Thứ sáu, 13/09/2024

Những bông hoa trong vườn Bác

Chủ nhật, 17/05/2020

Có người may mắn được gặp Bác, có người chưa từng một lần được gặp chỉ tiếp xúc với Bác qua những tài liệu, hình ảnh và những câu chuyện truyền lại, nhưng hình ảnh người cha già dân tộc dung dị, mẫu mực… lúc nào cũng như hiển hiện, dẫn lối, soi đường, thôi thúc họ sống, học tập và làm theo gương Bác.

 

 

mặc dù năm nay đã 85 tuổi, nhưng ông Trần Văn Cao thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn không ngừng sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Bác. Đã bao năm ông “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nguyện là người dẫn chuyện, truyền cảm hứng, lan tỏa tấm gương đạo đức sáng ngời về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ông Trần Văn Cao thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ - Hà Nội. (Ảnh: K.T)

Sau lần gặp Bác đầu tiên tại Thái Nguyên năm 1963, dù còn rất nhỏ nhưng ông Trần Văn Cao đã nguyện suốt đời noi gương Người, đi theo Đảng, theo cách mạng.

Gặp ông tại lễ tuyên dương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 khi ông đã 85 tuổi; vóc dáng nhỏ nhắn nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn và tinh tường, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Bác qua các tấm ảnh và hành trình gian lan để có được những tấm ảnh quý ấy.

Sự dung dị, chất phát, mộc mạc và hồn hậu của người cán bộ đã trở về gắn bó với ruộng đồng, với củ sắn, củ khoai… hơn 30 năm qua khiến ai tiếp xúc với ông dù chỉ lần đầu cũng thấy quý, thấy mến.

Ông hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về cái ngày lịch sử được gặp Bác đã giúp ông tìm ra lẽ sống của đời mình. Đó là năm 1963 Bác Hồ về nói chuyện với nhân dân khu Đình Cả, Võ Nhai, Thái Nguyên. Lúc đó ông còn là học sinh, tuy nghe những câu chuyện Bác kể đôi chỗ còn không thấm hết. Nhưng không hiểu sao từ cái ngày ấy, hình ảnh về vị Chủ tịch, dung dị với những câu chuyện sâu sắc của Người cứ văng vẳng, thôi thúc ông làm theo.

Sử ca về Đảng, Bác Hồ được ông viết bằng tay gần 100 trang. (Ảnh: K.T)

Cũng kể từ ngày đó, trong tâm trí người thanh niên Trần Văn Cao lúc nào cũng nghĩ về Đảng, về cách mạng, về Bác Hồ. Thực hiện lời dạy của Người, không chỉ trong học tập, trong suốt thời gian công tác ông không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đối với ông, trong công việc chỉ có khen thưởng chứ không bao giờ biết tới bị kỷ luật, khiển trách. Ông tự hào kể về những năm công tác tại Bộ Thủy Lợi, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, hay công tác tại Lào... Nơi nào có người cán bộ Trần Văn Cao là nơi đó công việc dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ hoàn thành. Ông tâm niệm, học theo Bác, trước hết là phải học vượt khó, vượt khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trở về quê hương năm 1987 vui thú với công việc điền viên; gắn bó với ruộng vườn, vất vả là vậy nhưng hễ lúc nào thong thả ông lại làm thơ, vẽ tranh và sưu tầm ảnh Bác. Hình ảnh về Bác cứ hiển hiện, thôi thúc ông làm những việc mà nhiều người cho rằng dị thường. Đó là việc ông miệt mài đi sưu tầm những hình ảnh về Bác, hay quên ăn, quên ngủ viết sử ca về Đảng, về Bác Hồ.

Lúc đầu mọi người còn nghi ngại, nhưng khi 1.465 câu thơ lục bát được hoàn thành với gần 100 trang, dễ đọc, dễ hiểu, kể về quãng thời gian từ lúc Bác ra đi tìm đường cứu nước cho tới khi Cách mạng thành công đã khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng, cảm động. Và càng ngỡ ngàng hơn khi ở tuổi 85 mà ông vẫn thuộc làu làu gần một ngàn năm trăm câu lục bát ấy. Tuy không phải là nhà thơ nhưng tình cảm vô bờ đối với Bác đã thôi thúc ông làm những việc phi thường. Không chỉ có vậy, ở thôn Đại Phẩm ai cũng biết ông Cao “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, suốt ngày đi đọc thơ, kể chuyện về Bác Hồ. Cuộc sống những năm trước của gia đình ông tuy chẳng mấy khá giả nhưng ông vẫn cứ miệt mài với niềm đam mê kể chuyện về Bác.

Ông bảo vì muốn hình ảnh, tấm gương đạo đức mẫu mực của Bác Hồ mãi được lưu truyền và lan tỏa trong thế hệ những người con đất Việt, mà trước hết là con cháu, người dân thôn Đại Phẩm, Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội, nên dẫu có “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ông vẫn cứ không quản ngại.

Phòng lưu niệm Bác Hồ trong tư gia của ông Trần Văn Cao. (Ảnh: M.A)

Không chỉ dừng lại ở đó, để người dân, đặc biệt là thế hệ học sinh cũng như các đoàn thể trong xã, trong thôn có chỗ học tập, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Bác, ông ước mơ có một phòng truyền thống riêng để trưng bày những tư liệu về Người mà mình đã sưu tầm suốt bao năm. Nhờ sự ủng hộ của những người con, sau thời gian dài chuẩn bị,đúng dịp tết vừa qua, Phòng lưu niệm Bác Hồ trong tư gia của ông đã được hoàn thành khang trang, ấm áp. Nơi đây trưng bày hơn 300 bức ảnh, trong đó có nhiều bức ảnh quý, được sưu tầm theo các mốc thời gian Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, những năm Người bôn ba ở nước ngoài, hay lúc trở về lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc…

Từ ngày Phòng lưu niệm Bác Hồ được hoàn thành, nhà riêng của ông Cao luôn tấp nập người dân trong làng, các đoàn thể trong xã và trong cả huyện Chương Mỹ về tham quan, học tập. Hình ảnh ông Trần Văn Cao, bé nhỏ, siêu vẹo đi gõ cửa từng nhà để sưu tầm ảnh Bác ngày nào nay đã trở thành tấm gương sáng, niềm tự hào của người dân Đại Phẩm, Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội.

Hơn 30 năm “Đi tìm hình của Bác”, đến nay ở tuổi 85 mắt đã mờ, chân đã chậm hơn, nhưng ông Trần Văn Cao vẫn chưa muốn dừng lại trên hành trình đam mê này. Ông vẫn nung nấu sưu tầm thêm những bức ảnh về tuổi ấu thơ của Bác. Ông bảo có như thế, câu chuyện kể bằng hình ảnh của ông về Bác Hồ mới hoàn chỉnh, mới có nhiều ý nghĩa với mọi người đến tham quan, học tập.

Đối với ông Cao có lẽ chỉ khi nào chân không còn đi, mắt không còn nhìn được....ông mới ngưng việc "tìm hình của Bác". Cũng nhờ niềm đam mê và việc làm giản dị mà chứa đầy ý nghĩa của ông mà người dân thôn Đại Phẩm nói riêng và nhân dân cả nước nói chung có thêm một địa chỉ để nghiên cứu và học tập về Bác. Dung dị, mộc mạc nhưng ông chính là bông hoa ngát hương giữa đời thường, bởi luôn thấm nhuần và được "ươm trồng" từ chính những tư tưởng, đạo đức và phong cách sáng ngời của Người./.

Nguồn: dangconsan.vn

Bài viết khác