Chủ nhật, 06/10/2024

Hành trình điểm hẹn Cúc Phương

Thứ tư, 21/02/2024

 Ký của ĐINH NGỌC LÂM

Lời phi lộ

Thiên nhiên - Người mẹ vĩ đại nhất đã sản sinh ra trái đất và sinh ra sự sống của muôn loài. Trái đất được hình thành từ hệ mặt trời… và mặt trăng được hình thành sau trái đất… Câu chuyện dài hàng 4,5 tỷ năm. Một hành trình khổng lồ vận động và biến thiên, ví như có bàn tay tạo hóa kỳ diệu nhào nặn và ban tặng cho thế gian này. Bao nhiêu điều, bao nhiêu sự kỳ thú mà con người đã khám phá, đã thành công trong muôn vàn hành trình chinh phục. Yêu quý thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ sự sống của chính chúng ta. Song đâu đó còn không ít những hành vi con người xâm hại thiên nhiên, theo Đạo nho là bất hiếu. Sống phải đạo với thiên nhiên là “Đại hiếu”, bất hiếu với thiên nhiên là gây nên trọng tội và tự chuốc họa cho sự sống… Đi trong rừng, cứ phảng phất trong tôi sự liên tưởng ấy… Khung cảnh hiện hữu của rừng tạo cho con người ta một cảm giác dễ chịu, dễ chịu đến lạ kỳ. Yên ả, thanh bình và lắng đọng, cảm thấy cuộc sống như chậm lại, thanh điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, an nhiên trải dọc trên đường đi, những vòm xanh cây lá qua nhiều tầng tán, ánh sáng tán sắc qua nhiều lần khúc xạ lấp lóa thành những gam màu huyền diệu, những giai điệu ngân nga quyện thành những tiết tấu lan tỏa, gợi thức lòng người đến độ thăng hoa… Hương thảo mộc hòa quyện trong từng làn gió mơn man, bất chợt làm cho tôi sực tỉnh. Từng thước phim được trải ra trước mắt, vừa chân thực, vừa chứa đựng sự kỳ bí trong từng khoảnh khắc…

Vườn quốc gia Cúc Phương vào mùa bướm                      Ảnh: sưu tầm Internet

Từ xa xưa nơi đây là biển. Sau hàng trăm triệu năm bồi lắng, biển đã lùi rất xa, để lại một cánh rừng nguyên sinh, nơi dự trữ sinh quyển đa dạng và phong phú, được mệnh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á về nhiều phương diện. Quá trình tồn tại của cánh rừng nguyên sinh với diện tích 22.200 héc ta, nay được gọi là Vườn quốc gia Cúc Phương này, đã trải qua nhiều thời kỳ với biết bao nhiêu biến cố thăng trầm. Giờ đây rừng vẫn an nhiên tồn tại với những danh xưng hết sức trân quý: “Lá phổi xanh”, “Ngôi đền xanh”, “Thiên đường xanh”.v.v. đã minh chứng cho quá trình bền bỉ, vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, là sự tận hiến của lực lượng Quản lý và bảo vệ Vườn quốc gia Cúc Phương, nơi được coi là bảo vật thiên nhiên quý hiếm hàng đầu của quốc gia. Trước đây trong vùng lõi của rừng Cúc Phương đã từng là nơi sinh sống của một bộ phận bà con dân tộc Mường. Quá trình tương tác giữa sự sống của con người với thiên nhiên, trong cái tất yếu nương tựa sinh tồn ấy luôn phát sinh những khuynh hướng trái chiều mà trong đó lực lượng Kiểm lâm luôn phải uốn theo chiều tích cực để tạo nên ý thức đồng thuận của con người với sự tồn tại bền vững của thiên nhiên... Quá trình ấy có thể nói đã dựng nên một hình tượng rất đáng trân quý của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam nói chung, của lực lượng Kiểm lâm Cúc Phương nói riêng. Hành trình 60 năm thực hiện chức năng quản lý và bảo vệ toàn vẹn rừng nguyên sinh đặc biệt quý hiếm này của các thế hệ cán bộ, nhân viên và công nhân thuộc đơn vị Vườn quốc gia Cúc Phương là một hành trình lao động, nghiên cứu khoa học bền bỉ, miệt mài, khả năng chinh phục không biết mệt mỏi với đức hy sinh, cống hiến chứa đựng tính nhân văn sâu sắc hết lòng vì sự sống, vì lợi ích quốc gia. Đã dành trao sự tận hưởng cho đông đảo khách đến tham quan du lịch, khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm thuộc mọi giới, mọi lứa tuổi trong và ngoài nước… Kiểm lâm - những con người bình dị, song những gì họ đã làm, đã đóng góp cho Vườn quốc gia Cúc Phương rất xứng đáng được tôn vinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên những chặng đường đã qua và trong hành trình phát triển tương lai.

Với điều kiện rất hạn hẹp, những gì tôi đã được mắt thấy tai nghe, xin ghi chép lại, dù chỉ như những nét chấm phá thôi, song cũng có thể góp phần gợi mở cho độc giả có một cái nhìn, một thái độ tích cực hơn về mối quan hệ trực tiếp giữa con người với thiên nhiên trong phạm vi cánh rừng nguyên sinh - “Vườn quốc gia Cúc Phương” này.

Những giai thoại về xứ Mường Cúc Phương

Tôi gặp ông Đinh Duy Hải vào một buổi chiều. Người con của bản Nga xứ Mường Cúc Phương, tuổi Ất Mùi (1955) có thân hình vạm vỡ, dáng chắc nịch, nét phong trần hiện rõ trên khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt sáng, vài nếp nhăn trên quầng trán vuông gợi chút ưu tư. Nụ cười, cái bắt tay làm cho người đối diện cảm thấy gần gũi, thân thiện… Ông là tuýp người phóng khoáng, dạn dày, từng trải của xứ Mường Cúc Phương, nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã Nông nghiệp, nguyên Bí thư Xã đoàn, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hơn ba nhiệm kỳ liên tục (trước 1990 - 2005), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương hai nhiệm kỳ (2005 - 2015) đến tuổi nghỉ hưu. Nghe ông kể về xứ sở của ông một cách say sưa, ngữ điệu đặc trưng có sức cuốn hút và truyền cảm, qua giọng nói của ông toát lên nội tâm của một người giầu cảm xúc và tràn đầy nghị lực. Theo lời kể của ông Hải:

Tên xã Cúc Phương có từ năm 1930. Do biến động hành chính qua các thời kỳ, thực hiện sát nhập, chia tách, thay đổi tên gọi, đến năm 1965 địa dư hành chính này được trở lại với tên gọi Cúc Phương. Xã miền núi đặc biệt của huyện Nho Quan gồm 8 bản đồng bào dân tộc Mường mang tên: Nga, Sấm (thuộc vùng đệm); Đang, Mạc, Đồng Cơn, Đăn, Lá Mền, Bống (thuộc vùng lõi). Cúc Phương là một trong những địa điểm trọng yếu của khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp, bản Nga đã sơ tán vào sâu trong rừng nhường nhà cửa lại cho bộ đội làm bệnh xá cứu chữa thương bệnh binh, làm nơi điều dưỡng cho bộ đội. Quèn Thạch (quèn ở vị trí cửa vườn hiện nay) với địa thế hiểm trở được lấy làm điểm trọng yếu để chặn giặc Pháp khi chúng mở các cuộc tấn công vào căn cứ của ta, các cuộc tấn công của quân viễn chinh Pháp vào tới quèn Thạch đều bị quân ta chặn đứng, nhiều lần trước khi rút lui chúng đã hậm hực dùng súng cối câu vào tới bản Đang, bản Mạc.

Thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Cúc Phương cũng là nơi ém quân dự bị của ta, chỉ huy sở của nhiều đơn vị bộ đội đã vào Cúc Phương tạm trú để nghiên cứu, bàn về chiến lược, chiến thuật quân sự; Cúc Phương còn là nơi sơ tán của một số cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước… Với lợi thế bí mật và hiểm trở, rừng Cúc Phương đã góp phần vào thành công của hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Hòa bình lập lại, bà con nơi đây được trở lại với cuộc sống thanh bình, cần mẫn gắn bó với khung cảnh an nhiên của núi rừng. Đất canh tác rất hạn hẹp nên ngoài trồng cấy thì săn bắn, hái lượm, đào củ trên rừng, bắt ốc, bắt cá dưới suối cùng là kế mưu sinh thường ngày của bà con các bản Mường Cúc Phương. Con người và thiên nhiên nơi đây hòa quyện với nhau, những tác động thông qua lao động sản xuất và sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa hồi ấy hầu như chưa ảnh hưởng lớn tới rừng. Sự ăn đời ở kiếp với rừng đã tạo nên ý thức hệ “đồng sinh đồng dưỡng”, chặt một cây phải trồng một cây, chặt một cây phải tính kỹ việc để hạ từng khúc, chọn hướng ngả cây này để bảo tồn cây khác… Săn bắn thì chỉ thỉnh thoảng để cải thiện đời sống, chủ yếu là thú nhỏ như lợn rừng, hoẵng, sóc bay, chồn, cầy hoa quả, đon, nhím… bằng nỏ, hãn hữu mới có người có súng tự chế. Săn bắt về thì cả bản cùng ăn. Nhu cầu đời sống của bà con Cúc Phương ở thời điểm sau 1954 chỉ đơn giản là vậy. Ngày mùa, ngày tết, ngày lễ hội bà con trong bản quây quần bên đống lửa, hân hoan quanh ché rượu cần, trai gái múa hát thâu đêm. Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường là dùng ngôn ngữ riêng có sự pha trộn phần đa của ngôn ngữ người Kinh, không có chữ viết riêng, chỉ có rất ít người biết chữ nho. Vì vậy mọi nội dung, hình thức về tập tục, truyền thống, tín ngưỡng đều được truyền tụng lại bằng miệng và được lưu trữ thông qua bộ nhớ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác… Cho đến khi có chữ Quốc ngữ thì văn hóa dân tộc Mường được nghiên cứu một cách có hệ thống. Văn hóa của đồng bào dân tộc Mường giờ đây đã được đặt vào vị trí trọng tâm nghiên cứu, được đánh giá có nhiều nét độc đáo, phong phú ở các lĩnh vực trong đời sống xã hội…

Hát đúm là điệu hát đặc trưng nhất của người Mường Cúc Phương. Nói đối, nói vần, hát bọ mẹng (hát mời trầu) thường dành cho người già, diễn ra vào những dịp tết nhất, lễ hội, đặt ở giữa là một cơi trầu lớn, một bên là đàn ông, một bên là đàn bà, họ ngồi với nhau giao lưu nói đối, hát đối thâu đêm. Con trai con gái thì hát đúm, thể hiện tình cảm giao duyên, tỏ tình lứa đôi bằng những câu hát đầy chất trữ tình như: “Eng (anh) về hỏi mẹ, hỏi cha/ Có cho lấy vợ nơi xa, ún (em) chờ”, lời đáp: “Gia đình đồng ý ún ơi/ Để ta xây dựng sánh đôi vợ chồng”, hay: “Thấy em vừa đẹp vừa xinh/ Anh thuận nhân tình anh nắm cổ tay/ Nắm rồi anh hỏi cổ tay/ Ai nặn nên trắng, ai day nên tròn”, lời đáp: “Yêu nhau quá đỗi quá chừng/ Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay”. Những câu tỏ tình điển hình chân chất mà hết sức ngọt ngào, đằm thắm, dí dỏm của hát đúm Mường như: “Ơ… Đúm này em dặn thì nghe/ Đúm bay cho tới áo the đúm vào/ Ơ… Đúm vào người hỏi làm sao/ Em là quả đúm em vào kết duyên”, lời đáp: “Ơ… Đào ởi đào ơi/ Đào dích lại đây/ Đào dịch lại đây/ Anh cầm quả đúm trao tay cho đào”. Lời hát trong lễ hội thể hiện tình yêu của con người dành cho lao động sản xuất, thể hiện tinh thần lạc quan của con người nơi đồng đất quê hương xứ Mường Cúc Phương như: “Cổ truyền đu hội dân gian/ Vọng vang khúc hát với làn điệu xưa/ Xuống đồng cầu nắng, cầu mưa/ Dân làng sung túc, chiêm mùa bội thu”... Lời trong hát đúm, nói đối, nói vần của người Mường Cúc Phương chân thực, mộc mạc, hiền lành mà lay động thiết tha… nhịp điệu, vần luật trên nền tảng thơ lục bát, có nhiều nét tương đồng với nghệ thuật dân ca đồng bằng Bắc bộ. 

Múa sạp, múa sênh tiền là những điệu múa chủ yếu được thể hiện trong những dịp lễ hội, trong sinh hoạt cộng đồng của giới trẻ Cúc Phương. Các trò chơi dân gian chủ yếu là ném còn, đu cây, đánh cù, đánh khăng… Ngoài tết Nguyên đán ra, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, tháng mười, cúng đền thờ, miếu thờ được bà con dân tộc Mường Cúc Phương coi là lễ trọng. Cồng chiêng là một loại nhạc cụ độc đáo, tục truyền đây là công cụ đuổi thú dữ và chim muông phá hoại mùa màng có từ thời xa xưa, sau này trở thành loại nhạc cụ theo một quy tắc chế tác với nhiều kích cỡ khác nhau tạo nên nhiều cung bậc âm thanh hấp dẫn, thánh thoát, ngân rền, vang xa… thanh điệu, âm vực cồng chiêng dồi dào sức sống. Tiết tấu cồng chiêng thể hiện sự hùng tráng kỳ vĩ của núi rừng. Mỗi dịp tết đến, xuân về mỗi bản tổ chức một đội ngũ trai tráng với một bộ cồng chiêng gồm 12 chiếc (gọi là Đội sắc bùa) vừa đi vừa tấu cồng chiêng đến từng nhà chúc tết, đặng một năm mạnh khỏe, an khang, làm ăn phát đạt… đến những năm 1970 thì tập tục này dần mai một. Tuy nhiên cồng chiêng ngày nay vẫn là một loại nhạc cụ đặc trưng bậc nhất, được coi là bảo vật của dân tộc Mường. Ông Hải cười tự hào: “Cồng chiêng thì có lẽ muôn đời sau vẫn là hồn cốt của văn hóa dân tộc Mường chúng tôi!”. Quả thực, những ai đã từng được xem biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Mường dù chỉ một lần thôi cũng đã đủ để cảm nhận được những âm thanh kỳ diệu dựng nên một phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, tạo thành ấn tượng khó phai in sâu vào tâm thức con người…

Tập tục cưới hỏi ở Cúc Phương mang một nét khá riêng, không nặng nề về vật chất. Nhà gái thách cưới theo tục lệ nhưng dựa vào hoàn cảnh cụ thể của nhà trai, thông thường: lợn hơi 50 cân, 4 thúng cái gạo nếp, 50 lít rượu, chăn màn, đệm gối phòng cô dâu chú rể. Ông mối đưa chú rể cùng đoàn nhà trai đến nhà gái thực hiện màn chào hỏi, giới thiệu rồi xin dâu về nhà trai làm đám cưới. Bà con, khách mời đến mừng và ăn cỗ, tiệc cưới thường diễn ra trong hai ngày. Trước đây tiền mừng được mọi người đặt lên đĩa tùy tâm (năm xu một hào), ngoài ra bà con còn giúp gạo, rượu, lợn, gà, giúp công giúp sức… Ngày nay tiền mừng được đựng trong phong bì trao cho chủ nhà, xong lễ cưới, tiền mừng được dồn đưa hết cho cô dâu dùng để trang trải chi phí đám cưới, nếu còn thì dành dụm để làm vốn. Nhìn chung, tục cưới của người Mường Cúc Phương từ lâu đã mang một nét văn hóa tiến bộ, nhân văn, thể hiện sự đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, vun vén cho hạnh phúc lứa đôi, không để lại hậu quả nợ nần lớn cho đôi bên gia đình cũng như đôi uyên ương vừa mới thành vợ thành chồng. Tập tục cưới hỏi ở Cúc Phương thể hiện sự tương thân tương ái đồng lần, một nét đẹp trong văn hóa Mường Cúc Phương rất đáng gìn giữ và trân trọng.

Về tập tục tang ma của bà con dân tộc Mường ở Cúc Phương từ xa xưa còn rất lạc hậu, thực hiện theo hủ tục. Khi người 50 tuổi trở lên chết đi, gia chủ phải làm mo 3 đến 4 ngày, mổ trâu bò, lợn gà ăn uống ngày đêm. Quan tài để mai táng người chết được làm bằng một nửa cây gỗ đục rỗng phần lõi cho vừa thân người nằm, một nửa cây gỗ làm nắp đạy, rất cầu kỳ. Ngày nay tập tục lạc hậu ấy không còn nữa, thay vào đó là thực hiện đám tang tương tự phong tục của đồng bào Kinh quanh vùng lân cận. Nét đặc biệt của người Mường Cúc Phương là khi chôn người chết không đắp mộ, chỉ lấp bằng mặt đất rồi san phẳng xóa dấu vết, lấy mốc đánh dấu bằng cây rừng. Sau này mộ được đánh dấu bằng cách chôn phiến đá tự nhiên có đầu nhọn như cây măng đang mọc cạnh mộ, hoặc chôn xa mộ rồi vẽ sơ đồ chỉ dẫn vào mộ. Ông Hải giải thích: “Để đề phòng giữa các dòng họ trong Mường có mâu thuẫn với nhau, tránh việc người dòng họ kia làm bùa ngải đóng yểm xuống mộ họ mình để làm hại nên phải giấu mộ. Ngày xưa người chết không có giỗ, không có lễ 49 ngày, 100 ngày, không có bàn thờ…”. Quan niệm xa xưa ấy, nhìn ở một góc độ khác tôi bỗng liên tưởng đến một số tục lệ trên thế giới như tục “Điểu táng” ở Tây Tạng - Trung Quốc, “Thủy táng” ở Ấn Độ, Hỏa táng trên giàn thiêu bằng củi ở một số nước thuộc Đông nam Á. Phải chăng con người ta sinh ra từ cát bụi, cuối cùng cũng trở về với cát bụi, không còn vương vất với trần gian. Đối với người Mường ở Cúc Phương có thể họ cũng có quan niệm: con người ta sinh ra mang hồn vía của núi rừng, mỗi cuộc đời dài hay ngắn đều gắn bó với núi rừng cho đến khi về dưới lòng đất sẽ hóa thân thành hoa lá cỏ cây, linh hồn hòa quyện với núi rừng. Nhẹ nhõm vậy thôi. Nghe tôi lý giải, ông Hải cười: “Có lẽ vậy. Bởi vì theo quan niệm của người Mường, hồn người chết trong rừng thì ở lại với rừng chứ không ra được khỏi rừng”. Mỗi quan niệm đều có lý giải riêng, thế giới tâm linh của đồng bào dân tộc Mường theo những quan niệm riêng của họ. Tuy nhiên theo phát triển tri thức của con người thì mọi hiện tượng, sự vật luôn được khám phá, phát triển theo một định hướng. Bởi vậy quan niệm, tập tục của đồng bào dân tộc Mường Cúc Phương vẫn luôn được tôn trọng, bảo tồn và phát triển theo chiều hướng tiến bộ. Quan niệm xưa của người Mường Cúc Phương với người chết đơn giản, nhẹ nhõm là vậy. Song tập tục xa xưa về làm tang ma thì còn rất lạc hậu, cỗ bàn ăn uống dài ngày, cúng tế nặng nề, tốn kém. Sau này mộ được đắp lên, thờ cúng sau ba năm thì xóa bằng mặt đất rồi mới đánh dấu như trước. Thời gian gần đây bà con dân tộc Mường Cúc Phương đã làm giỗ người quá cố từ năm đời và đã lập bàn thờ tổ tiên, thờ cúng người chết như đồng bào Kinh. Các hủ tục nặng nề đã được bãi bỏ. Về tín ngưỡng, hầu hết đồng bào dân tộc Mường Cúc Phương tin theo đạo Phật.

Nhìn tổng thể hiện nay, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mường Cúc Phương đang cơ bản tương đồng với phong tục tập quán của các khu vực đồng bào Kinh ở các xã lân cận thuộc huyện Nho Quan. Riêng bản sắc văn hóa truyền thống với những nét độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường Cúc Phương đang tiếp tục được gìn giữ và phát huy như các điệu múa, điệu hát, điệu nhảy, biểu diễn cồng chiêng, trò chơi dân gian, trang phục và lễ hội truyền thống.v.v. có những nội dung đã mai một đang thực hiện phục dựng lại được coi là thế mạnh trong lĩnh vực du lịch của huyện Nho Quan nói chung, của điểm Vườn quốc gia Cúc Phương nói riêng, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá cho du lịch Ninh Bình ngày thêm đa dạng phong phú và hấp dẫn.

Về một vài tập tục mang tính chất bí ẩn của người Mường, nhìn từ góc độ tiến bộ và phát triển hiện đại thì coi đây là những hủ tục. Ông Đinh Duy Hải kể về tục thờ ma xó và thuật bùa ngải:

Trước đây ở khu vực bà con xứ Mường Cúc Phương cũng có gia đình thờ ma xó với mục đích là để coi nhà, giữ của, trông coi vườn tược khỏi bị mất trộm và phù hộ cho chủ nhà làm ăn phát đạt. Chỉ có rất ít gia đình kinh tế khá giả mới thờ ma xó. Nguồn gốc ma xó từ đâu thì còn là một bí ẩn, song nó có bí quyết, bảo bối và ma thuật riêng. Đồ rằng người ta thuê pháp sư cao tay dùng bùa ngải chiêu những vong hồn lang thang không nơi nương tựa về thờ trong nhà, lập bát hương, thỉnh thoảng cúng lễ vật đơn giản bằng bánh trái, bài cúng là những câu thần chú chỉ riêng người cúng biết. Nhà có thờ ma xó thì chỉ chủ nhà nắm giữ bí quyết. Tục thờ ma xó ở xứ Mường Cúc Phương từ lâu đã mai một, đến nay không còn nữa. Theo dân địa phương, thờ ma xó có tác dụng coi nhà, giữ của, phù trợ trong việc làm ăn của gia chủ, nhưng mặt trái của việc thờ ma xó, nếu sơ xuất hoặc làm điều xấu có thể dẫn đến phản tác dụng, có trường hợp ma xó làm hại chủ nhà, dẫn tới hậu quả bi thảm. Bởi vậy những gia đình thờ ma xó thường hay bị bà con dị nghị, đề phòng và xa lánh.

Thuật ếm hay thuật yểm bùa ngải ở xứ Mường là có thật. Việc làm bùa ngải có từ lâu đời, yểm bùa yêu là phổ biến, để ràng buộc hai người yêu nhau, buộc người này phải lấy người kia theo hình thức chiếm đoạt… Hiện nay vẫn còn nhưng rất hiếm và không công khai bởi trong thực tế một số trường hợp đã phải chịu những hệ lụy mang lại hậu quả nghiệt ngã cho cuộc sống của những người dùng bùa ngải. Chính vì thế việc làm bùa ngải từ lâu ở Cúc Phương đã bị bài bỏ. Tuy nhiên bùa ngải để chữa một số bệnh có hiệu nghiệm như bệnh gãy xương, hóc xương, trẻ sơ sinh khóc dạ đề, có biểu hiện hoảng loạn trong giấc ngủ.v.v. thì hiện nay vẫn có một số người hành nghề được gọi là ông lang, bà lang (thầy lang). Việc thờ ma xó và làm bùa ngải ở Cúc Phương đến nay không còn. Những trường hợp dùng thuốc, dùng bùa ngải chữa một số bệnh thì người dân Cúc Phương thường phải vào vùng Thạch Thành - Thanh Hóa hoặc lên các huyện vùng đồng bào dân tộc Mường Hòa Bình gặp thầy lang để xin bùa ngải, thuốc lá về chữa trị.

***

Tôi chủ động hướng câu chuyện sang một lối khác, không thứ tự, không đầu đuôi, cuối cùng chỉ để khai thác trong mạch ký ức của người kể chuyện về những kỷ niệm của đời ông. Ông Hải chậm rãi rồi say sưa kể:

Chuyện về hổ

Hồi nhỏ ông Hải được nghe ông nội kể nhiều câu chuyện về rừng, trong đó có chuyện về hổ. Đến khi chín mười tuổi thì ông được chứng kiến cảnh tượng hổ về bắt lợn nhà mình, tâm trạng hồi hộp và lo sợ ấy còn ở mãi trong ông đến tận bây giờ. Ông Hải trầm tĩnh kể lại:

Mảnh đất đang ở hiện nay tính đến đời vợ chồng ông là đời thứ ba. Hồi ông bà nội chuyển nhà từ mé đồi phía sâu trong rừng ra, rừng còn rậm rạp, âm u lắm, đường đi nối các bản với nhau là những lối mở lâu đời thành con đường mòn. Thuở ấy khi mỗi nhà chọn đất làm nhà xong thì tự mở lối đi thông ra con đường mòn chính, sau đó phát cây mở lối thông sang nhà nhau. Dân cư thưa thớt, nhà này sang nhà kia khá xa, mỗi bản chỉ hơn chục nóc nhà. Bản Nga, bản Sấm nằm ngoài bìa rừng, nay gọi là vùng đệm, toàn bộ là nhà sàn theo kiểu truyền thống của dân tộc Mường. Ở xứ Mường, thói quen ở nhà sàn gọi là phong tục, nhưng thực chất của tư duy người Mường xưa là để đề phòng thú dữ đột nhập vào nhà. Hồi đó có nhiều thú dữ, hai loài đáng sợ nhất ở Cúc Phương là hổ và gấu. Đã có trường hợp hổ bắt ăn thịt và gấu vả chết người. Những đêm động rừng, tiếng hổ gầm nghe rất ghê rợn. Tiếng gầm của hổ rền vang, sau tiếng gầm của chúng thì rừng núi bỗng nhiên im bặt, muôn loài muông thú đi kiếm ăn đêm đều phải khiếp đảm. Người Cúc Phương đề phòng hổ bằng cách làm hàng rào bao quanh nhà bằng các cây gỗ làm cọc cái, cọc gỗ được vót nhọn đầu và trồng thật sâu, thật chắc cách nhau chừng ba đến bốn mét một cọc, lấy tre nứa già bổ làm đôi, cạnh các thanh tre nứa sắc lẹm, đầu phát nhọn, các thanh tre nứa được chôn chéo xuống đất, ken vào nhau thành tấm phên rào rất chắc chắn, hai đầu phên rào được liên kết bền chặt với cột gỗ. Buổi tối trước khi đóng cổng đi ngủ, phía ngoài cánh cổng thường được rấp thêm những bó chà rào bằng tre gai. Đặc tính của hổ là sợ nứa, không may hổ bị nứa cứa rách da thành vết thương hở thì rất lâu lành. Hổ cũng như mọi loài muông thú khác đều rất sợ lửa, sợ âm thanh lớn phát ra từ kim loại như tiếng gõ vung nồi, mâm đồng, cuốc, xẻng… và đặc biệt rất sợ tiếng cồng, tiếng chiêng. Vào những mùa đông lạnh lẽo, hổ đói ăn thường mò vào bản bắt trâu bò, bắt lợn, nếu sơ hở chúng vồ cả người. Ông Hải kể: nhiều lần được chứng kiến ban đêm hổ mò vào bản bị dân bản hú gọi nhau nổi lửa, khua chiêng nổi trống, khua nồi niêu, mâm đồng inh ỏi, hò hét xua đuổi, hổ sợ phải bỏ chạy sâu vào trong rừng. Tục giữ lửa của người Mường từ lâu đời được coi là tục thiêng. Có lẽ tục giữ lửa xuất phát từ giữ lửa phòng vệ. Độ ấy vào mùa đông, trời lạnh lắm, người già suốt ngày suốt đêm bên cạnh bếp lửa. Mùa màng thất bát, dân đói. Ban ngày đàn ông lực điền và trai tráng phải ráng chịu cái cảm giác rét tê, rét buốt, quẩy troi (sọt) lên nương, vào rừng đào củ mài, củ vớn, chặt cây bống báng, hái rau rừng… Một số người xách nỏ, khoác súng đi săn. Người đói, thú đói. Trời lạnh, những loại thú nhỏ trốn hết vào hang sâu, thợ săn thường xách nỏ, khoác súng về không… Hổ không bắt được mồi, bị đói dài ngày nên thường xuyên vào bản rình bắt gia súc. Một đêm, đang yên ắng thì nghe tiếng động lạ, cả nhà choàng dậy, ông nội ra hiệu cho mọi người im lặng, biết là có thú dữ đang phá rào vào nhà. Tiếng roàn roạt, tiếng thở khào khào rõ mồn một… Ông nội khẽ nói “Ông ba mươi đấy”. Bố vươn người với cây súng thì ông nội vội ngăn lại “Muộn rồi. để ông ấy bắt con lợn đi”. Cả nhà nín thở. Tiếng thở khào khào ngoài vườn ngắt quãng… Một tiếng “Éc” giật cục rồi im bặt. Lại tiếng roàn roạt… Ông nội ghé mắt qua cửa voóng (cửa sổ) nhìn ra vườn sau, một lát ông nội quay lại nói nhỏ “Ông ấy đi rồi, lớn lắm có dễ dài đến hai đòn gánh (khoảng 2 mét), vác con lợn trên lưng mà đi như không. Ngày mai ra chuồng đốt vía cho nó, rồi xin vía ông ba mươi mà nuôi lứa sau cho mau lớn…”. Ở bản Mường, hổ vào nhà bắt mất con lợn không mất người là may rồi. Ở tận bên làng Kỳ Lão - Kỳ Phú dạo ấy có một bà đi rừng bị hổ vồ chết. Thợ săn Kỳ Phú mò mẫm mai phục bắn con hổ bị thương rồi về gọi dân làng đi tìm, lần theo dấu vết đến bãi tranh thấy con hổ bị thương đang nằm thở, mấy thợ săn vác gậy, mã tấu vây quanh… Hổ vùng dậy vồ một người, người đó chính là ông thợ săn đã bắn trúng nó. Mọi người xông vào đánh hổ cứu người. Ông thợ săn được cứu sống, con hổ bị đánh chết, cả hổ và người thợ săn được dân làng khênh về. Một số lần ở mấy bản khác có người bị hổ vồ, ở bản Đồng Cơn có người lên nương bị gấu tấn công…

Cũng lạ, riêng bản Nga từ xưa chưa có vụ nào người bị hổ vồ hoặc gấu tấn công. Người ta bảo, dân bản Nga biết cách làm cho thú dữ không nổi khùng, khi gặp hổ họ bình tĩnh khẽ khàng dừng lại, không nhìn thẳng vào mắt hổ, không có cử chỉ làm hổ giật mình, hổ không cảm thấy có nguy cơ bị tấn công nên rẽ sang một hướng khác để tránh người. Gặp gấu thì người ta nhẹ nhàng quay ngược lại tìm chỗ nấp, nếu có sọt đựng măng hoặc củ quả, nhất là mật ong… thì đặt sọt lại, gấu sẽ tiến đến lục sọt ăn mật ong hoặc những thứ chúng thích, xong thì gấu bỏ đi… Ngoài săn mồi, mọi con vật trong thế giới tự nhiên đều có khả năng tự cân bằng trạng thái bằng hệ giác quan riêng của chúng. Cảnh an bình của sự sống trong môi trường tự nhiên có lẽ cũng có quy luật rất riêng của nó, quy luật ấy được bảo toàn khi mọi thứ được tôn trọng, không bị đe dọa và xâm hại. Câu chuyện mà ông Hải kể về hổ ở bản Nga ngày trước, phần nào giúp chúng ta nhìn nhận để hiểu và tư duy thêm, từ đó có thái độ đúng đắn hơn về nhiệm vụ bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên, chính là bảo vệ môi trường sống của muôn loài, của chính chúng ta ngày càng lành mạnh và bền vững hơn.

Cuộc di dân lịch sử

Kể về cuộc di dân, ông Hải vẫn với chất giọng đầy đặn, khỏe khoắn, thong thả trải dần từ trong ký ức những tình tiết một cách sống động: Hồi chưa di dân, xã Cúc Phương có ba hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài vùng đệm, Bản Nga cùng bản Sấm thành một đơn vị gọi là hợp tác xã Nga Sấm gồm trên 50 hộ gia đình. Trong vùng lõi, bản Đang cùng bản Mạc thành một đơn vị gọi là hợp tác xã Đang Mạc gồm gần 40 hộ gia đình. Bốn bản Đồng Cơn, Đăn, Lá Mền, Bống thành một đơn vị gọi là hợp tác xã Xuân Phương gồm khoảng trên 70 hộ gia đình. Trong quá trình tổ chức sản xuất canh tác nông nghiệp tập thể là hết sức khó khăn, diện tích đất làm nông nghiệp phân tán nhỏ lẻ, rất hạn hẹp, một sào bắc bộ là 360 m2 thì chỉ trồng cấy được 100 m2, còn lại là diện tích rễ cây và thân cây đổ. Điều kiện làm ăn và đời sống của bà con nông dân Cúc Phương thời điểm ấy cực kỳ chật vật và đói nghèo. Bên cạnh các hợp tác xã nông nghiệp của địa phương là lâm trường Cúc Phương của Nhà nước được thành lập vào khoảng năm cuối cùng của thập kỷ 50 thế kỷ trước, vì vậy mật độ dân cư ngoài vùng đệm tăng nhanh, quản lý hành chính trên địa bàn bắt đầu có sự phức tạp. Hồi ấy Nhà nước bắt đầu có chủ trương tổ chức khai thác gỗ ngoài vùng đệm, cùng với lực lượng khai thác của lâm trường bà con xã viên hợp tác xã Nga Sấm, mỗi nhà nuôi từ 1 đến 2 con trâu dùng vào việc kéo gỗ, gỗ khai thác được bán cho các công ty lâm sản của Nhà nước. Cây to ở vùng bìa rừng vơi đi rất nhanh, với nhu cầu chung về gỗ thì khả năng sẽ phải tính đến kế hoạch khai thác sâu vào trong rừng…

Tôi đã đọc tài liệu và được biết: “Tổng cục Lâm nghiệp đã cho tiến hành khảo sát rừng Cúc Phương, khi khảo sát vào đến vùng lõi, nhận thấy vẻ đẹp, nhận thấy giá trị đặc biệt quý hiếm của một cánh rừng nguyên sinh… Ngay sau đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo và trình Chính phủ cho thành lập Vườn quốc gia. Nhận được đệ trình, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 72/TTg thành lập Vườn quốc gia Cúc Phương vào tháng 7/1962, là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam với chức năng: Quản lý, bảo vệ, xây dựng khu rừng Cúc Phương trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học về động, thực vật, lâm học nhiệt đới và phục vụ cho khách trong, ngoài nước đến tham quan du lịch, học tập”.

Ông Hải kể tiếp: người dân Cúc Phương rất hiền lành, luôn chấp hành và ủng hộ chính quyền. Bà con hai hợp tác xã trong vùng lõi vẫn nhẫn nại với cuộc sống vốn có của họ, đói thì lên rừng tìm thêm củ quả, hái rau rừng, nhặt ốc núi, xuống suối bắt cua, bắt cá về ăn, không làm tổn hại đến Vườn quốc gia, đặc biệt là không chặt cây lấy gỗ bừa bãi. Hồi chưa có lực lượng kiểm lâm, muốn làm nhà, sửa nhà, bà con đến Phòng bảo vệ của Vườn xin phép, được chỉ dẫn cụ thể mới tiến hành chặt cây, chặt những cây vừa phải, chỉ đủ và phù hợp với công việc. Trước khi chặt cây bà con tiến hành làm lễ cúng thần cây, thần rừng rồi mới hạ giải. Cán bộ công nhân viên của Vườn với chính quyền cùng bà con dân tộc Mường Cúc phương quan hệ với nhau rất khăng khít và mật thiết. Thời bao cấp cùng đói, cùng thiếu thốn, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày hai bên thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, hòa hợp thành một cộng đồng dân cư nhân ái. Chính quyền và bà con Cúc Phương còn làm tai mắt cho lực lượng bảo vệ rừng rất hiệu quả… Cho đến năm 1973 lực lượng Kiểm lâm Việt Nam được thành lập. Phòng bảo vệ của Vườn được đổi thành Hạt Kiểm lâm Cúc Phương.

Năm 1986, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra một hướng đi mới cho phát triển kinh tế đất nước. Xóa bỏ hoàn toàn bao cấp, mở cửa để tiếp thu và phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Nói đến đây ông Hải cười: “Có đổi mới mới có được ngày hôm nay, đời sống của người dân Cúc Phương bây giờ chả thiếu thứ gì, nhiều nhà sắm được xe ô tô… Cơ mà mất một quãng thời gian Đảng bộ, chính quyền chúng tôi vô cùng gian khổ, vất vả. Cơ chế thị trường tác động đến tư duy con người làm phát sinh rất nhiều vấn đề. Người ta nghĩ nhiều đến lợi ích. Cơ chế mở đấy, hoạt động và việc làm của con người được bung ra thì được rồi, nhưng bung ra phải có tổ chức, đằng này bung ra đủ thứ, có lúc bung vô chính phủ, chặn chỗ này phì chỗ kia… Nhưng mà phải nói rằng Đảng ta, Chính phủ ta, các vị lãnh tụ của chúng ta quả là sáng suốt và tài tình. Tôi chỉ nói đến hai việc ở Cúc Phương thôi là đủ thấy. Một là xác định cụ thể ranh giới đất rừng thuộc phạm vi quản lý của Vườn quốc gia Cúc Phương, tiến hành kiện toàn hệ thống bộ máy quản lý của Vườn, xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho từng bộ phận chức năng của Vườn để thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ. Hai là lập khu tái định cư ngoài vùng đệm để di dân từ vùng lõi ra, nhường lại đất cho rừng, công cuộc di dân được tiến hành trong 4 năm từ 1986 đến 1990 thì hoàn thành…”

Tôi nghe và liên hệ đến những cuộc di dân giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư “Đô thị hóa” ở nhiều tỉnh, thành phố. Và ở ngay Tỉnh và thành phố Ninh Bình của chúng ta trong những năm gần đây, trong điều kiện tài chính, điều kiện tổng thể về vật chất, về lực lượng thực hiện, điều kiện kinh tế của các hộ thuộc diện phải di chuyển hiện nay cũng khá giả hơn trước một trời một vực, dân trí cũng đã được nâng cao hơn rất nhiều, cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư được xây dựng rất cơ bản… Thế mà nhiều lúc chính quyền còn trầy vảy, đâu đó còn để xảy ra phức tạp, thành điểm nóng trên địa bàn, có trường hợp kéo dài đến cả chục năm nay vẫn còn tồn tại. Ở Cúc Phương hồi đó cách nay 33 năm, xoay sở thế nào mà 6 bản vùng lõi (đến thời điểm di chuyển, dân số đã tăng lên 150 hộ dân với 900 nhân khẩu) với cự ly di chuyển bản xa nhất là trên 20 km, gần nhất gần 10 km, trung bình là 15 km đường rừng. Vừa tự chuẩn bị tái định cư, vừa tự chuyển nhà cửa, đồ đạc. Tính thời gian từ khi có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến khi hoàn thành là 4 năm. Quả là một kỳ tích.

…Quyết định 251/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về quy hoạch lại khu dân cư trong phân khu cần được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn, trong đó vùng lõi thuộc địa bàn xã Cúc Phương phải di dân các bản từ Bống trở ra. Bao nhiêu là hội nghị từ huyện xuống xã cùng Vườn, họp ngày họp đêm. Bao nhiêu là quan điểm, làm sao cho hợp lòng dân để họ dễ dàng chấp hành, nhưng phải phù hợp với điều kiện đáp ứng hiện tại của chế độ chính sách. Những cán bộ chịu trách nhiệm hồi đó, ở Vườn: ông Nguyễn Bá Thụ - Giám đốc vườn, ông Đào Văn Khương - Phó giám đốc Vườn; ở xã: ông Đinh Công Khôn - Bí thư Đảng Ủy, ông Đinh Duy Hải - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân là những người đứng mũi chịu sào. Trong điều kiện hết sức khó khăn, không đền bù về đất, chỉ đền bù nhà cửa, cây cối trong vườn. Khu tái định cư là 900 héc ta đất (mặt bằng trắng chưa đầu tư hạ tầng, rất nhiều đá lộ đầu) của Nông trường Phùng Thượng chưa sử dụng do Tỉnh quyết định giao sang, với dự kiến thành lập 3 thôn mới: Đồng Tâm gồm 60 hộ, Đồng Quân 60 hộ và Đồng Bót 30 hộ. Ba thôn được hình thành nên một Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tiến, với ý nghĩa là “cùng tiến”. Ý nghĩa thì hay rồi, song trên thực tế thì còn bề bộn những vấn đề nan giải. Đảng ủy và Ban giám đốc Vườn, Đảng ủy và Ủy ban Nhân dân xã đã phải cùng nhau nghĩ nát đầu. Trong khi dân xôn xao chờ đợi, biểu hiện sự hoang mang lo lắng, phần vì họ đã quen gắn bó với rừng từ nhiều đời giờ phải xa, đồng nghĩa phải từ bỏ một số phong tục tập quán, từ bỏ một số thói quen để tiếp cận với nếp sống sinh hoạt và cách thức làm ăn mới; phần lo về kinh phí cho tái định cư và tái sản xuất có đảm bảo không, nhất là giữ thói quen sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe cho người già, trẻ em. Huyện và Ban di dân chỉ đạo xuống là phải xây dựng cơ sở hạ tầng tạm thời rồi làm nhà dãy cho dân ở. Khi ấy, chủ trương ở nhà dãy được cho là cấp tiến, nhưng trên thực tế không phù hợp với địa phương nên dân không đồng thuận, vả lại ở cấp cơ sở sát với dân nhận thấy chưa có gì là chắc chắn để đảm bảo thuận lợi cho cuộc sống của họ sau này. Lãnh đạo xã và Vườn họp hành, bàn bạc rất nhiều, cuối cùng thấy ý nguyện của dân là hợp lý. Dân xin chỉ nhận đất ở, đất canh tác rồi tự làm nhà ở và tự khai phá canh tác theo truyền thống. Cuối cùng nguyện vọng của dân cũng được cấp trên chấp thuận. Diện tích đất ở cấp từ 200 đến 300 m2 cho một hộ, đất canh tác cấp cho hộ nhiều nhất là 2 héc ta, ít nhất là nửa héc ta (5000 m2) tùy theo loại đất, chất đất và theo lao động, theo nhân khẩu. Sau 10 năm phục hồi kinh tế, Hợp tác xã Đồng Tiến cũng được ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Hạ tầng cơ sở được nhà nước đầu tư và nâng lên từng bước, nhất là đường xá, trường học, trạm xá… đến năm 1997 thì toàn bộ xã Cúc Phương có điện. Cái khó nhất là thủy lợi, tưới và tiêu đều hết sức khó khăn. Cuối cùng cũng tìm ra được biện pháp chặn dòng suối tự nhiên, mạch ngầm để tích nước mùa khô, làm đập điều tiết để thoát nước mùa mưa, hai con suối chủ yếu ở vùng tái định cư là suối Nga và Suối Thung Trương…

Cuối câu chuyện tôi hỏi ông: “Đến giờ thì anh thấy sao?”. Ông cười, một nụ cười rất thoải mái và phóng khoáng: “Nhìn chung, mọi việc làm có ích, hợp lòng dân mà thắng lợi thì bao giờ cũng mang lại niềm vui lớn”. Giọng ông lại trầm xuống: “Nói vậy chứ cũng không phải cái gì cũng suôn sẻ cả đâu. Có nhiều chuyện đến bây giờ không có thời gian mà kể hết, tuổi già chả muốn nhắc lại những chuyện buồn mà làm gì. Tôi chỉ muốn kể những gì như nhắc lại những kỷ niệm ghi lại ấn tượng đẹp mà thôi. Hình ảnh bà con di chuyển từ vùng lõi ra khu tái định cư hồi ấy vẫn còn đang hiện rõ mồn một trong tôi. Phải nói là vô cùng cảm động, gian nan vất vả không tả xiết, đường xá đâu được như bây giờ, khung nhà dỡ ra được chở bằng xe trâu kéo, còn lại hầu hết đồ đạc trong nhà phải gánh bộ, mỗi ngày được một chuyến, thỉnh thoảng mới có xe cải tiến mà chở… Vì vậy có gia đình vừa chuyển vừa sắp xếp “giang sơn” phải qua hai năm mới ổn. Cái đói mới là đáng sợ, bà con ngoài vùng đệm cùng chung lưng với xã giúp đỡ bà con tái định cư mới có cái mà ăn. Sau 4 năm trời thì cuộc di dân ấy tạm gọi là xong. Bao nhiêu năm tôi làm lãnh đạo ở xã, cuộc di dân từ vùng lõi ra vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương là một kỷ niệm lớn trong đời, sẽ theo tôi đến hết cuộc đời này”.

Lời kết

Cuộc tiếp xúc với ông Đinh Duy Hải một người con tiêu biểu của xứ Mường Cúc Phương, đầy đặn một buổi chiều hôm ấy vẫn còn trong tôi nhiều câu chuyện, nhiều tình tiết mà phạm vi bài viết này không cho phép tôi đưa hết phần ghi chép của mình lên được. Những nội dung cơ bản trong trao đổi, với ý đồ phác họa thành một bức tranh xứ Mường mang màu sắc mộc mạc của núi rừng và con người Cúc Phương. Những nét phác họa dẫn dụ người đọc hiểu khái quát về xứ sở này. Đặng một ngày nào đó các bạn sẽ đặt chân đến Cúc Phương với tâm thế một du khách thả hồn chiêm ngắm, tìm hiểu và khám phá theo sở quyền riêng của mình. Tôi chắc chắn bạn sẽ cảm nhận rõ hơn về cảnh sắc và những giá trị đặc biệt về Vườn quốc gia Cúc Phương… Sau khi được trải nghiệm, hẳn bạn sẽ yêu và trân quý thiên nhiên hơn. Lúc đó tôi tin là bạn sẽ luôn sẵn sàng đồng hành, chung tay cùng cộng đồng để góp phần bảo vệ thiên nhiên với một tinh thần tích cực hơn bao giờ hết…

                                                                                                                                                                                                                     Đ.N.L 

                                                                                                                                                                                    (Nguồn: TC VNNB Số 290-02/2024)

Bài viết khác