Thứ ba, 10/09/2024

TỔNG BÍ THƯ NGUUYỄN PHÚ TRỌNG VỚI NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NƯỚC NHÀ

Thứ bảy, 27/07/2024

"Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác giả lớn đều là những tác giả có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất đậm chất văn hoá truyền thống Kinh Bắc, dạt dào câu hát Quan họ giao duyên cùng với nhân cách đạo đức cao cả của một sĩ phu Bắc Hà lại được thấm đẫm trong tinh hoa văn hoá của Đông Đô - Thăng Long ngàn năm văn hiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một người cộng sản chân chính, mẫu mực, tận hiến, kiên trung, một biểu tượng sáng ngời thời đại mới mà còn là một nhà lý luận, nhà văn hoá lớn luôn quan tâm bồi đắp giá trị Chân - Thiện - Mỹ vì đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, dân tộc trường tồn.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hoá, văn học nghệ thuật nước nhà. Ngay từ khi còn trẻ, hồn thi ca dân tộc đã chắp cánh cho người học trò Nguyễn Phú Trọng theo đuổi hoài bão trở thành sinh viên khoa Ngữ Văn (trường Đại học Tổng hợp). Tại ngôi trường Khoa học xã hội và nhân văn ấy, người sinh viên ưu tú với niềm say mê nghiên cứu văn học đã bảo vệ xuất sắc đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu”, giúp người đương thời nhận diện rõ vai trò, sứ mệnh to lớn của văn học nghệ thuật cách mạng, sự nghiệp cao cả của văn học nghệ thuật là vì con người. Trải qua nhiều cương vị công tác, qua các thời kỳ, những bài viết trên sách báo, bài phát biểu tại nghị trường hay đơn giản là những buổi gặp gỡ nói chuyện bác Nguyễn Phú Trọng đã có những đánh giá am tường thể hiện tư duy vô cùng sâu sắc, toàn diện của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trong đó văn hóa được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, con người giữ vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển.

Chính phong cách sống giản dị, chân tình, ấm áp, nhân hậu cùng với tầm cao văn hoá trong lý luận và thực tiễn nên Tổng Bí thư luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt của sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính bởi học vấn chuyên sâu về văn học cùng vốn hiểu biết sâu rộng về cội nguồn văn hóa dân tộc nên bác Nguyễn Phú Trọng vô cùng quý trọng các văn nghệ sĩ. Khi đang làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội và đến khi giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, bác Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành thời gian, tình cảm thắp sáng khát vọng cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong mỗi suy nghĩ, việc làm. Sau này, ngay cả trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đặc biệt quan tâm đến từng lĩnh vực của văn học, nghệ thuật. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng Tổng Bí thư vẫn ân cần thăm hỏi, nhiệt tình tới tham dự đại hội nhiệm kỳ của các Hội văn học nghệ thuật và có bài phát biểu chỉ đạo, lời động viên, căn dặn ân tình, trách nhiệm, sâu sắc, chan chứa tình người, tình đồng chí, đồng nghiệp. Có thể kể đến: Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 năm 2021; Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức hằng năm; Đại hội Liên hiệp Trung ương Hội; Đại hội đại biểu lần thứ V Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ngày 22/12/1999; Đại hội đại biểu lần thứ V Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ngày 13/12/1999; Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ V, ngày 16/12/1999; Đại hội lần thứ IX Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, ngày 08/01/2001; Đại hội lần thứ X Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, ngày 30/3/2006; viết bài biểu dương khích lệ tinh thần trách nhiệm đội ngũ nhà báo làm văn nghệ của tạp chí Người Hà Nội… Trong khuôn khổ bài viết xin được trích dẫn lời phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các buổi làm việc với Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật yêu nước và cách mạng đã đồng hành và gắn bó với Đảng, với dân tộc và nhân dân ta, đồng thời là đầu mối liên kết 10 Hội chuyên ngành trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuât tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong không khí đầm ấm của buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 21/9/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ vai trò sáng tạo của văn nghệ sĩ và nhiệm vụ của Đảng đoàn Hội Văn học nghệ thuật:

Với văn học nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận thực tiễn cuộc sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, là người sáng tạo ra tác phẩm. Sự nghiệp sáng tạo văn học - nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học.

Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút ra những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường. Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người… Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da” (Kalinin).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với  nghệ sĩ trẻ tại chương trình nghệ thuật Xuân quê hương năm 2019          Ảnh NVCC

Với tài năng và tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ, chúng ta tin là sẽ có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, ngợi ca cái tốt, cái thiện, cái tích cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với cái ác, cái xấu, những tư tưởng sai trái đi ngược lại truyền thống đạo lý và lợi ích của Tổ quốc và dân tộc, những thói tệ nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế. Nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng “lai căng”, thương mại hóa hoặc chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mĩ của Nhân dân.

Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn nghệ cần giúp Đảng đoàn kết, tập hợp đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để anh chị em làm tốt thiên chức sáng tạo của mình. Đồng thời cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác chuyên môn ở Liên hiệp hội và các hội thành viên từ Trung ương đến các địa phương. Đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ các cấp hội; chăm lo việc nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho anh chị em văn nghệ sĩ. Đoàn kết, cổ vũ, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ bám sát cuộc sống, đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm hay, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực của Đất nước ta, Nhân dân ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt chúc Tết các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, ngày 26/01/2014, bác Nguyễn Phú Trọng đã tận tâm chỉ ra nhiệm vụ của công tác văn học trong thời kỳ mới:  Đối với văn học nghệ thuật, tôi cho rằng, công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là môi trường, là hiện thực rộng lớn, là nguồn cảm hứng để các nhà văn hóa, văn học nghệ thuật sáng tạo. Hiện thực này có ý nghĩa to lớn, vĩ đại, muôn hình muôn vẻ; là sự đấu tranh gian khổ giữa cái cũ và cái mới, giữa tiến bộ và lạc hậu... ngay trong chính mỗi con người, trong từng gia đình, từng tổ chức.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngày 09/01/2016 Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã căn dặn: Văn học, nghệ thuật nước nhà phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần thực hiện có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ to lớn, nặng nề của đất nước trong thời kỳ mới. Văn học, nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, tuân theo quy luật của tình cảm, của trái tim. Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ.

Công chúng, bạn đọc mong muốn có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống, con người, đất nước Việt Nam, khẳng định những giá trị to lớn, những điều tốt đẹp, nhân văn, đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu trong xã hội; phấn đấu làm cho mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ đất nước và Nhân dân.

Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, những sáng tác văn học, nghệ thuật cần góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của người Việt Nam; khơi dậy ở mỗi con người lòng tự hào dân tộc; lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào lý tưởng và đường lối của Đảng. Các hoạt động văn học, nghệ thuật mang đến cho Nhân dân những tình cảm và tiếng nói nhân nghĩa, tri ân, động viên, cổ vũ con người tự hào và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, cùng nhau hướng tới mục đích chung, xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần phấn đấu để thực sự là mái nhà chung cho các hội văn học, nghệ thuật cả nước, thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam; là nơi tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước sáng tạo, nghiên cứu, phê bình, định hướng thẩm mĩ và năng lực thụ hưởng văn hóa cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần đổi mới toàn diện, hiệu quả hơn nữa tổ chức và hoạt động của Hội để tạo bằng được môi trường văn hóa, sáng tạo lành mạnh, thuận lợi ngay trong các hội từ Trung ương đến địa phương.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2018) và đón nhận Huân chương Sao Vàng, Tổng Bí thư đã tổng kết: Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định văn hoá, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc trong công cuộc tự giải phóng mình… Sự ra đời của Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943 - Chiến lược đầu tiên về văn hoá của Đảng - đã có sức thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức - văn nghệ sĩ vào "Hội Văn hoá cứu quốc" tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - một bộ phận của Mặt trận Việt Minh, góp phần động viên, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử của cách mạng Tháng Tám năm 1945… Với tư cách nghệ sĩ - chiến sĩ, chiến sĩ - nghệ sĩ, đóng vai trò nòng cốt xây đắp nên một nền văn học, nghệ thuật mới kháng chiến và cách mạng, đúng như lời chỉ dẫn của Bác Hồ "Kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến" và "Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Các thế hệ văn nghệ sĩ đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, ngoại giao,... trong bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023. Cách nay tròn một năm, nhiều văn nghệ sĩ có mặt tại hội trường vẫn còn nhớ như in hình ảnh Tổng Bí thư đã đến gặp gỡ, trao nụ cười hiền và cái bắt tay ấm áp với từng người, truyền ánh sáng của tri thức lý luận và ngọn lửa nhiệt huyết cho đội ngũ văn nghệ sĩ bằng giọng nói ôn hoà, nồng ấm: Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu xem những bức ảnh đặc sắc về 75 năm hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam         Ảnh của NGUYỄN ĐÌNH THI

Mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trên thương trường và mặt trận an ninh, quốc phòng, đốingoại; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn minh, thanh lịch, chan chứa tình người. Chỉ có như vậy, văn học nghệ thuật của chúng ta mới có được những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội.

Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực
tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống Nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường.

Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác giả lớn đều là những tác giả có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là người tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận lại vừa là người thực hành văn hoá một cách mẫu mực nhất. Một tấm gương trong sáng từ lối sống giản dị, chan hoà, phong thái lãnh đạo liêm khiết, tận tuỵ, gần gũi đến cách hành xử kiên định, chí tình, chí nghĩa, luôn đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái sai, cái xấu; Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của Tổng Bí thư luôn hết lòng vì sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới đã từng bước đưa văn hóa, văn học nghệ thuật trở thành “sức mạnh mềm,” làm nền tảng để phát triển bền vững đất nước.

Ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, của nhân dân ta đã ngừng đập. Nhưng hình ảnh và trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã thấm đẫm trong chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chính sách, hành động của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và như một lẽ tự nhiên trở thành dòng chảy nhân văn trong trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế yêu chuộng hoà bình, phồn vinh, hạnh phúc. Có nỗi đau buồn tiếc thương nào bằng trong giờ phút ly biệt thiêng liêng này, chúng ta bồi hồi, xúc động nhắc, nhớ những kỷ niệm ân tình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến, mở lại di cảo thơm của Người dành cho nền văn học nghệ thuật nước nhà thời kỳ đổi mới để nhận thấy rõ hơn tình yêu mến và sự trông mong của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với mỗi văn nghệ sĩ. Đồng thời tìm thấy tư tưởng minh triết trong các trước tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm cẩm nang quan trọng cho hoạt động sáng tạo tác phẩm của mình. Phong cách sống và tri thức về lý luận, về thực tiễn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hình tượng của ngọn lửa đỏ, rực cháy, ấm áp, sáng ngời đang thắp lên muôn vàn ánh lửa nhiệt huyết, tin yêu, tươi đẹp, soi rọi cho người sáng tác văn học nghệ thuật chúng ta cần phải thấm sâu để lan toả, quảng bá, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hoá, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

                                                            MAI HƯƠNG

Bài viết khác