Chủ nhật, 06/10/2024

Tục đầu năm của người Việt

Thứ năm, 23/02/2023

PHẠM THỊ NHU

Có nhiều phong tục, lễ nghi được người dân gìn giữ từ đời này qua đời khác với hy vọng đem lại sự may mắn, tài lộc cho gia đình vào dịp tết Nguyên đán. Trong đó, tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" của người Việt mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Xin chữ đầu năm                                                              Ảnh của XUÂN LÂM

Theo quan niệm của các cụ, muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, các mối quan hệ làm ăn tốt đẹp và giúp xua đuổi tà khí, đem lại may mắn. Trong đời sống thường nhật, muối giữ vị trí quan trọng, chỉ đứng sau gạo, muối là thứ gia vị lâu đời, không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, biểu tượng của sự no đủ.

Theo quan điểm phong thủy, muối mặn có tác dụng chống xú uế, xua đuổi tà khí, ma quỷ. Vị mặn mà của muối như tình cảm thắm thiết, mặn nồng, mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng, sự hòa thuận vợ chồng, con cái, sự thuận lợi trong các quan hệ làm ăn.

Với cơ thể con người, muối có một vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp duy trì và cân bằng lượng nước của các tế bào mà đồng thời tham gia vào các hoạt động cơ bắp của cơ thể. Nó là loại khoáng chất gia vị đứng sau gạo. Vì vậy trên mâm cỗ cúng còn có thêm bát gạo và đĩa muối. Trên bàn thờ gia tiên người ta thường bày thờ ba hũ: Hũ muối, hũ gạo và hũ nước để cầu mong gia tiên phù hộ cho gia đình an khang thịnh vượng.

Vì vậy, sau khi đón giao thừa hoặc vào ngày đầu tiên của năm mới, nhiều người lại mua những túi muối nhỏ về để lấy may. Ngày xưa có những người bán muối rong họ đong đầy bát, có ngọn cho khách để mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn. Khách mua chọn người bán hiền lành phúc hậu, có gia đình ấm no hạnh phúc, con cháu đầy nhà mua để lấy vía. Ngày nay, tại đền, chùa, muối được bày bán kèm với hoa quả, hương đăng, vàng mã...

Muối về nhà, người ta cất giữ cẩn thận để dành đến cuối năm mới dùng mong muốn cả năm trọn vẹn mặn mà. Người làm ăn buôn bán sẽ để túi muối ở quầy hàng mong đắt khách, người đi xa cũng bỏ vào vali một ít để lộ trình bình an. Trước đó, vào những ngày cuối năm, đặc biệt là sau 23 tháng Chạp, người ta thường mua vôi quét lại nhà, cổng nhằm xóa đi những điều không may trong năm cũ, đến với khởi đầu mới tốt đẹp. Vôi trắng cũng giúp quét lại nhà cửa cho sáng sủa, chuẩn bị đón năm mới. Vôi quét tường bao lối ngõ vẽ mũi tên đuổi tà ma, quét gốc cây ăn quả diệt nấm mốc sâu bệnh để mùa sau đơm nhiều hoa thơm trái ngọt.

Ngoài tục mua muối ngày đầu năm thì tục xông nhà cũng rất quan trọng, chọn người có vía nhẹ nhàng, xởi lởi phúc hậu, có người cẩn thận còn chọn tuổi hợp với mình để nhờ xông nhà. Chúc mọi nhà năm mới sức khoẻ, làm ăn thuận buồm xuôi gió, thu nhập gấp năm gấp mười năm trước.

Tục kiêng kỵ đầu năm người Việt cũng rất cẩn trọng và lưu ý. Theo quan niệm của người xưa truyền lại, ngày mùng 1 Tết tuyệt đối không quét nhà. Nếu quét nhà trong ngày này đồng nghĩa với việc quét hết tài lộc, may mắn ra ngoài. Không cho vay mượn tiền bạc, bởi sự vay mượn báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến. Bên cạnh đó, mọi người tránh nhắc nợ nhau vào ngày đầu xuân năm mới. Đầu năm mới nhiều người còn kiêng cho nước, lửa, bởi đây là những thứ tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Vì vậy, nếu cho lửa, cả năm sẽ không giữ được may mắn, tài lộc. Tương tự nếu cho nước sẽ mất lộc, mất tiền tài. Không làm đổ, vỡ đồ đạc, kỵ đánh thức người khác sáng mùng Một, vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm.

Những tục lệ ngày đầu năm là nét đẹp truyền thống thuần Việt, mang đến cho con người tâm hồn hào sảng đầy năng lượng để một năm làm ăn thịnh vượng.

P.T.N

(Nguồn: TC VNNB 277-2/2023)

Bài viết khác