Tản văn của NGUYỄN HỮU VĂN
Gần như theo quy luật của thiên nhiên, gần tết Nguyên đán, bầu trời lại lắc rắc muôn vàn những hạt mưa xuân, những giọt nước li ti quyện vào nhau, la đà trên mặt đất để hòa cùng với những niềm vui nho nhỏ mà lại thật lớn: đó là tiếng động của các chồi non cựa mình trong các kẽ lá, trong các nhành cây, trong các vườn cây và trong đại ngàn của Cúc Phương, của Tràng An… bao la hùng vĩ.
Những hạt mưa xuân ấy cũng mang niềm vui đến cho con người: chẳng còn những làn da khô nứt nẻ và thật lãng mạn biết bao khi nhìn thấy các hạt mưa xuân lấp lánh vương trên mái tóc như vương miện, cũng như những đôi mi trên “hồ nước” của những “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”.
Nhà thơ trữ tình Nguyễn Bính viết trong bài thơ xuân có đoạn: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay…”.
Cứ mỗi độ xuân về là ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ thường hay mở hội chèo, một nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha ta để lại. Không phải làng quê nào cũng lập được hội chèo hay đoàn chèo mà phải là làng quê có nghề hát cha truyền con nối. Cái tên làng Đặng, thôn Đoài trong bài thơ trên, thường là một địa danh dân gian hơn là một cái tên gọi có thật. Trong văn chương trước đây cũng rất ưa dùng kiểu như làng Thượng, làng Hạ, làng Đoài, làng Đông, chẳng hạn: “Làng Đoài ngồi nhớ làng Đông/ Một người chín nhớ mười trông một người”.
Các địa danh dân gian trên, quả đã đại diện cho các làng quê Việt Nam, dạt dào tình đoàn kết gắn bó rộng lớn như biển cả.
Những câu thơ gắn với các địa danh dân gian là rất có ý nghĩa đều thắm đượm những hạt mưa xuân, như ông tơ bà nguyệt dẫn dắt cho những mối tình, những lối du xuân trong vườn xuân sắc, các chàng trai, cô gái yêu nhau, họ dắt tay nhau trong vườn xuân để bước lên những cung bậc cao dần đến lâu đài hạnh phúc.
Mưa xuân cũng dành cho mọi người từ miền núi xuống đồng bằng, từ thành phố đến các bản làng hẻo lánh, làm cho mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, trẻ nhỏ tung tăng khoe áo mới và trong làn mưa mỏng manh ấy có hương vị của “bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ”, có màu vàng hoa mai của đất phương Nam, có màu hồng của hoa đào phương Bắc, những bông hoa được nhân cách hóa, làm cho tình người càng trở nên nồng nàn đằm thắm hơn, chan chứa hơn giữa các vùng miền, giữa bao la tình yêu quê hương và đồng chí đồng đội.
Cuộc sống bây giờ thật sung sướng. Hôm nay, giữa những ngày mừng Đảng, mừng xuân rực rỡ này, đứng giữa quê hương, giữa sân đình làng Đam Khê nội, nơi có con sông Long Khê đẹp như tranh, long lanh phong thủy tuyệt vời trước mặt, tôi nhìn những đoàn ô tô, to có, bé có đang nối đuôi nhau tiến về phía danh thắng Bích Động dưới làn mưa xuân mà lòng dạt dào một niềm vui kiêu hãnh.
N.H.V
Về bản (Acrylic) Tranh của DƯƠNG THẾ
(Nguồn: TC VNNB 278 - 3/2023)