Ghi chép của HẢI ÂU
Những ngày cuối năm 2020, trên 50 văn nghệ sĩ Hội VHNT Ninh Bình đi thực tế về miền biển xứ đạo Kim Sơn (Ninh Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa). Trải ngàn năm, sức bồi tụ tự nhiên của phù sa sông Đáy, sông Càn tạo nên những mảnh đất ven biển trù phú màu mỡ, đông đúc dân cư, ấm no, hạnh phúc.
Bảo tàng Kim Chính Ảnh: baotangkimchinhninhbinh.com
Từ đê Bình Minh 3, vút tầm, ngút ngàn cây cầu vượt biển dài hơn 6.000m rộng thênh thang đưa chúng tôi tới Cồn Nổi (bãi Ngang). Công trình quai đê lấn biển tạo cảng lớn nước sâu và xây dựng khu du lịch sinh thái biển đang khởi động ở tầm quốc gia, tạo công trình thế kỷ để du khách tới đây sẽ ngỡ ngàng và thoải mái nghỉ dưỡng, hưởng thụ văn hóa ẩm thực biển của miền đất Trâu Vàng - Kim Sơn anh dũng.
Hơn một trăm năm, Nhà thờ đá Phát Diệm vẫn ngời ngời một bông hoa kiến trúc đặc sắc, độc đáo, hàng ngày sáng, trưa, chiều, tối tiếng chuông rung vang vọng khắp ba miền: Kim Sơn, Nghĩa Hưng, Nga Sơn. Nhân dân 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, đoàn kết, kính Chúa yêu nước, ra sức xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.
Cửa Thần Phù “lênh đênh” xa xưa, nay là vùng dân cư trù phú cách bờ biển 40-50 cây số. Thế mới biết sức lấn biển của tự nhiên và con người hiện hữu nối tiếp ngàn đời là vô cùng vô tận. Sức lấp biển, dời non vĩ đại nhất là nơi này!
Động Từ Thức (Nga Sơn - Thanh Hóa) vẫn trầm mặc, lộng lẫy cây vàng đụn bạc, nhũ sữa. Du khách chạm nhẹ vách đá là nghe được âm thanh man mác của tiền nhân. Mùi thịt dê hun khói của Từ Thức vẫn thơm ngậy ngọt ngào. Ngày nay là món nhắm ngon tuyệt trong các đại tiệc cưới, chiêu đãi và người lao động đã được ăn thường xuyên hàng ngày. Người Ninh Bình, Thanh Hóa và nhiều tỉnh bạn... giờ ra khỏi ngõ là gặp thịt dê - cơm cháy, gỏi tôm, gỏi nhệch, rượu Lai Thành - Kim Sơn, rượu Nga Sơn, Nga Yên (Nga Sơn...).
Các văn nghệ sĩ Ninh Bình có nửa ngày thăm Xí nghiệp gạch Kim Chính tọa lạc bên tả ngạn sông Vạc. Điều làm tôi ngạc nhiên và thích thú đầu tiên là cảnh quan môi trường nơi đây rất sạch, không khói bụi. Bãi than ngay bờ sông vẫn gọn gàng ngăn nắp bên dòng nước trong xanh. Trên bờ, nhà xưởng cao rộng, dây chuyền sản xuất các loại gạch vẫn chạy đều, công nhân làm việc có các loại máy hỗ trợ từ vào đất, nhào đất, ép gạch qua khuôn, nung và ra lò,... gạch tươi màu mận đạt chất lượng loại A hơn 90%. Giám đốc Dương Văn Đôn hồ hởi ra tận nơi đỗ xe, ông bắt tay đón chúng tôi và dẫn ngay vào phòng trưng bày ảnh của các lãnh tụ kiệt xuất, các tướng lĩnh... của trong nước và thế giới. Trên chiếc bàn lớn rộng nhiều mét vuông là các loại tiền giấy, tiền đồng của nước ta qua các thời kỳ, các chế độ và tiền 20 nước trên thế giới được bày dưới kính trong suốt hấp dẫn người xem. Các loại sổ gạo, tem phiếu thực phẩm thời bao cấp... gợi lại một thời đất nước khó khăn thắt lưng buộc bụng để đánh giặc.
Trong những ngôi nhà lớn tuy còn đơn xơ khung thép, mái tôn nhưng chủ nhân đã trưng bày hiện vật rất đa dạng phong phú.
Về đề tài nông thôn xưa và đương đại có cày bừa, quang gánh, thúng mủng, nong nia, dần sàng... gắn với cối xay răm tre, cối đất, cối giã gạo. Mộc cụ có các loại cưa xẻ lứu, xẻ giằng, cưa máy, các loại máy gia công giảm sức lao động của người thợ máy. Ngư cụ có các loại đăng, đó, vó, nơm, rập cụp, các loại lưới thả, lưới quét, rậm riu, rổ xúc, các loại giỏ tre đan… phong phú đa dạng là các hiện vật cối đá, đá lăn, chum vại, lọ sành, gia dụng. Về giao thông vận tải có các loại xe đạp, xe máy, lốp xe ô tô đường kính trên 2m, rộng 1m.
Đồ sộ và ngỡ ngàng là chúng tôi được ông dẫn thăm khu trưng bày hiện vật chiến tranh: Trang quân phục, giầy dép của nhiều nước trên thế giới từ lính đến cấp tướng tá, nói lên sự đam mê sưu tập của ông trong thời gian qua. Các loại đạn nhiều chủng loại, các loại bom tấn, thủy lôi, ngũ lôi, đạn pháo lên tới gần nghìn hiện vật… cho thấy một thời mấy chục năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, quân và dân ta đã anh dũng chịu đựng sự hy sinh và anh dũng chiến đấu chống quân thù. Nơi đây ngày nay đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy phép với tên gọi “Bảo tàng Kim Chính” mở cửa hoạt động các ngày trong tuần từ 8-18 giờ tại xóm 9, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Khách thăm quan còn được tận mắt xem công nhân biểu diễn thực hiện thao tác trực quan như xay lúa, giã gạo, xẻ gỗ, đan lát, dần sàng. Tất cả họ là thợ lành nghề trong dây chuyển sản xuất gạch nghề thủ công, cơ khí...
Ông Dương Văn Đôn, sinh năm 1965 ở xã Ninh Giang, Hoa Lư trong gia đình nông dân nghèo, đông con. Ông chỉ học xong lớp 7 là nghỉ học, đi làm. Tuổi thơ ông gắn bó với ruộng đồng, sông nước nên khi đi làm ông chọn nghề vận tải sông biển. Tàu vận tải hàng hóa của ông đã vươn tới Ấn Độ, Băng-la-đét, Cu-ba, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a,… có vốn ông chọn Kim Chính - Kim Sơn để mở lò nung gạch. 8 cơ sở xây dựng xong, sản xuất ổn định, ông giao cho anh em con cháu quản lý. Riêng ông giữ lại 2 cơ sở hoạt động song song với vận tải thủy và bảo tàng trưng bày hiện vật cổ và đương đại. Ông Đôn là người tài hoa yêu văn hóa nghệ thuật, ông làm thơ, viết truyện ngắn, bút ký, tùy bút. Ông giỏi các môn thể thao: bóng chuyển, đá cầu, bóng bàn, khiêu vũ, hát chèo, hát chầu văn… Vợ và 3 con của ông cũng thạo và giỏi các môn này. Mọi người tặng gọi gia đình ông là gia đình thể thao - văn hoá nghệ thuật.
Xuân Tân Sửu đã về, chúng tôi văn nghệ sĩ Ninh Bình, quý chúc doanh nhân Dương Văn Đôn có nhiều sức khỏe, thành đạt nhiều trong thời gian tới. Chúc gia quyến an lành, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước yêu hương.
H.A
(Nguồn: TC VNNB 251-5/2021)