Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH DUYÊN
Hồi đêm tôi từ từ bị đánh thức bởi những âm thanh rơi, rơi, rơi ngoài cửa sổ, trên mái nhà và lan man đâu đó. Tôi nhận dần ra là mưa và tự hỏi: Ơ nay mưa lạ thế nhỉ? Chưa bao giờ mình nghe tiếng mưa như thế này.
Thế rồi tôi cứ im lặng mà nghe tiếng mưa, tiếng mưa không hẳn là lộp bộp, tí tách mà cả tiếng réo rắt, gầm gào, ngoằn nghèo như tiếng nước suối chảy quanh co, quanh co…
À phải rồi, mưa rừng, mưa rừng, tôi đang ở trong rừng, trong mưa, vâng mưa rừng Cúc Phương. Rừng Cúc Phương đại ngàn từ thuở hồng hoang!
Tôi bỗng như một tín đồ thành tâm trước thánh thần, im lặng tuyệt đối tập trung các giác quan để nghe, cảm, đón, xem mưa rừng!
Bắt đầu là những âm thanh của giọt mưa rơi trên lá, cũng là mưa rơi trên lá nhưng nó không giống tiếng mưa rơi trên lá ở phố thị (mà xung quanh phố nhà tôi đầy cây).
Tiếng mưa rừng khác lạ, cảm như giọt mưa rơi thẳng đứng và sạt xuống trên bao nhiêu lá cây cho nên tiếng hạt mưa cứng như ngọc vỡ dần ra sau mỗi lần chạm lá, những mảnh ngọc vỡ rơi sau dần nhỏ dần hoà trong bao nhiêu tiếng ngọc rơi ban đầu!
Trên nền bao nhiêu tiếng rơi, trong trời đêm mù mịt là tiếng gió hú trên đỉnh núi, ngọn cây, gió luồn vào những tầng dây leo chằng chịt mà đánh đu vắt vẻo từ thân cây này tới thân cây khác cả vài chục, vài trăm mét, tiếng mưa, tiếng gió ấy nghe rùng rình và âm u, chém hạt mưa rơi sàn sàn đạp ngang núi đá, những vạt núi thẳng, dốc, không cây cối nào mọc được, mưa đập vào nghe vỡ tẹt ra, tan nát và dòng dòng cộng hưởng thành mảng nước chảy ào ào xuống một đỗi mới gặp thảm rừng, nó cuống quýt chui vào lớp đệm lá dày bịt bùng mặt đất, hồ hởi tan biến vào dòng suối đổ xuống chân rừng ra cửa hồ, ra thung lũng.
Hồ Mạc, con hồ mộng mơ, cong cong như bản đồ Tổ quốc nước trong xanh bốn mùa. Đêm tối mịt mùng mà tôi nghe như dưới hồ kia từng con sóng trỗi dậy xôn xao. Trên cao gió mỗi lúc một rú rít nhiều hơn, không khí lạnh dần, chùng xuống, cảm thấy như hơi nước và khí núi len vào trong phòng tự lúc nào.
Mưa, gió cuống quýt xô đẩy rừng tạo nên bản hợp xướng đại ngàn. Gió mưa mỗi lúc một mạnh hơn, quằn quại kêu lên tiếng kêu của của thiên nhiên hoang sơ rừng Cúc Phương tầng tầng lớp lớp đại ngàn xa xưa!
Tôi chợt nhớ và lo không biết qua những con vật ở trong rừng chúng trốn đâu, ngủ đâu, hang đá làm sao có đủ. Con đại bàng, năm con mèo rừng, hai con trăn đất trong hành trình du lịch "Về nhà" chúng có bị ướt mưa bão quật không đại bàng? Có chỗ trú không mèo ơi!...
Tôi lần đầu ở trong rừng, nghe mưa rừng cảm như ngoài kia có tiếng chuyển mình của thần cây, thần núi, thần sông, của Giàng, của đẻ đất đẻ nước, của Tạo, nàng Ả, nàng Ban.
Cứ mênh mang trong mưa chừng lâu rất lâu… không biết đến bao lâu rồi mưa cũng dần nhỏ lại, lúc ấy hình như he hé trời sáng. Cô em Nam thơ Đường mở cửa đi vào bảo tôi:
- Chị Châu, chị dậy mà xem mặt hồ Mạc sóng đẹp lắm kìa.
Ô thế ra cô ấy đã dậy từ lúc nảo, lúc nao, đã ra khỏi phòng và đã về mở cửa ra cho tôi nhìn xuống mặt hồ Mạc muôn ngàn con sóng xanh đang run rẩy xô dạt tựa vảy ngói lưu ly dưới kia mà tôi vẫn còn đắm chìm trong âm hưởng mưa rừng!
Chúng tôi bước nhè nhẹ xuống cầu thang rồi đi quanh ven hồ, con đường ven hồ liễu buông cây rủ, quả sung vả chín rơi ngập lối đi, lác đác vài cánh bướm chới với trên mặt đất. Mùa này đã hết mùa bướm. Xiên xiên trong gió, co ro vì rét chúng tôi cứ quấn lấy khăn áo bay tung vào gió rồi cũng dẫn ra tới được cây cầu cuối hồ có lối đi duy nhất vào sâu trong rừng già.
Mưa chỉ còn bay bay nhưng gió vẫn lớn như bão, gió níu những ngọn cây dạt xuống một vẻ đìu hiu và lạnh lùng. Chợt nhớ ra hôm nay trời lập đông thế nên trời thổn thức, trời rét sầm sập đang tạt đến từ dãy núi bên kia sang, trời đuổi thu đi, đuổi khăn áo thốc trong gió, trong mưa. Chúng tôi cứ chạy trong mưa, trong bão mù mịt. Em bảo:
- Nay em phải về thôi.
- Kệ, em về đi, tôi ở đây nghe mưa rừng và viết.
- Thế người nào lơ mơ từ hồi đêm tới giờ chưa đủ viết mưa rừng sao?
- Ờ, chưa đủ, còn xem bão rừng nữa mới viết!
Và để cô em đi một mình về phòng khách sạn, tôi quấn khăn lại đi ngược về phía mưa, ngược phía gió, đi dưới rừng đại ngàn oằn mình vì bão, đi trong dãy núi Cúc Phương thăm thẳm xanh, bỏ cầu Mạc cong cong như nét mày con gái, đi vào con đường độc đạo hai bên gió rạp cây nhỏ, trảng cỏ lau sậy hôm qua trắng hoa mà hôm nay dúm lại xám xịt rìa mình theo gió, gió đu cây lớn ngần ngật trên cao tít tắp kia, hở ra những mảng trời to như cái nia đựng lúa, gió ấn nhẹp loài thân mềm tầng thấp rạp sát đất. Những cây chò chỉ thân thẳng băng không hề nao núng với gã gió, những cây kim giao màu đen xì ẩm mốc. Ở đây kim giao nhiều vô kể. Kim giao nhiều thế mà mình chả thấy đôi đũa kim giao nào.
Đi một hồi thấy mưa đã thấm thịt da, gió đã luồn trong áo, trong tóc, đã thấy thấm lạnh và hơi cô lẻ nhưng chân vẫn bước vẫn cứ đi vào rừng sâu đi, đi nữa qua hồ Mạc, đến xóm Xanh và biết đâu mình đến tận được xóm Bống thì hay. Nhưng đi một mình thế này biết đâu có anh trăn, anh hổ, anh cọp hay em hoẵng, khỉ lại mò ra kết bạn thì biết trả lời sao đây!
Đường về quá xa, đi tới thì sợ rừng ơi, chỉ có gió hú và cây ngàn, dây leo chằng chịt như con trăn… Ôi , mình nhỏ bé như con côn trùng thế này!
A, kia rồi! Một màu áo xanh kiểm lâm, hai màu áo xanh kiểm lâm khoác súng đi tuần tra.
Con côn trùng già sắp hoá bướm lượn nhanh về phía ấy.
Rừng vẫn đang mưa!
Mưa rừng!
Mưa rừng ơi mưa rừng!
N.T.T.D
(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)
Bộ ảnh Ngày hội Văn hoá Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan - Ninh Bình
Ảnh của NINH MẠNH THẮNG