Tản văn của BÌNH NGUYÊN
Lần đầu trong đời tôi được thấy hoa ban, đó là lần đầu lên Tây bắc. Hoa ban, hoa ban trời ơi, sao mà đẹp. Qua Mã Đức, Mai Châu, bắt đầu chớm đốc Pha Đin là bắt gặp một mầu hoa trắng bạt ngàn thấp thoáng trong sương. Dọc con đường uốn lượn, mầu ban trắng đục trắng mờ lúc ẩn, lúc hiện, nối dài theo trập trùng dốc núi.
Chuyến lên miền núi qua đất hoa ban không dài, nhưng về xuôi cứ níu kéo tôi trở lại con đường Tây Bắc. Tôi nhớ hoa ban, nhớ đến nao lòng, muốn lên Tây Bắc để thêm một lần chiêm ngưỡng hoa ban. Chớm nắng hè, những ngày này có thể mùa ban đã cạn. Tôi ước được bây giờ tự tay ngắt dẫu chỉ một nhành ban trắng dọc đường Tây Bắc mang về tặng cho một người con gái yêu mến hoa ban. Tôi sẽ kể cho em nghe về hoa ban Tây Bắc, bởi em đã thầm ước ao một lần được nhìn thấy hoa ban.
Năm sau vào mùa ban nở lên Tây Bắc, tôi lại tìm đến hoa ban. Vẫn một mầu bông sương, nhưng lác đác trên những cành khẳng khiu. Ngắm những bông ban đọng lại còn sót trên cây mà bùi ngùi thương cảm cho một mùa ban vừa đi qua giá rét. Có lẽ cái giá rét, gió sương như ghen ghét sắc hương đã quật xuống muốn xóa đi mọi dấu vết hoa ban? Những không, cái còn lại, sót lại trên cành vẫn điềm tĩnh lên hương, khoe sắc bất chấp sự khắc nghiệt của đất trời, mưa nắng.
Vài ba lần nữa tôi lên Tây Bắc vào mùa ban nở. Mỗi lần gặp hoa ban lại để lại trong tôi những bâng khuâng, hồi hộp, đợi chờ... mỗi lần là một dịp để tôi hiểu hơn về đời sống hoa ban.
Có một lần không bao giờ tôi quên được. Lần ấy, dưới ánh trăng những cây ban nối nhau từ đỉnh trời quanh co theo dốc đá phơi những dải lụa trắng mịn màng chảy tràn như thác. Ngắm nhìn trong đêm thác ban như hơi thở dập dồn, dan díu lấy nhau lúc hiện, lúc chìm trong màn sương mỏng. Khi ấy như một miền cổ tích từ xa xưa hiện về chùm lên tôi xóa tan đi mọi dấu vết ưu phiền, toan tính. Thật hạnh phúc có những ngày tôi được sống với hoa ban.
Nếu hoa cải nở vàng tươi rực rỡ xua đi cái ảm đạm, hắt hiu của mùa đông xám trời bên bãi bờ dọc những triền sông của đồng bằng Bắc bộ, thì hoa ban mỗi mùa về lại bung ra một mầu nắng ấm, thắp lên cho đất trời Tây Bắc hồi xuân.
Truyền thuyết của người Thái kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa ở vùng Tây Bắc có người con trai và người con gái yêu nhau say đắm. Tình yêu của đôi lứa gái, trai trong như con suối, sáng như ánh trăng, đẹp như hoa rừng nở tràn khắp nẻo mùa xuân. Họ hẹn hò, thề thốt suốt đời thủy chung. Nhưng nhà chàng trai nghèo quá, bố mẹ cô gái không cho chàng làm rể. Chàng từ biệt ra đi. Một ngày trở về tìm lại người yêu thì được biết khi chàng đi rồi, người con gái cũng bỏ trốn vào rừng giữ trọn lời thề năm trước mà không chịu để bố mẹ gả cho người khác. Rồi nàng chết trong rừng vì chờ đợi, nhớ mong, giá rét để lại những dấu chân trần in khắp những nẻo đường rừng. Chàng trai đau đớn khóc than thảm thiết lần theo vết chân người yêu, nước mắt rỏ xuống từng dấu chân nàng, Một ngày, đến dấu chân cuối cùng của nàng thì chàng gục xuống, rồi chàng trai tan vào đất trời, rừng núi. Ít lâu sau từ những vết chân của người con gái mọc lên những cây hoa trắng thật đẹp, đó là cây ban. Bởi thế ở khắp núi rừng Tây Bắc hoa ban được biết đến là biểu tượng của tình yêu lứa đôi, là sức sống của lòng thủy chung là khao khát nhau trong chờ đợi...
Ở miền xuôi, nhiều khi nhớ hoa ban, tôi thường lang thang dọc những con đường, những phố xá, những công viên để ngắm, nhìn hàng ban trắng, đỏ được người ta đưa từ miền rừng núi về trồng. Lạ thật, càng nhìn lâu, càng chạnh niềm nhớ đến cháy lòng hoa ban Tây Bắc.
Hoa ban của núi rừng Tây bắc không giống hoa ban được trồng ở miền xuôi, bởi chúng không ưa mỡ mầu, đất cát, không chịu được bụi bặm và ồn ã, không muốn bó mình trong không gian chật hẹp. Hoa ban của núi rừng Tây Bắc đã từ lâu quen thuộc sống thanh đạm với khí trời, gió núi. Bấu vào đá, bám chặt vào rừng, thân cành khẳng khiu mà rút ruột nuôi những bông hoa nở đến hết mình trắng muốt.
Vào những năm trước đây cứ mỗi độ xuân về hoa ban Tây Bắc lại nở trắng trời dọc các triền suối, những cánh rừng. Cây hoa ban rất ít khi tách ra riêng rẽ, chúng thật đẹp khi đứng trong quần thể chòm xóm, đại gia đình.
Bông hoa ban có năm cánh. Từng cành mềm, mịn gối lên nhau như một sự gắn kết, che đỡ từ khi còn chúm chím, rồi xòe dần, nở bung lên cho một mầu trắng thản nhiên. Hoa ban to như lòng bàn tay, lốm đốm nhụy vàng tỏa hương dìu dịu. Cái hương đặc trưng tan vào núi rừng để khi không còn hoa ban nữa ta vẫn cảm thấy từ núi rừng như còn tỏa hương ngan ngát của hoa ban. Cái hương hoa ban mà chỉ có con người được hoa ban yêu mến mới cảm được.
Nhìn kỹ hoa ban sẽ thấy ở từng cánh nổi lên những đốm tía trên thân hoa mỏng mảnh tràn đầy sức sống. Có lần tôi đứng thật lâu, nhìn ngắm bông hoa ban mỏng tang, ảo mờ, rung rinh trong sương khói mà cảm thấy hoa ban như đang thì thầm về một điều gì thật mầu nhiệm.
Rồi theo mỗi mùa xuân, hoa ban Tây Bắc cũng thưa dần bởi những chính sách đồi, rừng được trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả. Dù có vơi đến bao nhiêu thì hoa ban của núi rừng Tây Bắc vẫn còn lại đấy, vẫn mọc lên để nở hoa trắng ngần ở những mỏm đá, những khe suối, những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để cho con người chiêm ngưỡng cái mầu trắng trong tinh khôi đến hoang dại mà đẹp mê hồn được sinh ra từ sự giao thoa, từ sự kết tinh của núi rừng, trời đất.
B.N