Thứ sáu, 04/10/2024

Nhịp cầu hữu nghị văn học Việt Nam - Hàn Quốc

Thứ hai, 04/11/2019

Trong quá khứ cũng như hiện tại, Việt Nam và Hàn Quốc có sự tương đồng về lịch sử, văn hoá và có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Đặc biệt cách đây gần 10 thế kỷ, đất nước Hàn Quốc đã đón vị sứ giả đặc biệt của Việt Nam là một vị hoàng tử triều Lý sang Hàn Quốc sinh sống và lập nghiệp, đóng góp vào sự hình thành phát triển của đất nước Hàn Quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, ngoài sự hợp tác phát triển về kinh tế, ngoại giao, nền văn học hai nước cũng có những bước tiến quan trọng. Nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ hai nước đã được dịch ra tiếng Hàn và tiếng Việt, để giới thiệu với độc giả tại Việt Nam và Hàn Quốc... Nhịp cầu hữu nghị Việt – Hàn đã được xây dựng từ lâu đời và ngày nay đang được củng cố, bồi đắp bằng các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa... trong đó có công sức của các nhà văn, nhà thơ của cả hai nước.

Đoàn nhà văn Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm với các nhà văn Ninh Bình và Hà Nội

tại Tràng An (Ninh Bình) tháng 2 năm 2019      Ảnh: MINH TUYỀN

 

Mở rộng nhịp cầu hữu nghị ấy, ngày 21/2, tại Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) đã diễn ra buổi giao lưu văn học giữa Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình với Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc do nhà văn, dịch giả Ha Jae Hong, Trưởng ban chuẩn bị thành lập Quỹ dịch thuật văn học Việt - Hàn làm trưởng đoàn. Tại buổi giao lưu nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào), Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình đã chào mừng đoàn nhà thơ Hàn Quốc đã đến Việt Nam tham dự các sự kiện văn hóa tại Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, chúc mừng nhà văn Ha Jae Hong vừa được tặng thưởng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (ngày 20/2), đồng thời giới thiệu về văn học “Miền lục bát Cố đô Ninh Bình” với bạn văn xứ Kim Chi. Dịch giả, nhà văn Ha Jae Hong chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, ông vui mừng cho biết: khi được tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17, tham dự Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV,  Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ III, các nhà thơ đương đại Hàn Quốc luôn có những  ấn tượng đẹp đẽ về thiên nhiên và văn hóa con người Việt Nam trong đó có Ninh Bình. Trong năm 2019, 4 tác phẩm của nhà văn Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn và tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống” của nhà văn Văn Lê (Ninh Bình) được tái bản tại Hàn Quốc do Quỹ văn hóa Hansae yes24 tài trợ,  tập thơ “Việt Nam - đất nước mà tôi để quên” của nhà thơ Kim Tae Soo được xuất bản ở Việt Nam.

Bạn văn xứ Hàn bày tỏ sự thăng hoa trong cảm xúc khi được về  giao lưu với văn nghệ sĩ Ninh Bình và luôn có những cái nhìn tươi mới khi được đi thực tế khám phá văn hóa Cố đô Hoa Lư linh thiêng huyền sử - Kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, nơi phát tích 3 triều đại vua Đinh – vua Lê - vua Lý ở thế kỷ thứ X. Các bạn văn luôn mong muốn mối quan hệ văn học được mở rộng hơn, sẽ là nhịp cầu để độc giả Việt – Hàn có dịp được tìm hiểu văn hóa con người hai nước qua nhiều tác phẩm văn chương của các nhà văn nhà thơ bằng ngôn ngữ thứ hai. Nhà thơ Trần Quang Quý đã kịp ghi lại sự ngạc nhiên của bạn văn về vẻ đẹp kỳ vĩ của Quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư bằng bài thơ:                                       

  Mắt Hàn

Ngủ say trong đôi mắt Hàn

bình yên lạ

ngỡ mình đã Hàn

cũng có thể Hàn đã ngủ trong tôi

đâu đó từ nguyên thủy. 

Tiếp đó, ngày 11/3 giữa lòng thủ đô Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã có buổi giao lưu với hơn 30 nhà thơ của Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc do nhà thơ Kim Yong Jae, Chủ tịch Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc làm trưởng đoàn và nhà thơ Yang Wang Yong, Phó Chủ tịch Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc làm Phó đoàn. Tại buổi giao lưu, nhà thơ Kim Yong Jae nhấn mạnh: trong quá khứ, Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa nói chung và văn học nói riêng. Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chính trị - văn hoá của hai nước. Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc được thành lập năm 1972 và là Hiệp hội Văn học lớn nhất Hàn Quốc hiện nay với khoảng 2000 hội viên.

Sau buổi giao lưu, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và lãnh đạo Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc đã ký biên bản hợp tác giữa hai Hội. Nhà thơ Kim Yong Jae hi vọng buổi giao lưu sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà văn hai nước và sự nghiệp văn học của hai nước sẽ ngày càng phát triển: “Chúng ta mong muốn cùng lao động miệt mài để mang lại những giá trị văn hoá tốt đẹp hơn”.

Viết tiếp cung đường mùa xuân hy vọng, trung tuần tháng 10 tới đây, Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc đã có thư mời Hội Nhà văn Việt Nam sang thành phố Busan, Hàn Quốc tham dự Hội thảo thơ mang chủ đề “So sánh sự phát triển thơ hiện đại Hàn Quốc và Việt Nam” do Hiệp hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc tổ chức. 13 nhà thơ Việt Nam được mời đi tham dự hội thảo gồm: Nguyễn Bình Phương, Bình Nguyên, Nguyễn Sĩ Đại, Đỗ Thị Tấc, Mai Văn Hoan, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Ngọc Phú, Phạm Quốc Ca, Lê Thị Thanh My, Nguyễn Thị Phước, Lê Đăng Hoan, Nguyễn Kim Thành. Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, có nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào) vinh dự được nhà thơ Kim Yong Jae, Chủ tịch Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc mời dự hội thảo và giao lưu với bạn văn xứ Kim Chi trong dịp ý nghĩa này.

Hi vọng cuộc giao lưu mùa thu xứ Hàn sẽ đi vào lịch sử quan hệ của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà thơ đương đại Hàn Quốc, góp phần củng cố cây cầu hữu nghị giữa hai dân tộc.

PV

Bài viết khác