Thứ sáu, 13/09/2024

50 năm chiến thắng Đông Hà và câu chuyện về một người con gái anh hùng

Thứ ba, 23/08/2022

Bút ký của PHẠM ĐỨC HOÀN
Đại tá, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân đoàn 1

Đúng vào những ngày quân và dân Quảng Trị sôi nổi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đông Hà, chúng tôi những cựu chiến binh của Sư đoàn 308 tổ chức một chuyến trở lại thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội.

Đoàn có 10 người do anh Hoàng Kim Hiên, nguyên Chính ủy Trung đoàn 102, nguyên Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh của Sư đoàn dẫn đầu. Trong đoàn có 3 người từng tham gia cả ba chiến dịch (Đường 9 - Khe Sanh 1968, Đường 9 - Nam Lào 1971 và Quảng Trị 1972), 4 người tham gia hai chiến dịch (1971 và 1972); còn lại là ba chàng sinh viên Hà Nội, tham dự nửa sau chiến dịch 1972. Riêng anh Hiên, mặc dù năm nay đã 82 tuổi, nhưng vẫn rất nhiệt tình và hăng hái. Những năm qua, anh đã có nhiều dịp trở lại Quảng Trị.

Theo lịch trình, đến Quảng Bình, chúng tôi vào Vũng Chùa - Đảo Yến thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi viếng nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, chúng tôi qua Khe Sanh, Lao Bảo. Tiếp đó, về nghĩa trang Quốc gia Đường 9, thăm Thành cổ Quảng Trị, cuối cùng là Cửa Việt, nơi một số anh em tham gia trận phản công ngay sau ngày kí kết Hiệp định Pa-ri. 

Tại Khe Sanh, đoàn được đồng chí Hói, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa - một “thổ công” của vùng đất này hướng dẫn rất tận tình. Sau phần hành lễ tại nhà tưởng niệm nghĩa trang Khe Sanh, chúng tôi tỏa ra thắp hương cho các liệt sỹ. Đây là nơi Sư đoàn 308 lần đầu ra quân sau 14 năm huấn luyện trên đất Bắc. Cách chỗ chúng tôi đứng không xa là đồi Làng Cát. Sau trận đêm 28 tháng 5 năm 1968 của tiểu đoàn 8, diệt 180 tên, đêm 30 tháng 5, tiểu đoàn 7 Trung đoàn 102 lại có trận tập kích thứ hai vào vị trí này, diệt 250 tên. Trung đội 7 (đại đội 12, tiểu đoàn 9) đánh phối hợp với tiểu đoàn 7, chốt ở ngã ba Thượng Văn trong suốt cả ngày 31 tháng 5, chống lại 7 đợt tiến công của 2 đại đội lính “cổ da” Mỹ có máy bay, xe tăng chi viện, diệt 70 tên. Đứng bên nghĩa trang Thượng Văn (cạnh nhà tưởng niệm), anh Hiên bồi hồi nhớ lại: “Sau trận Làng Cát, Sư đoàn liên tục tổ chức các trận đánh ở Húc Thượng, Húc Hạ, Động Em, Phu Nhoi, Rô Mơ, Rào Quán, Pa Trang… Các trận đánh đều diễn ra rất ác liệt vì Mỹ có quân đông, hỏa lực chi viện mạnh, nhất là không quân. Chúng thường xuyên dùng máy bay trực thăng chở quân “nhảy cóc” trên các đỉnh đồi; trong khi bộ đội ta thì “chân trần, chạy bộ” để đánh… Ác liệt vậy nên anh em ta hy sinh và bị thương cũng nhiều lắm!”. 

Thành phố Đông Hà hôm nay                                               Ảnh: Internet

Chúng tôi đến nghĩa trang Quốc gia Đường 9 vào đầu giờ chiều. Trời cao xanh, mây trắng, nắng ong ong… Tôi có cảm giác thời tiết này chẳng khác mấy so với năm mươi năm trước, hồi Sư đoàn đang chuẩn bị đánh Đông Hà. Sau khi thắp hương tại Đài tưởng niệm trung tâm, chúng tôi đến thắp hương tại Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của Sư đoàn 308, cách đó không xa. Số liệu cho biết, riêng Sư đoàn 308 trong ba chiến dịch ở Quảng Trị đã có 3.128 liệt sỹ! Anh Hiên, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 7 trong chiến dịch 1972 khoát tay về phía các điểm cao 35, 37, xa hơn là động Lôn, động Quai Vạc… nói: “Những ngày này của 50 năm trước là những ngày cực kỳ khó khăn với sư đoàn”. “Vì sao vậy?” Bình, một trong ba chàng sinh viên không tham dự đợt đầu hỏi. Anh đáp: Sau khi chúng ta đánh chiếm được một số vị trí ngoại vi Đông Hà, địch liền tăng cường lực lượng và điều chỉnh chiến thuật… Do không kịp thời nắm được sự thay đổi ấy, Sư đoàn vẫn tiếp tục được lệnh tấn công. Ngày 9/4, chỉ sau 30 phút chiến đấu, ta buộc phải phải tạm dừng vì tổn thất khá lớn cả về người và vũ khí trang bị. Bộ Tư lệnh Sư đoàn nghiêm túc kiểm điểm, tìm nguyên nhân, nhanh chóng phát hiện chỗ mạnh của địch lúc này là “vành đai” xe tăng thiết giáp cùng chiến thuật “di tản cơ động” của chúng. Sư đoàn đã tiến hành ngay một đợt tác chiến “đệm”, đồng thời phát động phong trào “săn tăng” địch. Chỉ trong vòng 10 ngày, ta đã bắn cháy 35 chiếc, làm suy giảm đáng kể sức mạnh phòng ngự của chúng. Cùng với đó, các đơn vị tổ chức các trận đánh vừa và nhỏ tạo bàn đạp, nổi bật là trận đánh ở điểm cao 37 ngày 19/4 của Tiểu đoàn 7 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Trung Dương (sau này ông là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng). Nắm chắc quy luật di chuyển của địch, lúc 7 giờ sáng, tiểu đoàn tiếp cận đúng kế hoạch song không đánh được vì trinh sát pháo binh đi cùng chưa chuẩn bị kịp. Tiểu đoàn đã dũng cảm giấu quân ngay sát địch từ đó đến 5 giờ chiều, vào đúng lúc chúng đang thu quân, nổ súng diệt gọn cụm bộ binh thiết giáp gồm 1 đại đội biệt động và 6 xe tăng…”. Đây là giai đoạn chuẩn bị quan trọng cho đợt tổng công kích giải phóng Đông Hà từ ngày 26/4 trở đi. 

Tôi bổ sung thêm: “Chính trong thời gian này, Sư đoàn được sự giúp đỡ rất lớn về nhiều mặt của quân dân Quảng Trị. Điển hình là lãnh đạo Thị ủy Đông Hà đã cử đồng chí Hồ Thị Bích Lan (tên thật là Nguyễn Thị Dưỡng), Thị ủy viên, đến tận Sở chỉ huy Sư đoàn để cung cấp những tin tức mới nhất về địch, về tình hình nhân dân trong khu vực, góp phần giúp Sư đoàn xây dựng hoàn thiện kế hoạch tác chiến mới. Hồi ấy do chúng tôi cùng trang lứa, bản thân lại đang công tác ở Ban địch vận Sư đoàn nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc, chuyện trò với Bích Lan”. Tôi khoe với mọi người: “Bích Lan có một bức ảnh chụp chung với anh em tôi hôm chia tay để vào Đông Hà!”. Bức ảnh này được anh Hiên lần nào làm sách về Trung đoàn, Sư đoàn cũng đưa vào”. Anh Hiên đáp lại: “Có duyên cả đấy!”. “Duyên gì anh?” “Vì cậu có cái truyện ngắn “Bên suối La La”, đọc thích lắm!”. Giọng anh bỗng nhiên chùng xuống: “Vậy mà cô ấy đã đi xa. Mộ cô ấy cũng ở nghĩa trang này đấy!”. Cả đoàn ồ lên và không ai bảo ai nhanh chóng theo anh đến phần mộ cô. Hoa tươi, hương thơm tỏa ngát. Anh Hiên nói tôi thay mặt đoàn có mấy lời với Bích Lan. Nhìn ảnh cô trên tấm mộ chí, trong lòng tôi bỗng trào lên niềm xúc cảm, bồi hồi nhớ đến một cô gái mảnh mai, xinh xắn luôn có nụ cười hiền. Tôi chỉ nói được mấy câu… Tôi nán lại bên cô trong khi mọi người tỏa đi thắp hương cho các mộ xung quanh. Điều làm tôi bất ngờ khi đọc tới những dòng chữ khắc trên trên tấm mộ chí ngày Lan hy sinh: 10/4/1972

Ngôi nhà của gia đình Bích Lan trú tại phường 4, thành phố Đông Hà, nằm kề bên Quốc lộ 9, cách Nghĩa trang chừng 500 mét. Sau khi thắp hương cho các cụ (cụ ông mất năm 1996, cụ bà mất năm 2010), tôi đang muốn hỏi gia đình về ngày mất của Bích Lan thì một ngạc nhiên khác đập vào mắt tôi. Trên tấm bằng Tổ quốc ghi công của cô treo trên tường nhà (Bằng do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí năm 1977 - nghĩa là chỉ sau khi cô mất 5 năm), lại thấy ghi hy sinh ngày 16/4/1972. “Sao lại có chuyện sai lệch vậy nhỉ?”. Tôi hỏi Nguyễn Văn Tỷ, em trai Bích Lan. Chú ấy rân rấn nước mắt: “Trước khi mất, bố mẹ em cũng có nói đến chuyện này. Có lần em lên trên hỏi cách xử lý, họ đều nói việc này khó lắm! Hiện gia đình không còn giấy tờ lưu lại. Không biết làm thế nào để cho các cụ và chị em yên lòng nơi chín suối!”. Anh Trần Đình Đích, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Quốc phòng, Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng Tham mưu, hiện đang là Tổng biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam nghe vậy, tiếp lời: “Chắc là có chuyện nhầm lẫn gì rồi”. Anh Lê Khánh Châu, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 102 quay sang tôi: “Anh là người tham gia viết sử của cả Sư đoàn và Quân đoàn, anh cố gắng tìm tư liệu giúp gia đình”. Tôi nói: Vâng! Ngay từ lúc vào, tôi đã để ý thấy một chị phụ nữ nhỏ thó, trên khuôn mặt nổi sần nhiều mụn to nhỏ, lặng lẽ đứng cạnh. Chú Tỷ thấy vậy vội giới thiệu: “Đây là chị cả em, trước 1975 cũng tham gia công tác, được nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Bệnh tật, lại không chồng con. Hồi xưa có lần định đi làm chế độ chất độc da cam nhưng hình như người ta nói không đủ tiêu chuẩn”. Tính anh Đích bộc trực, nói liền: Sống trong vùng có chất độc, bản thân có bệnh, lại có huân huy chương. Tiêu chí đủ cả” Ông Hiên mỉm cười nhỏ nhẹ, đúng tác phong của một Chỉnh ủy: “Đây là vùng phủ sóng của ông. Ông giúp xem sao!”. Anh Đích cầm máy điện thoại gọi ngay cho một người nào đó, chắc ở Hội chất độc da cam Quảng Trị.

Chúng tôi chia tay với gia đình Bích Lan để đi Thành Cổ và Cửa Việt mà trong lòng nặng trĩu một nỗi buồn khôn nguôi!

Đúng lời hứa, tôi lập tức đi tìm các tư liệu về ngày hy sinh của Bích Lan. Trong tay tôi có các cuốn lịch sử Sư đoàn 308. Tôi đi tìm các tư liệu để lại của Trung tướng Nguyễn Hùng Phong, của Thiếu tướng Nguyễn Hiền. Tôi liên lạc với Bảo tàng Quảng Trị, với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, nhờ các anh chị cũng cung cấp thêm thông tin. Và đây là một số chứng cứ xác minh bằng văn bản: Tại trang 320, 325, cuốn “Sư đoàn Quân Tiên Phong”, kí sự lịch sử, tập 3 do Nxb Quân đội nhân ấn hành năm 1979 đã viết: “15 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1972, toàn bộ Đông Hà được giải phóng”. “Cũng trong ngày vui thắng trận đó, đồng chí Bích Lan, người con gái kiên cường của thị trấn Đông Hà… đã anh dũng hy sinh trong khi đi vận động bà con ở lại…”. Trung tướng Nguyễn Hùng Phong, nguyên Chính ủy Sư đoàn trong chiến dịch trong bài “Mặt trận Quảng Trị xuân - hè năm 1972” (in trong cuốn Kí ức Quân Tiên Phong do Nxb Lao Động ấn hành năm 2009), viết về sự kiện này: “Căn cứ Đông Hà bị tiêu diệt. Thị xã Đông Hà được giải phóng. Chiều ngày 28/4/1972, Ủy ban quân quản được thành lâp do đồng chí Nguyễn Hiền, Phó Chính uỷ Sư đoàn 308 làm Chủ tịch. Cùng vào thị xã Đông Hà có đồng chí Hồ Thị Bích Lan, Thị ủy viên. Người con gái trung kiên của thị xã Đông Hà đã cùng các chiến sỹ của Sư đoàn đi vận động đồng bào chống âm mưu dụ dỗ lôi kéo của địch… đã bị một quả đạn 220 mm từ chiến hạm Mỹ ngoài khơi bắn vào khiến chị và một số chiến sỹ đồng bào ngã xuống trên mảnh đất quê hương vừa được giải phóng”. (trang 588). Một trong những người trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của Bích Lan ngày ấy là Thiếu tướng Nguyễn Hiền, nguyên Phó chính ủy Sư đoàn 308. Trong cuốn hồi kí “Đời nguời đời lính” do Nxb Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2009, ông viết: “Thị xã Đông Hà được giải phóng vào trưa ngày 28/4/1972. Ủy ban quân quản được thành lập. Ủy ban quân quản gồm có: Nguyễn Hiền, Chủ tịch ủy ban (chỉ định); Đồng chí Dũng, Bí thư Thị ủy Đông Hà làm Phó Chủ tịch; Đồng chí Hồ Thị Bích Lan, Thị ủy viên thị ủy Đông Hà; đồng chí Lư, Viện trưởng viện kiển sát quân sự Sư đoàn và một số đồng chí khác…” Ông viết tiếp: “Ngày 28, lúc 11 giờ, bọn địch bỏ chạy khỏi Đông Hà. Tôi và đồng chí Dũng bèn cử O (Bích Lan - P.Đ.H) đi theo đồng bào để vận động bà con trở về. Bất kể nguy hiểm, O vận quần áo hợp pháp đi theo bám dân. Bà con nhiều người nhận ra O thì sung sướng ra mặt… Không khí đang vui mừng… thì bỗng có hàng loạt đạn pháo rót bừa vào dòng người đang trên đường chạy về Đông Hà. Một số thường dân bị chết trong đó có O Bích Lan. Thật đau xót. O đã ngã xuống chiều ngày 28/4/1972 giữa lúc Đông Hà hoàn toàn giải phóng. (trang 221, 226, 227

Tôi gửi ngay cho anh Hoàng Kim Hiên những văn bản tài liệu tìm được. Anh vui mừng đáp lại: “Chẳng biết bao giờ chúng mình có dịp trở lại Quảng Trị. Bọn mình đi dịp này là “chuẩn” rồi nhưng chưa làm được những gì ta thấy phải làm, nhất là với những người đồng đội đã hy sinh thì vẫn là còn “nợ” anh em. Hơn nữa với Bích Lan, từ lâu các thế hệ cán bộ chiến sỹ Sư đoàn vẫn coi cô như là một ân nhân!”

Riêng tôi, tôi cũng có thể góp thêm vào câu chuyện này bằng một hiện vật minh chứng. Đó là tấm ảnh Bích Lan chụp với anh em Phòng Chính trị sư đoàn vào chiều ngày 26/4/1972, trước khi cô đi làm nhiệm vụ ở Đông Hà. Hiện tấm ảnh đó được phóng to và treo trang trọng tại nhà cô. 

Và dường như có một điều tâm linh kỳ diệu nào đó, sau 28 năm, đúng vào ngày mất của cô (28/4), ngày 28/4/2000, Hồ Thị Bích Lan được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương kí truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.                                    

  Đông Hà, 10-14/4/2022

(Nguồn: TC VNNB 267-7/2022)

Bài viết khác