Tản văn của THÚY HOÀNG
Mơ một lần bỏ phố thị, ta tìm về Cúc Phương, về với vẻ nguyên sơ của núi rừng. Cuối đông, tiết trời còn se sắt, Cúc Phương vẫn khoác trên mình chiếc áo thiên nhiên xanh mát. Và khi những hạt mưa xuân bắt đầu lắc rắc, sườn núi trắng mờ huyền ảo, cỏ cây láng bóng mỡ màng, là lúc bà con dân tộc Mường háo hức tới chợ sắm Tết.
Vốn sống cộng đồng với người Kinh, người Mường góp hồn mình tạo nên nét văn hóa chợ phiên đặc sắc mà gần gũi.
Gặp nhau ở chợ, các bà, các mẹ, các chị, các em xúm xít, tay bắt mặt mừng. Họ chào nhau, hào hứng hỏi nhau, vui vẻ mời nhau Tết qua nhà chơi. Với khách phương xa, chất giọng và ngữ điệu ấy ríu rít như tiếng chim rừng chào xuân, mà cũng thật sâu thẳm huyền bí như núi rừng.
Giữa muôn màu cuộc sống, ta tìm cho mình một góc riêng, một chút gam trầm, tìm thứ gì đó khó dứt bỏ, như một thói quen đã ăn sâu vào máu thịt trong mối duyên ngầm.
Chợ ở đây cũng bày bán đủ thứ cho một cái Tết trọn vẹn: từ đồ dùng sinh hoạt ngày thường đến đồ dùng cho lễ tết; ngoài các loại rau trái đặc trưng theo mùa, còn có đồ khô, và la liệt hoa tươi đua nhau khoe sắc.
Mới vài bước, ta đã bị cô hàng xén ăn vận trang phục dân tộc Mường níu chân. Chiếc khăn trắng trên đầu tô vẽ thêm nét tròn trịa dễ mến của gương mặt thiếu nữ. Những bộ trang phục dân tộc Mường không rực rỡ, chúng khiêm nhường nép mình trên sạp. Chiếc áo lửng màu trắng sáng, chiếc váy ống nhuộm màu đen chàm, dải thắt lưng màu xanh lá,... đơn giản mà đằm sâu... Ai dám bảo đó không phải là cái đẹp...
Qua một dãy hàng, cụ già móm mém nhai trầu, ngồi lẫn đám lá dong rừng bó thành từng cuộn, được chuyển từ tay người bán sang tay người mua, những bàn tay gầy guộc thô nhám lớn lên từ đất, khiến ta cay cay sống mũi, lòng ta nén chặt nỗi niềm xúc động. Những bàn tay ấy thường ngày vẫn cần mẫn bên nương ngô ruộng lúa; có lúc vẫn những bàn tay ấy mân mê từng đường nét cồng chiêng như tìm về kí ức xa xăm của thuở hồng hoang. Cồng chiêng của người Mường Cúc Phương có từ bao giờ? Dân gian đâu cần một câu trả lời. Chỉ biết rằng, khi đồng bào nhìn thấy mặt trời thì cồng chiêng đã có rồi. Cụ già vẫn đó, lặng lẽ cất gọn mấy đồng tiền lẻ vào túi áo, miệng túi được ghim cẩn thận bởi chiếc kim băng, như nắm giữ bền chặt cho hương vị ngày Tết, như giữ trọn sắc bùa cho cồng chiêng quê hương.
Mấy anh chàng láu lỉnh thì buông lời tán tỉnh hài hước. Tết này đã đến lúc em về làm vợ anh. Ánh mắt nàng nhìn xuống, e ấp, đôi má ửng sắc hoa đào rừng. Và ta thèm cảm giác yên bình trong cái đẹp tự nhiên, được lạc hồn giữa rừng đào Cúc Phương, có hay không có... Để rồi khi về phố thị, ta như được gội sạch lòng mình. Cố ý nán lại, nán lại chút nữa, để nghe lỏm câu chuyện hẹn hò bâng quơ họ đang trao gửi. Biết đâu ta gặp nhau trong lễ hội cồng chiêng...
Đến chợ, mua sắm cho cái Tết sum vầy ấm cúng, ta không còn sợ xa nhau. Đến chợ, tìm về chút háo hức thời con trẻ, thèm được mặc quần áo mới, còn hăng hắc mùi thuốc nhuộm. Đến chợ, trao - nhận chút náo nức hội xuân, biết đâu đấy ta về một nhà. Đến chợ, ai đó bán ta mua âm hưởng cồng chiêng núi rừng... Ta nghĩ, những giai âm cồng chiêng cứ rung lên, ngân lên, chân chất như đất rừng đá rừng và cứ kiêu hãnh giữa miền Cúc Phương - Kỳ Phú - Phú Long; cứ níu chân níu hồn du khách. Ai bán ta mua một tiếng cồng chiêng? Ta, một khách lãng du, không có gì đáng giá; ta, một kẻ từng lạc giữa xô bồ, chắc gì đã đủ tư cách ra giá hoặc trả giá cho thứ đặc sản tinh thần của dân tộc... Chỉ một chút chân tình và lòng hướng thiện liệu có đủ...
Ôi, giữa chợ mà ta mơ về tiếng cồng chiêng giữa nghìn trùng xanh thẳm của núi rừng. Và ta sẽ tìm em... Ta lại tìm em trong điệu sắc bùa, trong lời ca chúc tụng đầu xuân. Liệu em có còn trong đội văn nghệ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình?
Giữa chợ, lữ khách cứ ngơ ngẩn như đang tìm kiếm thứ gì vô hình, mặc những đôi mắt trẻ thơ hiếu kì không cần giấu diếm. Chúng cười rộn lên những thanh âm trong trẻo. Má đứa nào cũng phinh phính, bầu bĩnh. Ta nghĩ quanh ta sự sống đang nảy nở sinh sôi...
Đi chợ cuối năm là một niềm vui. Đến chợ cuối năm, xem người mua bán trao gửi là niềm hạnh phúc vô bờ. Cuộc sống sẽ đi về đâu, nếu một ngày nào đó không còn văn hóa chợ phiên? Lòng người sẽ đi về đâu khi không còn nơi nào bình yên để bấu víu?
Sẽ đôi lần bỏ phố thị, ta lại tìm về Cúc Phương, về với vẻ nguyên sơ của núi rừng. Cuối đông, tiết trời còn se sắt, Cúc Phương chắc vẫn khoác trên mình chiếc áo thiên nhiên xanh mát. Và khi những hạt mưa xuân bắt đầu lắc rắc, sườn núi trắng mờ huyền ảo, cỏ cây láng bóng mỡ màng, là lúc ta lại tìm em trong âm vang cồng chiêng đại ngàn. Ôi, giữa chợ, một lữ khách ngẩn ngơ với mảnh hồn mình…
T.H