Tùy bút của NGUYỄN THỊ BÌNH
Tháng tư! Tháng chuẩn bị cho mùa hạ. Tháng tư năm nay có điều lạ là rét “Nàng Bân” còn nán lại thử thách lòng người rồi lặng lẽ đi.
Bầu trời cao hơn, xanh hơn. Nắng cũng chói chang như để bù lại những ngày tháng ba mưa dầm giề ẩm thấp. Thi thoảng có cơn mưa rào bất chợt, kèm theo sấm chớp nhì nhoằng như chơi trò đuổi bắt. Vạn vật vẫn tuần tự theo vòng quay của thời gian.Tháng tư! Nhịp sống như chậm lại, lắng sâu. Nhân loại đang gồng lên chống lại thảm họa bởi đại dịch COVID-19. Bao nhiêu người trên thế giới đã vội vã ra đi mãi mãi, có cả những người trên tuyến đầu chống dịch. Riêng ở Việt Nam những ngày qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng người dân đồng lòng, chung sức “Chống dịch như chống giặc” và bước đầu đã giành được thắng lợi. Tháng tư, chúng ta đang trải qua những ngày cách ly toàn xã hội, chống sự lây lan của đại dịch, nhưng sự sống vẫn sinh sôi, vẫn tràn đầy sức sống. Các loài hoa chen nhau đua sắc, tỏa hương. Cây cối nảy lộc, bung chồi, khoe những thảm xanh nõn nà, điểm tô cho sắc trời mùa hạ.
Con đường ta vẫn đi sao hôm nay như có gì khác lạ? Phải rồi! Đường phố thưa thớt, vắng vẻ vì mỗi người chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Chính Phủ về cách ly xã hội. Khác lạ còn vì hôm nay nó như được khoác áo mới. Xen giữa những băng rôn, tuyên truyền chống đại dịch COVID-19 là màu cờ đỏ rực. Những bồn hoa, cây cảnh được xén tỉa thật công phu, bắt mắt. Đường phố được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, chào mừng 45 năm ngày giải phóng Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2020); 66 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2020). Để có được niềm vui, hạnh phúc hôm nay, ta càng hiểu sâu sắc rằng lịch sử dân tộc phải đánh đổi bao mất mát, đau thương mới có được ngày non sông thống nhất. Bất giác trong ta một câu hỏi “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư”? Vâng! Hỏi để mà hỏi thế thôi chứ trong lòng ta (và lòng người) đã có câu trả lời. Hiện thực đổi thay của đất nước 45 năm qua, không phải là hệ quả tất yếu của ngày Ba mươi tháng Tư năm 1975 đó sao? Vâng, cái ngày Ba mươi tháng Tư kỳ diệu ấy, mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một dấu son chói lọi. Ai đã trải qua những năm tháng rên xiết dưới gót giầy xâm lược, mới càng thấm thía hơn giờ phút thiêng liêng quý giá đó. Nhà thơ Xuân Sách khi được đi dạo trên đường phố Sài Gòn trong khoảnh khắc trọng đại ấy đã reo lên vui sướng: “Đường phố xôn xao đỏ rợp cờ/ Người đi vừa thật lại vừa mơ/ Nửa đời cầm súng đi đánh giặc/ Nay bỗng hồn nhiên như trẻ thơ” (Trên đường phố). Nhà thơ Bằng Việt cũng có chung cảm xúc ấy: “Đêm ba mươi tháng tư/ Đi giữa phố khóc cười như trẻ nhỏ/ Cái giây phút một đời người mới có/ Thật đây rồi vẫn cứ nghĩ như mơ”. Đó không chỉ là cảm xúc của nhà thơ Xuân Sách, Bằng Việt mà là cảm xúc chung của mỗi người dân Việt Nam lúc bấy giờ trước niềm vui không thể nói bằng lời. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cảm nhận tháng Tư bằng một phát hiện tinh tế: “Tháng tư này cây cỏ cũng ra tù/ Mùa hạ đón bằng cơn mưa nồng nhiệt”. Hóa ra, không chỉ con người mà tất cả đều thay đổi, cây cỏ cũng như được “lột xác” sau ngày Ba mươi tháng Tư… Bởi “Tự do xanh quá mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi/ Bỏ lại đằng sau bao trận đánh/ Kịp vào thành phố sáng tên Người/ Độc lập theo tăng vào cổng chính/ Cờ treo trên đỉnh nước non ơi”…! (Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập). Thật khó có thể diễn tả hết niềm vui tột đỉnh của những nhà văn, nhà thơ và của bao người khi được chứng kiến ngày Ba mươi tháng Tư lịch sử. Nhìn lại những hy sinh lớn lao của dân tộc để có ngày toàn thắng, nhà thơ Lưu Quang Vũ bần thần xúc động: “Cuộc chiến tranh thế là đã đi qua/ Cỏ trên đồng bắt đầu xanh lại…”
Mừng ngày giải phóng thống nhất đất nước Ảnh: VŨ ĐỨC PHƯƠNG
Đi trong niềm vui chào mừng ngày thống nhất đất nước, ta nhớ đến Bác Hồ - Người đã vượt lên nghìn trùng gian khổ, dẫn đường chỉ lối để dân tộc ta có được niềm vui ngày toàn thắng: “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa” (Tố Hữu - Toàn thắng về ta). Ta nhớ đến bao anh hùng, liệt sĩ “mãi mãi tuổi hai mươi”- những người đã “Đi qua hết tuổi thanh xuân/ Để lại trong rừng những gì quý nhất/ Mất mọi thứ để nhân dân không mất”(Phạm Tiến Duật). Họ đã không tiếc tuổi thanh xuân, dấn thân nơi hòn tên mũi đạn để đất nước có ngày vui toàn vẹn hôm nay: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”(Thanh Thảo). Đó không phải là suy nghĩ giản đơn, một chiều, mà phải trải qua bao trăn trở giữa riêng chung, người ra trận mới có được quyết tâm dâng hiến hết mình cho Tổ quốc. Hay nói khác đi, đó chính là lý tưởng là nguyện ước, là sự hy sinh của những người xông pha nơi tuyến đầu chống Mỹ… Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, trong bài “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư” đã xúc động bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình một cách chân thành, da diết: “Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm/ Lòng vẫn nghĩ tháng Tư làm nhân chứng - Ôi nhân chứng bao dung nhân chứng vô cùng người lớn/ Làm thế nào em có thể đền ơn? Tháng tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn”.
Làm thế nào em có thể đền ơn? Đó không chỉ là câu hỏi của riêng nhà thơ, bởi ta chắc có rất nhiều người từng hỏi như vậy. Và câu trả lời thiết thực nhất là sống sao cho xứng với những người đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc hôm nay. Đơn giản vì: “Trong anh và em hôm nay/ Đều có một phần đất nước”…Ta nhớ đến sự hy sinh vô cùng lớn lao của những người vợ, người mẹ: “Mẹ nén đau giấu tờ báo tử/ Sáng mai lại tiễn con lên đường nhập ngũ/ Bốn ngàn năm đất nước mấy khi yên”(Hữu Thỉnh). Chiến tranh đồng nghĩa với đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp. Trong ngày vui chiến thắng, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu không khỏi xót xa khi nghĩ về đồng đội: “Nếu hôm nay tất cả về đông đủ/ Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn”. Và: “Rồi hôm ấy mười căn hầm sập/ Người nuôi quân thành người giữ chốt/ Mười nắm cơm thừa/ Mười khẩu súng/ Một mình anh”… Sự mất mát của chiến tranh là không tránh khỏi. Đó là sự thật đau xót phải chấp nhận. Người lính khi ra trận vẫn ý thức được điều đó. Sự khốc liệt của chiến trường không hề làm nhụt chí người chiến sĩ mà đó chính là những thử thách khiến họ phải vượt qua: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà” (Gửi em cô thanh niên xung phong - Phạm Tiến Duật). Không chỉ có bom đạn kẻ thù mà cái đói cái rét từ những cơn sốt rét rừng quái ác luôn ám ảnh người lính: “Những người sốt rét đang cơn/ Dấu chân bấm xuống đường trơn cỏ nhòe” (Thanh Thảo). Trong thơ Nguyễn Đức Mậu, căn bệnh sốt rét rừng cứ bám riết tuổi thanh xuân của người lính: “Nơi thuốc súng trộn vào áo lính/ Cơn sốt rét rừng đi dọc tuổi thanh xuân” (Trường ca sư đoàn). Cái đói đến quay quắt cồn cào cũng là một thực tế thách thức người lính vượt qua: “Tiểu đoàn thồ chẳng có gì thồ cả/ Cứ đói ròng con gái hóa con trai” (Hữu Thỉnh).
Để có một ngày Ba mươi tháng Tư, ta không thể nào quên những hy sinh của bao người đi trước. Mỗi khi nghĩ về ngày ấy, kỷ niệm chiến trường vẫn tươi rói trong ký ức người ra trận: “Ngày ba mươi tháng tư/ Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng/ Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh/ Hòa bình và chiến tranh/ Cách nhau bằng nấc đạn” (Nguyễn Đức Mậu). Vâng, cái khoảng cách giữa hòa bình và chiến tranh có thể chỉ “Cách nhau bằng nấc đạn”, nhưng nó được đánh đổi bằng một sự hy sinh quá lớn của dân tộc. Nó để lại một khoảng trống không gì bù đắp trong lòng những người mẹ, người cha, người vợ … Dù chiến tranh đã qua 45 năm, nhưng di họa của nó vẫn là nỗi ám ảnh với người ở lại. Trên bàn thờ của nhiều gia đình trong những ngày này, bên cạnh tấm bằng Tổ quốc ghi công, nén nhang vẫn nghi ngút đỏ, tưởng nhớ những người thân yêu đã hy sinh cho hạnh phúc hôm nay. Có chút gì cay cay nơi khóe mắt. Ta thầm biết ơn lớp lớp cha anh đi trước đã “Dàn hàng gánh đất nước trên vai” (Bằng Việt), bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sâu thẳm trong lòng, ta cảm nhận được từng phút, từng giờ sự đổi thay của đất trời trong ánh mắt ta nhìn, nhịp bước ta qua. Dưới cái chói chang của nắng tháng tư, màu cờ như rực rỡ hơn, trên nền trời cao xanh bát ngát. Dù kẻ thù COVID- 19 vẫn đang là mối nguy hại khó lường, nhưng ta vẫn tin nếu cả nước, cả thế giới đoàn kết đồng lòng thì nhất định sẽ đẩy lùi được hiểm họa.
Tháng Tư! Tháng của hoài niệm về những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Tháng có ngày Ba mươi tháng Tư năm 1975 - Một bước ngoặt vĩ đại của dân tộc, một nhân chứng lịch sử, đưa đất nước bước sang một trang mới… Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư?
N.T.B
(Nguồn: TCVNNB số 237/4-2020)