Thứ sáu, 13/09/2024

Cúc Phương - Nàng Tiên Xanh thức giấc

Thứ ba, 04/04/2023

Ký sự của NGUYỄN KIM ÂU

Âm vang Mường                                                       Ảnh của NINH ĐỨC HẬU

Cuối thu đầu đông, văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình chúng tôi về dự trại sáng tác Văn học tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Khi xe vượt dốc Sườn Bò, Quèn Thạch rừng đã ở ngay phía trước. Nắng chiều dát ánh vàng đỉnh núi, tràn khắp rừng như dải lụa mềm mại quyến rũ. Tạo cho chúng tôi cảm giác dễ chịu, quên ngay những mệt mỏi đi đường.

Đi qua đường tỉnh lộ vào là ngôi nhà Hạt Kiểm lâm, bên phải là khu hành chính, nhà xây dựng một tầng dưới tán rừng thông, chò chỉ, kim giao tạo cảnh đẹp cho khu hành chính, dịch vụ du lịch và nghiên cứu khoa học.

Sáng hôm sau, ngày 07/11/2021, chúng tôi dự Lễ phát động Cuộc thi viết về: “Vườn Quốc gia Cúc Phương, 60 năm xây dựng và phát triển” (1962 - 2022). Đây là hoạt động đầu tiên thiết thực và ý nghĩa giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp với Hội VHNT Ninh Bình để các văn nghệ sĩ tỉnh nhà đến Cúc Phương. Những ngày ở Cúc Phương là dịp may cho chúng tôi trải nghiệm đi thực tế để hiểu rừng đại ngàn xanh đẹp nơi đây, lòng càng thêm yêu quý Cúc Phương hơn.

Sáu mươi năm với nhiều thế hệ lãnh đạo, các tiến sĩ, kỹ sư, cán bộ công nhân viên yêu rừng hăng say lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học... Là một chặng đường dài so với tuổi con người. Nhưng với lịch sử diễn thế và phát triển từ xa xưa của rừng nguyên sinh Cúc Phương thì thời gian ấy có thấm tháp gì!

Từ giữa thế kỷ XX về trước, chưa mấy người biết đến rừng Cúc Phương. Cả vạn, triệu năm nơi này là biển. Người tiền sử phải sinh sống trong hang động trên núi cao và khi chết con cháu mai táng người thân tại nền hang (động Người Xưa). Trải qua những vụ nổ địa chấn, biển thoái biển lui, tạo sơn... Muôn loài động, thực vật phát triển thành rừng trên một địa hình karst, núi đá hùng vĩ rộng lớn thuộc các huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), Yên Thủy (Hòa Bình), Nho Quan (Ninh Bình). Nơi đây xa xưa rừng già còn phát triển tràn xuống các huyện thị Gia Viễn, Tam Điệp, Hoa Lư... Khi ấy dân số ít, nên con người chỉ khai thác gỗ củi ở vùng đệm phía ngoài đã đủ dùng. Mặt khác, rừng Cúc Phương có nhiều đèo dốc khó đi nên tài nguyên rừng ít bị xâm hại.

Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Ty Lâm nghiệp Ninh Bình được thành lập. Hoạt động nghề rừng trong tỉnh bắt đầu. Lâm trường Cúc Phương được thành lập trực thuộc Ty Lâm nghiệp, thực hiện nhiệm vụ khai thác gỗ, trồng chăm sóc bảo vệ rừng. Một tổ khảo sát điều tra rừng đã phát hiện rừng Cúc Phương còn khá nguyên vẹn đẹp giàu. Trưởng Ty Lâm nghiệp - ông Nguyễn Văn Huy đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và ông Nguyễn Tạo - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ngay sau đó một đoàn cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học đầu ngành do Tổng Cục trưởng Nguyễn Tạo dẫn đầu đã đến thăm và thị sát Cúc Phương. Sau đó Tổng cục Lâm nghiệp cử đoàn cán bộ điều tra rừng phối hợp với Ủy ban Khoa học Nhà nước, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Tiến sĩ phân loại thực vật Thái Văn Trừng cùng sự giúp đỡ hướng dẫn chuyên môn của Giáo sư - Tiến sĩ Avrorin. Sau một thời gian làm việc khẩn trương thận trọng và trách nhiệm… Luận chứng khoa học xây dựng, chăm sóc bảo tồn và phát triển rừng Cúc Phương xứng tầm là một Vườn Quốc gia đẹp của Việt Nam và Đông Nam Á được đệ trình lên Nhà nước. Nhân dân Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung vui mừng chào đón Quyết định số: 72/TTg ngày 07/07/1962 của Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đây cũng là Vườn Quốc gia đầu tiên trong nước.

Từ đây công tác tổ chức bộ máy lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương (tiền thân là Lâm trường Cúc Phương) được tăng cường đi vào hoạt động thực thi chức năng, nhiệm vụ của một Vườn Quốc gia, xây dựng cơ sở vật chất của vườn được đẩy mạnh. Tuyến đường 38km từ Rịa đến Bống do bộ đội, thanh niên xung kích, công nhân Lâm nghiệp làm; Trong đó hơn 20km đi dưới tán rừng già vào khu trung tâm được nâng cấp khai thông. Các loài cây đặc hữu như Đăng, Sấu, Vù hương, Kim giao, Chò xanh ngàn tuổi... hang Đắng (hang Dơi) - gọi là động Người Xưa, hang Con Moong, hang Trăng Khuyết, đỉnh Mây Bạc (cao 648m so với mực nước biển). Có quần thụ cây gỗ quý như: Mun, Trai, Huyết giác, Hồi núi… Rễ cây bám tách đá, chịu nắng hạn giá rét khắc nghiệt mà sinh trưởng xanh tốt, được quảng bá giới thiệu rộng rãi... Thì du khách đến thăm Cúc Phương ngày càng đông vui. Đặc biệt trong năm 1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm Cúc Phương. Cuối thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thăm Cúc Phương và biểu dương Đại trại: “Ba sẵn sàng” của Đoàn thanh niên Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức tại Bống - khu trung tâm vườn. Cúc Phương cũng vinh dự được đón Tổng Bí thư Đỗ Mười (1963), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải (1996) đến thăm.

Vào thời điểm này sát với Cúc Phương còn có Lâm trường Quốc doanh Ninh Bình có nhiệm vụ cung cấp cây giống cho phong trào trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Thêm nữa là trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp rừng Cúc Phương đông tới trên ngàn học sinh, là một áp lực rất lớn với vườn. Song cán bộ công nhân viên chức Cúc Phương vẫn tự tin, phấn khởi. Toàn đơn vị đoàn kết thi đua công tác đạt nhiều thành tích xuất sắc. Những thành tựu của Cúc Phương 60 năm rất đáng tự hào, ngưỡng mộ và trân trọng, không thể ghi tả hết trong một bài viết hạn hẹp. Chúng tôi xin điểm xuyết những nét đặc trưng, đặc hữu quý hiếm quyến rũ của Cúc Phương.

Năm 1968, Phân Viện nghiên cứu Cúc Phương, trực thuộc Viện nghiên cứu Lâm nghiệp được thành lập. Ông Nguyễn Đắc Cầu, Trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Vĩnh Phú được bổ nhiệm làm phân viện trưởng. Từ đây Cúc Phương có thêm đơn vị phối hợp cùng làm nhiệm vụ nghiên cứu bảo tồn và phát triển Cúc Phương. Các nhà khoa học lâm nghiệp, sinh hóa thổ nhưỡng, khí tượng thủy văn, phân loại động thực vật, cây dược liệu được tăng cường và bắt đầu nghiên cứu toàn diện Cúc Phương một cách bài bản đã khẳng định:

Vườn Quốc gia Cúc Phương là rừng mưa nhiệt đới gió mùa thường xanh nguyên sinh, đạt tới kết cấu hợp lý tối ưu về loài, nhiều tầng thứ, nhiều loài cây gỗ quý cao 30 - 40m có vanh thân nhiều người ôm mãn nguyện. Nơi đây còn có nhiều cây phụ sinh, ký sinh dây leo thân gỗ kỳ thú. Lâm phần có trữ lượng gỗ khá cao trên 600m3/ha.

Rừng Cúc Phương ở vị trí 2014 - 20°24′ vĩ độ Bắc; 105°29′ - 105°44′ kinh độ Đông. Từ Thủ đô Hà Nội theo Quốc lộ 1 đi tới Gián Khẩu rẽ trái qua thị trấn Me, Nho Quan vào Cúc Phương. Ở phía Nam ra đi qua thành phố Tam Điệp lên Rịa hoặc từ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) sang Rịa cùng vào Cúc Phương. Từ đường Hồ Chí Minh du khách rẽ qua huyện Yên Thủy - Hòa Bình xuống Nho Quan là vào Cúc Phương - một vùng rừng núi quý hiếm được nhiều người phong danh “Nàng Tiên Xanh” kỳ vĩ, thơ mộng. Rừng có diện tích 22.200 ha, thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình chiếm quá nửa diện tích là 11.350 ha; Hòa Bình 5850 ha; Thanh Hóa 5000 ha. Nơi đây được phân làm 3 khu chức năng rõ rệt:

Khu bảo vệ nghiêm ngặt là 20.745 ha (trong đó 20.062 ha là rừng tự nhiên, đất trống cần khôi phục rừng 285 ha, đất khác 398 ha). Tuyệt đối duy trì bảo vệ những điều kiện tự nhiên nguyên thủy, nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan di tích lịch sử văn hóa đã có từ thuở hồng hoang đến giờ.

Khu chuyên dùng có 734 ha, chủ yếu hoạt động dịch vụ, quản lý hành chính, nghiên cứu khoa học, thư viện bảo tàng, vườn thực vật thực nghiệm, khu nuôi thú, nhà nghỉ, hệ thống đường giao thông...

Vùng đệm là phần diện tích bao quanh hai khu trên mở rộng cho chim thú sinh sống, tránh những hoạt động tác hại của con người.

Phân Viện nghiên cứu Cúc Phương hoạt động 3 năm (1969 - 1971). Qua công tác khảo sát nghiên cứu thực vật rừng đã xuất bản cuốn Danh lục thực vật Cúc Phương đầu tiên năm 1971 gồm 1614 loài thực vật bậc cao của 189 họ, 75 bộ thuộc khu hệ thực vật Cúc Phương. Các nhà khoa học Cúc Phương tiếp tục bắt nhịp nghiên cứu đã tìm thấy, bổ sung ở Cúc Phương hiện có: 2448 loài thực vật bậc cao, rêu, nấm; Trong đó: Ngành Quyết thực vật 31 họ, 57 chi, 149 loài; Ngành Hạt trần có 3 họ, 3 chi, 3 loài; Ngành Hạt kín có 154 họ, 747 chi, 1588 loài; trong đó có 118 loài quý hiếm, 724 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, 24 loài cây có thể làm thuốc nhuộm, 137 loài cây cho tanin. Điểm nổi trội của Cúc Phương là diện tích chỉ bằng 1/700 diện tích miền Bắc và 1/1.500 diện tích của cả nước, nhưng hệ thực vật Cúc Phương lại chiếm tỷ lệ rất cao là 76% số họ, 48,6% số chi và 30% số loài của miền Bắc và chiếm 68,9% số họ, 43,6% số chi, 24,6% số loài hiện có ở Việt Nam.

Động vật ở Cúc Phương rất đa dạng phong phú: Đã phát hiện và thống kê được 225 loài động vật có xương sống; Trong đó có 64 loài thuộc 23 họ, 7 bộ; 137 loài chim thuộc 41 họ, 16 bộ; 16 loài lưỡng cư thuộc 5 họ, 1 bộ và 1 loài cá; Trong đó có 73 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, 34 loài ghi trong sách đỏ IUCN. Đặc biệt, Sóc bụng đỏ Cúc Phương (Callosciurus erythraeus CucPhuongensis Dao), Voọc mông trắng (Trachipythecus francoisi delacouri); cá Niếc Hang (Ilurus Cuc Phuongensis Yen), Trăn gấm, Báo gấm, Gấu ngựa, Khỉ, Sơn dương... lần đầu tiên phát hiện ở Cúc Phương.

Động vật không xương sống ở Cúc Phương có 1899 loài và phân loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp, 3 ngành; Trong đó: Ngành Chân khớp có 4 lớp, 27 bộ, 142 họ và 1718 loài; Ngành Gun đốt có 1 lớp, 1 bộ, 3 họ, 52 loài phân loài và dạng loài; Ngành Thân mềm (nhuyễn thể) có 1 lớp, 5 bộ, 24 họ, 129 loài và dạng loài. Cúc Phương cũng có hàng ngàn loài bướm lạ tụ đàn cả vạn con mầu sắc rực rỡ bay từng đàn, từng đàn rất đẹp.

Cúc Phương có vườn thực vật là một trong ba vườn của Việt Nam được ghi trong danh lục Vườn thực vật Quốc tế. Tương lai đây là nơi cung cấp cây giống cho trồng cây bản địa. Đây còn là nơi bảo tồn gen các loài thực vật quý hiếm, bảo tồn chuyển chỗ tốt cho nhiều loài thực vật.

Năm 1993, Hội Động vật Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức cùng vườn triển khai dự án “Bảo tồn các loài Linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Cúc Phương”. Trung tâm hiện bảo tồn gần 200 cá thể của hàng chục loài. Có nhiều loài đã sinh sản và được thả lại rừng Cúc Phương và các Vườn Quốc gia trong nước. Vườn cũng được Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Tổ chức bảo tồn động thực vật thế giới (FFI)... Quan tâm tài trợ kinh phí để vườn có thêm điều kiện hoạt động nghiên cứu khoa học.

Từ một tổ bảo vệ rừng, năm 1973 Hạt Kiểm lâm Cúc Phương được thành lập, biên chế đủ lực lượng mạnh chuyên sâu. Vận động nhân dân bảo vệ rừng. Phân công chốt giữ, tuần tra rừng 24/24 giờ trong ngày. Cùng đó, lãnh đạo Vườn phối hợp với Chính quyền địa phương từ 1986 -1995, vận động di chuyển 9 xóm bản gồm 185 hộ, 1043 nhân khẩu ra khỏi vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của rừng. Tại các khu tái định cư nhân dân được cấp đất vườn làm nhà ở, đất ruộng nương để sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Đời sống văn hóa ngày càng được cải thiện, nâng cao. Vườn Quốc gia Cúc Phương được bảo vệ tốt không xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng, săn bắt động vật.

Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua Vườn Quốc gia Cúc Phương đã được chọn phương án thiết kế, thi công tối ưu nhất. Toàn tuyến đi theo tỉnh lộ 437, chiều dài 27,4 km qua vùng đệm phía Tây của vườn, có 6 cầu cạn cho muông thú qua lại sông Bưởi uống nước. Quá trình thi công (2025 - 2028) và đưa vào sử dụng đã hạn chế được những tác hại xấu đến môi trường rừng. Đoạn đường góp mặt vào tuyến giao thông Bắc Nam dài 2499 km, tuyến phụ 684 km đi qua 28 tỉnh thành phố trong nước để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, phục vụ an ninh, quốc phòng. Đây là niềm vinh dự cho Cúc Phương - Ninh Bình có đường Hồ Chí Minh đi qua!

Cùng cả nước, Cúc Phương trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cam go, ác liệt. Nhân tài vật lực của Cúc Phương cũng chi viện cho tiền tuyến. Được sự quan tâm của Nhà nước, trực tiếp là Tổng cục Lâm nghiệp, nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Cúc Phương xây dựng cơ sở vật chất gồm 50 km đường kiên cố, khu nhà hành chính, nghiên cứu khoa học, dịch vụ du lịch. Triển khai thực hiện nghiên cứu hàng trăm đề tài khoa học có giá trị về Cúc Phương đạt chất lượng cao. Đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ chăm sóc phát triển rừng ngày càng xanh sạch đẹp, thu hút khách tham quan nghỉ dưỡng, giao lưu hội thảo khoa học, học tập. Nhiều cán bộ, công nhân viên chức đã trở thành kỹ sư, tiến sĩ, người lãnh đạo giỏi như các ông: Nguyễn Duy Phiên, Hồ Hữu Lợi, Hà Đổng, Nguyễn Đắc Cầu, Đào Xuân Tân, Trịnh Đình Thanh, Nguyễn Văn Đoài, Nguyễn Bá Thụ, Đào Văn Khương, Trương Quang Bích, Nguyễn Văn Chính... Đơn vị và nhiều cá nhân được Nhà nước tuyên dương khen thưởng.

Là kĩ sư Lâm nghiệp, Nhà báo yêu và đam mê hoạt động VHNT, tôi đến Cúc Phương nhiều lần, trong lòng được thảnh thơi, đầu óc được thoải mái... Bởi đến đây là ta gặp “Cúc Phương - một Nàng Tiên Xanh thức giấc”. Thật ấn tượng là cổng vườn được thiết kế, xây dựng đạt thẩm mỹ nghệ thuật cao tượng trưng cho 5 tầng rừng. Hai trụ cổng xây có tường cánh tượng hình hai dãy núi đá bao giữ kho báu Cúc Phương từ thuở hồng hoang đến giờ. Qua cổng chừng cây số là hồ Mạc xanh trong thơ mộng. Bên bờ những ngôi nhà sàn, nhà xây ẩn dưới tán rừng rất đẹp. Dời hồ Mạc đi vào là rừng nguyên sinh giàu có. Hàng chục loài động thực vật đặc hữu nơi đây được phát hiện lần đầu tiên mang tên: Cucphuongenis. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển Vườn Quốc gia Cúc Phương thật sự là hình mẫu đẹp toàn năng trong hệ thống các Vườn Quốc gia cả nước. Là đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Cúc Phương rất thân thiện, mến khách. Hãy đến đây lãng đãng với rừng và vui đêm lửa trại Cúc Phương, thanh thỏa trải lòng cảm nhận: “... Cái thuở hồng hoang sao sướng thế?/ Trăng rừng uống cạn, gió rừng say/ Vũ điệu bầy đàn vui hết thảy/ Tình người ấm áp những vòng tay...” (Thơ Hoàng Anh). Cúc Phương ơi, ta mãi yêu rừng!

 

N.K.Â

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

 

Bài viết khác