Thứ năm, 12/09/2024

Một đời sóng nước - Một đời thơ

Thứ ba, 04/04/2023

VŨ THÀNH


Nhà thơ Tống Xuân Điển (thứ hai hàng 2, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các văn nghệ sỹ tại trại sáng tác VHNT năm 2013 tại Thịnh Long     Ảnh: TL

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tác giả Tống Xuân Điển thường xuyên có mặt trên báo Đại đoàn kết, báo Người cao tuổi. Chương trình Người cao tuổi của Đài Tiếng nói Việt Nam gọi anh là cộng tác viên kỳ cựu. Rồi báo Ninh Bình và Tạp chí Văn nghệ Hoa Lư của Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình cũng thấy tên anh khá thường xuyên.

Năm 1991, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Nho Quan mời anh ra làm uỷ viên thường trực mặt trận kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Hoa sen 19/5. Công việc này dù không một đồng trợ cấp nhưng anh rất tâm huyết. Anh tổ chức ra tổ thơ do thày giáo Nguyễn Đức Hậu làm tổ trưởng, là tổ trung tâm của CLB. Đây chính là cội nguồn của chi hội Văn nghệ Nho Quan, vì cả bốn anh em hội viên văn nghệ tỉnh đều sinh hoạt ở tổ này.

Nhà thơ Tống Xuân Điển sinh năm 1936 ở xã Thượng Hoà,  huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Anh là kỹ sư thuỷ lợi, làm việc tại Ty Thuỷ lợi Ninh Bình. Cả đời gắn bó với sóng nước quê hương nhưng đã có thời gian dài công tác bên nước bạn Lào làm cố vấn. Anh thuộc “tuýp”  thế hệ trí thức đầu cách mạng. Giỏi tiếng Pháp, biết Hán Nôm và khá thành thạo tiếng Lào.

Anh được sinh ra và thừa hưởng trong môi trường của gia đình cách mạng. Cha anh là cụ Tống Tá vào Đảng từ năm 1939 là một trong ba đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Ninh Bình.

Tính anh điềm đạm, làm việc gì cũng cần mẫn, tận tuỵ. Anh sống với bạn bè bao giờ cũng hết lòng. Trong trái tim anh ngọn lửa tình yêu cuộc sống, yêu con người và thơ văn lúc nào cũng rực cháy. Anh làm thơ khá sớm nhưng đến những năm 80 anh mới có bài rải rác in trên các báo chính thống.

Khi làm Chủ nhiệm CLB Hoa sen 19/5, cùng với CLB Thuý Sơn của thành phố Ninh Bình là hai CLB lớn nhất trong tỉnh. CLB Hoa sen 19/5 có mối giao lưu rộng rãi với nhiều CLB lớn trong toàn quốc. Nhiều chương trình thơ của CLB được công bố đều đặn trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Anh vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh năm 1996 thuộc những tốp đầu vào Hội sau khi tái lập tỉnh. Từ đấy, anh viết “khoẻ” cả thơ, tản văn. Tập thơ đầu tay của anh mang tên “Ngõ nhớ” được giải Ba - Giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu của tỉnh. Tiếp là giải Nhì về Văn do Liên hiệp hội Phụ nữ Viêt Nam tổ chức có sự bảo trợ của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh tham gia hầu hết các cuộc trao đổi, thảo luận các vấn đề trong ngôn ngữ văn học, hay xã hội. Nhưng bạn bè biết đến anh nhiều hơn qua hai cuộc tranh luận. Anh được mọi người tôn trọng bởi sự nhìn nhận sáng suốt, lập luận chặt chẽ và ngôn ngữ sắc sảo. Đặc biệt là cuộc tranh luận “Cây tre mới đích thực là Việt Nam” do nhà văn Phạm Tiến Duật khởi xướng. Cuộc tranh luận công bố bài của anh trên báo Văn nghệ là lời kết luận, được giới thiệu trước: “Số báo sau, toà soạn trân trọng công bố bài viết của tác giả Tống Xuân Điển (Ninh Bình) với lập luận chặt chẽ, khúc triết. Toà soạn coi đây là lời kết cho cuộc thảo luận”. Anh được bạn bè yêu và nhớ tới thơ anh với những bài “Mắm tép đồng Chiêm”, “Nón nghiêng”, “Hoàng hôn thắm”,… Thơ anh có nét cổ, pha một chút chiêm nghiệm của người từng trải, rồi đi đến những triết lý nhân sinh, nên bạn bè dễ nhớ. Đặc biêt là bài “Không đề” với nỗi niềm uẩn trắc trong tim: “Cánh diều được gió không bay/ Con thuyền được nước được ngày không đi/ Thuyền tình lạc giữa bến mê/ Tiếng chuông ai đổ cả về cõi không”.

Anh để lại hai tập thơ “Ngõ nhớ” và “Hoàng hôn thắm”, tập tản văn “Hạnh phúc gia đình” và tập nghiên cứu sưu tầm “Nho Quan đất và người” (in chung cùng nhà thơ Vũ Thành), một sản phẩm tinh thần vô giá là mười năm làm Chi hội trưởng Chi hội VHNT Nho Quan, là Chi hội trưởng đầu tiên, anh dày công xây dựng nền móng cho chi hội hoạt động đến bây giờ.

Sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, anh ra đi hồi 4 giờ 15 phút ngày 25 tháng 2 năm 2023. Anh mãi mãi là anh cả của Chi hội VHNT Nho Quan, người bạn thân thiết của văn nghệ Ninh Bình. Vĩnh biệt anh trong niềm tiếc thương vô hạn.

                                                                     Nho Quan, ngày 27/ 2/2023

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

Bài viết khác