Thứ sáu, 04/10/2024

Thần phả Lưỡng vị Tướng quân thời Đinh ở chùa Yên Khoái Thượng, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình

Thứ ba, 25/06/2019

ĐỖ VĂN CHUYẾN

Tài liệu do Đông Các, Hàn Lâm Đại học sỹ Nguyễn Bỉnh Khiêm phụng soạn. Đến triều vua Vĩnh Hựu, năm thứ tư (tức là năm 1741), vào mùa xuân, ông Nguyễn Ngọc Quang (Chưa biết chức vụ và quê quán của ông này) phụng tả. Đồng thời theo truyền thuyết dân gian trong vùng, thẩn tích chùa Yên Khoái, còn gọi là Hoa Yên tự, được ghi chép như sau:

Vào giữa thế kỷ thứ X, ở huyện Yên Ninh, làng Yên Bạc (Bạc Trang), nay là thôn Yên Khoái, xã Ninh Phúc, huyện Gia Khánh (nay thuộc thành phố Ninh Bình), có một gia đình họ Cao từ phủ Vụ Bản, Nam Định danh tính là Cao Bản Sơn Nam hành nghề Pháp môn, đến đây cư trú. Để tu tâm, tích đức cứu dân độ thế, ông bà xây dựng ngôi chùa lấy tên là Hoa Yên Tự. Ban đầu, chùa còn khiêm tốn, chỉ là nơi thờ tự. Lúc đầu hai vợ chồng chưa có con, chăm làm việc phúc, thường xuất tài, xuất lộc, độ thế cứu dân không sợ tốn phí.

Vào một đêm đẹp trời, hai vợ chồng ngủ trong tư phòng, bà vợ thấy có báo mộng: Một ông già râu tóc bạc phơ, vẻ mặt hiền từ nhìn bà và nói: ông bà ăn ở phúc hậu, nhân từ, ta sẽ giúp cho đậu thai, sinh ra quý tử, mệnh danh là “Tích Lịch”, sau này sẽ lập nên công trạng, nổi danh thiên hạ. Sáng hôm sau thức dậy, bà liền kể cho người chồng nghe về giấc mộng này. Hai vợ chồng khấp khởi đợi chờ. Đúng như lời báo mộng, những ngày sau đó bà mang thai. Mùa đông, ngày 15 tháng 12 năm Bính Thân, bà sinh hạ được bé trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Đồng thời lúc người con cất tiếng khóc chào đời, mọi người nghe trên trời có tiếng sấm lớn trái mùa rền vang. Nhớ lời phán trong mộng, ông đặt tên con là “Lịch Công”.

Bốn năm sau, năm Kỷ Hợi, bà vợ của Sơn Nam đạo sỹ lại gặp báo mộng. Đang đêm, một người quắc thước, mũ áo chỉnh tề, xưng là Thượng nhân “Hành Khiển” nguyện đầu thai nhi tử. Từ đó bà thấy trong người mỗi ngày một khác. Vào ngày 15 tháng 8, năm Kỷ Hợi, bà sinh hạ tiếp một chàng trai. Theo lời báo mộng, ông già họ Cao đặt tên con là  “Khiển Công”.

Hai anh em Lịch Công và Khiển Công đều có diện mạo khác thường: Mi thanh, mục tú, nhĩ đại, diện phương, cao suất tầm vóc. Đến tuổi trưởng thành cả hai anh em đều học hành thông tuệ, văn chương quán triệt, võ bị tinh thông. Sức học đến thiên kinh vạn quyển, tứ khoá tam chuyên.

Vào khoảng năm 966, nước ta bị loạn 12 sứ quân. Các cánh quân chia bè đảng, cát cứ các vùng lãnh thổ, gây nạn binh đao làm tàn hại tính mạng, tài sản của muôn dân, lòng người oán hận. Thuở ấy, ở động Hoa Lư, có ông Đinh Bộ Lĩnh nổi dậy cùng các ông Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, Lê Hoàn…đồng khởi dẹp loạn. Các anh hùng, hào kiệt trong thiên hạ đều quy về phò tá. Hai anh em Lịch Công và Khiển Công liền tìm đến yết kiến tướng quân Bộ Lĩnh, nguyện xin đầu quân dốc sức vì đại nghĩa.

Nhìn hai anh em họ Cao có tướng mạo, bản lĩnh hơn người, ông Đinh Bộ Lĩnh chấp thuận cả hai người. Với cương vị là chủ soái, Đinh Bộ Lĩnh phong cho ông Lịch Công là Tiền đạo tướng quân và ông Khiển Công là Tham tán chỉ huy sứ giả. Đinh Bộ Lĩnh giao cho hai người về An Bạc Trang (Thôn Yên Khoái bây giờ) cùng gia nhân đi các làng kêu gọi thanh niên trai tráng trong vùng đầu quân cứu nước. Hai anh em cho lập đồn, luyện tập binh thư võ nghệ. Trai tráng các vùng kéo đến nhập vào đội ngũ có tới 3 vạn người. Tại An Bạc Trang xã, hai ông cho lập 2 đồn, phân bổ đội ngũ chỉnh tề, trang bị khí giới đầy đủ. Nhân dân đóng góp lương thảo, giết lợn, mổ bò khao quân. Sau đó, hai ông kéo về hợp quân với Đinh Bộ Lĩnh tại động Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh lệnh cho các tướng lĩnh lập đàn cầu đảo trời đất, xuất binh dẹp loạn 12 sứ quân.

Chỉ trong thời gian ngắn, nghĩa quân của Đinh bộ Lĩnh đã chinh phục được 7 sứ quân. Tướng sỹ suy tôn Bộ Lĩnh là Vạn Thắng vương. Để thôn tính 5 xứ quân còn lại, chủ xoái Đinh Bộ Lĩnh giao cho hai anh em Khiển Công và Lịch Công đánh Kiều Công Hãn đang cát cứ ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay). Cha con ông Đinh Bộ Lĩnh tiến đánh Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang (Hà Đông). Không may, cha con Đinh Bộ Lĩnh bị Đỗ Cảnh Thạc bao vây. Đang tiến quân, hai anh em Khiển Công và Lịch Công bỗng  thấy ngựa hý, dự đoán điềm báo chẳng lành, các ông tức tốc kéo quân về hỗ trợ chủ tướng. Năm nghìn quân của hai tướng đến vừa đúng dịp. Quân ta vừa đánh, vừa reo hò cổ cũ khí thế. Hai cánh quân phối hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào làm cho Đỗ Cảnh Thạc không kịp trở tay, bị chém đầu. Thừa thắng, nghĩa quân tiếp tục dẹp yên các xứ quân còn lại. Đại quân nhất hoá khải hoàn, kéo về động Hoa Lư mừng thắng trận. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Đinh Liễn được phong là Nam Việt Vương. Ông lập bà Đàm Thị làm Hoàng hậu, phong cho Đinh Hạng Lang làm Thái tử, Đinh Toàn là Vệ Vương. Các chư tướng, công hầu được phong tước, ban thưởng. Sau chiến thắng, hai ông Lịch Công và Khiển Công kéo quân về An Bạc Trang cùng nhân dân làm lễ mừng thắng lợi. Để thưởng công cho hai ông, vua Đinh cho miễn trừ các khoản thuế khoá, lao dịch…Hai ông cùng dân làng an hưởng thái bình.

Tương truyền, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, Lịch Công đang ngồi thư thái, bỗng cơn gió nổi lên, trên trời xuất hiện vầng mây hồng bay đến phủ kín cả một vùng. Khi đám mây bay qua, bầu trời quang đãng trở lại, thì không thấy Lịch Công đâu. Nơi Người tọa chỉ còn mũ áo để lại, cạnh đó là một khóm hoa Tích Lịch.

Tin báo về tới vua Đinh, đức vua than rằng: “Thiên thần giáng thế, phù trẫm khai quốc. Nay bốn phương thái bình, sao không cùng trẫm hưởng yên vui, lại hoá về trời, chỉ còn lại ta với đám mây hồng và bông hoa Tích Lịch”. Để ghi công chiến tướng, vua Đinh phong cho ông là Lịch Lạo Đại vương và chiếu chỉ cho nhân dân lập đền thờ.

Còn đức Khiển Công, sau ba năm về cố hương vui thú điền viên tại An Bạc Trang, giặc nước lại nổi lên; vua Đinh triệu ông về kinh, phong cho chức Hành Khiển tướng quân, thống lĩnh ba quân, lên đường dẹp yên giặc dã.

Bỗng triều đình có biến, hung tin truyền đến Đỗ Thích hại vua; quan thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi xưng là Lê Đại Hành. Vua Lê lại kết hôn với Hoàng hậu nhà Đinh, đương thời cho đó là điều không hợp lẽ trời. Thế là Khiển Công bỏ triều đình đi du sơn, ngoạn thuỷ về sứ Hoan Châu cho khuây khoả. Ngài hoá vào ngày 27 tháng 11 âm lịch.

Từ đó nhân dân An Bạc Trang lĩnh mệnh truy ân, lập đền thờ cả hai ông  Lịch Lộ Đại vương và Hành Khiển Đại vương. Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ở nhiều nơi. Vua Khải Định đã có sắc phong cho hai vị đang được nhân dân lưu giữ.

Để ca ngợi gia đình có hai anh em đều có công trạng với dân, với nước, trước cửa chùa Hoa Yên còn ghi câu đối:

 “Nhất đường bá trọng Hoa Lư tướng, Vạn cổ anh linh thượng đẳng thần. Nghĩa là:  Một nhà anh và em đều là tướng của triều đình Hoa Lư (Nhà Đinh). Nghìn năm sau, anh linh hai vị vẫn được tôn thờ kính trọng.

Tại đền thờ Lịch Lộ Tôn Thần ở thôn Phúc Hạ, xã Ninh Phúc cũng có 02 câu đối: “Thiên thần giáng thế, phò Đinh, hộ Quốc trấn sơn hà; Thượng tướng lịch triều tọa miếu lâu đài lưu thiên cổ”.

Nghĩa là: Trời sai thần xuống trần gian, phò nhà Đinh, giúp nước, giữ gìn bờ cõi; Thượng tướng triều đình được nhân dân lập đền thờ, uy linh lưu truyền muôn đời.                                                                               

Đ. V. C

 

 

 

 

Chú thích: (1), (2), (3), (5) Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” (toàn tập), NXB Văn học, Hà Nội, 2009; (4) Các vị quan đầu triều được coi là tứ trụ triều đình nhà Đinh: Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ.

Bài viết khác