường bệ/ Sự ấy còn truyền, bia không xiết kể...”

Bài phú ghi nhận chiến công hiển hách của Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp tan 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối: “Vua Đinh thuở ấy là đấng anh hùng/ Mấy bậc tướng tá đều bậc trung trinh”.

Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi trị vì, xây dựng đất nước, đó là một đại phúc của nước mà mọi người dân nước Nam đều mong đợi. Ông viết: “Phúc nước Nam có người trị nước/ Buổi kinh luân hết thảy đều trông”.

Quang cảnh kinh đô Hoa Lư đã lùi xa, nhưng được ông "dựng" lại một cách sinh động, tài tình. Những hình ảnh trùng điệp nối nhau làm hiện lên một kinh thành sừng sững, uy nghi như tất cả vẫn còn đó: “Núi Mã nghìn trùng xa ngắt, thành đắp đã cao/ Sông Long một dải trong veo, hào hào cũng rộng/ Nào phủ tía, nào lầu son, nào đài lân, nào gác phụng/ Nào trường tập trận, đánh giặc nước Chiêm/ Nào quán tiễn nghi, tiếp quan nhà Tống/ Trên đường tía trăm quan đô hội, ngựa ngựa, xe xe/ Dưới cờ đào, mười đạo nghiêm binh, chiêng chiêng, trống trống”. Ông khẳng định đây là nơi đệ nhất: “Xem tượng Bắc Thần, Bắc Cực còn đâu bằng xứ Hoa Lư/ Phong cảnh tốt thay, đệ nhất là đây/ Phong Châu khôn sánh, Phong Khê nào tày...

Thế mà tất cả chỉ còn là phế tích. Trước cảnh biến thiên, vật đổi sao dời ấy ai mà không ngậm ngùi nhỏ những giọt lệ hoài cổ, xót xa, thương tiếc. Giọng văn bỗng trùng xuống, nghe như có tiếng nấc từ sâu thẳm trái tim ông: “Những tưởng muôn năm cơ nghiệp, cột đá khôn lay/ Từ khi đỉnh hồ xe khuất, ngân hải bóng lìa/ Sao dời vật đổi, gió táp mưa sa/ Dòng thu giang rồng vắng đã lâu, nước xuôi cuồn cuộn/ Đỉnh hoa biểu, hạc về những muộn, trăng xế tà tà/ Bàn cờ Triều thị, giấc mộng quan hà/ Hồn quyên khắc khoải, tiếng dế thiết tha...”

Bài phú được kết bằng một bài thơ thất ngôn bát cú. Bài thơ cũng nêu được một cách khái quát hình ảnh cố đô Hoa Lư. Và thêm một lần tác giả lại bộc lộ cảm xúc nuối tiếc, hoài cổ nhớ thương một cố đô xưa cũ và cũng toát lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tuy nhỏ bé nhưng thật anh hùng của mình: “Một vùng sao rạng thanh gươm báu/ Năm sắc mây phong bộ áo chầu/ Công cả lưu truyền trong tám cõi/ Khí thiêng phảng phất dưới ngàn thâu”.

Bài "Phú Cổ kinh danh thắng" của Bảng Bồng Vũ Duy Thanh, quả là một bức tranh tái hiện sinh động về cố đô Hoa Lư xưa bằng ngôn từ, hình ảnh văn chương - một bức tranh không bao giờ phai nét, một áng văn chương sáng mãi ngàn thu với quê hương, đất nước...

                                                                                                              T.T

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

 

Bài viết khác