Tản văn của LÊ HÀ NGÂN
Nắng đông hanh vành, lơ phơ ngọn khói ấm vườn ai đốt lá. Bưởi đào chín đỏ trên cành thoảng hương thơm loang con ngõ nhỏ. Tôi nhanh tay cuốn mấy nén nhang bài. Giấy bản mỏng bay, que hương được nhuộm phẩm điều thật bắt mắt, hương bài ngát ngọt quyện gió đông nghi ngút. Tôi thầm thì lựa rễ cây hương bài nhà trồng phơi khô sao vàng đúng cữ lửa. Tôi vẫn nhớ lời cha dặn khi cuốn hương bài đừng cuốn lỏng tay, cũng đừng chặt quá để nén nhang thắp lên cháy đều vòng vừa đẹp sẽ an lòng vì nén nhang của mình đã được trời đất chứng giám.
Nụ cười Hà Giang Ảnh của BÙI HƯƠNG GIANG
Bao mùa xuân qua đi, bao sắc hoa đào tàn phai ở kiếp khác nhưng lòng tôi vẫn bâng khuâng nhớ lại những cái Tết năm nảo năm nào khi mình còn bé tí. Bao giờ tôi cũng ríu rít bên cha chờ người sai vặt. Nhà không khá giả nhưng Tết đến xuân về thì nghi lễ bao giờ cũng được đôi bàn tay vén khéo của mẹ chuẩn bị chu đáo. Hồng thắp đèn lồng trong vườn đông. Những trái hồng chín đỏ trông thật thích mắt được mẹ trẩy vào. Buồng chuối để dành chờ chín khi dịp Tết cũng hạ xuống. Quả chuối no tròn múp míp được ra nải xếp vào thúng kho. Chọn nải to nhất dành cho mâm ngũ quả, còn lại mẹ sai con biếu mọi nhà lấy thảo. Cha cười hiền nhìn con gái như khuyến khích vì con đang tần ngần tiếc mấy nải chuối vườn nhà. Hai mươi tám Tết bao giờ cha cũng được ông giáo già đem biếu quả phật thủ vàng ươm thơm ngát và lấy đi bức tranh cha thức suốt đêm qua để vẽ. Cha vui vẻ tặng tranh cho ông giáo, nhận lấy quả phật thủ rồi sai con gái đem quả tắm rượu để cha xếp mâm ngũ quả ngay ngắn thật đẹp rồi đệ lên bàn thờ. Nải chuối xanh khum đều ôm đỡ quả bưởi đào hồng rực, xen những trái hồng mọng đỏ, bên quả phật thủ như bàn tay của đức Phật đang ban phát chở che cho nhân gian. Bao giờ cha cũng sai tôi ngắt thêm vài trái cam giấy đỏ đặt chen trên nải chuối. Mâm ngũ quả sum suê đầy phúc lộc cân đối như âm dương ngũ hành. Màu đỏ may mắn vẫn là chủ đạo của mâm lễ. Nhìn mâm ngũ quả ưng ý cha mỉm cười, khuôn mặt hiền từ sáng lên. Tôi nhớ nao lòng khuôn mặt ấy. Đôi bàn chân bé xíu của tôi lúc cúc theo cha ra vườn tới cây đào phai sần sùi rêu mốc. Cha vỗ vào thân cây như an ủi rồi định giơ dao chặt một cành ưng ý. Nhưng chả hiểu sao người lại thở dài thương cho cây đào phai sum suê. Người nắm tay con gái dắt ra chợ Cầu, tới hàng đào chọn một cành đào phai già cỗi theo thế huyền chíu chít nụ. Cha không mặc cả với người bán đào mà đưa tiền rồi vác cành đào lên vai. Tay kia dắt con gái đang hớn hở theo bước chân mình. Chiếc bình cổ được lấy ra cắm cành đào đã đốt gốc. Đào tức nhựa sẽ nở nhanh, hoa bền hơn. Bây giờ thì Tết thật rồi. Nhà chẳng còn bức tranh nào treo Tết vì bán hết cho thiên hạ, nhưng có cành đào làm không gian ấm lạ ấm lùng. Hương bài được thắp lên cắm vào cành đào như mừng nó về ăn Tết. Hoa đào đuổi được tà khí, hoa đào mang phúc lộc cho nhân gian. Bên những chậu đào thất thốn đỏ thắm, đào bạch trên núi tuyết, đào bích hồng thắm được bày bán thì người sành đào thường hay chọn đào phai rêu mốc để chơi. Nét cổ kính thâm trầm bung nở vào sáng mùng 1 Tết như thắp cả một trời yêu thanh tân trong mắt nhân gian.
Những nén hương bài đã được cuốn trong vòng hồi tưởng rồi cũng xong. Nhìn vườn hồng ửng đỏ, tôi lại nhớ tới cụm mía được chăm sóc quanh năm. Đất phù sa màu mỡ được cha gánh về đắp cho mía Chi Hòa, giống mía vàng như tre đằng ngà mà ngọt mềm nhiều nước. Cuối năm mía thẳng tắp xuống mật ngọt lừ, lá mía vẫn xanh sắc nhọn vươn lên trời. Bên những gốc mía voi to như bắp tay dầy đốt thì cha chỉ ưng mỗi cây mía Chi Hòa óng vàng như mùa thu tỏa nắng. Hai cây mía Chi Hòa được mẹ cẩn thận đánh cả gốc nhẹ nhàng dựng hai bên bàn thờ. Thấy các con ngạc nhiên cha đã nhẹ nhàng giảng giải. Người ta thờ mía trước tiên là mong muốn sự ngọt ngào tốt lành cho cả năm. Cây mía còn là sợi dây linh thiêng kết nối tương giao giữa trời đất âm dương. Tán lá tượng trưng cho mây trời, gốc mía tượng trưng cho đất, cho sự tương sinh đắc địa. Đốt mía hay dóng mía là bậc thang nối liền trời đất âm dương mừng đón linh hồn của tổ tiên về sum vầy cùng con cháu những ngày xuân. Cha còn dẫn tích cho các con rằng cây mía chính là vật bất ly thân của tiên tổ khi từ biệt con cháu trở về âm giới. Cây mía đó sẽ biến thành cái gậy, thành vũ khí để dẹp các âm binh quấy rối không ai cúng cấp đón đường ăn cướp của các linh hồn. Cây mía lúc ấy cũng có thể là cầu bắc cho các cụ đi qua. Cứ nhập nhoạng âm dương, nhưng màu mía Chi Hòa đẹp óng lên và đầy thần bí trong lời kể của cha. Nhưng có lẽ sự vươn lên của cây mía là sự gửi gắm những ước mong của một năm tốt lành cũng được thể hiện trong nghi lễ này.
Tiếng người rao ai mua vôi không? Làm tôi như bừng tỉnh. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Mua muối là mua sự mặn mòi cho cả một năm. Cuối năm mua vôi để quét nhà, quét ngõ cho sạch hết bụi trần để năm mới được hanh thông. Tết sắp về rồi, nghe lây phây hạt mưa trên búp lá. Mầm xuân đang cụng cựa để bung nở đón xuân sang. Sao lòng vẫn rưng rưng một miền nhớ xa ngái. Thương hoa đào năm ngoái vẫn ngóng chờ gió đông.
L.H.N
(Nguồn: TC VNNB 277 tháng 2/2023)