BÌNH NGUYÊN
Sau ngày về nghỉ công tác, bẵng một thời gian, gặp ông, nom ông trẻ hẳn. Nhìn ông tôi nghĩ, thế là ông đã rẽ sang bước ngoặt của đời người. Lối về thong dong, tự tại, an nhiên, không còn bề bộn những dằn vặt, buồn phiền, tư lự, lo toan.
Không phải đối mặt với những áp lực, va đập từ nhiều phía. Thỉnh thoảng gặp ông thật thoải mái trên những con đường. Lúc thì đường phố, có khi đường thôn, rồi bỗng lại thấy ở những ngõ nhỏ cùng chiếc xe đạp Liên Xô đã cũ. Khi mũ cát, lúc mũ lưỡi trai đội đầu, sơ vin gọn gàng, với những vòng guồng nhịp nhàng, thoăn thoắt. Khi ấy tôi thường nhớ lại thời còn công tác nhiều khi từ cơ quan về nhà và từ nhà đến cơ quan vẫn chiếc xe đạp Liên Xô ông đi về vun vút. Không phải chỉ đi xe đạp, hầu như tất cả mọi công việc ông đều có tác phong nhanh nhẹn. Nhanh nhẹn đã trở thành đặc tính trong tính cách ông. Hình như từ khi sinh ra ông đã muốn tiết kiệm thời gian để dành cho một việc gì đấy? Rời nhiệm sở đến nay đã ngót hai mươi năm, như thế có nghĩa ông đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm” khá lâu rồi. Ngoài đời nhìn hình hài, vóc dáng chẳng ai tin ông đã ở tuổi ấy. Giọng nói, cử chỉ, đi đứng tôi chưa hề thấy ở ông có biểu hiện của tuổi già. Ông là người biết cầm cương cuộc sống, khái quát sự việc sắc sảo, ngôn từ bình dị nhưng khúc triết, mạch lạc, biết lựa chọn, cân bằng, điều hòa cuộc sống. Nhiều cái đối với người khác không đơn giản thì thường thật đơn giản đối với ông. Ở đời ai cũng có quyền mưu cầu, lựa chọn cho mình một cuộc sống, nhưng ông quan niệm cuộc sống thực sự có ý nghĩa là cuộc sống biết sâu sắc từ những điều giản dị, có được bằng chính sức lực của mình, hạnh phúc nhất là biết tự bằng lòng, trân trọng những thành quả do chính mình xây đắp, vun trồng bằng mồ hôi, nước mắt. Cuộc sống con người trước hết phải ở tấm lòng chân thực. Ông cho rằng, người không chân thực thì cũng chẳng có tâm. Không có tâm thì suốt đời bị cái giả dối kéo đi rồi làm nô lệ cho lợi ích có được từ giả dối.
Ngày còn công tác với ông, đôi ba lần ông giở những cuốn sổ ghi chép cho tôi xem. Đến giờ tôi vẫn nhớ những cuốn sổ đó. Cuốn to, cuốn nhỏ, cuốn mỏng, cuốn dày, hàng chục cuốn mới, cũ. Có cuốn mầu giấy đã úa vàng, có cuốn loang lổ ngấm mưa, bạc nắng, nhưng từng trang vẫn ngay ngắn. Ông đã ghi chép chữ nhỏ, chữ to bằng nhiều màu mực dày đặc trong từng cuốn sổ tay. Ghi chép những câu châm ngôn, những lời hay, ý đẹp mà ông bắt gặp dọc đường đời từ của những người nông dân đến các bậc thánh nhân. Ghi chép rồi thường xuyên dành thời gian đọc, suy ngẫm. Vài ba lần tôi mượn sách ông, điều làm tôi ngạc nhiêu không phải ông gạch chân những câu, chữ trong từng trang mà sau những câu chữ gạch chân là những dấu sao được đánh bên cạnh ngoài lề. Một sao, hai sao, ba sao… có chỗ đến bảy sao, tám sao cho mỗi câu tùy theo hàm lượng sức nặng về giá trị của câu ấy đối với ông. Những gạch chân, dấu sao không chỉ được đánh trong sách, báo mà ngay cả những cuốn sổ tay ghi chép vẫn thấy chằng chịt trên từng câu, từng dòng chữ. Điều đáng ngạc nhiên nữa là những câu, những dòng chữ ông chắt lọc ghi chép rồi mà vẫn cứ gạch chân, vẫn ken đặc những dấu sao. Có lẽ mỗi lần đọc ông lại phát hiện ra một điều gì lý thú? Cách tiếp nhận kiến thức từ sách vở mỗi người một khác, nhưng cách tiếp nhận như ông thì cũng hiếm.
Không chỉ riêng say mê ghi chép lời hay ý đẹp, làm vốn tích lũy thêm hiểu biết, ngay từ thời còn trẻ ông đã say mê đọc sách. Sinh ra và lớn lên ở Liên Sơn, Gia Viễn, vùng đất đã từ lâu có tiếng là hiếu học. Được thừa hưởng truyền thống ở một vùng quê hiếu học, do đó đọc sách với ông là việc tự học, tự rèn, là niềm đam mê, là việc làm thường nhật. Ông cho rằng ở đời tiền bạc, tài sản có thể bị mất, nhưng kiến thức và trí tuệ mà ta có được thì mãi mãi không thể mất. Ham muốn được hiểu biết ở ông đã thành lẽ sống. Ông thường tránh nơi ồn ào để tìm về tĩnh lặng. Tĩnh lặng ấy như một dòng sông chuyên chở cánh buồm khát vọng về nơi bồi lắng tâm hồn. Từng giữ nhiều cương vị công tác, trước khi nghỉ hưu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Ninh Bình, ở vị trí nào ông cũng là người yêu sách, quý trọng, nâng niu từng trang sách. Dù bận mấy ông vẫn sắp xếp thời gian tranh thủ đọc. Nghe ở đâu có cuốn sách hay là ông tìm đến bằng được. Cuộc sống thời bao cấp còn nhiều khó khăn, nhưng ông luôn dành dụm tiền lương để tìm mua sách. Với ông sách vừa là người thày, vừa là người bạn đồng hành song song với chặng đường đời. Không chỉ mở mang về kiến thức, sách còn làm cho ông giàu có, nhân văn, giúp ông chống lão hóa, bệnh tật, ứng xử việc đời hài hòa, độ lượng, vị tha. Người đời thường tích lũy của cải, tiền bạc cho cuộc sống, còn ông lại tìm kiến thức làm hành trang, tích lũy cho mình.
Ông là người yêu văn chương, hay luận bàn về chữ nghĩa trong văn chương, nhiều khi nghe ông luận bàn mới thấy cái vốn hiểu biết trong ông thật sâu rộng. Có lần ông nói với tôi làm thơ khó lắm chú ạ, trước tiên phải có khả năng, sau là lao động mà lao động chữ nghĩa thì không đơn giản chút nào. Ông quan niệm, thơ trước hết là cuộc sống sau mới là nghệ thuật, nghệ thuật của thơ là phản ảnh cuộc sống thông qua hình tượng làm rung động trái tim người. Nhà thơ thường giàu có nội tâm và sử dụng ngôn từ phong phú, diễn đạt trạng thái tình cảm trước tác động của đời sống để thuyết phục trái tim độc giả. Mỗi bài thơ hay, mỗi câu thơ hay đều được sinh ra từ một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp của cuộc sống, biết khái quát, triết luận cuộc sống, biết chia sẻ, cảm thông với từng thân phận con người. Chỉ có Nhà thơ mới có khả năng biến những ngôn ngữ bình thường thành những ngôn ngữ nghệ thuật. Càng hiểu biết ông lại càng yêu quý và trân trọng những người sáng tạo ra những giá trị văn chương, tất nhiên phải là văn chương đích thực. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết đối với ông. Đôi ba lần Tạp chí đến ông muộn ông điện về cơ quan Hội hỏi Tạp chí gửi cho ông chưa? Có gửi nhầm đâu? Có thất lạc ở chỗ nào? Tạp chí là nơi đăng tải những sáng tác của anh em văn nghệ sỹ, những sáng tác ấy được ông quan tâm, đón đọc thì đó là niềm vui, niềm khích lệ đối với cơ quan Tạp chí và người sáng tác. Tôi không nhớ đã bao lần ông điện, chia sẻ, đánh giá, bình phẩm những bài viết trên Tạp chí. Có nhiều bài viết ông tâm đắc, có nhiều bài thơ, câu thơ ông thuộc, ghi lại lưu giữ. Ông hay xem chương trình Văn học nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam, thấy anh em Ninh Bình lên sóng là ông thường chia sẻ. Anh em văn nghệ sỹ tặng sách, ông trân trọng lắm. Nhiều cuốn đọc xong ông gọi điện trao đổi cùng tác giả. Nhiều tác phẩm của anh em làm văn học nghệ thuật địa phương xuất bản, nhiều bài viết của các tác giả Ninh Bình trên các báo, tạp chí Trung ương ông đọc rồi chọn lọc lưu giữ để đưa vào những cuốn sách tự làm.
Ông thường sắp xếp công việc dành một khoảng thời gian đi thăm hỏi người thân, bè bạn. Không chỉ thăm hỏi anh em trong tỉnh, ông còn đi thăm hỏi nhiều anh em ở tỉnh ngoài. Từ trong sâu thẳm trái tim ông luôn ngưỡng mộ, trân quý những nhà văn hóa, những bậc hiền tài. Ông đã từng lên thăm và chúc tết gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm và chúc mừng Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân nhân Ngày 20 tháng 11. Ông luôn luôn lấy những tấm gương mẫu mực trên mọi lĩnh vực của đời sống xưa và nay để tự soi mình. Ông cũng thường tới thăm một số văn nghệ sỹ địa phương để chia sẻ tác phẩm, văn chương. Hình ảnh, tác phong của ông đã ăn sâu vào nhiều văn nghệ sỹ. Tôi thường được nghe anh em văn nghệ sỹ nói về ông với niềm kính trọng.
Đồng chí Bùi Văn Thành thăm và chúc tết gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Trong ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi giữa, bên cạnh là GS Đặng Thị Bích Hà phu nhân của Đại tướng và đồng chí Bùi Văn Thành. Đứng sau từ trái sang: Nhạc sỹ Vũ Xuân, nguyên Bí thư huyện ủy Gia Viễn Vũ Văn Đợi và ông Lương Văn Hiện (bố vợ đồng chí Bùi Văn Thành) Ảnh chụp tại nhà riêng Đại tướng.
Ông không những yêu thơ mà còn là người làm thơ. Ông làm thơ trước hết để chia sẻ với mình, sau là chia sẻ với người thân, bè bạn. Thơ ông mộc mạc, không nhiều hình tượng, ẩn dụ, nhưng chân tình, là tiếng lòng, là sự giãi bày được gạn lọc từ mỗi công việc trên từng trang cuộc sống. Ông là người gắn bó khá lâu với Công ty xây dựng huyện Gia Viễn từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, những năm tháng ấy tuy còn quá nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng với ông thật đẹp, ăm ắp kỷ niệm. Có lẽ những ngày tháng ấy đã ăn sâu vào ký ức, là những trang đẹp nhất, sâu đậm nhất, quý trọng nhất ở trong ông. Xin trích vài ba câu thơ trong một số bài thơ ông làm từ những năm tháng ấy để thấy chất của thơ, chất con người trong ông luôn đan xen, hòa quyện. “Cảm ơn bè bạn gần xa/ Đắng cay chia sẻ cùng ta tháng ngày” (Nhớ ngày về, 12/1982). “Đơn sơ mà đậm nghĩa tình/ Đời ưa cái thật nên mình thấy vui.” (Thật mà vui, 02/1983). “Cách nhau chỉ một con đò/ Mà xao xuyến nhớ đợi chờ tin nhau.” (Vui hội thao, 11/1983)… Có lẽ ít ai biết được rằng trước đó mười năm (1974), ông đã tạo bước ngoặt nghị lực của đời ông về rèn luyện sức khỏe. Tôi được nghe câu chuyện hồi còn học tập, công tác tại Hà Nội ông đã phải nhập viện vì suy nhược khá nặng. Năm ấy, chưa đầy ba mươi tuổi, cơ thể dài dạc, gầy guộc, mảnh khảnh, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, đi không vững, ăn không ngon, ngủ không yên, huyết áp lên tới 170/100. Những ngày nằm điều trị ông đã đọc được cuốn sách “Từ sinh lý đến dưỡng sinh” của Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện nói về nghị lực phi thường của con người chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo, với số phận éo le và họ đã chiến thắng, đã trở những tấm gương sáng. Có thể đó là cuốn sách đầu tiên tạo nguồn cảm hứng để giúp ông nhận thức, xây dựng một “chiến lược” vượt chính mình. Nghị lực ấy, bền bỉ cho đến ngày nay. Trong quá trình rèn luyện, sức khỏe có được ông luôn luôn đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung cách luyện tập sao cho có hiệu quả, từ đó chia sẻ với mọi người. Điều quan trọng nhất của rèn luyện sức khỏe đối với ông thì mình phải là bác sỹ của chính mình. Trong gia tài sách của ông, sách về y học, về sức khỏe, về lão khoa, về thể dục thể thao chiếm một số lượng không nhỏ, chừng vài trăm cuốn.
Căn nhà ống không rộng lắm, đơn sơ nhưng gọn gàng, ấm áp. Ông dành một phòng chuyên đọc sách. Hai tủ sách lớn trên phòng đọc được phân loại khoa học, xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Số lượng sách tuy không nhiều, khoảng trên một ngàn cuốn, nhưng nhiều bộ sách, nhiều loại sách đã được chọn lọc kỹ càng. Nhà thơ Lâm Xuân Vi, người kiệm lời, cẩn trọng về chữ nghĩa, khi đến thăm ông, thấy phòng sách của ông đã nể trọng sự lưu giữ nghiêm cẩn rất nhiều các loại sách quý của mọi thời đã viết thơ đề tặng: “Người trọng kiến thức/ Hơn cả bạc vàng/ Nâng niu từng trang/ Sách đời lưu lại”.
Cách đây hơn bốn mươi năm, ông đã lặng lẽ bắt tay vào tuyển chọn, sưu tầm, lưu giữ những bài viết thuộc nhiều lĩnh vực ở các loại sách, báo mà ông cho là hay khi đọc. Tôi nghĩ đó là việc làm hết sức công phu bởi có được một bài hay để tuyển chọn, có thể ông đã phải chắt lọc từ hàng trăm, có khi hàng ngàn trang đã đọc. Từ những chắt lọc đó, trong 4 năm, từ 2014 đến 2018, ông hoàn thành bộ sách có tên: “Bùi Văn Thành, Sưu tầm và tuyển chọn”. Bộ sách 8 cuốn gồm Những bài báo hay, Những điều cần cho cuộc sống tự làm, đóng quyển, khổ lớn, có quyển độ dày tới 500 trang, rất công phu rồi tặng bạn bè, người thân, tặng những người trọng kiến thức, những người yêu quý sách. Những cuốn sách này có nhiều tư liệu, bài viết cách đây mấy chục năm, nay đọc thấy vẫn rất mới, rất hấp dẫn.
Nhà báo Tạ Khôi, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Ninh Bình khi đọc xong 3 cuốn sách ông tặng vào năm 2015 đã ghi cảm nhân: “ …Em chưa thấy ai yêu sách, yêu tri thức như anh. Suốt mấy chục năm trời từ lúc đôi mươi, nay đã qua thất thập, tình yêu ấy vẫn cứ nồng nàn. Nay còn mặn mà hơn. Tinh hoa tri thức, ngọn lửa nghị lực sống, rèn luyện của những tấm gương trong sách như đã thấm vào máu thịt của anh, để tâm hồn, thân thể anh mãi mãi thanh xuân…”. Điều này là một minh chứng làm rõ thêm trong hành trình tiếp nhận kiến thức để làm nên nhân cách ông.
Trong cuộc sống ông thường xuyên chắt lọc ngôn từ trên mọi lĩnh vực. Chắt lọc rồi lại nạp, nạp rồi lại bổ sung cứ thế cô đọng theo vòng tịnh tiến. Quan niệm của ông đọc sách để có kiến thức, để thẩm thấu cái hay, cái đẹp, nhưng không phải không đọc sách thì không có kiến thức. Muốn có kiến thức sâu, rộng thì cần cập nhật các nguồn để mở lối đi vào. Nguồn đọc sách, nguồn nhà trường, nguồn ở trường đời. Trường đời là một kênh quan trọng cung cấp nhiều kiến thức luôn luôn mới mẻ. Từ quan niệm đó cho nên giữa thực tiễn và sách vở ở ông luôn hòa vào nhau để tiếp nhận kiến thức. Từ kiến thức tiếp nhận được lắng lại trong ông dần hình thành văn hóa con người.
Anh Lê Đình Ba, nguyên Phó Văn phòng Tỉnh ủy có bút danh Phương Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật đã viết về ông: “…Anh chưa cao như núi, chưa dài rộng như sông/ Nhưng cốt cách như hoa - Hồng luôn hướng tâm về thiện/ Hoa của tình yêu trung trinh, bất biến/ Bao dung, giản dị, nhân từ…”( Anh, 10/2014).
Cái bộc bạch của một cán bộ từng cùng công tác viết về ông với “Cốt cách như hoa - Hồng luôn hướng tâm về thiện”, “Bao dung, giản dị, nhân từ” thì trân trọng lắm. Vâng, những nhìn nhận, đánh giá từ một góc độ nào đấy chỉ có được ở sự đồng cảm của tấm lòng chân thực đến với tấm lòng chân thực…
Thỉnh thoảng trong tôi ông lại hiện lên, đôi mắt nồng ấm và nụ cười thân thiện luôn thường trực trên khuôn mặt. Khuôn mặt sáng trong, bình thản. Nhiều lúc nhớ lại, hình như trên khuôn mặt ấy vẫn hằn sâu những dấu vết thời gian đã bào mòn tâm trí, làm ông bao lần trăn trở, suy tư về cuộc sống, đường đời, về nhân tình thế thái. Thỉnh thoảng trong tôi ông lại hiện lên, bóng dáng một con người mà thời gian càng lôi cuốn đi theo dòng chảy thì cái bình dị, cái chân thành trong ông lại càng kết lõi. Cái lõi đó cứ sáng lên trong dòng va đập ngược xuôi, sáng lên trong dòng chảy đời người.
Tháng 5 /2020
(Nguồn: VNNB238/5-2020)