TẠ HỮU
Bác và nhà danh họa Pi-Cát-Sô
Bác đến thăm họa sĩ Pi-cát-sô ở Pa-ri, thủ đô nước Pháp. Đi theo Bác có thư kí của Người – ông Vũ Đình Huỳnh. Vì không báo trước, nên lúc bác đến, chỉ có người giúp việc họa sĩ ra đón. Khi nhìn thấy Bác, Pi-cát-sô rất mừng. Nhà danh họa đón Bác đi xem phòng tranh của ông. Bác đi nhẹ nhàng với sự im lặng tuyệt đối, Bác ngắm từng bức tranh của bậc danh họa.
- Anh cho tôi một lời khuyên – Pi-cát-sô nói.
- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh – Bác vui vẻ trả lời – Một lời bình vì tranh Pi-cát-sô chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi, một người không am hiểu nghệ thuật hội họa cho lắm.
Pi-cát-sô cười, ông nói tiếp:
- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên tờ báo “Người cùng khổ” mà anh kí Nguyễn Ái Quốc. Ngày ấy, tôi nói với Hăng – sơ Bắc – buýt: “Chỉ mấy nét vẽ này ta thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Nếu như anh tiếp tục am tường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ.
Nhà danh họa phác thảo mấy nét về chân dung Bác, rồi ông cất vào cặp giấy vẽ. Đây là một kỉ niệm sâu sắc đối với người họa sĩ lừng danh thế giới.
Bác với nữ thi sĩ Ma-Đơ- Len Ríp-Phô
Nữ thi sĩ Pháp Ma-đơ-len Ríp-phô – Một cây bút nổi tiếng trên thi đàn nước Pháp. Sang thăm Việt Nam, nữ thi sĩ có vinh dự đến ngôi nhà sàn của Bác Hồ. Câu chuyện thời sự và văn chương mỗi lúc thêm đậm đà. Bác nói tiếng Pháp như người dân Pa-ri vậy, Bác tặng nhà thơ nữ này những bông hồng đỏ, một cử chỉ rất văn hóa của Bác. Chị nhận hoa Bác tặng, rưng rưng nước mắt. Sau đó chị có bài thơ rất xúc động:
“Người cầm hai đóa hoa hồng/Tựa như những đóa ta trồng vườn hoa/Hỏi thăm tin tức chúng ta/Hiểu dân tộc Pháp hơn là bạn, tôi/ Tôi như chim trắng trước Người/ Chim lành thợ mỏ chăm nuôi mái hè/ Bay cùng xứ của Tô-rê/ Tôi yêu, tôi khổ vì quê hương mình/ Toàn dân đã chặn chiến tranh/ Với ta Người tặng tấm tình, và hoa”(Nhà thơ Tế Hanh dịch)
Bác Hồ mãi xứng danh hiện được tôn vinh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
TẠ HỮU