Bút ký của SƯƠNG NGUYỆT MINH (Hà Nội)
Bạn đã bao giờ nghe hai tiếng “Tràng An” của Ninh Bình chưa?
Nghe Tràng An rồi, đọc Tràng An rồi, và cũng biết Tràng An nữa. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Người bảo, Tràng An ấy là của ngàn năm Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Người thì bảo, Tràng An chính là Trường Yên của cố đô Hoa Lư hơn ngàn năm trước. Dù của nơi đâu thì hai chữ Tràng An cũng chỉ loáng thoáng trong ca dao, hoặc là viện dẫn khi nói về nếp sống văn hóa, hay trong câu chuyện dân gian ngủ quên của một thời quá vãng.
Còn Tràng An với tư cách là một quần thể danh thắng của Ninh Bình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì mới chỉ 10 năm nay, đã kịp vang danh khắp năm châu bốn biển, phổ biến trong đời sống hiện đại nước Việt Nam ta. Nhưng, trước khi UNESCO ghi danh thì hơn hai chục năm Tràng An đã được khám phá, khai thác. Ấy là lúc cả miền thiên nhiên, văn hóa, lịch sử Tràng An bỗng rùng mình thức dậy, tưởng chừng như đã từng ngủ quên suốt ngàn năm, vạn năm?
Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á có diện tích 6.226 ha, vùng đệm 6.026 ha, hầu hết là đất ngập nước xen lẫn là các cánh đồng lúa, đồng cỏ. Bao gồm 03 khu vực lớn được bảo vệ theo quy định bảo tồn cấp quốc gia: Khu di tích Lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư; Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, và khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An có giá trị nổi bật toàn cầu được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí: Địa chất địa mạo - Vẻ đẹp thẩm mĩ - Văn hóa.
Tôi đã đọc ở đâu đó một tài liệu nói về di sản địa chất Tràng An rằng: Khoảng 5 triệu năm trước ở miền này có một chuyển động địa chất tạo ra vô vàn các hố sụt, bồn địa, núi đá vôi, hang động… và lối đi ngầm qua hang động với các trầm tích. Rồi trải qua bao nhiêu lần biển tiến biến thoái, sóng biển xâm thực núi đá, hang động, và trầm tích, cộng với nắng nóng, rét lạnh dãi dầu, bão táp mưa sa tiếp tục bào mòn, hay thay hình đổi dạng… Tràng An có kiến tạo địa chất độc đáo, “điển hình các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường nhiệt đới ẩm” có giá trị nổi bật toàn cầu.
Không gian karst Tràng An chủ yếu là tháp núi đá vôi hình nón vách dốc đứng; các dãy núi hẹp bao quanh hố sụt tròn hoặc dài, các thung, bồn địa nhỏ; những sông suối chia cắt địa chất hoặc chảy xuyên núi; các hang động khô hoặc có nước với vô số thạch nhũ, rèm nhũ hình thù khác nhau. Vẻ đẹp Tràng An còn ở các rừng nhiệt đới nguyên sinh bao quanh núi đá, trùm lên núi đá, bám vào vách đá.
Không gian địa chất địa mạo và vẻ đẹp của thiên nhiên Tràng An cũng chính là môi trường sống của người tiền sử. Con người cổ ở đây đã sống, tương tác với thiên nhiên, thích ứng với thiên nhiên và các biến đổi môi trường suốt hơn 30000 năm. Người tiền sử Tràng An là một thành phần của cộng đồng sinh vật trên không gian địa chất địa mạo karst khoảng thời kỳ Băng hà cực đại cuối cùng. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các vỏ nhuyễn thể như ngao đầu, ốc núi, tro than, mảnh tước, công cụ ghè đẽo, thành xương động vật trên cạn, mai rùa,… do người Việt cổ để lại ở động Thiên Hà vùng lõi của Tràng An. Các di chỉ tương tự cũng đã từng tìm thấy ở nhiều hang động khác. Một điều vô cùng giá trị là di sản Tràng An giữ lại được nhiều đặc điểm ban đầu, ít bị ảnh hưởng từ con người, động vật, và các nhân tố khác.
“Giáo sư Paul Williams, chuyên gia Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới, khi đến với Tràng An cũng vô cùng ngỡ ngàng với cảnh quan tuyệt vời ở nơi đây. Trong cảnh quan tuyệt vời ấy tôi thấy ẩn chứa rất nhiều thứ, nhiều câu chuyện để kể cho thế giới nghe, minh chứng cho truyền thống chinh phục thiên nhiên của lớp người cổ xưa đã định cư ở đây”.
Đó là các tiêu chí khoa học để Quần thể danh thắng Tràng An có giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO ghi danh và đến với nhân loại. Còn khách du lịch đến với Tràng An là đến với vẻ đẹp của non sông cẩm tú, đến với trầm tích văn hóa và lịch sử của miền đất ngàn năm văn hiến. Có nghĩa là Tràng An có những câu chuyện để kể, có cảnh quan để mô tả, và ghi hình… để làm thỏa mãn du khách, và quyến rũ các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ.
Tôi đã nhiều lần đưa bạn bè về thăm quê hương Ninh Bình và vãng cảnh Tràng An, mỗi lần lại phát hiện thêm một sự lý thú mới. Lần gần đây nhất, nhà báo Võ Đắc Danh được coi là “Vua phóng sự miền Tây Nam Bộ” đang thăm con gái ở nước Mỹ xa xôi điện thoại cho tôi nói rằng: nhờ Sương Nguyệt Minh đưa hai người bạn ở Mỹ gốc Việt là nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân và Trương Dũng về Việt Nam tham quan các danh thắng Ninh Bình. Chúng tôi chọn Quần thể di sản danh thắng Tràng An, chuyến đi có thêm nhà văn Thương Hà và nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Thái từ Hà Nội về nữa. Ông Thái chuyên môn đã đạt tước hiệu EVAPA, EFIAP - từng đoạt huy chương vàng của Hội Nhiếp ảnh Italia và huy chương vàng của Liên đoàn nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP). Ông Dân là hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) và Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA) từng đoạt hơn 30 giải thưởng quốc tế. Ông Trương Dũng là người sáng lập ban nhạc Phượng Hoàng đi diễn khắp nước Mỹ, lần đầu tiên đến Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, nhưng nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Thái và Huỳnh Ngọc Dân thì không xa lạ gì. Các ông đã cùng các tay máy đồng nghiệp đi về nhiều lần, chờ đợi và sáng tạo rất nhiều tác phẩm về vùng đất và con người Tràng An. Tôi hỏi:
- “Các ông đi nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là hai nhiếp ảnh gia, các ông có cảm hứng gì khi đến Danh thắng Tràng An - Ninh Bình?”
Nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Thái từng là Phó chủ tịch hội đồng chuyên môn Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, trầm ngâm một lát rồi nói:
- “Thiên nhiên Tràng An có nhiều góc chụp, nhiều hình dạng, nhiều chất liệu nhiếp ảnh: Núi non, đảo, cây cỏ, ruộng lúa, con đò, dòng sông, dòng suối quanh co, đàn cò trắng… Hầu như thiên nhiên đã bày sẵn ra rồi, người nghệ sĩ chỉ còn mỗi việc là sử dụng ánh sáng và chọn góc chụp, bố cục ảnh đẹp...”
Tôi vẫn nghĩ rằng: Mỹ cảm của các nhà nhiếp ảnh trước thiên nhiên hoang sơ và các hoạt động trong không gian sống của con người thì họ bao giờ cũng rung cảm mạnh, phát hiện ra cái đẹp nhanh hơn, tinh tế hơn nhà văn nhà thơ, họa sĩ, đạo diễn? Khi nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân bộc lộ cảm xúc và nhận xét sau những ngày “săn ảnh” ở Tràng An thì tôi càng tin ý nghĩ của mình là đúng. Ông Dân bảo:
- “Tràng An cũng có nhiều lớp cảnh: tiền cảnh, trung cảnh, đại cảnh, thả sức cho các tay máy dào dạt cảm xúc sáng tạo.”
Nghệ sĩ Trương Dũng thì trầm trồ:
- “Tôi không tưởng tượng được nước mình có một nơi đẹp như Tràng An. Cái đẹp của tính gần gũi, chan hòa. Cái đẹp của tĩnh lặng mà không ngưng đọng, sinh động mà không trì trệ.”
Tôi cũng nghĩ đến sự giàu có, phong phú của vẻ đẹp Tràng An. Tràng An có núi non, hang động, sông nước, rừng xanh, đồng ruộng, thung khe… Tôi vẫn cho rằng: Cái độc đáo, đặc sắc nhất của thiên nhiên Tràng An là “hang sông” - xuyên thủy động. Quá trình vận động địa chất tạo ra các khe nứt ở các núi đá vôi trong vùng ngập nước chiêm trũng, dần dần hình thành các dòng chảy xuyên núi trải qua thời gian rất dài. Người ta đã khảo sát và thống kê được 50 hang nước và 50 hang khô, có nhiều hang nước liên thông dài như hang Mây, hang Sinh Dược, hang Địa Linh. Hang động Tràng An có nhiều loại độc đáo: Hang mái đá, hang vòm hàm ếch, hang nền kast, hang ngầm cổ. Có hang Sáng vô vàn các nhũ đá óng ánh lung linh, thì có hang Tối, lòng hang biến đổi theo nhịp điệu rộng hẹp bất ngờ của thạch nhũ và đá vôi. Có hang Cơm thì lại có hang Nấu Rượu dài 250m có mạch nước ngầm 10m với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ủ trong hang và nấu cơm ở trong rồi mang ra núi ăn.
Tôi đã từng đưa nhà văn Tạ Duy Anh, nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà văn Thương Hà đi thuyền trên sông Bến Đang nhìn núi Tướng kì vĩ, ngập ngừng vào trong hang Bụt dài 500m từ động Thiên Hà sang Thung Nham. Ngay cửa hang đã thấy nàng tiên cá tóc dài xõa nằm trên giường ngọc. Mọi người im lặng trong tối tăm của hang như đi ngược thời gian trở về thời tiền sử, chỉ còn nghe tiếng bai chèo quẫy nước, chỉ thấy ánh đèn pin tỉnh thoảng lại lóe lên ở các thuyền khác, rồi bất chợt có ai đó chiếu đèn lên vòm hang, bỗng dưng ai cũng nhìn thấy những nhũ đá voi phục, rồng bay, trái đào tiên và hàng trăm con rơi đang bám chân treo mình vào đá… Rồi hang Vồng, hang Ao Trai, hang Láng… mỗi hang có vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt.
Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ nấu rượu. Hang Vồng có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Hang Luồn còn khắc bài thơ của chúa Trịnh Sâm đi tuần thú, ngồi trên thuyền trên sông Sào Khê, nhìn non sông cẩm tú, thấy cảnh cố đô hưng phế tiêu điều, quạnh hiu mà cảm khái thành thơ, sai người khắc lên vách đá: “Quay thuyền về tới bến Trường Yên/ Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền/ Như tấm lụa chăng, hang giội nước/ Có từng núi mọc, cửa chồng then/ Cố đô đã mấy hồi thay đổi/ Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền/ Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ/ Lòng dân đáng sợ chớ nên quên."
Nói đến hang thì lại phải nói đến động ở Tràng An: Động Thiên Hà, động Thiên Thanh, động Vái Giời, động Ba Cô, động Tiên, động Thủy Cung, động Thiên Tôn… Động Tiên Cá và động Thiên Hà là điển hình của hang động karst đặc trưng của Ninh Bình. Động Tiên Cá dài khoảng 500m, nơi rộng nhất 40m, nơi cao nhất 30m. Độc đáo nhất phải kể đến động Thiên Hà ở trong lòng núi Tướng, phần hang khô khoảng 200m và động nước 300m. Năm ngoái, nhà văn Đinh Ngọc Lâm từng là Bí thư Thành ủy Ninh Bình đưa chúng tôi đến thăm động Thiên Hà. Đi thuyền trên sông Bến Đang nhìn cò trắng đậu trên bụi tre pheo, cá lững lờ bơi, cây súng nở hoa trắng tím, lá súng trải trên mặt nước trong xanh. Thuyền cập bến, đi bộ dưới tán cây rừng nhiệt đới nửa cây số dưới tán rừng đến cửa động. Động Thiên Hà có vô số các nhũ đá với vô vàn hình dạng khác nhau được đặt tên: Bầu sữa mẹ, đảo Hoa tiên, Cá hóa long…. Theo các nhà hang động động học thì các nhũ đá ở động Thiên Hà rất đặc biệt là nhũ đá sống vẫn đang tiếp tục sinh sôi, chứ không “chết” đông cứng như nhiều hang động khác. Phần động khô có có thể cất giấu cả ngàn quân cùng với kho tàng, hậu cần, bởi có một khoảng không gian khá rộng, có cổng trời thông gió tươi. Chúng tôi leo trèo theo đường quanh co lên cổng trời, chui ra ngoài bỗng thấy gió núi mát rượi. Cả một không gian kì vĩ, non xanh nước biếc với đồng ruộng, sông hồ, đồng cỏ, rừng thẳm hiện ra trước mắt. Nhà văn Tạ Duy Anh bảo: “Tôi thật bất ngờ với quê ông Sương Nguyệt Minh lại có một cái hang động hùng vĩ đến thế”. Tôi cũng bất ngờ, bảo: “Tôi là người Ninh Bình mà đến bây giờ mới biết động Thiên Hà, thì nhiều người ở nơi khác sẽ không biết”. Phần hang động nước có thể đi thuyền như đang trôi trên sông ngầm được ví như một dải ngân hà uốn lượn.
Danh thắng Tràng An còn có nhiều thung và đầm, hồ lớn nhỏ, vây quanh là núi đồi. Nước hồ, đầm trong xanh soi bóng mây trời, núi biếc, nhiều hồ có đảo đất, đảo đá rậm rạp cây xanh. Độc đáo phải nói đến Thung Nham. Khu sinh thái Thung Nham có rừng ngập nước, có đầm hồ tự nhiên, động Vái Trời, động Ba Cô, có hang Bụt, vườn Chim. Chiều tàn là lúc đàn cò đi ăn rủ nhau về, hàng ngàn con chao liệng trên bầu trời, cánh trắng chấp chới. Trong 40 loài chim đông tới 50 ngàn con, còn có chim quý như hồng hạc, phượng hoàng. Thung Thắm lại gắn với huyền thoại các cây si rễ nọ kết với rễ kia chẳng chịt, thành cả rừng si hằng hà sa số chả khác gì sú vẹt lấn biển. Tương truyền thung Thắm là căn cứ của tướng Phạm Bạch Hổ và 1000 binh lính trung thành với nhà Đinh chống lại lê Hoàn. Bị bao vây, hết lương thực, cùng đường, tướng sĩ thề nguyền uống thuốc độc tuẫn tiết. Máu hộc ra miệng, chảy đỏ thắm cả lòng thung. Có lẽ thung Thắm được đặt tên từ câu chuyện tích này? 1000 binh sĩ được chôn cất, đồng bào trong vùng trồng lên mỗi mộ cây si. Rễ si lan rộng quấn quýt đan bện vào nhau, hòa thành một khối như mạng nhện, như “Tướng sỹ một lòng phụ tử”. Hang động xuyên thủy, thì thung, hồ cũng được nối với nhau bằng các sông ngòi, hoặc xuyên thủy động tạo thành thế liên hoàn khép kín hành trình trên nước mà không phải quay ngược lại lối đi cũ.
Lễ hội trên sông Ảnh của DƯƠNG DUY KHANG
Quần thể danh thắng Tràng An rất thân thuộc gần gũi với tôi không chỉ tôi là người con của Ninh Bình xa quê, mà còn mỗi lần trở về là thêm những bất ngờ. Có lúc tưởng tượng và chợt nghĩ: Nếu khu sinh thái Tràng An, khu di tích lịch sử đền Vua Đinh, Vua Lê và rừng đặc dụng Hoa Lư không có con sông Sào Khê chảy qua thì cả một miền di sản này sẽ ra sao? Thì cũng sẽ như các danh thắng khác, có sơn lâm mà không có thủy, có hùng tráng mà không có thơ mộng, lãng mạn. Kỳ vĩ biết bao khi sông Sào Khê bắt nguồn từ sông Hoàng Long dịu dàng như dải lụa, chảy quanh co, len lỏi qua núi rừng, chảy qua các hang động, qua đồng ruộng đổ ra sông Vân để rồi hợp lưu với sông Đáy. Hai bên dòng Sào Khê là cố đô Hoa Lư với với kinh thành hoang phế, đền Vua Đinh, vua Lê, làng cổ Tràng An, làng cổ Yên Thượng, cầu Đông, cầu Dền, Ghềnh Tháp, phủ Vườn Thiên, núi Trạng Nguyên, núi Hòm Sách, núi Đá bàn, núi Huyền Vũ… Sông Sào Khê vừa là nhân chứng lịch sử vừa quặn dòng nâng thuyền tiễn ngài Lý Công Uẩn và tùy tùng dời đô về thành Đại La, mở đầu cho các chương sử mới của ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội văn hiến.
***
Đến Quần thể danh thắng Tràng An nếu chỉ đi ô tô hay ngồi thuyền trên sông Sào Khê, sông Ngô Đồng, sông Bến Đang… ngắm nhìn non nước, say sưa với núi rừng, mê mải với hang động… thì sẽ là một thiệt thòi không gì bù đắp được. Bởi thiên nhiên bao giờ cũng gắn liền với con người, hiểu người và đất Ninh Bình ngàn năm văn hiến thì phải ngược thời quá khứ, đắm mình với không gian lịch sử đền Vua Đinh, Vua Lê, lăng vua trên núi Mã Yên…
Tôi có đọc diễn ca cổ “Hoàn vương ca tích” độ dài hơn 8000 câu thơ như một trường ca, và tôi đã kịp nhận ra một thoáng kinh thành Hoa Lư xưa qua những hình ảnh: “... Này thì rừng thở nguyệt xanh/ Lụa là thêu dệt trải quanh chân trời/ Sấu lên bãi cạn nằm dài/ Hổ leo đồi nọ, trăn choài đồi kia/ Ðêm thâu trăng gác ngoài hè/ Rồng vàng ngũ sắc, mây che giữa trời... Núi Phi Vân đứng giữa trời/ Nhìn xa tưởng cái khiên người bỏ quên/ Nhất đẹp là núi Mã Yên/ Ngựa nằm đội án dâng lên cửu trùng/ Mây xô cho núi lượn vòng/ Nhấp nhô nước bạc ròng ròng suối khe...... Cung đình mây tỏ trăng soi/ Vạc dầu lửa cháy hổ ngồi xem trăng/ Hỏa hiệu giăng khắp mặt thành/ Kì bay cho núi giăng mành về tây/ Trống canh điểm, mõ nện ngày/ Gác lâu binh đứng thành dày trượng ba...”. Giữa non xanh nước biếc và núi giăng giăng thành lũy, kinh thành Hoa Lư xưa hoang phế tự bao giờ chẳng biết, nhưng người xưa cũng còn kịp lưu dấu vết ở đền Vua Đinh, đền Vua Lê. Đứng trước mái ngói thâm u, đền đài sừng sững giữa màu xanh cổ thụ, thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân sẽ rưng rưng một nỗi lòng tôn kính những người anh hùng dựng nước và giữ nền độc lập. Ngàn năm đã đổ bóng xuống thành lũy Hoa Lư hoang phế, nhưng vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ dẹp loạn 12 xứ quân dựng nước Đại Cồ Việt thống nhất; anh hùng Lê Hoàn chiến thắng quân Tống oanh liệt; sự kiện “Đỗ Thích thí Đinh Đinh” và câu chuyện hoàng hậu Dương Vân Nga lấy hai vua… vẫn cứ lưu truyền, và làm cho đất Ninh Bình càng thêm huyền hoặc, bí ẩn,… Đến đền vua Đinh vua Lê, chắc chắn du khách sẽ hiểu biết thêm về kiến trúc nhà Lý kiểu “nội công ngoại quốc”, nhìn đầu đao, bia đá, ngọ môn quan, nghi môn ngoại, nghi môn nội, tòa bái đường, hậu cung… sẽ biết được và thưởng thức nghệ thuật chạm khắc trên đá trên gỗ tinh sảo, tinh tế của người xưa triều Nguyễn…
Tràng An hôm nay không chỉ có di sản thiên nhiên ban tặng và cha ông để lại, mà người Ninh Bình còn quy hoạch, xây dựng mới: Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính. Khu sinh thái mới Tràng An được đắp đập trữ nước, nạo vét sông Sào Khê, nối sông ngầm, xây lại cầu đá xám xanh, đào xuyên núi mở đường nhựa thênh thanh quanh co qua vùng lõi, len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh. Lễ Hội Tràng An có nhiều nghi lễ diễn ra trên sông Sào Khê rước kiệu và rồng, đặc biệt là rước nước thật độc đáo. Các thuyền đi thành đoàn lướt trên sông đến đền Suối Tiên thờ Đức thánh Quý Minh Đại Vương, thì dừng lại tiến hành các nghi lễ: Chủ tế đọc văn tế trình báo trời đất, thần linh sông núi. Người ta lấy nước vào bình từ chỗ cây nêu cắm giữa vòng tròn rồi đưa vào đền dâng lễ. Chủ tế mặc áo thụng, hai trinh nữ mặc áo dài trắng tinh khiêng bình nước dâng lên thượng đẳng thần thờ Đức thánh Quý Minh Đại Vương để tri ân đức ngài đã bảo vệ giang sơn gấm vóc cho muôn đời con cháu… Dân tộc, truyền thống và hiện đại giao hòa, cũ và mới hòa hợp, bảo tồn và phát triển, cùng tôn nhau đẹp lên một cách hợp lý, hài hòa.
***
Rõ ràng Tràng An đã và đang mang một tầm vóc mới.
Câu chuyện Tràng An thức dậy, vươn ra thế giới không chỉ là niềm tự hào của đất và người Ninh Bình mà còn là của quốc gia dân tộc Việt Nam. Nhưng, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào là câu chuyện ly kì, hấp dẫn, đôi khi còn nhuốm màu huyền thoại. Lũy thành Hoa Lư hoang phế, và di tích lịch sử văn hóa đền Vua Đinh vua Lê thì có tự ngàn năm. Thiên nhiên Tràng An còn xa xôi hơn hàng trăm triệu năm và con người tiền cổ sống tương tác, thích nghi với môi trường cũng đã hơn 30000. Du lịch Cố Viên Lầu, thung Nắng, thung Nham… sau này mới phát triển. Di sản Tam Cốc - Bích Động theo sử sách để lại thì: Tam Cốc thuộc căn cứ địa Trường Yên, hành cung Vũ Lâm của nhà Trần từ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ 2 (1285). Nhà văn Đinh Ngọc Lâm quê ở Tam Cốc - Bích Động nói với tôi rằng: Thời chiến tranh và bao cấp, Tam Cốc - Bích Động vẫn ngủ yên trong rừng. Sông Ngô Đồng đầy rong rêu, người dân đi đường mòn và chèo thuyền chui qua hang Cả, hang Hai, hang Ba vào cấy hái, trồng trọt hai bên dòng sông, chả ai nghĩ đến chuyện du lịch. Đôi khi có khách của huyện về, xã cử xã viên chở đi tham quan, thảng hoặc người từ phương xa tìm đến tự thuê dân chèo thuyền. Xét đến cùng thì cũng là hiện tượng văn hóa của làng xã xưa cũ khép kín, “Chuông làng nào làng nấy đánh, thánh làng nào làng nấy thờ”. Danh thắng địa phương, di sản dòng họ, làng xã dù có giá trị bao nhiêu cũng chưa trở thành tinh hoa phổ biến của cộng đồng, của quốc gia và nhân loại. Khu di sản Tràng An cũng thế, núi non, hang động, sông nước bị rừng hoang sơ vây bịt bùng, núi đá hiểm trở giăng lũy thành bao bọc. Sông Sào Khê là con đường thủy duy nhất vào Tràng An, mà hành trình xuyên thủy thì nhiều hang bị ngập nước, hoặc bùn đất lấp. Sông Sào Khê và hang động ở Tràng An với “giá trị nổi bật toàn cầu” cứ như ngủ yên lành giữa rừng xanh núi thẳm, chưa mấy ai biết. Chỉ đến khi công cuộc đổi mới như làn gió mới thổi ào đến miền quê Tràng An khép kín, tĩnh lặng ngàn năm, thì mọi sự mới “vỡ ra”, nhận ra những giá trị to lớn đang ở quanh mình mà không biết khai thác, và tổ chức lại, để phát triển.
Tôi về Tràng An nghe người ta kể ông Nguyễn Văn Son là người đầu tiên phát hiện ra hang động Tràng An và đưa vào khai thác? Ông sinh ra ở làng Tràng An, và lớn lên ở đây. Trẻ con thì thời nào cũng nghịch ngợm, phiêu lưu, khám phá. Thời trẻ, ông và bạn mục đồng từng chui qua hang Luồn vào trong núi rừng Tràng An đơm lờ đổ đó bắt tôm cua ốc cá, bẫy chim. Ông thuộc từng ngọn núi, hang động, thung, ao. Có hang bị cỏ cây lấp kín cửa, có hang bùn đất phủ dầy. Lớn lên nhập ngũ, đi chiến trường, lạy trời, chiến tranh kết thúc ông vẫn còn sống, rồi ra quân về quê sinh sống, làm trưởng thôn. Năm 2002, ông nghĩ đến việc không để cho con sông Sào Khê và hang động Tràng An ngủ yên. Phải đánh thức nó dậy và khai thác bằng con đường du lịch. Ông thành lập công ty, tổ chức khảo sát, ghi chép, thống kê các thung ao, hang động, núi non, đền phủ. Có thể người dân địa phương cũng có người hiểu biết non nước, sông hồ, thung, ao, hang động Tràng An, có người không, nhưng thời chiến tranh và bao cấp, người dân chưa nghĩ đến việc bán vé thu tiền. Chỉ ông Son là người tiên phong? Vậy là, hút bùn hang Luồn, khơi dòng, mở lối, vạch tuyến đi… du lịch đường thủy liên hoàn, khép kín… Kể về chuyện này thì dài dòng, công phu lắm, nhưng ban đầu bao giờ phải “góp gió thành bão”, “dò đá qua sông”, khó khăn nhưng cũng đã thành hình dạng và lối đi.
Nhưng, để thực sự cho Khu sinh thái Tràng An rùng mình, vươn vai trỗi dậy, thì phải đến lúc Doanh nghiệp Xuân Trường vào cuộc xây dựng Tràng An và Tràng An cổ, ông Son trở thành người phụ trách khảo sát… Quy mô tổ chức điều tra, khảo sát, khai quật nhiều hơn, sâu hơn, rộng lớn hơn. Nói về điều này thì cũng dài dòng, công phu lắm, mất thời gian lắm. Chỉ biết rằng quy hoạch, khảo sát, xây dựng, bảo vệ bảo tồn, khai thác di sản danh thắng Tràng An cứ rộng lớn dần lên, và được UNESCO công nhận trở thành di sản của nhân loại, và phát triển như ngày nay thì còn phải tính đến tầm nhìn của lãnh đạo, chính quyền tỉnh Ninh Bình, và sự đồng tâm nhất trí của nhân dân. Trong một tương lai gần, “Di sản thế giới Tràng An sẽ nằm trong lòng thành phố Hoa Lư - Đô thị di sản thiên niên kỷ ở Ninh Bình” và nhân dân Ninh Bình đã và đang nỗ lực để điều đó trở thành hiện thực.
***
Tôi nghĩ đến Tràng An nên kết nghĩa, hoặc giao lưu với một trong 7 ban quản lý kỳ quan thế giới hiện đại, hoặc các di tích danh thắng nổi tiếng khác của nhân loại, sẽ học hỏi được kinh nghiệm và khoa học bảo tồn, quản lý của bạn; đồng thời liên kết để thu hút khách du lịch quốc tế. Dĩ nhiên, tôi cũng lo lắng đến việc bảo vệ, bảo tồn di sản danh thắng Tràng An. Chẳng hạn nạo vét và sửa sang sông Sào Khê thì chú ý giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Khi xúc múc đào dòng sông thì nên có các chuyên gia văn hóa, nhà sử học, nhà khảo cổ tư vấn, nghiên cứu. Bởi chúng ta không thể biết dưới lòng sông đang chứa đựng những gì quý báu của ngàn năm văn hiến. Nạo vét sông Sào Khê chỗ hang Luồn chả từng múc biết bao nhiêu đồ và mảnh gốm sứ đó sao! Còn một điều nữa đau đáu trong lòng tôi là hạn chế đến mức tối đa tác động của con người vào thiên nhiên Tràng An. Một trong những tiêu chí để UNESCO ghi danh, công nhận giá trị nổi bật toàn cầu vì Tràng An là môi trường sống và tương tác, thích nghi của người Việt cổ; Tràng An cũng giữ lại được nhiều đặc điểm ban đầu, ít bị ảnh hưởng từ con người, động vật, và các nhân tố khác. Đấy là thì quá khứ.
Còn thời hiện đại, Tràng An sẽ đứng trước thử thách nghiệt ngã: giữa bài toán kinh doanh, tài chính và bảo vệ bảo tồn, phát triển; giữa truyền thống và hiện đại hóa. Trường hợp ông Nguyễn Văn Son - chủ đầu tư “Tràng An cổ” là một đáng tiếc, một nỗi buồn lẽ ra không để xảy ra. Ông Son một trong những người đầu tiên phát hiện và khai thác, đầu tư du lịch danh thắng Tràng An rất đáng được biểu dương, nhưng sau đó ông lại là người có nhiều vi phạm “Luật Di sản văn hóa”. Nghiêm trọng nhất là ông Son đem bê tông, sắt thép làm đường lên núi Cai Hạ ngay trong vùng lõi danh thắng và đã bị tháo dỡ; tỉnh cũng đã yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động ở Tràng An cổ. Dù ông Son công nhận: “làm đường lên núi Cái Hạ là sai và sẽ chấp nhận mọi hình thức xử lý…” nhưng làm sao mà đưa núi Cai Hạ hoàn nguyên như lúc chưa mang vác bê tông, cốt thép làm đường lên? Hậu quả rất tai hại! Đây cũng là một bài học xương máu về công tác bảo tồn, quản lý danh thắng ở tỉnh nhà, tuyệt đối không để xảy ra thêm một trường hợp nào nữa.
Bảo tồn và quản lý danh thắng còn phải chú ý không hiện đại hóa vô lối, mà phải tôn trong văn hóa truyền thống, tránh lai căng kệch cỡm. Chẳng hạn: cái thuyền nan kết bằng các thanh tre già, sàm thuyền bằng vỏ cây sắn hoặc bè luồng, điều khiển thuyền chở khách du lịch bằng bai chèo, cây sào sẽ mang vẻ đẹp nguyên sơ dân dã hơn là thuyền bằng tôn lá, hoặc đúc xi măng. Người chèo thuyền mặc áo cánh, quần dài ống tròn màu nâu đất của nông dân Bắc Bộ cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 sẽ tinh khôi, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên Tràng An hơn là tùy ai có gì mặc nấy, hoặc vận đồng phục hiện đại.
Có lần tôi nghĩ: Ninh Bình nên tôn vinh những người có công phát hiện ra danh thắng, di sản địa phương. Chẳng hạn ông Trần Văn Thông thủy thủ tầu bị mắc cạn ở Cồn Nổi dưới mạn cửa Đáy, biển Kim Sơn để rồi bất ngờ phát hiện ra. Ông Nguyễn Văn Son điều tra, khảo sát nhiều hang động Tràng An trong non nước Hoa Lư và đưa vào hoạt động du lịch. Xa xưa nữa là ai đó đã phát hiện, hoặc đề xuất thành lập Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương. Họ là những người “dò đá qua sông” có thể là tình cờ, có thể là tính phiêu lưu, chinh phục, mở đầu, rất nên được vinh danh. Có lỗi thì phạt, có công thì khen, là một lẽ công bằng trong xã hội văn minh phát triển.
S.N.M
(TC VNNB Số 292-4/2024)