

NGUYỄN CAO TẤN
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (sau đây gọi tắt là Di sản Tràng An), có diện tích khoảng 12.000 ha, ở về phía tây nam tam giác châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 90 km theo đường chim bay.
Là phần kéo dài và phân tán về phía đông của dãy núi đá vôi đồ sộ phía tây bắc của tổ quốc, hay trong không gian rộng hơn nơi đây là phần chân của dãy Hymalaya vươn ra biển Thái Bình Dương. Di sản Tràng An có nhiều dãy núi đá vôi chạy theo hướng tây bắc - đông nam cùng song song là những dòng sông, suối nhỏ, trong không gian ấy điểm thêm những thung lũng, làng mạc, những cánh đồng trước núi, mom sông, những hồ nước trong xanh in bóng mây trời tạo nên một cảnh sắc đẹp mắt. Thời điểm hình thành những dãy đá vôi này dao động trong khoảng 250 triệu năm cách ngày nay. Trải qua nhiều thời kỳ bị nâng lên, hạ xuống, bị uốn nếp, bào mòn dẫn đến những dãy đá vôi ở đây có dạng địa hình hết sức đa dạng với hàng loạt các hệ thống thung lũng, hố sụt, hang động cạn và hang động nước nối thông giữa các hố sụt, thung lũng ngập nước hay chạy dài theo những dãy núi đá vôi sắc mảnh. Và đặc biệt hơn nữa hầu hết những dãy núi đá vôi ở đây đều chịu sự xâm lấn và biến cải nhiều lần bởi biển trong giai đoạn Pleistocene sang giai đoạn Holocene. Nơi đây còn sở hữu địa hình đồng bằng phù sa cổ ở trước núi, địa hình cồn cát xuất hiện trong quá trình hình thành đồng bằng sông Hồng. Riêng về mặt địa chất, địa mạo của di sản Tràng An cũng đã đủ cho chúng ta tuyên bố với thế giới về giá trị nổi bật toàn cầu bởi nó đã nói lên một giai đoạn lịch sử hình thành trái đất với một dạng địa mạo riêng, cần bổ sung vào sách giáo khoa địa lý của thế giới, đó là vùng giao thoa giữa những tháp núi đá vôi được nối liền với nhau bởi những sống núi sắc mảnh và những tháp núi đá vôi đứng độc lập cùng đều bị biến cải nhiều lần do sự xâm thực của biển.
Miền Hạ Long trên cạn Ảnh: Bùi Tuấn Hải
Trên cơ sở lịch sử địa chất lâu dài, đa dạng về địa hình, địa mạo là điểm giao thoa giữa các luồng di cư của động vật, thực vật theo hướng lục địa và biển và giữa các vịnh biển theo hướng bắc - nam đã làm cho Di sản Tràng An có một hệ sinh thái hết sức đa dạng. Đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện sớm của loài người, là tiền đề góp phần hình thành Nhà nước và có một thời đóng vai trò là Kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Và vùng đất này cũng là điểm giao thoa về văn hóa, điểm hội tụ và lan tỏa của một số tôn giáo lớn. Tất cả những thứ đó làm nên một kho di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Vào năm thứ ba của thế kỷ XXI (2002), xuất phát từ sự ham muốn khám phá, điền dã khảo cổ, một thầy giáo ở địa phương đã phát hiện ra di tích khảo cổ hang Bói, đây cũng là thời điểm mở đầu cho sự phát hiện trên 30 di tích khảo cổ thời tiền sử ở Di sản Tràng An (người thầy này cũng là nhân vật phát hiện ra hơn nửa số di tích kể trên). Qua quá trình hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa các đơn vị nghiên cứu ở trong nước và quốc tế như Viện Khảo cổ học Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Trường Đại học Cambridge và Đại học Queens Belfast đến từ Vương quốc Anh cùng một số chuyên gia đến từ Nhật Bản. Trên 10 năm nghiên cứu đã cho chúng ta một kho tư liệu vô cùng phong phú về lịch sử nhân loại. Từ những vỏ ốc biển được chế tác làm đồ trang sức (vòng đeo tay; đeo cổ…) có tuổi trên 20.000 năm, đến những mảnh gốm có niên đại sớm trên dưới 9.000 năm (xác định nơi đây là một trong những cái nôi của gốm có tuổi sớm nhất ở vùng Đông nam Á và thế giới) được trang trí văn đập; cùng với hàng loạt các công cụ đồ đá, đồ xương được phát hiện trong các di tích khảo cổ làm cho chúng ta ngỡ ngàng về cách kiếm sống, cách làm đẹp của người Tiền sử, cách di chuyển của người tiền sử ra khỏi nơi cư trú hàng chục cây số để giao lưu, trao đổi hay cách di cư theo mùa, theo chu kỳ sinh trưởng của động, thực vật đến những vùng đất mới hay trở lại chốn cũ. Cách di chuyển này cũng là cứ liệu để chúng ta giải thích cách di cư khắp trái đất của người tiền sử, một cuộc du lịch đầy thú vị ngoài mục đích kiếm sống, sinh dưỡng, còn có mục đích khám phá, đáp ứng nhu cầu làm đẹp, nhu cầu tinh thần của người Tiền sử. Và tất cả những thông tin ấy cho chúng ta viết nên một câu chuyện thú vị về cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo, thậm trí có cả những hiện tượng thiên tai bất thường như động đất. Chúng ta có thể khẳng định một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Tràng An, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm và qua đó trước những biến đổi khí hậu ngày nay từ những thông tin có được, từ di sản nhân loại cho chúng ta một kinh nghiệm sống, một trải nghiệm trong hiện tại và trong tương lai. Do vậy ngoài những tiêu chí về địa chất, địa mạo Di sản Tràng An còn có tiêu chí nổi bật toàn cầu về giá trị Văn hóa.
Từ hàng loạt các di tích; di vật thời đại kim khí; các di tích, di vật thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt xuất hiện trong phạm vi và vùng liền kề với Di sản Tràng An là cơ sở để khẳng định vùng đất này luôn được loài người sử dụng làm nơi định cư hay nơi đến để kiếm sống và hơn nữa là khám phá. Ngay sau khi hình thành những bãi bồi do tích tụ bồi đắp của sông ở thời kỳ biển thoái khoảng 4.000 năm cách ngày nay cư dân cổ đã chiếm cứ, định cư, hướng khai thác nguồn lợi từ biển song vẫn khai thác nguồn lợi từ phía rừng núi, thung lũng Tràng An, họ cư trú ngoài trời, di chuyển, kiếm sống sâu vào vùng lõi của Di sản Tràng An thông qua sông Sào Khê; sông Đền Vối; sông Ngô Đồng đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trong lòng di sản. Họ kiếm sống và giao lưu về phía biển thông qua biển.
Và ở thế kỷ X ở thung lũng mở Hoa Lư được người dân nước Việt lợi dụng xây dựng Kinh đô, đắp thành, khép kín thung lũng Hoa Lư để phục hưng văn hóa Việt, làm tiền đề hun đúc nên nền Văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long - Hà Nội. Và đến thế kỷ XIII vua tôi nhà Trần lại chọn nơi đây xây dựng hành cung, củng cố lực lượng góp phần chiến thắng quân Nguyên Mông. Và nơi đây còn có những dấu tích của thời kỳ Nam - Bắc triều (Trịnh - Mạc) khá đậm nét trên những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, bia đá. Dấu tích xưa còn đó. Từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học đã bắt đầu công cuộc nghiên cứu về Kinh đô Hoa Lư. Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất đã tìm thấy nhiều dấu tích tường thành được kè móng gỗ và xây gạch rất kiên cố, trong đó có loại gạch đặc sắc in chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” có nghĩa là Gạch xây quân thành nước Đại Việt, thể hiện ý chí tự lập, tự cường, tự chủ của một quốc gia độc lập, thống nhất.
Năm 1998, tại khu vực phía Nam đền vua Lê, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một phần sân của cung điện thế kỷ X nằm sâu dưới mặt đất 95cm, được xây bằng loại gạch vuông trang trí hoa sen và hình chim phượng rất độc đáo. Với những mô típ hoa văn có bố cục hài hòa, đẹp mắt, mang tính triết lý sâu sắc, có vuông (gạch hình vuông), có tròn (có bông sen tròn, đôi chim phượng vần vũ tạo nên xoáy tròn), có động (chim, bướm) có tĩnh (hoa sen, hoa cúc).
Khai quật phía Bắc đền vua Lê, năm 2009 - 2010, các nhà khảo cổ học tiếp tục tìm thấy dấu tích móng tường bao của cung điện được xây bằng loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, cùng nhiều đồ dùng vật dụng và các loại ngói lợp mái cung điện thời Đinh - Tiền Lê.
Những vật liệu kiến trúc ở Hoa Lư còn thể hiện rõ bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc, thể hiện ở: những viên gạch ghi quốc hiệu Đại Việt, các đề tài trang trí có sự khác biệt các đề tài tương tự ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Việc tiếp nhận một số đề tài hoa sen, chim phượng từ Trung Quốc đều đã được biến điệu hoàn toàn. Việc tiếp thu loại ngói mũi lá Chămpa đã sáng tạo thêm hai đường gờ ở lưng ngói. Tất cả đã tạo ra phong cách dân tộc rất rõ ngay từ buổi đầu đất nước được độc lập. Tinh thần đó không phải có ngay từ Hoa Lư mà nó được tiếp thu truyền thống dựng và giữ nước lâu dài trước đó của người Việt đến nay được dịp trổ hoa kết trái. Tinh thần đó cũng tạo ra nhiều tiền đề vật chất cho các thời sau tiếp nhận và phát huy. Nghiên cứu truyền thống văn hóa Việt Nam từ thời Đinh Lê đến thời Lý Trần có thể nói văn hóa Lý Trần tiếp tục văn hóa Đinh Lê và phát triển tới đỉnh cao, không thể có văn hóa Lý Trần nếu không có văn hóa Đinh Lê.
Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất trong nhiều năm qua đã góp phần làm sáng rõ diện mạo của Kinh đô Hoa Lư: thành quách kiên cố, có nhiều kiến trúc quy mô lớn và các cung điện, lầu gác được trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng của thời Đinh và Tiền Lê.
Dấu tích sân gạch cung điện đang bảo tồn dưới lòng đất cùng các loại hình di vật khảo cổ học trưng bày tại đây, bên cạnh những di vật là những hình ảnh sinh động về di sản văn hóa của thời Đinh - Tiền Lê, gợi cho chúng ta về những trang sử hào hùng của Kinh đô Hoa Lư hơn một ngàn năm về trước.
Cố đô Hoa Lư là nơi lắng đọng những ký ức vàng son của vương triều nhà Đinh và nhà Tiền Lê, là hình ảnh phản chiếu sinh động về dấu ấn của trung tâm quyền lực đầu tiên của Đại Việt trong lịch sử.
Trong Di sản Tràng An còn có sự hiện diện hàng trăm đền, chùa, miếu, phủ… các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi đều đồng điệu cùng thiên nhiên, đó là cách con người ở nơi đây điểm tô, nhấn nhá vào thiên nhiên cho cảnh sắc thêm tình. Và vì vậy chúng đều có kiến trúc mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao. Nổi bật là hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trên địa bàn của kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang yếu tố cung đình bên cạnh những mảng hoa văn trang trí mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập Long sàng bằng đá (bảo vật quốc gia); phủ việt (bảo vật quốc gia) có tính mỹ thuật đặc sắc, đạt đến đỉnh cao, tinh tế và mang nhiều thông điệp văn hóa của thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có đền thờ công chúa Phất Kim, con gái vua Đinh; chùa Nhất Trụ, nổi tiếng với cột đá khắc kinh phật, niên đại thế kỷ X; đền Thái Vi, thờ các vị vua Trần; đền Trần (đền Nội Lâm), thờ Thần Núi với lối kiến trúc đá tinh sảo... hiện hữu quanh những thung lũng đá vôi và dòng sông Sào Khê, dòng Ngô Đồng… thơ mộng.
Riêng với tín ngưỡng thờ thần núi, theo thống kê sơ bộ ban đầu trong Di sản Tràng An có trên 30 di tích thờ Thần Núi, gắn với những di tích này là những câu truyện dân gian, những lễ hội, phong tục, tập quán liên quan tới tín ngưỡng thờ vị thần này. Tạm thời lý giải ngọn nguồn tín ngưỡng thờ thần núi ở nơi đây, trước hết đây là không gian của núi, thung lũng gắn với những dòng sông thơ mộng. Trải qua hàng chục nghìn năm sống dựa vào sự tre trở của núi rừng, khai thác nguồn thức ăn từ núi rừng loài người ở đây đã chứng kiến nhiều biến đổi về tự nhiên, những hiện tượng lạ từ núi rừng đã gây nên sự ngạc nhiên, kinh ngạc chưa thể giải thích, tiếp tục được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được chắt lọc, được thiêng hóa và được thờ theo tín ngưỡng thờ vật tổ, thờ những gì gần gũi với họ, những gì nuôi sống họ mà ở đây trước hết là đá (đá làm công sản xuất), là núi (không gian sinh dưỡng núi rừng ở đây là những thung lũng đá vôi). Và đặc biệt trong buổi đầu dựng nước của dân tộc Việt hàng loạt những truyền thuyết về các vị thần núi hóa thân thành những vị tướng giúp vua Hùng dựng nước hay ngược lại “sinh vi danh tướng tử vi thần”, được thiêng hóa, thánh hóa như Tam vị đức thánh Tản Viên, Tam vị đức Hoàng Công; Tam vị Vãng Vị… Việc trở lại với tính thiêng liêng, mà trong nhiều người được hiểu là tâm linh, không chỉ là mối bận tâm của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay, mà còn như Malreaux, nhà “tiên tri” của văn hóa hiện đại Pháp, đã từng dự báo cuối thế kỷ XX rằng: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả”. Trở lại với Lễ hội đền Trần ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, giỗ thánh Quý Minh Đại Vương (điểm trung tâm của khối núi đá vôi, khu hang động Tràng An); lễ hội Bái Đính, giỗ thánh Cao Sơn vào mồng 6 tháng giêng (trên Núi Đính, phía tây của khối núi đá vôi)… và nhiều di tích có tín ngưỡng thờ thần núi khác là trở lại với di sản niềm tin đã được thiêng hóa, được truyền tụng giúp cho thế hệ hôm nay có thêm niềm tin giữa con người với con người, niềm tin giữa cộng đồng với chính quyền địa phương để cùng nhau tiếp nối truyền thống của cha ông bảo vệ môi trường sống núi rừng, phát triển nền kinh tế du lịch dựa trên nền cảnh thiên nhiên đẹp gắn kết với nền văn hóa tâm linh bền vững, là di sản của hôm nay truyền lại cho những thế hệ sau.
Làm nên giá trị di sản Tràng An không thể không kể đến những danh lam như chùa Bích Động, trong không gian được mệnh danh Nam thiên đệ nhị động (động đẹp thứ nhì trời Nam); chùa Bái Đính (nơi có bức đại tự “Minh đỉnh danh lam” hàm ý nơi có cảnh quan đẹp nên được khắc ghi để lưu truyền muôn đời); chùa hang Đìa; chùa và động Hoa Sơn (tương truyền nơi nuôi dưỡng ấu chúa Đinh Toàn, con trai vua Đinh Tiên Hoàng); chùa Nhất Trụ; chùa Bà Ngô; chùa Kim Kê; chùa và động Am Tiên… Nơi lưu giữ di sản văn hóa Phật giáo, kiến trúc đồng điệu cùng thiên nhiên, nhiều bia đá có tính mỹ thuật độc đáo gắn với các di tích, ghi lại những sự kiện trở thành hệ thống di sản ký ức.
Gắn với những di tích là những lễ nghi (tôn giáo, tín ngưỡng) là những hội hè. Về với Lễ hội Hoa Lư tôn vinh anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng Đế có công tiếp nối các vua Hùng; giữ vững nền độc lập dân tộc thống nhất non sông; và hòa vào tuổi thơ của ông tập trận cờ lau. Về với lễ hội đền Thái Vi để tưởng nhớ công lao các vua Trần chống giặc ngoại sâm. Cùng với đó là đến với các lễ hội cầu ước được sự che trở của đức Phật; của thánh Mẫu trong lễ hội chùa Bái Đính. Và đặc biệt trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt hàng loạt những truyền thuyết về các vị thần núi hóa thân thành những vị tướng, hay ngược lại những vị tướng lại hóa thân thành thần núi, giúp vua Hùng dựng nước và giữ nước, đã được thiêng hóa, thánh hóa trong đó có thần Núi và thánh Mẫu (mẫu Thượng Ngàn). Có lẽ vì thế nên có lễ rước nước trong lễ hội Tràng An theo tâm thức “Núi sừng sững thâm nghiêm như Cha, Nước dịu ngọt hiền hòa như Mẹ”, có nghi thức rước Mẹ về với Cha. Hòa vào các lễ hội và trở về với cuộc sống thực tại, cho chúng ta thêm tin yêu cuộc sống.
Di sản Tràng An còn là một kho tư liệu về thơ ca. Tiếng ru từ ngàn đời ở nơi đây còn vang vọng: “à ơi à à ơi… à ơi à à ơì… Núi cao bởi có đất bồi…, núi chê đất thấp… núi ngồi vào đâu…? Trăm dòng sông đổ biển sâu…., biển chê sông hẹp lấy đâu núi ngồi…”. Phải chăng lời ru ở đây thể hiện sự cảm nhận của tiền nhân về diện mạo cảnh quan giao thoa giữa núi bên sông và núi trên biển ở cái nơi đã qua bao cuộc bể dâu. Từ xưa nơi đây cũng đã là nguồn cảm hứng thơ ca cho nhiều tao nhân mặc khách. Thời Tiền Lê, năm 987, sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang nước Đại Cồ Việt, đi thuyền vào Kinh đô Hoa Lư. Vua Lê Đại Hành sai Thiền sư Đỗ Thuận giả là người cai quản bến đò để xem xét hành động của Lý Giác. Là người thích thơ văn, lúc qua sông thấy hai con ngỗng đang bơi, Lý Giác ngâm hai câu: “Nga nga lưỡng nga nga/ Ngưỡng diện hướng thiên nga”. (Ngỗng ngỗng hai con ngỗng/ Ngửa mặt nhìn chân trời).
Sư Pháp Thuận đang cầm chèo, theo vần đọc tiếp hai câu: “Bạch mao phô lục thủy/ Hồng trạo bãi thanh ba”. (Nước xanh phô lông trắng/ Chèo hồng sóng xanh bơi).
Lý Giác thấy vậy lấy làm thán phục vì hai câu thơ của sư Pháp Thuận là tuyệt cú. Vì cả bốn câu ghép lại thành bài thơ tứ tuyệt rất hay.
Sang thế kỷ 13, khi vua Trần Nhân Tông qua vùng đất này với mục đích khám phá, tìm chốn tu thiền hay xây dựng phên dậu chống giặc ngoại xâm, trước vẻ đẹp ở nơi đây đã có bài thơ Chiều thu ở Vũ Lâm: “Lòng khe in ngược bóng cầu hoa/ Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà/ Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ/ Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa”.
Đến thế kỷ 19, Cao Bá Quát qua vùng đất này thấy sông, thấy núi đã thốt lên rằng: “Sông tựa dải là cô gái đẹp/ Núi như chén ốc khách làng say”.
Một trong những nhu cầu tự nhiên của con người là tìm hiểu về quá khứ, hiểu về thời đã qua và mong muốn cao hơn nữa là “ôn cố tri tân” tìm hiểu về cái cũ để nhận biết được cái mới trong hiện tại và dự đoán tương lai. Hôm nay nhìn lại di sản Tràng An sau 06 năm được vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới dưới góc độ nhận diện để bảo tồn giá trị và tạo nguồn sinh dưỡng (nguồn sinh ra và nguồn dưỡng dục) từ giá trị di sản cũng không nằm ngoài quy luật trên, hết sức cần thiết cho chúng ta vững bước trong tương lai.
Sau khi được vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới yếu tố thiên nhiên và văn hóa tiếp tục được nghiên cứu, nhận diện giá trị, thông qua việc thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu đa dạng sinh học; khai quật khảo cổ học các di tích thời tiền sử, di tích liên quan tới Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X; di tích liên quan tới hành cung Vũ Lâm thế kỷ XIII; lập hồ sơ để nhà nước đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Hoa Lư; lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia đối với Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ; Long sàng trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Đôi bộ phủ việt ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành. Và tiếp tục nghiên cứu, nhận diện kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể. Những năm gần đây, Ninh Bình ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ di sản, như hỗ trợ kinh phí tu sửa chống xuống cấp di tích, tổ chức thực hiện các đề án, dự án bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể, khuyến khích và tạo điều kiện để các làng nghề truyền thống phát triển, tạo điều kiện để khai thác các di sản văn hoá như một tài nguyên du lịch.
Du lịch đã và đang góp phần làm cho các di tích sống lại, đưa di sản văn hóa đến với công chúng và tiếp sức cho di sản bằng nguồn lợi ích mà nó khai thác từ di sản, góp phần tu bổ các di tích, đồng thời khôi phục các di sản văn hóa. Hoạt động du lịch là hình thức quảng bá nét văn hóa đặc sắc của Ninh Bình nói riêng, bản sắc văn hóa Việt nói chung đến đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, giúp nhân rộng giá trị của di sản nói riêng, các sản phẩm văn hóa nói chung. Sự phát triển của ngành du lịch ở Ninh Bình những năm gần đây đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đồng thời giúp Ninh Bình đẩy mạnh công tác bảo tồn, duy trì lâu bền những giá trị văn hóa đang dần bị mai một hoặc có nguy cơ bị phá hủy bởi thời gian, sự lãng quên của người dân bản địa. Thông qua việc làm du lịch, người dân bản địa cũng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của di sản và giúp họ có ý thức cao hơn trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương để thu hút du khách. Sau 6 năm, chỉ nhìn vào tư thế, hành động, cử chỉ, thần thái của mỗi người lái đò, mỗi nhân viên phục vụ, mỗi người dân sống trong vùng di sản, có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi trong lối sống, nết làm, nếp nghĩ của người dân Cố đô nói riêng, người Ninh Bình nói chung. Sống trong một không gian đẹp, không cá nhân nào không khao khát muốn làm đẹp con người mình để tương xứng với vị thế người sở hữu không gian ấy, với chúng tôi, đó là một trong những giá trị quan trọng tạo nên nguồn sinh dưỡng mà người dân Tràng An và những nhà quản lý, xây dựng, bảo vệ Tràng An làm được trong những năm vừa qua. Và mong hơn thế nữa cách làm, cách ứng xử hiện tại của chính quyền và cộng đồng với di sản hôm nay sẽ lại trở thành di sản văn hóa cho những thế hệ mai sau.
N.C.T
(Nguồn: TC VNNB 250-4/2021)