Chủ nhật, 06/10/2024

Tiếng loa quê thuở nào

Thứ tư, 02/06/2021

NGUYỄN QUANG HẢI

Tiếng loa từ mỗi làng quê đất Việt tự lâu đời đã có. Thuở xa xưa, tiếng loa của sứ giả triều đình đi loan truyền tới bàn dân thiên hạ về quốc gia đại sự cần kíp, thời sự nóng hổi, nước sôi lửa bỏng chẳng hạn như đất nước đang cơn họa ngoại xâm. Khi ấy, tiếng loa truyền vang vọng lời kêu gọi nhân tài ra giúp nước, hiệu triệu đồng bào mau vùng lên tụ nghĩa để đánh giặc. Rồi tiếng loa báo tin thắng trận, giặc tan, non sông xã tắc thái bình.

Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn

Qua hàng nghìn năm trong xã hội phong kiến xưa, đại đa số người dân không biết chữ, rất hiếm có người đọc được bản cáo yết (thông báo) bằng chữ, thì hầu như mọi thông tin thời sự quan trọng của mỗi làng, mỗi tổng, và những quy ước của cộng đồng đều được loan đi chủ yếu qua tiếng loa, tiếng mõ quanh mỗi thôn làng.

 Phát thanh trực tiếp bằng loa thì người xưa gọi là “loa”. Mở đầu cho mỗi “chương trình phát thanh” xưa ấy thường có những tiếng xướng “chiềng làng chiềng chạ”. Có khi nội dung thông tin để loa được bắt vần cho “bắt tai”, hấp dẫn người nghe, mà cũng dễ cho “người loa” nhập tâm thuộc lòng trước khi loa, bởi không phải thời xưa “người loa” nào cũng biết chữ để mà đọc.

Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhất là trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, tiếng loa thông tin tuyên truyền đã phổ biến ở nhiều địa phương từ phố thị đến thôn quê, từ đồng bằng, trung du đến miền núi. Đó là một phương tiện hữu hiệu để lan truyền rộng rãi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền về những thành tựu, chiến thắng mà quân và dân ta giành được, về những người anh hùng, những tấm gương sáng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Đặc biệt ở những vùng bị địch chiếm giữ thì hoạt động tuyên truyền bằng loa phát thanh là vô cùng gian nan nguy hiểm như một sự cảm tử, đòi hỏi người tuyên truyền bằng loa phải thật sự dũng cảm can trường, lanh lợi và mưu trí thì mới có thể đảm đương. “Tiếng loa Việt Minh” thời ấy dù với phương tiện còn rất thô sơ, trong điều kiện rất nghèo nàn, khó khăn, gian khổ nhưng có vai trò tác dụng, hiệu quả rất lớn trên mặt trận thông tin tuyên truyền, góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc đầy gian khổ, hi sinh song vô cùng vẻ vang của dân tộc.

Suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếng loa thông tin tuyên truyền tiếp tục được phát huy tác dụng, hiệu quả ở các địa phương trong cả nước: tuyên truyền kịp thời những biến chuyển về tình hình thời sự quan trọng, những diễn biến về chiến sự, những phong trào nổi dậy của đồng bào miền Nam đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quân, ngụy quyền tay sai. Đồng bào cả nước hàng ngày hàng giờ chờ đón tin chiến thắng trên loa đài…

Từ khoảng giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước trở đi, hoạt động phát thanh dần chuyển sang một “kỷ nguyên” mới. Đây đó nơi nơi, những chiếc loa phóng thanh chạy bằng năng lượng điện đã thay thế cho loa tay thủ công. Do nguồn điện lưới hồi đó còn rất hiếm, nên loại loa truyền thanh cơ động cỡ nhỏ dùng năng lượng điện từ ắc quy hay pin. Nguồn điện từ máy phát thì dùng cho loại loa có công suất lớn.

Trước kia, đài radio còn rất hiếm, chẳng mấy hộ gia đình có được, nhất là ở vùng thôn quê. Từ khi có loa máy, thường gọi là “loa công cộng” thì đông đảo nhân dân mới được nghe, thưởng thức các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, với những chương trình quen thuộc như: thời sự, dân ca, nhạc cổ truyền, ca nhạc, kể chuyện cảnh giác, sân khấu truyền thanh… Với hầu hết mọi người dân đó là một nguồn phúc lợi, một món ăn tinh thần thật sự cần thiết và quý giá trong đời sống thường nhật. Loa truyền thanh thường được mắc trên cao, với vị trí đắc địa, chẳng hạn như ở trên cây đa làng, với một hệ thống cột và dây dẫn điện làm nên một “thiết chế văn hóa”. Và tiếng loa ngày ngày vang vọng ấm áp góp phần làm nên “hồn vía” của nông thôn mới. Biết bao người nông dân thường chân lấm tay bùn sớm chiều trên đồng ruộng quê hương, mà đối với họ, tiếng loa quê từ lâu nay đã trở nên thân thuộc và tri kỷ.

Với cường độ âm thanh lớn nên loa truyền thanh công cộng có tính ưu việt và lợi thế nhiều so với chiếc radio tại mỗi gia đình. Bời vì: Thính giả có thể nghe đài trong một không gian rộng lớn, dù đang ở ngoài đồng ruộng hay trên các công trường, trong các xưởng máy, dù đang miệt mài lao động sản xuất, đang sinh hoạt hay nghỉ ngơi.

Tiếng loa quê thông báo rộng rãi, nhanh nhạy các sự việc, những thông tin của làng xã với giọng phát thanh “người làng” mà phần đông nhân dân địa phương ai nấy vẫn quan tâm. Xen kẽ các nội dung trong chương trình là những đoạn nhạc, ca khúc góp phần làm cho người nghe vui tai. Tiếng loa quê còn có công dụng báo thức, báo giờ đều đặn và chính xác, hỗ trợ bà con ấn định thì giờ trong đời sống sinh hoạt mỗi ngày.

Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật, công nghệ đã phát triển cao, các phương tiện nghe nhìn đã phổ biến khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi tới đồng bằng, thì “thời hoàng kim” của truyền thanh cơ sở tưởng như đang lui về quá khứ.

 Tuy vậy, cho đến cả mai sau cũng không dễ mấy ai phủ nhận hết được vai trò, tác dụng tiện ích của tiếng loa quê. Bởi vì: những nguồn thông tin dù phong phú, đa dạng, đầy ắp qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng hiện đại vẫn không thể thay thế được tiếng loa truyền thanh cơ sở để cung cấp những thông tin cấp thiết, sát sườn đối với mỗi cộng đồng thôn làng cho chính những người dân ở thôn làng ấy, nhất là những người nông dân ngày ngày một nắng hai sương, sinh sống theo nhịp “thời gian nông nghiệp”.

                                                                                                                                             N.Q.H

                                                                                                                                                                            (Nguồn: TC VNNB 251-5/2021)       

Bài viết khác