Thứ hai, 07/10/2024

Những cánh hạc bay về

Thứ năm, 29/07/2021

Bút ký của PHẠM ĐỨC HOÀN

Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, làng tôi nằm giữa những cánh đồng thuần nông, chuyên cấy lúa, trồng rau. Bao quanh và điểm tô cho các cánh đồng ấy là những quả núi độc lập, cao thấp khác nhau nhưng nhìn từ phía nào cũng rõ: Bắc có Sệu, Bùng; Tây có Dụ, Lớ; Nam và Đông Nam có Kì Lân, Non Nước và Hồi Hạc…

Có lẽ vì vậy, tự tấm bé bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng thích núi và biết trèo núi. Nếu muốn bắt sáo non, lấy rêu đá, bắt ốc đá… thì lên Bùng, xuống Dụ. Muốn chơi bóng hoặc khám phá những điều thú vị thì xuống Non Nước, Hồi Hạc…

Thuở ấy chúng tôi chỉ học buổi sáng, buổi chiều là của chúng tôi. Vào những chiều hè, Non Nước thường được chúng tôi lựa chọn. Lũ chúng tôi rủ nhau chạy tắt qua cách đồng Cửa Chùa xuống cống Kì Lân, rồi băng ngang khu Lò Lợn để đi “xuống tỉnh”- cách gọi của người quê khi có việc xuống thị xã Ninh Bình. Sau một hồi đá bóng ở sân vận động dưới chân núi Dục Thúy, chúng tôi lại chen nhau, xô nhau vượt qua 72 bậc đá xanh khấp khểnh để lên đỉnh Non Nước hóng gió. Gọi là đỉnh núi nhưng lại khá bằng phẳng và rộng đến mấy trăm mét vuông. Chúng tôi thường chui xuống hầm ngầm các lô cốt để chơi trò trốn tìm; có bữa còn bạo gan leo lên cả cái bốt có tháp canh chênh vênh ở mỏm Đông Nam. Từ đấy, có thể nhìn ra khắp thị xã, nhưng thích nhất vẫn là nhìn xuống dòng sông Đáy, nơi có những con đò nhỏ ngược xuôi hoặc dán mắt vào những đám lục bình đang mùa hoa tím ngát lững lờ trôi… Và mỗi khi gặp một đoàn tàu hỏa sầm sập chui qua Cầu Cổ, xuôi về phương Nam hay ngược về phía Bắc, chúng tôi cùng vẫy tay, hét lên sung sướng với ước muốn một ngày nào đó mình cũng được ngồi lên con tầu ấy!

Núi Non Nước                                                 Ảnh: Internet

Hồi đó, Non Nước - Dục Thúy Sơn(1) đã là một điểm du lịch thu hút khá đông khách. Mỗi khi gặp một đoàn thăm quan, chúng tôi thường len vào để nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu. Khi thì cô nói về những bài thơ của các tao nhân mặc khách được tạc trên vách núi; khi thì cô kể về những câu chuyện lịch sử rất thú vị như sự tích về sông Vân Sàng, về chiếc thuyền rồng của Dương Vân Nga chờ đón Lê Hoàn thắng trận trở về… nhưng trí óc non trẻ lúc đó của tôi đặc biệt thích câu chuyện về trận đánh của bộ đội ta thời chống Pháp trên núi Non Nước và Hồi Hạc. Qua lời cô, tôi mới biết rằng, tại đây, trong cuộc chiến đấu diệt và bắt sống hơn hai trăm tên địch đã xuất hiện những tấm gương vô cùng dũng cảm của bộ đội mà tiêu biểu là các bác Nguyễn Quốc Trị, Giáp Văn Khương, Bùi Quang Mại(2)… Cô chỉ cho mọi người cái chỗ mà sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bác Giáp Văn Khương đã dũng cảm lao mình xuống sông Đáy, thoát về đơn vị. Lũ trẻ chúng vừa nghe vừa nép vào thành lan can bảo vệ để nhìn xuống sông, đứa nào đứa nấy đều rùng mình kinh hãi! Cô cũng chỉ sang núi Hồi Hạc, nơi viên trung úy Béc-na Đờ Lát, con trai độc nhất của tướng Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp lúc bấy giờ tử trận. Chúng tôi cũng hay trèo lên núi Hạc để xem cái hang mà theo như lời cô hướng dẫn viên “Đó là cái hang ghi dấu tích một cuộc chiến đấu không hề cân sức giữa bốn chiến sĩ do tiểu đội trưởng Bùi Quang Mại chỉ huy và hàng trăm quân địch…”. 

Tôi mang vẹn nguyên những ký ức trên vào bộ đội. Duyên may làm sao, sau mấy năm đi học, tôi được điều về Sư đoàn 308 - Quân Tiên phong, đơn vị đã tham gia chiến dịch Quang Trung với trận đánh nổi tiếng đó ở quê tôi. Sau chiến dịch Khe Sanh và Đường Chín - Nam Lào, tôi lại may mắn được sống và công tác cùng bác Bùi Quang Mại, người có dáng cao to như ông hộ pháp nhưng tính tình lại rất hiền. Một lần hai bác cháu nói chuyện, nghe tôi nói quê ở ngay gần Non Nước - Hồi Hạc, ánh mắt bác chợt sáng hẳn lên: “Tớ có kỉ niệm với cả hai ngọn núi này đấy”.

Bác kể: “Bước vào trận đánh, đơn vị tớ (Tiểu đoàn 79 và Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102) có nhiệm vụ đánh cứ điểm Non Nước, còn đại đội của Nguyễn Quốc Trị (Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88) có nhiệm vụ phối hợp đánh vị trí Hồi Hạc. Trận đánh lẽ ra diễn ra trong đêm 28/5/1951, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, ta đã phải lùi lại đến đêm 29/5 mới tiến công nên tính bí mật, bất ngờ không còn. Trong khi đó, địch ở trên núi cao lại có cộng sự vững chắc và ít nhiều có sự chủ động cả về thời gian và phòng bị nên chúng chống trả rất quyết liệt. Ban đầu, lực lượng ta bị ùn lại ở dưới chân cứ điểm, không phát triển được và thương vong khá nhiều. Sau với sự chi viện đắc lực của bên anh Nguyễn Quốc Trị (do chiếm được Hồi Hạc trước thời gian dự kiến), đồng thời nhanh chóng tìm ra cách đánh mới: bộ đội được chia thành các tổ 3 người bí mật đánh lên chiếm dần từng lô cốt, từng hầm ngầm cho đến khi toàn bộ địch ở cứ điểm Non Nước bị tiêu diệt hoặc đầu hàng. Tổ ba người Khương - Lục - Xá tung hoành trên cứ điểm đã được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen: “Anh dũng tuyệt vời(3).

“Sáng hôm sau, khi đang tổ chức thu dọn chiến trường thì địch tung một lực lượng lớn phản kích lên Non Nước. Bên ta chỉ có hai tiểu đội do Tiểu đoàn phó Vũ Phương chỉ huy, chống trả rất kiên cường nhưng lực lượng mỏng dần, đến trưa buộc phải rút xuống chân núi cùng hơn 30 thương binh. Giáp Văn Khương xung phong ở lại chặn địch để đồng đội rút. Hành động ôm súng nhảy xuống sông không để bị địch bắt là ở thời điểm này”. Bác kể tiếp :“Đoàn thương binh đang đi dọc theo sông Vân để về trạm phẫu của Trung đoàn thì địch phát hiện chặn đánh. Một bộ phận lớn anh em thoát được. Mình cùng ba anh em trong bộ phận bảo vệ đi sau cùng kẹt lại đành phải rút vào hang núi Hồi Hạc trú ẩn. Bọn địch biết ta chỉ có ít người nên dùng mọi cách, kể cả gọi hàng hòng bắt sống bốn anh em nhưng đều bị đánh lui. Chúng không những không thể đột nhập vào hang mà còn bỏ lại khá nhiều xác chết. Đêm hôm đó, lợi dụng đêm tối và bọn địch sơ hở, anh em thoát ra an toàn”.

Vui chuyện, bác Bùi Quang Mại hỏi tôi về cái tên của hai quả núi. Bác nói: Non Nước thì mình có thể hiểu được. Hồi đó tuy không có thời gian để “ngắm nghía” nhưng vẫn biết Non Nước là một quả núi đẹp vì nó nằm ngay bên ngã ba sông Vân và sông Đáy - “trên thì núi dưới thì sông”. Còn Hồi Hạc là sao? Tôi đáp: “Non Nước vốn đã đẹp, nay càng đẹp hơn bác ạ. Xung quanh núi giờ có thêm Công viên Thúy Sơn, Nhà bảo tàng tỉnh, có cây cầu mới bắc qua sông Đáy… Gần đây, nó đã được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng đặc biệt cấp Quốc gia. Còn Hồi Hạc, cháu tìm hiểu tên đó là do Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) đặt. Trong một lần tuần du đến Ninh Bình, sau khi ngắm núi (vốn có tên cổ là Động Sơn), Chúa khen núi có dáng đẹp như “Hồi Hạc - chim Hạc bay về”, tức cảnh làm bốn câu thơ đề vịnh: “Đột khởi tằng loan khám Bích Đào/ Uyển nhiên thiên hạc thụy Nam Giao/ Thiên châu đáo xứ đô kham thưởng/ Vạn trạng tân kỳ nhập thổ hào”. Đồng thời, ông cho tạc ngay bốn chữ “Thiên nhiên diệu xảo(4) lên vách đá. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau núi Hồi Hạc nay không còn nữa. Bác khẽ lắc đầu lẩm bẩm: “Tiếc nhỉ! Chim Hạc không ở lại mà đã bay về trời!?”

Ấy vậy mà phải đến 25 năm sau, năm 1996, việc này mới được xác thực. Số là nhân dịp kỉ niệm 45 năm chiến thắng Non Nước - Hồi Hạc, cán bộ chiến sỹ Quân đoàn 1 và Sư đoàn 308 đã xây tặng Đảng bộ và nhân dân thị xã Ninh Bình công trình tượng đài “Chiến thắng Non Nước - Hồi Hạc” đặt tại công viên Thúy Sơn. Dự lễ khánh thành, ngoài đại biểu Bộ Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn 308, UBND thị xã Ninh Bình…, đơn vị có mời một số cựu chiến binh từng tham gia trận đánh, trong đó có bác Bùi Quang Mại. Sau khi thắp hương tại Tượng đài Chiến thắng, cả đoàn sang thắp hương tại Đài Tổ quốc ghi công cách đó không xa. Đài được xây dựng ngay trên nền của núi Hồi Hạc bằng đá xanh, rất uy nghi và bề thế. Có lẽ do xác định không phải là Nghĩa trang liệt sĩ nên tại đây không quy tập mộ liệt sĩ nào, cũng không một biển, bảng nào ngoài dòng chữ “Tổ quốc ghi công” ở trên tháp. Bác Bùi Quang Mại năm đó đã hơn 70 tuổi nhưng còn khỏe và minh mẫn. Ông đi vòng quanh Đài Tổ quốc ghi công một lượt như muốn nhớ lại điều gì. Bỗng ông khoát tay chỉ cho chúng tôi nơi tiểu đội ông nằm yểm hộ cho tổ ba người Khương - Lục - Xá tiến lên cứ điểm Non Nước, và chỉ vào góc ngoài Đài tưởng niệm, nói vị trí hang đá Hồi Hạc ở chỗ này… Giọng ông như lạc đi: “Trận này ác liệt lắm!(5) - Một lát dường như nén được cơn xúc động, ông nói - Tỉnh đã cho xây dựng Đài Tổ quốc ghi công nay lại có Tượng đài Chiến thắng là quý lắm. Vậy cũng coi như Hồi Hạc vẫn còn - Chim Hạc vẫn bay về!… Nhưng mà giá như có thêm một bia đá khắc tên trận đánh và những người đã ngã xuống để mọi người nhất là các thế hệ sau mỗi khi đến đây biết được!”. Anh Lê Huy Toàn, “cây” viết lịch sử của Sư đoàn Quân Tiên phong đi cùng đoàn, nói thêm: “Nhìn núi Non Nước đẹp và thơ thế kia, nhìn tượng đài Hồi Hạc trầm mặc trong công viên cây xanh mát nhường kia, mấy ai nghĩ rằng đã có bao nhiêu máu đào của bao liệt sĩ đã đổ xuống nơi đây!? …”

Tôi chợt nhớ đến bài hát: “Khi đàn sếu bay qua”, một bài hát Nga rất nổi tiếng với những lời thơ da diết: “Tôi cứ ngỡ biết bao người lính trẻ. Từ chiến trường xưa đẫm máu không về. Không phải họ nằm yên trong lòng đất mẹ. Mà hóa thành đàn sếu trắng giữa trời kia. Sếu vẫn bay như thế tự ngày xưa. Bay đến bây giờ…”. Có lẽ đàn chim Hạc ở Non Nước – Hồi Hạc này cũng vậy. Hồn thiêng các anh hùng liệt sĩ đã hóa cùng cánh chim Hạc bay lên từ thuở ấy. Họ vẫn bay và bay đến tận bây giờ!

 

Chú thích: (1) Có nghĩa là “Con chim trả đang tắm”, tên núi do danh sĩ Trương Hán Siêu đặt; (2) Sau này, bác Nguyễn Quốc Trị (1952) và Bùi Quang Mại (1956) được phong danh hiệu “Anh hùng Quân đội”, bác Giáp Văn Khương (1952) được tuyên dương “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”; (3) Lời tuyên dương trạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau trận đánh; (4) Theo Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa - Huế. 1999. tr 248; (5) Trận đánh này, (cả trong và sau) đã có gần 80 cán bộ chiến sĩ hi sinh, bị thương và một số bị địch bắt, năm 1993-1994, nhân dân thị xã còn phát hiện và quy tập hàng chục bộ hài côt bộ đội ta.

 

                                                                                    P.Đ.H

(Nguồn: TC VNNB 253-7/2021)

Bài viết khác