ĐẶNG CÔNG NGA
Bảng đối chiếu giữa bia đá và văn bản trong Thơ văn Lý-Trần, Tập II H.1989, trang 750, về văn bia Dục Thuý sơn Linh tế tháp ký.
Mấy nhận xét:
1. Qua bảng so sánh trên, chúng ta thấy Thơ văn Lý - Trần đã chép sai hoặc thiếu/ thừa tất cả là 50 chữ so với văn bia hiện còn ở núi. Trong số này, có những chữ chép sai tự dạng nhưng nghĩa không sai, như các chữ cảnh, xả, tháp, sầm…, nhưng có những chữ sai hẳn nội dung, như các chữ khái/ thán, tuyệt/ diệt, việt (vượt)/ việt (nước Việt), nguy nguy/ sở hữu, chửng/ cực, Đức Uyên/ Đức Môn, hựu/ dạ/ cập, có chỗ thừa chữ như đồng nhật ngữ lại chép thành đồng nhật nhi ngữ, bối nhân thành bối sổ nhân. Nhưng thiếu sót lớn nhất là đoạn ghi dòng lạc khoản chức tuớc của Trương Hán Siêu, và cũng “buồn cười” là ở phần chữ Hán chép: Thiệu Phong tam niên nhật nguyệt, nhưng lại dịch ra là: mùa hè năm Quý mùi niên hiệu Thiệu Phong… Đã vậy còn chép sót hoàn toàn câu cuối về chức tước, tên người viết chữ.
2. Nhà sư Trí Nhu đến nhờ Trương Hán Siêu viết bài ký vào mùa đông năm Nhâm Ngọ (1342), vậy mà khi hoàn thành, đã là mùa hè năm Quý Mùi (1343), mấy tháng thì không biết, nhưng tính theo mùa thì là ba mùa, kể cũng là lâu. Có lẽ ông bận việc triều đình chăng, bởi vì ngoài chức Nhập nội hành khiển Tả ty thị lang, ông còn được giao kiêm chức Kinh lược sứ Lạng Châu lộ xa xôi vùng biên ải phía bắc.
Danh sĩ Trương Hán Siêu là người đầu tiên lưu bút tích cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào đá.
Ảnh: (Nguồn: vnexpress.net)
3. Trong bài ký có đoạn: Thích ca Lão Tử dĩ Tam không chứng đạo… (Thích ca, Lão Tử lấy Tam không để chứng đạo…). Đây là vấn đề khá thú vị, vì theo Trương Hán Siêu, cả Phật và Lão đều chứng đạo bằng thuyết Tam không. Tam không là thuật ngữ nhà Phật, cho rằng vũ trụ là không, mọi vật trong thế giới là không (ngã không, pháp không, câu không). Phật Thích ca chứng đạo bằng Tam không thì đương nhiên rồi. Còn Lão Tử thì sao? Chú thích của những tác giả Băng Thanh - Huệ Chi trong sách Thơ văn Lý - Trần như sau: “Câu này có hai chữ lão tử nhưng không thể chỉ Lão Tử nhà triết học cổ đại Trung Hoa, vì Lão Tử không bao giờ nói đến “tam không”. Ở đây chỉ có nghĩa là bậc già cả, chúng tôi tạm dịch là lão trượng” (chú 10 trang 755). Có đúng như vậy không? Khoảng đầu công nguyên, học thuyết Lão Tử đã dọn đường cho Phật giáo Đại thừa du nhập vào Trung Hoa, và đã xây đắp nền móng cho sự hoàn thành hai hệ thống tư tưởng lớn nhất cõi Á Đông, là Đạo giáo và Phật giáo Thiền tông. Từ đó sách Lão Tử không ngớt ảnh hưởng các triết gia, dù là các bậc danh nho. Chính là Lão học và Phật học đã tạo ra giáo thuyết Thiền tông, với chủ trương “bất ngôn chi giáo” và “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” trong những câu kệ trứ danh vô cùng khoáng đạt “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự” (Ở ngoài cả giáo lý, ở ngoài cả truyền thống, không lệ thuộc hay căn cứ vào văn tự nào cả). Sách Đạo đức kinh có đoạn “Thị chi bất kiến, danh viết Di; thính chi bất văn, danh viết Hi; bác chi bất đắc, danh viết Vi” (Xem mà không thấy gọi là Di; lóng mà không nghe nên gọi là Hi; bắt mà không nắm được nên gọi là Vi. Ba chữ Di, Hi, Vi dùng để miêu tả sự vô đắc, vô thính, vô hình của Đạo, tức không thể thấy, không thể nghe, không thể nắm, không thể kêu tên. Tức trống rỗng, không có gì cả. Cái thuyết “tam vô” Di, Hi, Vi của Đạo Lão cũng không khác là mấy với thuyết Tam không của nhà Phật đã nói ở trên. Cho nên, theo chúng tôi, chữ Lão Tử ở đoạn văn bia trên, không thể dịch là “lão trượng” được, vì đó chính là tên Lão Tử vậy. Như trên đã nói, tất cả các triết gia, kể cả danh nho, đều bị ảnh hưởng của học thuyết của Lão Tử, và Trương Hán Siêu cũng không thể khác.
Tài liệu tham khảo:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Từ điển Phật học Việt Nam,Tập II, H.1994; Thu Giang, Nguyễn Duy Cần – Lão Tử tinh hoa. HCM - 1992; Lê Thị Liên - Những tấm bia đá thời Trần ở núi Non Nước; Luận văn chuyên ngành Khảo cổ học khoá 29(1984- 1989)
Đ.C.N
(VNNB237/4-2020)