Tản văn của họa sĩ LÊ ĐỨC BIẾT
Tháng 5 về, trong lòng mỗi người dân Việt lại nao nao nhớ Bác; vị cha già, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong tôi lại bồi hồi nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ.
Đầu năm 1961, thủ đô Hà Nội hân hoan chào đóng Tổng thống Indonesia Xucácnô sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bác. Chúng tôi: Trần Thị Hồng, Huỳnh Thị Triết, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Kim Duyên, Lê Đức Biết,… Trường Mỹ thuật Việt Nam được cùng với các bạn học sinh trường Múa, trường Âm nhạc và các bạn nhỏ ở đại sứ quán Indonesia được tham gia biểu diễn văn nghệ trong buổi tiệc Bác Hồ chiêu đãi Tổng thống Xucácnô tại Phủ Chủ tịch. Vừa háo hức bước vào sảnh Phủ Chủ tịch, chúng tôi đã thấy các bác Hoàng Minh Giám, Cù Huy Cận, Trần Duy Hưng và ông đại sứ “Inđô” đứng ở phòng khách. Tiết mục hát, múa ca ngợi đất nước vạn đảo do các bạn Hồng, Triết và Duyên cùng anh Hary (sinh viên người Inđô học tại trường Mỹ Thuật) biểu diễn rực rỡ trong trang phục Xà rông thổ dân vùng Xumatơra với những âm điệu sôi nổi rộn ràng của bản nhạc vùng Bali nổi tiếng. Các tiết mục văn nghệ đậm đà màu sắc hai dân tộc, hữu nghị chân thành. Đứng sau cánh gà sân khấu, tôi hồi hộp nhận thấy Bác Hồ và Tổng thống Xucácnô rất vui, hài lòng. Thời gian đã trôi xa nhưng những kỷ niệm đó vẫn sâu đậm trong chúng tôi…
Đặc biệt sau Tết Nguyên đán năm 1962, nhân dịp triển lãm tranh tượng của các họa sĩ miền Nam đang sống và học tập tại Hà Nội trưng bày tại câu lạc bộ thống nhất (nay là Cục Văn hóa thông tin cơ sở đối diện khách sạn Phú Gia) bên bờ Hồ Gươm cổ kính. Các học sinh miền Nam lớp sơ trung 7 năm 1, 7 năm 2 trường Mỹ thuật chúng tôi đang tập trung ở đây. Ban tổ chức thông báo triển lãm sẽ chuẩn bị đón khách đặc biệt tới xem, linh tính mách bảo chúng tôi sẽ được gặp Bác Hồ.
9 giờ sáng chiếc xe Popeda màu café sữa từ từ tiến vào cổng. Và thật là bất ngờ, Bác Hồ hiện ra tươi cười hiền hậu. Tất cả ùa ra đón Bác, hô vang “Bác Hồ, Bác Hồ”. Ai cũng muốn đứng gần Bác để ngắm cho thỏa ước ao. Bác mặc bộ quần áo kaki sáng, giản dị, chân đi đôi dép cao su. Trông Bác hồng hào khỏe mạnh, vầng trán cao, chòm râu bạc, đôi mắt Bác rất sáng, ánh lên cái nhìn trìu mến. Phút giây ấy đã in đậm trong tâm hồn tuổi thơ chúng tôi. Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, người đã chích máu ở tay để vẽ Bác Hồ với ba em nhỏ Bắc – Trung – Nam và có gần 6 tháng sống cạnh Bác đã vẽ Bác ở Việt Bắc, nhưng đón Bác lần này, ông cũng trào dâng xúc động.
Đón Bác có các bác, các chú: Tố Hữu, Hà Huy Giáp, Bảo Định Giang. Các họa sĩ Hoàng Trầm, Lê Thược, Huỳnh Công Nhãn, Võ Văn Tấn, Lê Công Thành, Su Man, Siulun, Nguyễn Thế Vinh, Trần Tía, Phạm Minh Chán, Võ Thành Lũy… “Họa sĩ nhí” chúng tôi có: Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Hồng, Huỳnh Thị Triết, Nguyễn Thị Phi, Lê Đức Biết, Lê Thị Hiệp…nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Bác Hiệu phó Trần Văn Lâm báo cáo với Bác những cố gắng trong học tập và lao động nghệ thuật của anh chị em họa sĩ miền Nam trên đất Bắc. Bác Hồ chăm chú lắng nghe và xem từng tác phẩm tranh, tượng của các họa sĩ lớn tuổi và dừng lại khá lâu trước những bài học vẽ của học sinh miền Nam lớp sơ trung 7 năm. Bác rất vui và hài lòng với kết quả học tập của chúng tôi.
Bên bàn ghi cảm tưởng, chúng tôi được ưu tiên ngồi sát bên Bác, Bác xoa đầu và ân cần hỏi thăm từng bạn. Bác nhấn mạnh trách nhiệm của người họa sĩ, nghệ sĩ cách mạng, phải đi sâu vào thực tế cuộc sống lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, luôn nâng cao trình độ chuyên môn để sau này trở về miền Nam phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bác nhắc các anh chị lớn tuổi chú ý dạy bảo, bồi dưỡng lớp măng non chúng tôi là lực lượng văn nghệ sau này cho đất nước. Sau đó chúng tôi được chụp ảnh với Bác. Tôi nhỏ con và ít tuổi nhất được Bác kéo vào đứng cạnh Bác. Tôi vô cùng sung sướng, rón rén nắm lấy vạt áo của Bác để tận hưởng những giây phút bên Người để cái khoảnh khắc quý báu đó được gần hơn, lâu hơn. Lúc đó, một cậu bé 14 tuổi như tôi chỉ nghĩ được như thế.
Một lần nữa, Bác ôm chúng tôi và vẫy tay chào mọi người. Xe ô tô của Bác từ từ dời phòng tranh. Chúng tôi còn lưu luyến, mãi không ai muốn dời khỏi nơi vừa được gặp Bác.
Thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ, những tấm ảnh của ông Đình Đăng Định chụp chúng tôi với Bác Hộ đã có phần phai màu theo thời gian - một kỷ vật quý báu mà dễ mấy ai có được. Tất cả chúng tôi đều trân trọng lưu giữ cho gia đình, con cháu và cho bè bạn đồng nghiệp.
Năm tháng qua đi, nhìn lên tấm ảnh được chụp với Bác Hồ chúng tôi hồi đó và hiện tại người mất, người còn, trải qua mấy chục năm hòa mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những lời dạy bảo sâu sắc của Người luôn song hành trong cuộc đời công tác và lao động sáng tạo nghệ thuật của chúng tôi.
L.Đ.B