Tản văn của NGUYỄN MINH NGỌC
Đã qua những ngày đầu xuân giá lạnh, mấy hôm nay không khí ấm áp và êm đềm, thuyền chúng tôi đang trôi trên dòng sông Sào Khê… Trên dòng Sào Khê còn rất nhiều thuyền khác, khách các nơi trong, ngoài tỉnh về du xuân.
Hai bên sông, đại ngàn đang trổ hoa, thi thoảng có những dãy hoa nối tiếp nhau, trông như những dòng sông hoa chảy từ trên núi xuống hoà cùng sắc màu lộng lẫy của những chiếc áo hoa, những gương mặt tươi như hoa cười nói rộn ràng… Đất trời và lòng người đang vào hội!
Trước khi xuống thuyền, chúng tôi được hướng dẫn viên dẫn đi thăm ngôi nhà bảo tàng, bước chân vào nhà, một thế giới cổ xưa hiện ra, các cổ vật được trưng bày khá nhiều, dụng cụ bát, đĩa, nồi niêu bằng gốm, dao dĩa bằng sắt; những đồng tiền cổ qua các niên đại vv… mỗi cổ vật dường như hãy còn thấm đượm mồ hôi, công sức, và còn in đậm dấu vân tay của những người đã từng cầm và làm ra nó. Ngược lên núi gọi là khu núi Tràng An Cổ, có giếng Rồng (giếng Giải oan) nước xanh trong, sâu hun hút vô cùng kì bí. Một hang động còn lưu giữ khá nhiều những mảnh gốm cổ là những lọ, chum, vại, gạch ngói vv... Cầm lên những mảnh gốm cổ, tôi chợt rùng mình, nghe như còn vang vọng tiếng loảng xoảng của sự đổ vỡ; tiếng soàn soạt rút kiếm ra khỏi vỏ; và cả những tiếng hò reo, tiếng thét kinh hoàng… Nơi đây như còn đọng lại sự linh thiêng của một thời thịnh suy, hưng phế trong các triều đại xa xưa của nước Đại Việt!
Trên thuyền chúng tôi ngồi cùng một em hướng dẫn viên, thuyền chúng tôi như được trôi từ thuyền hoa này tới thuyền hoa kia, làm thành một đoàn thuyền hoa du xuân, đi dọc theo dòng Sào Khê với một đoạn sông khoảng 5 cây số. Thực ra Sào Khê là một con sông nhỏ, chỉ dài 14km, là chi lưu của sông Hoàng Long, chảy theo hướng Bắc - Nam, phía Bắc nối tiếp với sông Hoàng Long, chảy qua các xã: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Tiến; sau đó cùng với sông Chanh nhập vào sông Vân; sông Vân chảy qua Thành phố Ninh Bình đổ ra sông Đáy.
Nhưng sông Sào Khê nằm trong một vị trí quan trọng, đó là: Miền Tràng An Hoa Lư. Cũng như sông Hồng ở Hà Nội, sông Hương của Huế, dòng Sào Khê là một dòng sông mang trong mình sứ mệnh vinh quang: Dòng sông của Kinh đô đất Việt.
Sông Sào Khê, đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Theo sử sách, sông Sào Khê là nơi tiễn đưa Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp 12 sứ quân, thống nhất giang sơn về một mối. Dòng sông đã chứng kiến Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế khai sinh nước Đại Cồ Việt, lập ra chế độ phong kiến tập quyền đầu tiên của Nhà nước Việt Nam. Dòng sông còn là nơi đưa và đón Lê Đại Hành và quan quân nhà Tiền Lê chiến thắng quân Tống trở về.
Và, dòng sông cũng là nơi tiễn đưa Lý Công Uẩn (Nhà vua đầu tiên của triều Lý), cùng quan quân của triều đình nhà Lý rời đô ra Thăng Long lập kinh đô mới, mở mang bờ cõi đưa nước ta trở thành một nước hùng mạnh như ngày nay… Có thể nói, Sào Khê là một dòng sông đã mang trên mình một trọng trách lớn, gắn liền với những biến cố lịch sử thăng trầm của dân tộc.
Hai bên dòng sông Sào Khê, đoạn gần kinh thành Hoa Lư còn nhiều di tích của miền Tràng An Kinh đô xưa: Cầu Yên Thượng, động Liên Hoa, cầu Dền, đền Đinh - Lê, hang Luồn vv…
Đoàn thuyền lướt đi trên sông, mặt sông phẳng lặng, uốn lượn quanh co mềm như dải lụa. Hai bên bờ sông là núi và núi, núi dăng hàng phía trước mặt, núi vây bọc ở sau lưng, những dãy núi đá vôi dựng đứng, đường bệ và oai nghiêm; cây cối mọc um tùm xanh thẫm tôn thêm dáng vẻ thâm u, kỳ vĩ của dòng sông.
Dưới chân núi, trong các thung lũng thấp thoáng những ngôi nhà ngói rêu phong ẩn hiện giữa lùm cây, khi xa khi gần trông như những điền viên của các quan thanh liêm ngày xưa về ở ẩn. Quang cảnh hoang sơ mà thấm đượm trữ tình, làm nao lòng du khách!
Những bài hát ca ngợi cảnh đẹp, tình yêu quê hương Ninh Bình, tình yêu đất nước vang lên từ các du thuyền, người này nhắc người kia câu hát chưa thuộc, rồi truyền míc cho nhau cùng hát, vui như ngày hội. Mặt trời mềm mại lên dần, nâng khoảng trời xuân rộng ra xanh mênh mang, ánh sáng chiếu xuống những khuôn mặt vui tươi; không còn khoảng cách, những con người không quen biết đến từ bốn phương, bỗng nhiên xích lại gần nhau, cùng hướng về cội nguồn của miền đất Cố đô thân yêu!
Em hướng dẫn viên, luôn tay chỉ phía bên này, phía bên kia hướng dẫn chúng tôi ngắm nhìn phong cảnh hai bên sông. Các di tích lịch sử, tên những ngọn núi, những cánh đồng đã đi vào truyền thuyết vv…
Ở ngay sát mép sông, từ một ngọn núi, nhô ra một hòn núi nhỏ cao tương đương với núi chính, có hình thù giống như một ông quan đội mũ quan trạng ngày xưa, được gọi là núi: Quan Trạng; đối diện bờ sông bên kia một ngọn núi, có các phiến đá xếp chồng lên nhau hình dạng giống như những quyển sách, gọi là núi: Hòm Sách. Không biết vì sao, trong dân gian lại lưu truyền một câu chuyện ly kỳ, chuyện kể lại rằng:
Ngày xưa vua quan phương Bắc, nhìn xuống phía Nam, nước Đại Việt chúng ta, họ thấy có một ông Quan Trạng ngồi trên núi cao, thì lòng đầy tức tối và sợ hãi, liền điều quân sang phá núi. Đoàn người hùng hổ tiến sang, mang thừng, mang chão buộc vào “cổ Ngài Quan Trạng”; hò dô… quyết tâm lôi kéo cho bằng đổ. Thế nhưng, ngọn núi không đổ mà thừng chão bị đứt tung, bọn người đó nháo nhào lăn ngã, văng ra tứ phía. Dân ta đứng xem, thích thú vui cười như nắc nẻ… Vậy nên, mới có các tên: thung Ngô, thung Ngã, thung Thừng Chão, thung Nắc Nẻ, thung Áo Rách vv… Dù đó là truyền thuyết, hay huyền thoại, hay là gì gì chăng nữa, tôi vẫn thấy đây là một câu chuyện đầy tự hào, tự tôn của Dân tộc. Và một điều minh chứng là, tên núi và tên các thung lũng vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Thuyền đỗ tại một bến nhỏ, chúng tôi lên thắp hương trên động Liên Hoa, quang cảnh nơi đây thật linh nghiêm, những cây cổ thụ và những cây hoa đại to mang dáng cổ thụ, đượm vẻ hoang sơ cổ kính, rợp bóng che kín mái đền và những tảng đá lớn cùng cái sân nhỏ nhiều rêu phủ.
Động Liên Hoa, có ngôi đền thờ Sĩ phu yêu nước Phạm Văn Nghị, hiệu là Nghĩa Trai, quê ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, Đại An, nay thuộc huyện Ý Yên, Nam Định. Ông làm quan trong triều nhà Nguyễn, vì bất đồng, khi triều đình nhà Nguyễn thỏa hiệp với giặc Pháp, ông đã từ quan và chọn nơi này ẩn dật. Ông dạy học và làm thơ, học trò của ông nhiều người tài giỏi làm nên sự nghiệp lớn. Trong đó có hai người học trò nổi tiếng là Nguyễn Khuyến và Trần Bích San, cả hai ông đều đỗ đầu bảng Tam Khoa và cùng là những Nhân sĩ yêu nước. Hiện nay còn lưu lại nhiều bài thơ của thầy Phạm Văn Nghị, những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp và con người đất Hoa Lư, một trong thiên bút tích tuyệt vời của thầy được ghi trên tấm bia đá.
Tấm bia đá, gọi là bia Đá Bàn: Cao 5m, rộng 3m trên đó ông khắc bài thơ chữ Hán, và hai bên có hai câu đối. Có thể nói, hiện nay đây là tấm bia đá độc đáo lớn nhất nước ta. Tấm bia là một tảng đá rất to, đứng sừng sững trước cửa đền, rêu phong đã phủ, nhưng các hàng chữ nho vuông vức vẫn còn khá rõ. Không đọc được chữ, chúng tôi ai cũng cố sờ tay vào tấm bia, để tưởng nhớ bậc Hiền Nhân!
Thuyền chúng tôi đã tới hang Luồn, trước cửa hang còn có nhiều bút tích ghi lại hoạt động của triều nhà Đinh, và nhà Tiền Lê. Thời gian Chúa Trịnh Sâm tới đây, Ngài đã đặt tên hang là: “Xuyên Thuỷ động” và Ngài đã làm bài thơ khắc trên tấm bia cao 1,55m; rộng 2,42m cách mặt nước khoảng 4m, ở trước cửa hang.
Bạn hãy hình dung, bề rộng của dòng sông Sào Khê chỗ này không hẹp, mà lòng sông hoàn toàn chui qua hang. Ngọn núi đang cao tới đây thì bỗng nhiên thấp hẳn xuống, tạo nên những nhịp uốn lượn nho nhỏ, trông như những nhịp cầu thiên nhiên vĩ đại vắt qua sông Sào Khê, làm nên một cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục.
Trong hang mát rượi, nhiều nhũ đá có hình thù kỳ dị. Rất nhiều thuyền qua hang, người ngồi thuyền sau, nhìn những mái chèo của thuyền trước vung lên những giọt nước long lanh màu xanh ngọc bích, một vẻ đẹp lạ lùng…
Đoàn thuyền trải dài trên một quãng sông, không cờ quạt chiêng trống mà vui như ngày hội. Tự nhiên tôi mơ màng, liên tưởng đến những chiến thuyền chở đoàn quân thắng trận, cờ xí rợp trời, Đinh Bộ Lĩnh, dáng Người cao lồng lộng, tiến về miền Tràng An xây dựng Kinh đô - Làm nên một Kinh đô đầu tiên của nước ta! Và tôi cũng như thấy cả những chiến thuyền hiên ngang lộng lẫy của vua quan nhà Tiền Lê chiến thắng giặc phương Bắc trở về.
Nhìn những dãy núi xanh lam, soi mình xuống dòng nước trong xanh màu ngọc, núi tiếp núi giăng thành, đắp lũy như một bức tường thành thiên nhiên muôn đời bền vững, ngăn bước quân thù và tiễn bước cha ông. Tôi nhận ra cái sự vĩ đại, u tĩnh, vĩnh cửu muôn đời không hề lay chuyển được của những dãy núi kia, nó tượng trưng cho đức tính kiên cường, bất khuất của các vị anh hùng dân tộc! Bỗng tôi nhớ tới những câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Đất nước chúng ta/ Nước những người không bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về.” …
Vâng, dường như tôi đang nghe được tiếng của hồn thiêng sông núi. Tiếng của “Những người không bao giờ khuất” vọng về ẩn hiện trong tiếng rì rào của muôn vàn cây lá, tiếng mái chèo khoả nước và tiếng dạt dào của những con thuyền lướt đi trên mặt sông Sào Khê!... Lòng tôi trào dâng một cảm xúc đầy thiêng liêng và tự hào: Mình đã được sống trên một miền đất địa linh nhân kiệt. Cha ông chúng ta đã viết nên trang sử hào hùng sáng mãi tới muôn đời. Một dấu ấn đặc sắc, trong lịch sử vẻ vang dựng nước và giữ nước của Dân tộc!... Để lại niềm tự hào cho các thế hệ con cháu; ngày nay đã trở thành một nơi danh thắng thiên nhiên vô giá của đất nước!
Đoàn thuyền vẫn trôi, tình cảm thân thương của lòng người ngời trên từng gương mặt!… Dòng sông Sào Khê vẫn hiền hòa như lòng mẹ, khi dang tay đón những kẻ tôi trung tuẫn tiết, khi đón anh hùng hào kiệt sang trang, sự nghiệp đổi thay, đất nước khải hoàn. Nơi “Quan Trạng” ngồi đọc sách ngâm thơ, dào dạt ngàn năm sóng vẫn xô bờ!...
N.M.N
(Nguồn: TC VNNB 278 - 3/2023)