Ký của NGUYỄN ĐÌNH VÂN
Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng bây giờ, mỗi lần đến bên núi Thuý, phóng tầm mắt ngắm nhìn dòng sông Đáy mênh mang, trong tôi lại bồi hồi nhớ về những năm tháng máy bay giặc Mỹ đánh phá miền Bắc.
Những lúc ấy, tôi thả lỏng mình, nín thở giây lát, tập trung cao độ để biết là, lúc này đây, chỉ mình tôi thôi, nghe rõ lắm, tiếng thì thầm của dòng sông. Dòng sông đang nhắc nhớ tôi về những chiếc cầu đường sắt A1, A2, A5 và cầu phao với bến phà đưa các đoàn xe ô tô tải hàng qua sông chi viện chiến trường miền Nam.
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Thiện Trạo xã Ninh Sơn, nơi thượng nguồn con sông Vạc. Làng tôi bây giờ có nghề trồng hoa và rau sạch, lại có cả khu công nghiệp ngày đêm tấp nập công nhân, nhưng trước đây, làng tôi xác xơ đìu hiu, nghèo nàn. Năm 1972 máy bay Mỹ quay lại đánh phá miền Bắc, tôi có giấy báo của Ủy ban xã Ninh Sơn tập trung lên huyện nhận nhiệm vụ. Buổi tối, bà con lối xóm đến chơi, động viên, chia tay, mà mẹ tôi chỉ nấu được có một nồi nước chè xanh loãng mời mọi người.
Suốt một đêm trằn trọc, tôi không biết huyện đưa giấy về triệu tập tôi nhận nhiệm vụ gì. Giá như là giấy báo nhập ngũ thì có phải phấn khởi không. Tôi đã mấy lần làm đơn nhập ngũ, nhưng không hiểu sao toàn bị khước từ. Không ngủ được, tôi ra sân, ngước lên bầu trời cao thăm thẳm. Những vì sao trên vòm xa nhấp nháy, nhấp nháy. Dải ngân hà vắt ngang trước mắt. Không biết dòng sông Ngân có ứng nghiệm gì với một thời trai trẻ tôi lại gắn với một dòng sông. Lúc ấy tôi không nghĩ được như vậy. Trong lòng tôi chỉ ngổn ngang rối bời với một câu hỏi cứ xoáy vào: “Nhiệm vụ là Nhiệm vụ gì?”
Sáng hôm sau tôi lên huyện từ sớm, vì phải tránh giờ cao điểm không đi qua được thị xã Ninh Bình. Giờ cao điểm, máy bay Mỹ đánh phá mật độ rất dày, quãng 15 phút một lần chúng gầm rú như xé nát bầu trời, rồi xà xuống dội bom, hoặc bắn rốc két. Thị xã dường như lúc nào cũng mịt mùng trong khói, mùi khét lẹt lan toả khắp nơi. Để tránh máy bay, tôi không đi qua thị xã mà đi tắt qua những cánh đồng lên huyện Gia Khánh sơ tán trong núi Sậu xã Ninh Mỹ.
Đến nơi, tôi gặp anh Sáng, anh Bao và mấy người nữa, họ cũng chạc tuổi và cũng đều nhận được giấy triệu tập như tôi. Một anh cán bộ huyện phát cho chúng tôi mỗi người một cái ba lô, bên trong có quần áo chăn đơn, màn và một số vật dung cá nhân. Anh cán bộ bảo: “Các đồng chí được huyện phân công làm nhiệm vụ đặc biệt ở sông Đáy.” Lần đầu tiên được gọi là “đồng chí”, tôi có cảm giác, mình đã chững chạc hẳn lên.
Anh cán bộ dặn dò chúng tôi một số điều về cuộc sống tập thể, về chế độ ăn nghỉ, về công tác dân vận… sau đó chúng tôi khoác ba lô lên đường. Băng cắt ngang qua đường quốc lộ 1A tới bến Mới, ẩn dưới những rặng tre bên bờ nam sông Đáy, bên kia bờ bắc huyện Ý Yên, Nam Định.
Trong khi chờ đò chúng tôi tranh thủ làm quen với nhau và không quên thăm dò về nhiệm vụ cụ thể là gì. Tuy nhiên chẳng ai biết gì vậy là chỉ trò chuyện dông dài, cho đến khi đò cập bến, chở chúng tôi qua sông, đến Trại 7, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, Nam Định. Đến đây một anh cán bộ khác ra đón và nói: “Các đồng chí chính thức được biên chế thuộc con số đội Cầu 303, Công ty Cầu 3, Tổng cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải.” Anh cán bộ nhìn những khuôn măng tơ đang xoe tròn những đôi mắt ngạc nhiên nghiêm giọng nói tiếp: “Sắp tới nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo thông suốt cho các phương tiên vận tải qua sông chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam”. Dừng lại 1 chút, anh trầm xuống: “Công việc của chúng ta không những vất vả mà còn rất nguy hiểm nữa.”
Đội cầu 303 sơ tán ở các nhà dân. Bữa tối đầu tiên mỗi người được chia khẩu phần cơm xuất, nhà ăn tập thể bốn mặt tường đất đắp lũy cao, có cửa thoát ra đường giao thông hào tới hầm chữ A (còn gọi là hầm Quảng Bình). Đêm đầu tiên xa nhà, mặc dù nếu tính đường chim bay từ đây về làng tôi cũng chừng chỉ vài cây số, thế mà trong tôi cứ cuộn cào lên cái nhớ đến da diết. Hết nhớ là đến suy nghĩ miên man. Không biết công việc người thợ cầu có khó lắm không? Rồi đây phải chống trả với lũ giặc trời như thế nào?... Cứ nhớ, cứ nghĩ, hồi lâu tôi mới chìm sâu vào giấc ngủ.
Ngày mới bắt đầu, không gian tĩnh lặng bao trùm lên những ngôi nhà mái tranh, mái ngói đơn sơ còn đang ngủ yên dưới lũy tre làng. Một hồi kẻng lệnh, chúng tôi được lệnh tập trung cả đội để tập thể dục, nhưng trước khi tập, một người đàn ông, mái tóc xoăn tự nhiên ốp đều xuống gáy ôm lấy khuôn mặt có vầng trán cao, dày những nếp nhăn, đôi lông mày rậm không giấu nổi đôi mắt sáng lanh lợi, ông đứng trước đội, nhìn hết thảy một lượt, nói giọng nam bộ:
- Tôi là Hứa Châu, Đội trưởng đội Cầu 303. Đội của chúng ta trực thuộc Công ty Cầu 3, do đồng chí Nguyễn Cát Bình làm chủ nhiệm, có nhiệm vụ đảm bảo giao thông các cầu đường sắt qua sông trên tuyến đường sắt phía Nam từ cầu sắt Ninh Bình vào tới cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa.
Chỉ ngắn gọn thế, rồi ông bảo mọi người tập thể dục. Đến trưa mấy cậu thạo tin bảo: Ông Hứa Châu là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, ông nóng nảy nhưng trực tính. Rồi lại bảo: Công ty Cầu 3, có năm đội cầu có tên gọi (từ 301… đến 305), và một đội khoảng năm mươi chị em nữ tuổi mười bảy, đôi mươi đều là con em của Ninh Bình, chuyên san lấp hố bom. Riêng đội Cầu 303, đảm bảo giao thông cầu đường sắt qua sông Đáy giữa Ninh Bình và Nam Định.
Nghe vậy, phần nào tôi cũng biết chút ít về người Đội trưởng, về đội 303 và nhiệm vụ của mình (Sau này được biết vợ ông Hứa Châu là bà Kim Cương quê Kim Sơn, Ninh Bình, đến năm 1976 ông cùng vợ con trở về Nam).
Buổi họp đội, phân công công tác, ông Hứa Châu phát biểu:
- Các đồng chí mới được bổ xung về đội sẽ nhận nhiệm vụ ở tổ kích kéo và tổ sắt hàn – Ông mở sổ, đọc tên từng người, người nào về đội nào rất rõ ràng rành mạch – Đồng chí Nguyễn Đình Vân.
Tôi đứng phắt dậy, dõng dạc:
- Có!
- Đồng chí về tổ sắt hàn của đồng chí Kỳ.
- Rõ!
Ông Kỳ, Tổ trưởng tổ sắt hàn, người Hà Nội thợ cầu bậc sáu trên bẩy. Ông Kỳ cao to, khuôn mặt có nước da ngăm đen, tóc húi cua, mỗi khi ở trần lồng ngực nở nang, bắp tay cuồn cuộn. Ông bảo tôi:
- Với sức trẻ, sự kiên trì can đảm và nếu chịu khó học hỏi tôi chắc cậu sẽ nhanh chóng thông thạo công việc thôi.
Tôi cùng lớp thợ mới được ông Kỳ và các bác, các anh thợ cầu lâu năm chỉ bảo theo hình thức vừa học, vừa làm. Thậm chí làm nhiều hơn học, nên chẳng bao lâu, chúng tôi đã quen và làm chủ được công việc của mình.
Phía hạ lưu cách núi Thúy khoảng 100m là chiếc cầu sắt Ninh Bình (còn gọi theo dân gian là cầu Cổ) nối bờ bắc Ý Yên, Nam Định và bờ nam thị xã Ninh Bình. Có kết cấu ba nhịp cầu hình vành lược, được bắc trên những mố trụ bê tông cốt thép kiên cố, nhịp giữa nhỏ, hai nhịp hai bên có khẩu độ lớn hơn nhìn có nét hao hao giống cầu Long Biên, Hà Nội. Phải nói cây cầu như một trang sức đẹp làm duyên dáng thêm cho dòng sông Đáy. Là cầu đường sắt và đường ô tô đi chung phần con đường ở giữa cầu, hai bên cầu có hai làn đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ. Trong thời chiến, cầu sắt Ninh Bình còn có biệt hiệu gọi là cầu A1, sau bao nhiêu lần máy bay Mỹ ném bom xuống cầu không trúng vì pháo cao xạ của ta bắn chặn quyết liệt. Vào một ngày trung tuần tháng 6 năm 1965, một quả tên lửa máy bay Mỹ phóng từ phía Đồng Giao phá sập cầu sắt Ninh Bình, cắt đứt giao thông đôi bờ sông Đáy. Ngay trong tháng 7 năm 1965, giáp chân núi Thúy phía hạ lưu, (nay là chùa Non Nước). Đoạn bảo dưỡng đường bộ đã bắc hoàn thành cầu phao Non Nước, bến phà đảm bảo giao thông cho xe ô tô vận tải hàng phục vụ chiến trường. Sau khi cầu A1 bị phá hỏng, xuôi về phía hạ lưu cách cầu A1 khoảng hơn một kilomet. Công ty cầu đã lắp đặt thành công chiếc cầu A2 đường sắt bắc tạm trên những mố trụ khung vây rọ đá, (khung vây hàn kết cấu bằng các loại sắt thành hình khối trụ thả xuống sông, bỏ đầy đá hộc vào trong làm mố trụ tạm). Cầu A2 vượt qua sông Đáy đi về phía núi Cánh Diều, ở giữa sông có đoạn cầu tháo mở ra thường ngày cho tàu thuyền qua lại.
Một buổi tối tháng 10 năm 1972, toàn đội tập trung, dưới ánh sáng mờ mờ của trăng đầu tháng, đội trưởng Hứa Châu, trên mặt ông biểu hiện đôi nét căng thẳng, nhìn những khuôn mặt hốc hác của anh em trong toàn đội, ông như nén sự xúc động, khá lâu ông mới cất giọng trầm trầm:
- Các đồng chí ạ… Không lực Hoa Kỳ quay lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Lần này chắc chắn là ác liệt và tinh vi hơn bởi máy bay Mỹ sử dụng bom tia la-de (chúng gọi là loại bom thông minh tự tìm mục tiêu), thả bom Ngư Lôi từ trường xuống các dòng sông, cửa biển. Chúng huy động pháo đài bay B52, khởi đầu đánh phá thành phố cảng Hải Phòng. Toàn đội chúng ta phải tập chung cao độ, sẵn sàng ứng phó với muôn ngàn gian khó. Không riêng chỉ mồ hôi đâu mà có thể máu cũng sẽ đổ.
Không khí buổi tối hôm ấy khá nặng nề. Tôi hình dung ra những gì sẽ xảy ra, và đoán chắc nó sẽ xảy ra. Chiến trường miền Nam đang ngày một ác liệt. Quân chủ lực cùng lực lương Mặt trận giải phóng đang đánh sâu, thọc mạnh vào nhiều căn cứ quân sự của địch. Để cứu nguy cho sự tan rã của nguỵ quân nguỵ quyền, Mỹ ồ ạt ném bom oanh tạc miền Bắc hòng nhanh chóng cắt đứt viện trợ của ta vào Nam.
Cầu A2, bến phà, cầu phao Non Nước, Ninh Bình nằm trong trọng điểm mục tiêu bom Mỹ công phá làm gián đoạn giao thông. Những ngày này chúng tôi đã chứng kiến những trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ. Hàng ngàn tấn bom, hàng trăm quả tên lửa từ trên cao trút xuống. Nhiều lúc tôi có cảm giác dòng sông Đáy đang sôi lên sùng sục. Nhiều hôm cá chết vì bom nổi trắng mặt sông. Có lúc bom rơi xuống, phát nổ từ đáy dòng, tạo nên những cột sóng cao hàng chục mét chẳng khác sóng biển ngày bão.
Cầu A5 huyền thoại kịp thời xuất hiện vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất. Trong khó khăn, bằng nghị lực tài trí của những kỹ sư, chuyên gia, công trình sư đầu ngành của Tổng cục Đường sắt, Bộ giao thông vận tải, đã sáng tạo ra chiếc cầu nổi đường sắt A5 ẩn hiện nguy binh, làm cho không lực Hoa Kỳ ngày đêm lồng lộn bất lực, chúng gọi cầu A5 lúc ẩn, lúc hiện với biệt danh là “cầu Ma”. Phía bờ bắc Ý Yên, Nam Định, con đường sắt chạy tới bờ sông nối với đầu cầu A5 dầm cầu Gật Gù vươn ra sông Đáy. Dầm cầu Gật Gù được đặt nằm trên đòn gánh đỡ ngang bằng hộp I500, trong lòng khung PocTic (PorTic). Hai đầu đòn gánh có gông moóc xích mắc lên hai Ba Lăng Xen treo trên đỉnh hai đầu sà ngang khung PocTic (Portic). Ba Lăng Xen kéo lên, hạ xuống điều chỉnh đầu dầm cầu Gật Gù theo mực nước thủy triều của dòng sông Đáy. Bên phía bờ nam thị xã Ninh Bình, đường sắt xe lửa từ ga cũ Ninh Bình chạy men theo sau nhà hát, đi giáp phía đông Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ và qua nền đền Trương Hán Siêu (hòa bình đền Trương Hán Siêu xây dựng năm 1998), phía thượng nguồn chân núi Thúy, đường sắt nối với đầu cầu A5 dầm cầu Gật Gù vươn ra sông. Phần thân chính cầu A5 qua sông Đáy kết nối bởi hai sà lan, mỗi sà lan có tải trọng hàng ngàn tấn. Dọc trên hai khoang mỗi sà lan kết cấu sắt hình khung dầm chịu được tải trọng nặng. Đặt ngang tà vẹt gỗ, bu lông gông ghìm chắc hai đầu tà vẹt gỗ vào khung dầm. Đường sắt lắp cố định dọc sà lan trên các tà vẹt gỗ, bắt bu lông con cóc chắc chắn. Bốn góc trên boong mũi và lái sà lan đặt bốn chiếc tời quay tay để neo cáp giữ thăng bằng cho sà lan trên sông nước.
Những ngày căng như dây đàn ấy, đội chúng tôi lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng ra trận. Bom, tên lửa của địch trút xuống, cầu hỏng, chúng tôi phải có mặt ở hiện trường. Ngay lập tức người nào việc nấy, khẩn trương khắc phục những hư hỏng. Không sửa chữa kịp thời thì buổi tối hàng trăm toa tàu hàng chờ vận tải qua sông chuyển hàng vào miền Nam sẽ phải dừng lại. Miền Nam đang cần sự tiếp viện kịp thời của hậu phương, chúng tôi hiểu điều đó, không ai bảo ai, từ đội trưởng Hứa Châu, bác Kỳ thợ sắt hàn bậc 7, anh em đội Cầu 303, những người thợ trẻ chúng tôi sẵn sàng hy sinh để mạch máu giao thông được thông suốt.
“Mật lệnh” thường được truyền xuống vào ban đêm. Bất kể ngày nào, hôm ấy mưa hay gió, chúng tôi đều sẵn sàng lao ra sông Đáy. Cuộc chiến bước sang giai đoạn ngày một ác liệt hơn, cầu A5, bến phà nơi trọng điểm máy bay Mỹ không ngừng ném bom tia la-de, thả bom Ngư lôi từ trường với mật độ cao, lúc này thường xuyên ca nô của bộ đội công binh dò đi, dò lại rà phá bom mìn nằm dưới lòng sông, đảm bảo an toàn cho khu vực cầu A5, bến phà.
Đêm nào cũng vậy, chúng tôi ra trận với vũ khí không là súng đạn, thuyền trưởng lái ca nô kéo hai sà lan đường sắt, không ồn ào, bí mật từ từ tiến về bên núi Thúy, những vị trí từng người được phân công bắt tay ngay vào công việc lắp ráp cầu A5. Từ hai phía thượng, hạ lưu cầu A5 ở các góc dưới sông đã bố trí các hố thế được cột sẵn dây cáp, núi Thúy cũng lấy thân mình ra làm hố thế neo cáp. Bằng những thao tác khéo léo thuần thục, những đầu dây cáp từ các hố thế được đưa lên vị trí của các tời quay tay đặt ở bốn góc sà lan. Với sự trợ giúp của đầu máy ca nô, chúng tôi kéo dây cáp lai dắt hai chiếc sà lan vắt ngang sông Đáy, điểm nối hai sà lan giữa sông, anh em kích kéo dùng kích răng, sà beng kích bẩy chỉnh hai đầu đường sắt thẳng ngang nhau ốp Lập Lách, bắt chắc bu lông. Ở hai đầu cầu phía bờ bắc và bờ nam, dùng Ba Lăng Xen kéo lên, hạ xuống đầu dầm cầu Gật Gù theo mực nước thủy triều trên dòng sông Đáy, điều chỉnh đầu dầm cầu Gật Gù thẳng và ngang bằng đầu đường sắt trên sà lan bắt ốp Lập Lách, siết chặt bu lông. Cuối cùng kiểm tra các vị trí tời quay tay dây cáp phải neo ghì căng vào hố thế đảm bảo giữ thăng bằng cho sà lan trên sóng nước, tránh mọi sai sót dù là nhỏ nhất. Sau khoảng gần một giờ tất cả các vị trí báo cáo về chỉ huy chuẩn bị xong, một hồi còi vang lên hiệu lệnh thông cầu. (Riêng đầu tầu xe lửa không thể qua cầu A5 được, bởi chấn động của động cơ, lực cộng hưởng sà lan bồng bềnh trên sông nước không đảm bảo an toàn). Từng người được phân công chốt tại các điểm trọng yếu trên cầu, hồi hộp dõi theo đầu tàu xe lửa phía bờ bắc Ý Yên, Nam Định, đẩy những toa hàng nối đuôi nhau trườn lên cầu, nhích dần, nhích dần cho đến khi toa hàng đầu tiên chạm lên bờ nam thị xã Ninh Bình. Rất nhanh đầu tầu xe lửa bên bờ bắc tháo moóc chạy về phía ga Cát Đằng, Ý Yên sơ tán. Và đồng thời đầu tầu xe lửa bờ nam thị xã Ninh Bình nhanh chóng lắp moóc kéo những toa hàng ì ạch, ì ạch bò qua cầu. Thời gian cứ chầm chậm trôi, trong màn đêm mờ ảo người gác cầu dùng đèn ló làm ám hiệu cho nhau. Chừng hơn 20 phút toa hàng cuối cùng qua cầu, nhận được tín hiệu đầu tầu được lệnh tăng tốc độ thẳng tiến vào Nam. Những người thợ tháo vội cầu A5 và ca nô kéo hai sà lan đường sắt sơ tán về phía thượng lưu ngụy trang. Bên kia ngã ba sông, đơn vị bộ đội trận địa pháo 12ly7, giáp Nhà máy Xay Ninh Bình ngày đêm quyết chiến. Những lần trận địa bị trúng bom máy bay Mỹ có anh hy sinh, các anh bị thương quấn băng trắng đầu, vẫn đứng vững trên trận địa pháo vươn nòng nhằm thẳng quân thù xả đạn. Mỗi khi có kẻng báo động của trận địa pháo, chúng tôi chạy vào hang đá chân núi Thúy tránh bom Mỹ. Phía hạ lưu núi Thúy cầu phao, bến phà Non Nước, cũng có một cửa hang sâu, nơi anh em bến phà trú ẩn máy bay Mỹ ném bom.
Bạn niên thiếu cùng quê anh Lưu Quang Nhiệm là cảnh sát giao thông bảo vệ bến phà, sau những lần bom Mỹ đánh phá, hồi kẻng báo yên hai đứa vội gọi nhau, nhìn thấy nhau mừng không kể.
Thường ngày anh em đội Cầu 303 về nghỉ được bà con Trại 7, chia sẻ nhường cơm, vá áo cho chúng tôi như người thân trong nhà. Ngoài làm ruộng bà con có thêm nghề phụ chài lưới, thả rọ tôm ven sông Đáy. Đến đây tôi lại tưởng nhớ tới ông Thủy ở Trại 7, hai vợ chồng ông có bốn cháu, sau một đêm ông chèo thuyền nan đi thả rọ tôm, bị trúng bom máy bay Mỹ và ông đi mãi không về. Anh em thợ cầu cùng gia đình đi dọc sông, tìm nhặt được ít chút phần còn lại gói về an táng ông nơi nghĩa trang Đồng Triều, cầu mong linh hồn ông được siêu thoát. Từng đêm chúng tôi đi làm nhiệm vụ thông cầu, có nhiều đêm đoàn tàu hàng còn đang bò trên cầu giữa sông. Máy bay Mỹ thả pháo sáng, sáng trắng cả một vùng núi Thúy, chúng lượn vòng ném bom nhưng không trúng do tên lửa, pháo cao xạ của ta bắn trả quyết liệt, thợ cầu đội Cầu 303 không dời vị trí bám trụ dẫn dắt đoàn tàu qua sông an toàn. Người dân Trại 7 chờ cửa ngóng đợi từng người một về có đủ không. Trong tôi gợi lên những suy tư trăn trở và tự hỏi lòng mình: “Hố bom nào vấy đỏ phù sa/ Vệt máu nào chìm sâu vách đá/ Ôi! Cái khát đôi bờ nỗi nhớ/ Núi Thúy yên bình lưu dấu xưa…”. Hố bom nào? Máu của những người dân mưu sinh trên sông và những người thợ cầu trộn đỏ phù sa. Hố bom nào? Hất tung anh Chấp (quê Kim Sơn) thợ cắt hơi từ trên dầm cầu rơi xuống sông Đáy, mang trên mình đầy thương tích, có vệt máu nào của anh chìm sâu vách đá. Chiến tranh không tránh khỏi những mất mát hy sinh nhưng không phải là vô nghĩa. Điều tôi linh cảm Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ ngay gần núi Thúy, máy bay Mỹ rải bom xuống nơi đây nhiều vô kể, lạ thay không một quả bom nào chạm tới được Tượng đài, nhân chứng sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử.
Thời gian trả lại màu xanh cho sông núi, công viên Thúy Sơn thanh bình, con thuyền thiên nga bé nhỏ bơi bồng bềnh trên hồ trong in đáy nước, các cháu thiếu nhi như chim sơn ca nơi vườn cây hoa lá. Ngày thường vãng cảnh đền thờ Danh nhân Văn hoá Trương Hán Siêu trầm tĩnh linh thiêng, các ông, các bà ra ngồi hóng mát trên ghế đá thanh thản. Kể chuyện nay, suy ngẫm chuyện xưa, đọc sách báo tìm mãi, tìm không thấy ở nơi đâu xuất hiện một chiếc cầu nổi đường sắt như: cầu A5 bên núi Thúy, Ninh Bình. Cây cầu A5 huyền thoại đã làm nên những chiến công thầm lặng. Còn đây những người thợ cầu cùng quê Ninh Sơn, nay sang tuổi bóng chiều, chị Nguyễn Thị Yên người thiếu nữ năm xưa san lấp hố bom, anh Nguyễn Văn Thanh, Vũ Xuân Chuông, chúng tôi thường gặp nhau hỏi thăm về gia đình, ôn lại nhiều kỷ niệm. Chuyện kể bây giờ có thể là chưa muộn về cây cầu huyền thoại A5 mang theo tình yêu và nỗi nhớ. Thay cho lời kết trải lòng mình với những vần thơ tri ân đến đồng đội những người thợ cầu Đội cầu 303 nói riêng, và Công ty cầu 3 nói chung, có giây phút nào ta lại lãng quên: “Đồng đội còn đây thường tới thăm/ Dòng Vân tắm mát đất anh nằm/ Nghiêng mình núi Thúy che sương lạnh/ Một thời Non Nước với A năm.”
N.Đ.V
(Nguồn: VNNB232/12-2019)