NGUYỄN QUANG HẢO
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lý Thanh Kha, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình vừa bước sang 68 tuổi đời với gần 5 thập kỷ bền bỉ đam mê lao động sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ.
Cùng sinh hoạt ở Hội VHNT Hà Nam Ninh trước đây, sau năm 1992 tái lập tỉnh Ninh Bình, chúng tôi cùng trở về dưới ngôi nhà chung đầy ắp kỷ niệm, có những dịp gần nhau hơn để sẻ chia nhiều điều trong cuộc sống…
Từ một đơn vị Đoàn chèo được nâng cấp thành Nhà hát Chèo Ninh Bình, với cương vị là Phó Giám đốc, tuy bận thêm công việc quản lý nhưng NSƯT Lý Thanh Kha vẫn xuất hiện đều đặn trên các sân khấu và dành thời gian cho các vai diễn trên phim truyền hình và phim truyện Việt Nam, anh còn là một tác giả sáng tác kịch bản sân khấu và cả làm thơ nữa.
Với lòng đam mê sáng tạo không ngừng, Nghệ sĩ Lý Thanh Kha vẫn sắp xếp thời gian thường xuyên về dự các Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật của Hội tổ chức thường niên.
Dưới mái nhà sáng tác, các hội viên ở các chuyên ngành có dịp giao lưu gặp gỡ nhau để trao đổi những tác phẩm tâm huyết và công việc lao động sáng tạo tuy không ít nhọc nhằn nhưng có rất nhiều niềm vui. Qua sự giao lưu đã khơi gợi cho nhau những mạch nguồn văn chương nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực và thể loại. Đó cũng là một cách gọi cảm xúc về trước trang viết. Là một fan đam mê nghệ thuật sân khấu, mỗi lần gặp lại gương mặt diễn viên Lý Thanh Kha dường như chẳng mấy đổi khác, với sự cảm mến tự đáy lòng đã giúp tôi nhớ lại vào những năm 70 của thế kỷ trước, lúc ấy Nghệ sĩ còn là một anh bộ đội rất trẻ, do sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, anh đã được tuyển vào Đoàn kịch nói Ninh Bình. Đó chính là miền đất diễn mà anh hằng mơ ước. Nghệ sĩ Lý Thanh Kha đã sớm khẳng định được tài năng và chiếm được cảm tình của khán giả trong những vai diễn từ vở kịch “Lập xuân”, tiếp đó là vở “Đôi mắt” và sự toả sáng trong “Trăng lụa”. Tên tuổi Lý Thanh Kha được lan toả rộng rãi trong lòng khán giả từ bấy giờ.
Tôi hỏi Lý Thanh Kha những kỷ niệm và dấu ấn sâu sắc nhất trong những vai diễn của mình. Anh hào hứng nói: Kỷ niệm thì thật nhiều, trong 15 năm ở Đoàn Kịch nói Hà Nam Ninh, nhân vật để đời của tôi là vai ông Bản trong “Mùa hè ở biển” của cố tác giả Xuân Trình, đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành. Tiếp đó là vở “Nửa ngày về chiều” cùng một tác giả, đạo diễn Đoàn Anh Thắng, Lý Thanh Kha sắm vai Đại uý Tư Hoàng. Nhưng “Mùa hè ở biển” vẫn là một kỷ niệm khó mờ phai… Vở diễn liên tục sáng ánh đèn ở các sân khấu Thủ đô, sau đó là ở các tỉnh. Tác phẩm sân khấu “Mùa hè ở biển” được chọn tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đã giành tới 7 Huy chương vàng Bạc cho vở diễn và diễn viên, trong đó Lý Thanh Kha dành một Huy chương Vàng vai ông Bản và Nghệ sĩ Ngô Lương Thu vừa là bạn diễn vừa là bạn đời của anh dành Huy chương Bạc trong vai vợ Đoàn Xoa trong cùng vợ diễn.
Với bề dầy thành tích cống hiến cho nghệ thuật Sân khấu, năm 2000 Lý Thanh Kha vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú về Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Hiện nay NSƯT Lý Thanh Kha đã nghỉ hưu nhưng với lòng đam mê tâm huyết hiếm thấy, anh nghỉ hưu nhưng không nghỉ diễn. Nghệ sĩ có điều kiện dành toàn bộ thời gian tâm lực cho công việc mà anh mê đắm.
Khoảng mươi năm trở lại đây, khán giả trong tỉnh và cả nước đã quá quen thuộc với gương mặt NSƯT, diễn viên Điện ảnh Lý Thanh Kha. Anh xuất hiện khá đều đặn trên hàng chục Phim truyền hình và phim truyện Việt Nam với nhiều số phận và cuộc đời khác nhau.
NSƯT Lý Thanh Kha với nét mặt hiền từ chất phác nhưng tiềm ẩn một năng khiếu trời phú, anh diễn xuất thuần thục tự nhiên không khác mấy giữa sân khấu và đời thường. Điển hình như các vai ông Tĩnh, Bí thư Đảng uỷ của phim “Ma làng”. Phim giành giải Bông Sen Bạc. Vai ông Chúng trong phim “Chuyện của Pao” giải Cánh Diều Vàng. Vai ông Thuần trong “Mười hai cửa bể”, phim đoạt giải Bông Sen Vàng. Trong phim “Đàn chim trở về” anh thể hiền ông Hoạt, phim đã dành giải nhất thể loại Phim Truyền hình năm 2003...
Tôi gợi hỏi lại anh về những dấu ấn sâu đậm nhất của cuộc đời diễn viên, câu hỏi như đã chạm vào mạch nguồn sâu lắng của mình, Nghệ sĩ Lý Thanh Kha nghiêm nét mặt trầm tư suy nghĩ, chợt anh vội châm điếu thuốc kéo một hơi thật sâu rồi chia sẻ: Anh hỏi điều này làm cho tôi nhớ lại một kỷ niệm khó quên. Đó là tôi đã từng được các đạo diễn tin cậy giao cho trọng trách thể hiện nhiều lần hình tượng Bác Hồ trước công chúng. Vinh dự này không phải người diễn viên nào cũng có được. Đó là kết quả của sự khổ luyện không biết mệt mỏi khi thể hiện hình tượng và giọng nói trầm ấm hào sảng của Bác. Tôi đã phải ghi băng rồi mở lại hàng mấy chục lần để đối chiếu với băng tư liệu lịch sử về Bác Hồ để tự điều chỉnh tới từng chi tiết giọng nói và tác phong của Bác.
Năm 1995 tại Lễ trọng thể trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Ninh Bình, NSƯT Lý Thanh Kha vinh dự được thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu trong nhạc phẩm “Bác Hồ một tình yêu bao la” với giọng ca xúc động của NSND Mai Thuỷ. Sau khi xem cuộc biểu diễn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao về thành công của Nghệ sĩ Lý Thanh Kha khi anh thể hiện hình tượng và giọng nói Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sau đó Đoàn Nghệ thuật Ninh Bình đã được mời lưu diễn ở các tỉnh phía nam với lòng ngưỡng mộ của đông đảo các tầng lớp cán bộ và nhân dân, khi được các nghệ sĩ tỉnh Ninh Bình tới biểu diễn.
Kỷ niệm 10 năm “Tiếng hát Làng Sen” và 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Mai Công Thắng đã phổ nhạc bài thơ “Hoa khoai trong vườn Bác” của nhà thơ Lâm Xuân Vy. Tác phẩm sân khấu do Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh Ninh Bình dự thi hội diễn “Tiếng hát Làng Sen” tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An. NSƯT Lý Thanh Kha lại vinh dự được thể hiện hình tượng Bác Hồ trước công chúng quê Bác.
Người xem thực sự xúc động màn trình diễn với lời thơ:
Dòng Nam Thắng xót xa biền biệt
Lại về trong hương khói ảo huyền
Chiếc sập gỗ hình như hơi ngắn lại
Lối đi xưa không phải lối bây giờ
Cả cây mít thơm ngon dầy tựa
Đưa Bác về ký ức tuổi thơ…
Một kỷ niệm sâu sắc nữa trong cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật của mình, Nghệ sĩ Lý Thanh Kha đã thể hiện hình tượng Bác thành công trong bộ phim “Nhà Tiên tri” tác giả Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn NSND Vương Đức. Bộ phim lịch sử này được tái hiện bối cảnh tại Sơn Dương Tuyên Quang, nơi Bác Hồ hoạt động bí mật trong kháng chiến. Lý Thanh Kha được đảm nhiệm vai cụ Nguyễn Văn Tố, nhà hoạt động Cách mạng được sống và làm việc gần Bác. Điều đặc biệt là cụ Nguyễn Văn Tố rất giống Bác Hồ. Khi bị giặc bắt, chúng tra tấn Cụ và hỏi Ông có phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh không? Cụ Nguyễn Văn Tố khảng khái tự nhận mình chính là Bác Hồ. Sau đó Cụ Nguyễn Văn Tố đã anh dũng hy sinh để bảo toàn bí mật cho Bác.
Tác giả Lý Thanh Kha còn sáng tác 2 vở chèo dài cho Nhà hát Chèo Ninh Binh biểu diễn. Đó là vở “Làng gọi” viết về đề tài Nông nghiệp, nông dân và nông thôn và “Sấm ký Điềm Giang” vở chèo lịch sử viết về Đức thánh Nguyễn Minh Không cùng hàng chục tác phẩm sân khấu cho phong trào Văn nghệ quần chúng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các ngành, dành được nhiều phần thưởng xứng đáng.
Đón xuân Kỷ Hợi 2019, khán giả cả nước sẽ được gặp lại NSƯT Lý Thanh Kha trong các bộ phim của Hãng phim Truyền hình Việt Nam. Trong đó có bộ phim đặc sắc “Vua Bụt” sẽ được công chiếu rộng rãi…
Ghi nhận về thành tích lao động sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ, tới nay NSƯT Lý Thanh Kha đã dành được hàng chục Huy chương vàng bạc, hai giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyễn, Bốn giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu và giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhiều huy chương về thành tích hoạt động Văn hoá Nghệ thuật.
NSƯT Lý Thanh Kha lúc nào cũng miệt mài với sân khấu và điện ảnh, nhưng khi trở về đời thường với ngôi nhà ấm áp của mình, mọi người chung quanh vẫn thấy anh thong dong với nguyên vẹn nụ cười trẻ trung cảm mến và gần gũi. Tôi hỏi anh về bí quyết “trẻ mãi không già”, anh cười trả lời: Có gì đâu… nhàn rỗi chỉ làm cho tuổi già mau đến, lao động làm cho tuổi xuân kéo dài…đơn giản vậy thôi.
Câu nói “đơn giản” của anh làm cho tôi liên tưởng tới câu nói của một nhà văn “Nghệ thuật hữu ích nhất trong mọi nghệ thuật là nghệ thuật sống tốt”.
N.Q.H