Thứ hai, 07/10/2024

Cả tuổi thanh xuân

Thứ sáu, 08/05/2020

Tản văn của VŨ THÀNH 

Trong cuộc đời là lính, dù ngắn dù dài, có thể, có rất nhiều mốc thời gian để nhớ. Rồi cũng có ngày nhớ nhớ, quên quên. Nhưng ngày thành lập quân đội và ngày nhập ngũ thì vĩnh viễn in vào tâm khảm.

Mốc ba mươi tháng tư, kết thúc một cuộc chiến tranh, đã lùi xa hơn bốn chục năm rồi. Nhiều tướng lính và các sỹ quan của thế hệ trước dần vắng bóng. Như một nhu cầu tất yếu lịch sử, Hội Cựu chiến binh ra đời. Ngoài ra còn có các hội đồng ngũ, hội cùng đơn vị, hội các binh chủng xe tăng, đặc công, pháo binh… Những người lính sau bao nhiêu năm chinh chiến, họ chụm lại bên nhau để đồng cảm, chia sẻ, để gìn giữ những kỷ niệm và hơn tất cả là tôn vinh phẩm hạnh anh hùng của anh bộ đội Cụ Hồ.

Ngày nay, việc thực hiện nghĩa vụ đương nhiên trở thành người lính, tuy có sự lựa chọn về sức khỏe và trình độ văn hóa nhất định. Còn nếu chọn cuộc đời binh nghiệp thì phải thi vào các trường võ bị với những quy chuẩn khắt khe. 

Thế hệ chúng tôi vào quân ngũ chỉ cần tình yêu tổ quốc. Cầm được khẩu súng là lên đường. Vào quân ngũ là đi chiến đấu, là lăn vào bom đạn, đối mặt với kẻ thù. Nơi đây là biên giới của sự sống và cái chết, là lòng dũng cảm và sự hèn nhát. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, tình người,  tình đồng chí, bạn bè, anh em và tình quê hương tỏa sáng tốt đẹp nhất, trên hơn hết tất cả những gì tốt đẹp. Người đời chia nhau miếng cơn khi đói, manh áo khi rét cũng đã đáng quý lắm. Nhưng còn tự nguyện nhận sự hy sinh thay cho đồng đội thì có gì sánh được. Thực tế là trước một trận đánh cán bộ chiến sỹ bao giờ cũng được thảo luận để hiểu tình hình địch, nắm được sa bàn hiểu rõ hướng tấn công chính, hướng đột phá khấu và cả hướng yểm trợ. Điều ấy đồng nghĩa với tất cả mọi người đều hiểu hướng nào là cận kề cái chết và sẽ hy sinh. Nhưng tất cả đều dám nhận sự hy sinh ấy với mục tiêu phải thắng trong trận này. 

Chuẩn bị hành quân                 Ảnh: ĐỒNG TIỆP KHẮC

Thời của chúng tôi là cả nước ra trận, biết là gian khổ đói khát và biết bao khó khăn không lường hết được. Nhưng lòng tin vào ngày chiến thắng, sẽ chiến thắng thì không gì lay chuyển nổi. Lòng tin, ôi lòng tin đã đưa cả đất nước đến bến bờ chiến thắng, và không gì xót xa bằng khi con người mất lòng tin. 

Khi nhà báo Burchett vào vùng giải phóng. Ông đi và thấy rất nhiều nương sắn, nương ngô, nhiều liếp rau xanh mà không có chủ. Người dẫn đường giải thích cho rằng: Đây là những điểm dừng chân của một đơn vị nào đó, họ  đã trồng sắn, ngô để cho đơn vị tiếp sau đó đến đây sử dụng, còn chính họ sẽ tới nơi khác sử dụng những sản phẩm của đơn vị đi trước để lại.

Sau chuyến đi, Burchett có cuốn: “Cuộc chiến tranh Việt Nam” rất nổi tiếng. Khi nói về chi tiết trên ông kết luận: Người Mỹ thông minh thì hãy nhanh chóng rút ra khỏi đầm lầy Nam Viêt, bởi có nhìn thấy nương ngô nương sắn giữa chốn rừng hoang mới hiểu cái quyết tâm giành độc lập tự do của họ. 

Đến giờ đã có biết bao các học giả nổi tiếng trên thế giới viết, tổng kết về cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Họ nói về đặc điểm diện mạo của cuộc chiến tranh, về học thuật quân sự, cả về con người Việt Nam trong cuộc chiến ấy. Họ nói rất đúng, rất sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, chỉ  riêng diện mạo của đội quân bách chiến bách thắng thì họ bàn chưa tới. Một đội quân bước sang tuổi thứ mười đã đánh thắng một đội quân viễn chinh nhà nghề bậc nhất thế giới. Kẻ thù bất thần, ngơ ngác không hiểu tại sao họ lại thua. Để rồi rất lâu, rất lâu sau họ định thần lại mới ngộ ra được cái lẽ của sự thắng thua. Chiến thắng lịch sử có một không hai trong chiến tranh đó là Điện Biên Phủ. Như cột mốc đóng vào lịch sử, để rồi những chiến thắng sau này lại được ví như một Điện Biên Phủ mới. chiến dịch Nam Lào 1971, tám mốt ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, Điên Biên Phủ trên không 12 ngày đêm bảo vệ Thủ  đô, bắn hạ 51 pháo đài bay của không lực Hoa Kỳ, mà trên thế giới chưa nước nào làm nổi. Và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của hai quốc mà ách đô hộ kéo dài hàng trăm năm. Đội quân bách chiến bách thắng ấy là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Âu Mỹ khi vinh danh một đơn vị quân đội hay một lưc lượng vũ trang nào đó lập chiến công, họ thường ví với những con mãnh thú hoặc sấm sét, thánh thần… Còn quân đội của chúng ta gọi là Anh bộ đội Cụ Hồ. Là con cháu Cụ Hồ, từ nhân dân mà ra. Những gì là giản dị, mộc mạc, là cần mẫn chăm chỉ trong lao động, công tác, là yêu thương nồng nàn và dũng cảm vô biên. Những người lính thuở ấy không kịp nghĩ gì cho riêng mình, chỉ biết phải hoàn thành mọi nhiệm vụ, dù việc ấy có thể phải hy sinh… Có chuyện nói rằng: có một người lính bị thương rất nặng, biết mình không qua khỏi, nhưng lòng không nguôi thương nhớ người yêu. Anh đã gọi người bạn đồng hương đến và bảo: “Hòa bình anh về quê tìm lại cô ấy, tôi mong anh sẽ thay tôi yêu thương chăm sóc cô ấy, có thế tôi mới được thanh thản ra đi.”. Đây cũng chỉ là một trong ngàn vạn những truyện tình bi tráng trong chiến tranh. Và cuộc chiến ấy kéo dài dằng dặc hai chục năm dòng, bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau vào quân ngũ. Cám ơn quê hương, đất nước đã sinh ra những thế hệ anh hùng và những con người ấy đã xả thân vì đất nước để giành lại độc lập, hòa bình hôm nay. Hôm nay, đất nước chúng ta đã sang một trang mới, sẽ còn đẹp nữa như mong ước của Bác Hồ kính yêu. Đêm đêm những ánh sáng của những vì tinh tú trên trời lấp lánh như những ánh mắt của những người anh hùng đã hy sinh vẫn hằng dõi theo sự chuyển mình của quê hương. 

Hôm nay, những người đã từng là lính, đang là lính, và cả những ai chưa từng là lính đều có quyền tự hào về một quân đội anh hùng của dân tộc mình. Nơi biên cương vẫn còn nhiều sóng gió, những chiến sỹ anh hùng của đôi quân bách thắng tháng ngày vẫn lặng thầm hy sinh để gìn giữ bình yên cho biên cương hải đảo. Những người lính của thời trận mạc cũng như những người lính hôm nay, tất cả tuổi thanh xuân của họ đều hiến dâng cho đất nước. Tổ quốc ta sẽ mãi mãi bình yên trong hòa bình vì có một đội quân anh hùng gìn giữ và bảo vệ.

                                                                                                V. T

(Nguồn: VNNB237/4-2020)

Bài viết khác