NGUYỄN CAO TẤN
Hàng loạt những di tích khảo cổ ở hang động, mái đá trong vùng Kinh đô Hoa Lư xưa được phát hiện và nghiên cứu đã cho chúng ta những thông tin để viết nên một câu chuyện thú vị về người tiền sử định cư, sử dụng hang động, mái đá, thung lũng đá vôi làm không gian sinh dưỡng cũng như việc họ sống và thích ứng với những biến đổi lớn về khí hậu từ khô lạnh sang nóng ẩm hay từ môi trường lục địa sang môi trường biển cả và ngược lại. Tuy vậy vẫn còn những câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học rằng sự giao lưu và trao đổi giữa những nhóm cư dân sống trong hang động này với những nhóm cư dân khác diễn ra như thế nào? hay thời đại Kim khí cách ngày nay khoảng 4.000 năm liệu những nhóm cư dân cổ còn tiếp tục cư trú trong những thung lũng, mái đá, hang động hay không? Và sự hình thành Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X ở đây diễn ra như thế nào, có liên quan gì với nhau? Sự tiếp tục thích ứng của nhóm cư dân trước bối cảnh môi trường tự nhiên và xã hội ở đây như thế nào đặc biệt khi nó có vai trò là một kinh đô. Và sau khi hết vai trò là một kinh đô thì vùng đất này như thế nào? Trên cơ sở những thông tin có được qua những phát hiện mới về khảo cổ; qua một số cuộc khai quật các di tích trong và ngoài phạm vi Kinh đô Hoa Lư xưa, qua điều tra khảo sát về sự định cư của một số dòng họ cùng một số di tích chúng ta tạm có câu trả lời cho những vấn đề đặt ra.
Sự xuất hiện một số di vật như mảnh gốm, rìu đá thời đại kim khí có niên đại cách ngày nay từ 3000 đến 4000 năm một cách lẻ tẻ, rời rạc không ăn nhập, không cùng lớp văn hóa thời đại đồ đá trong các di tích khảo cổ học hang động và mái đá thuộc khu vực Kinh đô Hoa Lư xưa: Hang Núi Tướng; Hang Ốc; Mái đá Vàng; Mái đá Chợ; Hang Thung Bình; Hang Áng Nồi; Hang Mòi; Hang Son… đã báo hiệu sự kết thúc việc định cư của cư dân thời đại kim khí trong mái đá và hang động. Những hiện vật lẻ tẻ xuất hiện trên bề mặt của di tích hang động và mái đá kể trên ghi nhận rằng đã có những nhóm cư dân thời đại kim khí qua lại nơi đây vì mục đích kiếm sống và trú ẩn ngắn ngày.
Sự xuất hiện những di tích, di vật xuất lộ trong phạm vi và vùng liền kề Kinh đô Hoa Lư (di sản Quần thể danh thắng Tràng An) là những minh chứng cụ thể cho nhận định loài người vẫn tiếp tục sử dụng nơi đây làm không gian sinh dưỡng, mở rộng phạm vi cư trú. Cũng qua những tư liệu này cho chúng ta viết nên câu truyện về sự dịch chuyển nơi cư trú theo hướng biển thoái (Sau biển tiến Holocene giữa khoảng 4.000 năm cách ngày nay), từ cao xuống thấp, theo hướng từ không gian khép kín (thung lũng kín trong khu trung tâm khối đá vôi) ra không gian mở (thung lũng mở), ngoài rìa khối đá vôi Tràng An, những nhóm cư dân cư trú trong hang đá và mái đá ra cư trú ngoài trời, trên những cồn cát, bãi bồi ven biển.
Nhóm các di tích thời đại kim khí nằm ở rìa phía Đông Nam của di sản gồm: Di tích Núi Sệu; di tích núi Liên Sơn; di tích núi Phượng đều có đặc điểm chung là cư dân cứ trú trên những cồn cát mầu nâu xám, ven chân núi. Địa hình cồn cát này xuất hiện do phù sa sông bồi lắng, tích tụ khi biển thoái (khoảng 4.000 năm cách ngày nay). Qua loại hình gốm và công cụ đồ đá xuất lộ có thể đoán định niên đại của những di tích này cách ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm. Tại những di tích này có thể nhận biết họ vừa khai thác nguồn hải sản ven biển lẫn nguồn thức ăn từ khối núi đá vôi Tràng An và những thung lũng kín còn ngập nước do không được phù sa sông bồi đắp. Như vậy có thể khẳng định ngay sau khi bắt đầu hình thành các cồn trầm tích sông (cồn cát, bãi bồi ven biển) ở giai đoạn biển thoái cách ngày nay 4.000 năm ở phía Đông Nam Quần thể danh thắng Tràng An, cư dân thời đại kim khí đã chiếm cứ làm vùng sinh dưỡng.
Nhóm di tích phía Tây Nam của Quần thể danh thắng Tràng An có các di tích; Núi Ốc; Núi Ốp; Đồi Ông Cẩm (xã Yên Sơn) thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.000 năm xa hơn nữa về phía Tây Nam có di tích Núi Một; di tích Núi Hai (phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp), thuộc giai đoạn trước Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng 3000 năm cho thấy nhóm cư dân cổ ở Tràng An có quan hệ qua lại với nhóm cư dân ở khu vực đồi núi đá vôi Tam Điệp.
Nhóm di tích, di vật phía Tây Bắc của Quần thể danh thắng Tràng An có di tích Núi Xưa, nơi đây xuất lộ nhiều gốm và vỏ nhuyễn thể biển, gốm ở đây thuộc dạng gốm trong Văn hóa Đông Sơn; di vật trống đồng xuất lộ ở đồi Đống (đều thuộc xã Sơn Lai, huyện Nho Quan).
Nhóm di vật xuất lộ khá đậm đặc ở phía Đông Bắc của Quần thể danh thắng Tràng An: chủ yếu trong không gian của thung lũng Cố đô Hoa Lư, đây là thung lũng mở được quây quanh bởi hệ thống núi đá vôi không liền khối, nơi giao thoa giữa địa hình karst tháp và nón karst được nối với nhau bởi những sống núi sắc mảnh, có dòng sông Sào Khê chảy qua. Thành Hoa Lư có những cửa nước (water gate) ở đoạn tường thành có dòng Sào Khê chảy qua thể hiện sự thích ứng và lợi dụng giao thông thủy trong kinh thành. Tuy nhiên thung lũng này không được bồi đắp đầy đặn như những bãi bồi trước núi ở phía Đông Nam của Quần thể danh thắng Tràng An. Do vậy mà cho đến thế kỷ X nơi đây là khu trung tâm của Kinh thành Hoa Lư, khi xây dựng kinh thành để gia cố móng tôn cao nền trong các công trình kiến trúc đều thấy việc dùng các cây thuộc họ cỏ để lót lên lớp phù sa sông biển còn chưa được định hình nên lầy lội, hay đóng bè móng gỗ để chống lún trước khi xây dựng. Những di vật xuất hiện trong khu vực này là những rìu đá có vai được mài toàn thân có niên đại khoảng 3000 đến 4000 năm cách ngày nay; mộ thuyền, mộ xây cuốn vòm có niên đại khoảng 2000 năm cách ngày nay cùng với đó là những mảnh gốm Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm. Một số di vật thuộc dạng vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, có niên đại khoảng 1300 năm cách ngày nay.
Từ hàng loạt các di tích; di vật thời đại kim khí; các di tích, di vật thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt xuất hiện trong phạm vi và vùng liền kề với không gian Kinh đô Hoa Lư xưa khẳng định vùng đất này luôn được loài người sử dụng làm nơi định cư. Ngay sau khi hình thành những bãi bồi do tích tụ bồi đắp của sông ở thời kỳ biển thoái khoảng 4000 năm cách ngày nay cư dân cổ đã chiếm cứ, định cư, hướng khai thác nguồn lợi từ biển song vẫn khai thác nguồn lợi từ phía rừng núi, thung lũng Tràng An, họ cư trú ngoài trời, di chuyển, kiếm sống sâu vào vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An thông qua sông Sào Khê; sông Đền Vối; sông Ngô Đồng đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trong lòng di sản. Họ kiếm sống và giao lưu về phía biển thông qua sông Hoàng Long, sông Đáy. Và ở thế kỷ X ở thung lũng mở Hoa Lư được người dân nước Việt tận dụng, đắp thành, khép kín thung lũng xây dựng kinh đô Hoa Lư, một kinh đô cận kề với biển, phục hồi nền độc lập tự chủ, tiếp nối quốc thống các vua Hùng, xây dựng nền văn hóa Việt dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống Đông Sơn.
Năm 1982, tại hội nghị, hội thảo về “Lịch sử thế kỷ X”, trong tham luận, giáo sư Trần Quốc Vượng có viết: “Không gian Hoa Lư” là bản lề, quá độ, trung gian giữa Giao và Ái, giữa sông Hồng và sông Mã, Mường và Việt, rừng núi và đồng bằng, giữa An Nam Tống Bình và Đại Việt Thăng Long giữa thế kỷ IX và thế kỷ XI, có ý nghĩa địa kinh tế - chính trị - xã hội - chiến lược lớn lao.
Cùng với nhân dân Đại Việt, trong thời kỳ Lý - Trần, vùng đất Kinh đô Hoa Lư xưa hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà lịch sử giao phó; thêm một lần nữa, vùng đất địa chiến lược này lại là nơi kiến dựng hành doanh vương triều, nơi hoạch định kế sách đánh giặc giữ nước, ghi tiếp một mốc son trong trang sử vẻ vang dựng nước và giữ nước của dân tộc ở thế kỷ XIII. Chúng ta đang nâng niu, bảo tồn các di tích liên quan đến các sự kiện lịch sử của đất nước như các đền thờ liên quan tới nhân vật lịch sử Trần Thái Tông; Trần Thánh Tông; Trần Nhân Tông; Trần Thị Dung; Trương hán Siêu; Trần Quốc Tảng; Tô Hiến Thành; Đào Dương Bật; Trần Nhật Duật; Yết Kiêu… trong không gian của những điền trang thái ấp xưa, nơi lưu lại những tư liệu lịch sử quan trọng của dân tộc.
Trong Khu di tích cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ…Các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đều đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau. Trong số các di tích trên nổi bật là 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trên địa bàn của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá có tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có đền thờ công chúa Phất Kim, thờ con gái vua Đinh, chùa Nhất Trụ nổi tiếng với cột đá khắc kinh phật ở thế kỷ X.
Chúng ta có hàng loạt những di sản là nhà thờ các dòng họ, qua đó phản ánh quá trình lập làng, mở đất, mở nước, mở lịch sử văn hóa truyền thống của các dòng họ cùng hun đúc nên truyền thống văn hóa dân tộc trên vùng Kinh đô xưa. Ở giai đoạn trước và sau chiến tranh Nam- Bắc triều là thời điểm nhiều dòng họ có sự thay đổi về tên gọi, gốc tích nhằm giữ hòa hiếu. Họ Mạc đổi sang họ Nguyễn (họ Nguyễn gốc Mạc), sang họ Phạm (họ Phạm gốc Mạc); họ Phạm (dòng dõi tiến sỹ Phạm Khắc Thận- Phạm Cương Nghị) đổi sang họ Nguyễn (họ Nguyễn gốc Phạm); họ Ngô (dòng dõi quận công Ngô Đình Nga) đổi sang họ Dương (họ Dương gốc Ngô, sinh Dương tử Ngô); họ Phạm (chi nhánh gốc là quận công Phạm Quỳnh, con là tướng quân Phạm Dao vốn gốc ở làng Dương Vũ, Ninh Vân, Hoa Lư di cư xuống Yên Mô đổi sang họ Vũ)….Và cũng trong thời điểm này họ Giang vốn là con cháu cụ Hàn Giang Hầu có gốc họ Nguyễn (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) ở sứ Đông (Hải Dương, Hải Phòng) xuất hiện ở đất Trường Yên.
Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể ấy là những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Hoa Lư với tích cờ lau tập trận, lễ rước nước… hay tín ngưỡng thờ thần núi, tín ngưỡng thờ Mẫu cùng các tín ngưỡng tôn giáo khác gắn với các địa danh huyền thoại. Những di sản văn hóa phi vật thể ấy đã song song tồn tại hàng ngàn năm ở những làng quê - làng nghề bên những công trình di tích lịch sử, là phần hồn văn hóa dân tộc Việt.
Đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc, điểm lại những di sản văn hóa trên đất Kinh đô Hoa Lư xưa cho chúng ta thấy một bức tranh di sản của ông cha đa sắc màu, sâu lắng hồn sông núi. Từ lịch sử địa chất, địa mạo đến dấu ấn lịch sử nhân loại cho chúng ta tuyên bố với thế giới giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, thiên nhiên để được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An) đến những dấu tích (khảo cổ) vật chất thời kỳ đầu dựng nước bên cạnh những di tích, truyền thuyết liên quan tới các tướng thời Hùng Vương dựng nước, rồi các di tích, truyền thuyết liên quan tới các tướng dưới thời hai bà Trưng giữ nước còn in đậm trên vùng đất Hoa Lư. Và vai trò là Kinh đô của nước Việt (kinh đô Hoa Lư) ở cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, thống nhất giang sơn gắn liền với anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng, chiến tích kháng Tống, bình Chiêm của Lê Hoàn. Kinh đô Hoa Lư - nơi giao thoa không gian văn hóa (sông Hồng, sông Mã), giao thoa không gian xã hội Việt-Mường, nơi giao thoa không gian địa mạo núi đồi và vùng đồng bằng trước núi. Thời điểm hình thành kinh đô là bản lề cánh cửa khép lại một ngàn năm thuộc Bắc, mở ra thời kỳ độc lập, phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa. Sang thời Trần, có hành cung Vũ Lâm góp phần chiến thắng quân Nguyên; rồi khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi; địa bàn phân tranh thời kỳ Nam-Bắc triều, nơi hội tụ những tướng tài; là địa bàn cho phong trào cộng sản sớm nẩy mầm, phát triển.
Dấu tích thành quách xưa cùng hàng ngàn công trình kiến trúc, di vật, di văn bia đá vẫn đang thi gan cùng tuế nguyệt. Những di tích, di vật ấy đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Những tên làng đậm chất Mường-Việt (Me, Mí, Mèn, Mát, Ác, Láo…) và trong không gian làng còn đang bảo tồn lối hát đối Rằng thường bên cạnh các làng vùng đồng bằng có hát chèo, hát xẩm, hát ả đào…. Những tên thung (Ui, Bói, Bim...), tên áng (Đại, Lấm, Sơn, Ngũ…), tên lòng (Kháo, Trò, Bong) thể hiện cả một quá trình đi mở đất trong không gian núi đồi, thung lũng và vùng đồng bằng trước núi. Cùng với đó là sự hội tụ và lan tỏa của các dòng họ trong quá trình đi mở đất lập làng, di dân, di thần để lại biết bao những dấu ấn vật chất, phong tục, tập quán và văn hóa ẩm thực…Và đây cũng là không gian để Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo sớm thâm nhập, tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẫu Liễu), thờ Cha (Trần Hưng Đạo), phát triển mạnh mẽ .
Từ cái nôi di sản văn hóa sâu đậm trong dòng chảy lịch sử dân tộc, con em vùng đất Kinh đô Hoa Lư xưa ngày nay đã và đang phát huy truyền thống của ông cha, cùng với nhân dân cả nước giữ vững độc lập dân tộc tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm cho sinh cảnh vùng đất Kinh đô Hoa Lư xưa thêm sống động và nhiều mầu sắc.
N.C.T