NGUYỄN TỬ CHƯƠNG
…“Ta nhớ giai nhân mãi chẳng quên
Đố ai? Ai biết nói ngay tên
Người khi kỷ luật quyền trung đội
Người lúc chương trình chức giáo viên
Người tiệc liên hoan phun rượu thánh
Người đàn sướng họa nhả thơ tiên
Đang vui, đang mến, nay ly biệt
Ai giữ cho ta thưởng vạn tiền”...
(Trích thơ Mai Hân – Nguyên đại đội trưởng Đại đội 9, thuộc Sư đoàn 312 viết tặng Cha trong giờ phút chia tay những đồng đội Điện Biên).
Ông Nguyễn Tử Lan – Ảnh chụp năm 1965.
Cha tôi Nguyễn Tử Lan là người làng Thư Điền. Ông sinh năm Ất Hợi, niên hiệu Bảo Đại thứ 9. Ông là hậu duệ của Tham nghị Nguyễn Tử Dự - Một nhân vật trong Tràng An thất hào. Bản thân được kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng của một gia đình có truyền thống khoa bảng có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, quê hương và dòng tộc, bởi vậy trong ông luôn đau đáu một niềm khát khao cháy bỏng “Đem thân mình thử thách với gian lao”. Ông đã tình nguyện lên đường tòng quân mặc dù thời điểm đó Việt Nam chưa có luật nghĩa vụ quân sự, hơn nữa ông lại là người con trai duy nhất của cụ đồ Thiệu, ông gia nhập quân đội chỉ với một nguyện vọng là được vào bộ đội chủ lực và ông đã toại nguyện khi trở thành người chiến sĩ Điện Biên của Sư đoàn 312. Ngay từ ngày đầu tiên vào bộ đội khi mới 18 tuổi, ông đã vinh dự được bộ chỉ huy mặt trận đặc cách phong chức vụ trung đội trưởng. Ông luôn tự hào về Sư đoàn 312 của ông. Sư đoàn 312 là một trong những Sư đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sư đoàn 312 cũng là Sư đoàn duy nhất sau những cuộc chiến đấu trước đó vẫn bảo toàn nguyên vẹn lực lượng, được Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ tấn công cụm cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch, một trận tấn công mang ý nghĩa quyết định khiến quân đội Pháp dần bị tê liệt hoàn toàn và buộc phải đầu hàng vô điều kiện vào 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954. Những chiến sĩ Sư đoàn 312 cũng là những người lập công đầu trong chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh chiếm hầm De Castries, cắm lá cờ tổ quốc lên nóc hầm và bắt sống viên tướng chỉ huy, trọn vẹn với chiến dịch, góp một phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên, chấm dứt những ngày xâm lược cuối cùng của Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.
Thời đó Việt Nam còn nạn mù chữ, có tới 90% dân số chưa biết đọc biết viết, cha tôi là người may mắn được xuất thân trong một gia tộc có truyền thống khoa bảng của nền học vấn Nho giáo, thân phụ ông là cụ đồ Thiệu (Nguyễn Tử Thiệu) cháu nội của Danh nhân Nguyễn Tử Mẫn. Bởi vậy cha tôi thành thạo chữ Hán từ rất sớm, lại được học dưới mái trường của nền giáo dục Pháp Việt. Trong hệ thống giáo dục Pháp Việt thì ngoài tiếng Pháp, người học còn phải học thêm hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. Có thể nói cha tôi là một người được tiếp cận với cả hai nền văn minh Phương Đông và Phương Tây, không những chỉ kiến thức nhà trường mà còn được hun đúc từ cuộc sống, đặc biệt từ truyền thống gia đình và cương vị công tác trong quân đội. Với vốn tri thức và ngôn ngữ đa văn hóa như vậy ông được đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng đôi khi vượt quá giới hạn về cấp bậc của mình (Đó là chia sẻ từ một người đồng đội của ông là Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng Biên tập báo Phòng không - Không quân và báo Cựu chiến binh Việt Nam). Những lần áp giải tù binh Pháp từ Điện Biên về trại giam chỉ có ông là một trong số rất ít người giao tiếp được với họ, họ có nguyện vọng gì đều đề xuất với ông, dù ông không phải là Thủ trưởng cao nhất.
Những nhà giáo ở Cố đô Hoa Lư – Ảnh chụp năm 1962
(Ông Nguyễn Tử Lan, đứng hàng cuối, người thứ 3 tính từ bên trái)
Lính Pháp lúc đó là kẻ thất trận, là tù binh, nhưng cách cư xử của ông đối với họ rất đúng mực và nhân văn, có lẽ đó là cái khí chất quân tử mà ông được kế thừa từ giáo dưỡng gia đình về văn minh Phương Đông, ông kể: “Người Pháp họ rất sợ phải đi chân đất, nhất là đi trên những con đường gồ ghề sỏi đá như ở Việt Nam thời ấy, vì đi như thế họ không quen nên không những rất đau mà còn có nguy cơ trầy xước, nhiễm trùng, nhiễm bệnh”.
Ông là người hiểu điều đó và thông cảm mà “linh động” cho họ được đi giầy trên những con đường dẫn giải về trại giam, bởi ông nghĩ khi họ đã chịu khuất phục hoàn toàn thì đâu có nhất thiết phải hành hạ họ thêm làm gì, ở một góc độ nào đó thì chính họ cũng là những nạn nhân của một sai lầm chính trị dưới thời tổng thống Vincent Auriol và nhà cầm quyền Pháp thời ấy.
Sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ rồi tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ chính quyền thực dân, cha tôi ở lại quân đội dạy học và làm báo với bút danh Hoài Nam (Hoài Nam cũng là bí danh ông dùng trong thời kỳ hoạt động bí mật). Đến năm 1957, ghi nhận những cống hiến của ông, quân đội đã cử ông đi học lớp chế độ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam để áp dụng việc phong quân hàm, vì đến ngày 31/5/1958, Luật về việc Quy định chế độ phục vụ của sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam mới hoàn thiện và chính thức có hiệu lực, còn trước thời điểm đó chế độ quân hàm chưa áp dụng toàn quân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ phong cho một số trường hợp đặc biệt nhằm kiện toàn bộ máy chủ chốt trong quân đội, gồm duy nhất một đại tướng là bác Võ Nguyên Giáp và sau này thêm tám thiếu tướng là bác Văn Tiến Dũng, bác Hoàng Văn Thái, bác Lê Trọng Tấn…
Ông nhiều lần được bác Lê Trọng Tấn hồi đó là Sư đoàn Trưởng đầu tiên của Sư đoàn 312 làm công tác tư tưởng về việc phong cấp quân hàm và mong muốn ông tiếp tục ở lại quân đội, nhưng ngày ấy ông bà nội tôi ở nhà đều tuổi đã cao lại hay đau yếu và trong suốt nhiều năm do chiến tranh cha tôi không có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng. Những lá thư, những vần thơ viết vội tại mặt trận Điện Biên gửi về gia đình là nỗi lòng day dứt về chữ hiếu mà ông được ảnh hưởng sâu sắc từ đạo lý Nho giáo: …“Chín chữ chưa đền công núi bể/ Hai vai đã nặng gánh non sông”… (Chúc thọ song thân – Nguyễn Tử Lan); …“Vì nước quên nhà con ra đi/ Cha đừng đau đớn nỗi phân li/ Con đi, đi mãi bao giờ đến/ Độc lập vinh quang con sẽ về”… (Con ra đi – Nguyễn Tử Lan). Cha tôi đã trăn trở rất nhiều, ông cảm ơn sự quan tâm của bác Lê Trọng Tấn và các Thủ trưởng Sư đoàn 312 rồi cha tôi viết đơn xin phục viên và chuyển sang ngành giáo dục.
Với vốn tri thức được kế thừa từ gia đình, được học tập tu dưỡng qua các nền giáo dục: Nho giáo, Pháp thuộc và nền giáo dục Việt Nam thời cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, được đúc kết kinh nghiệm, cập nhật kiến thức qua thời gian làm công tác giáo dục trong môi trường quân đội và hơn hết là những kiến thức thực tiễn của một người lính từng tham gia cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, ông đã có những đóng góp đáng kể cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong bài xã luận “Vài suy ngẫm về sự nghiệp giáo dục”, ông viết: …“Trí tuệ con người ngày càng phát triển với những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật kỳ diệu. Trong khi nhà trường là nơi đào tạo và giáo dục nên những tinh hoa trí tuệ, đòi hỏi những nhà giáo phải tự mở rộng trình độ và nghiên cứu bằng tư duy mới cao hơn, phải có những nỗ lực nâng cao kỹ năng giáo dục nhằm đào tạo con người mới sao cho ngang tầm với thời đại… Do đó cần phải luôn nhạy bén với thời cuộc, với sự đòi hỏi không ngừng của lĩnh vực khoa học giáo dục trong một xã hội ngày càng yêu cầu cao hơn, sâu sắc hơn, triệt để hơn. Mong rằng nhà giáo chúng ta, mỗi người sẽ tự xác định vị trí và chức năng của mình để có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục đào tạo mà chúng ta đã lựa chọn”…
Trong quãng thời gian cha tôi về công tác tại trường sư phạm Khánh Nhạc và Ty giáo dục Ninh Bình, đồng đội của ông - những người ở lại hầu hết được cấp nhà ở thủ đô Hà Nội và trở thành những tướng lĩnh thuộc thế hệ sĩ quan cao cấp đầu tiên trong Quân đội. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông nói dù chỉ một lời về sự nuối tiếc. Cha tôi về được ba năm thì ông nội tôi mất, sau này thỉnh thoảng ông lại tâm sự cùng tôi, lúc nào cũng với nét mặt đầy mãn nguyện: “May mà cha quyết định trở về mới kịp có cơ hội chăm sóc phụng dưỡng ông bà nội của con”.
Đến năm 1964 theo chủ trương của tỉnh nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ, đáp ứng mục tiêu của trung ương về phát triển kinh tế ở miền Bắc và ưu tiên thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là công tác cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức đã điều động cha tôi về công tác tại Ban Nông nghiệp Tỉnh ủy Ninh Bình. Sau những năm tháng ở chiến trường Điện Biên và là một trong những người lính đầu tiên về tiếp quản thủ đô Hà Nội từ chính quyền Pháp thuộc, ông đã có được những kinh nghiệm đúc kết về sự ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh và điều kiện không thuận lợi. Những kinh nghiệm đó ông đã vận dụng sáng tạo cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà. Lần đầu tiên chiếc xe đạp thồ ở chiến dịch Điện Biên được sử dụng làm phương tiện vận chuyển trong thu hoạch lúa thay cho việc gồng gánh tốn nhiều công sức mà năng suất lao động lại rất thấp. Lần đầu tiên những chiếc máy tuốt lúa đạp chân và trục lăn lúa được ứng dụng. Thời điểm ấy Ninh Bình là một trong rất ít địa phương trong cả nước có những bước đi đầu tiên trong cơ giới hóa nông nghiệp, cùng thời gian đó mô hình sản xuất lúa giống theo kỹ thuật thâm canh khoa học được triển khai thay cho thói quen chọn từ lúa lương thực làm lúa giống. Đây cũng là giai đoạn sản xuất nông nghiệp Ninh Bình có một bước tiến dài chưa từng có với thành tựu đột phá mà thế hệ cán bộ và nhân dân tỉnh nhà thời ấy đã đạt được, giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1965 tăng 18,3% và cũng là năm được mùa lớn nhất kể từ nhiều thập niên trước đó. Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được đẩy mạnh và phát triển, giá trị tổng sản lượng công nghiệp cũng tăng gấp 12 lần so với năm 1955.
Suốt 37 năm đi dọc chiều dài cuộc trường chinh của dân tộc, học tập, lao động và chiến đấu, hiến trọn tuổi thanh xuân cho những giá trị thiêng liêng của Tổ quốc, cùng các cán bộ đồng nghiệp của mình trải qua thời kỳ của những thập niên đầu Việt Nam vừa giành được độc lập, với điều kiện công tác khó khăn đến lạ lùng mà nếu như không có năng lực dân vận, không có sự đùm bọc, đồng lòng ủng hộ và sự yêu mến của nhân dân thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Cha tôi cả một thời thanh xuân tuổi trẻ chẳng nghĩ việc riêng tư, chẳng nghĩ sống cho mình. Khi về nghỉ hưu ông mới có thời gian nhiều hơn cho quê hương, dòng tộc và những người đồng đội của ông; họ là những người một thời khoác áo chiến bào cùng ông xông pha nơi chiến trường rừng bom bể lửa, đầy gian khổ, hiểm nguy mà vinh quang và rất đỗi tự hào; họ là những người cùng ông ca khúc khải hoàn trong một ngày tháng 5 lịch sử và họ cũng là những người được vinh dự góp mặt trong đoàn quân tinh nhuệ tại lễ duyệt binh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam ở Quảng trường Ba Đình ngày 01/01/1955 đánh dấu sự kiện quan trọng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày cha tôi lên đường hành quân vào chiến dịch Điện Biên là một ngày mùa xuân nắng đẹp, ngày ông chiến thắng trở về cũng là một ngày tràn đầy nắng ấm, nhưng hôm ông rời cõi nhân gian về với các bậc tiền nhân, về với mẹ tôi hôm ấy cũng là một ngày xuân nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ, nhớ như in, hôm ấy trời mưa rất to, mưa tầm tã, trời xuân hôm ấy tôi rất buồn, chưa bao giờ tôi buồn như thế...
Chú thích: Bài viết có sử dụng một số nội dung, tư liệu của Bảo tàng Lịch sử chiến thắng Điện Biên, Nhà truyền thống sư đoàn 312 và những đồng đội của cha.
N.T.C
(Nguồn: TC VNNB 257-11/2021)