LÝ THANH KHA
Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời Bác đã hi sinh cho dân tộc.
Bác chỉ có mong muốn, “mong muốn tột bậc là nước nhà hoàn toàn độc lập, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, giản dị, khiêm tốn, gần gũi với tất cả. Tư tưởng, tác phong, đạo đức, nhân cách lớn của Người mãi mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp các thế hệ Việt Nam noi theo.
Tròn 50 năm Bác đi xa, ngoài những thước phim tư liệu, những tấm ảnh mà gắn liền với Bác ở Pắc Bó, chiến khu Việt Bắc, Bác lãnh đạo nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đã được các nhà quay phim, nhiếp ảnh trong và ngoài nước ghi lại, là những kỉ vật vô giá. Hình tượng của Bác đã được các đạo diễn, các nhà viết kịch đưa lên sân khấu đã làm cho người xem xúc động, hiểu biết thêm sự gian khổ của Bác trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Ước ao có dịp thể hiện hình tượng của Bác là những khát khao cháy bỏng của nhiều nghệ sĩ. Công việc này, thử thách này thật là quá lớn, quá khó, nó khác hẳn với hình tượng của các vị vua chúa, các nhân vật khác. (Chỉ cần diễn viên đội mũ bình thiên, mặc áo long bào là người xem biết được đấy là vua Đinh, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…). Nhưng để thể hiện được hình tượng Bác Hồ thì người nghệ sĩ phải thể hiện được từ hình bóng, dáng dấp, cử chỉ, đặc biệt là giọng nói trầm ấm, có sức thuyết phục vẫn giữ được cái âm hưởng - hư tự - gốc gác của một vùng xứ Nghệ, Bác vẫy tay, giơ mũ lúc đến thăm một đơn vị, một tập thể, một vùng miền, một tỉnh nào đó, một đất nước nào đó… Hơn thế nữa, những hình ảnh, cử chỉ, hành động của Bác đã ăn sâu vào trái tim, tiềm thức và tâm hồn của hàng triệu nhân dân Việt Nam. Nên việc diễn xuất thế nào để truyền được xúc cảm sâu sắc đến khán giả là thách thức lớn đối với người nghệ sĩ. Ước ao được thể hiện hình tượng Bác Hồ càng thôi thúc tôi, một diễn viên trên sân khấu kịch, nhất là khi được xem phim “Vùng trời” nghệ sĩ Tuấn Tú đóng vai Bác Hồ, được xem vở kịch “Đêm trắng” của Nhà hát kịch Việt Nam - Cố nghệ sĩ Trần Thạch thể hiện hình tượng Bác. Lợi thế của tôi là ngoại hình tương đối giống Bác giai đoạn từ (1941 - 1951). Vì thế tôi đã nung nấu ý tưởng thể hiện bằng được. Tôi đã ghi chép chính xác những đoạn thoại trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 của Bác, hoặc đoạn Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Lời Bác kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngày 19/12/1966. Đọc thử, diễn thử, ghi âm lại và nghe xem đúng sai ở chỗ nào để tìm cách khắc phục. Không biết bao nhiêu lần xóa thu, thu xóa, rồi lại tự sưu tầm những tư liệu về Bác, tìm bằng được bộ quần áo ka ki, đôi dép, chiếc mũ giống như hàng ngày Bác vẫn sử dụng, rồi hóa trang thử, chụp ảnh lại so với ảnh của Bác để chỉnh sửa, đó là những công việc tôi tự làm lấy.
Cuối cùng những cố gắng ấy đã cho tôi có dịp được thực hiện. Năm 1992 khi tái lập tỉnh Ninh Bình, tôi trở về cùng 17 nghệ sĩ khác trong các đơn vị cải lương, chèo, rối, kịch thành đoàn nghệ thuật tổng hợp. Tại Hội nghị ra mắt các lãnh đạo, các ban ngành của tỉnh mới, Nghệ sĩ (nay là NSND) Mai Thủy hát bài “Bác Hồ một tình yêu bao la”, hết lời 1 Bác Hồ xuất hiện trong nền nhạc dạo, tôi đã đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến trong sự im lặng tuyệt đối của rạp Hoa Lư (Bây giờ là Trung tâm Văn hóa tỉnh) được các vị lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu khách quý hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đó như đã cho tôi một chứng chỉ. Một điều tôi cho là rất tâm linh khi tôi đã hóa trang, phục trang xong, tôi phải đứng trước cánh gà tĩnh tâm khoảng 5 - 7 phút thì tôi xuất hiện, từ giọng nói, đến cử chỉ, kể cả cái thần thái của Bác đều rất chuẩn. Từ đó, hình tượng Bác đã giúp tôi đến với những chuyến lưu diễn tại miền Nam.
Năm 1999 tại Thành phố Đà Lạt, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng đã ghi lại chương trình của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Ninh Bình phục vụ Hội nghị Bưu điện Toàn quốc, trong đó có tiết mục đơn ca của NSƯT Mai Thủy với bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”, khi tôi đã hóa trang xong chuẩn bị bước lên cánh gà thì có một đồng chí cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ cho đêm diễn sững sờ trước tôi, đồng chí lúng túng rồi đứng nghiêm khoanh tay “Cháu kính chào Bác ạ!”. Tuy chỉ khoảng hơn hai phút xuất hiện trong phần chuyển nhạc lời 2 nhưng tiết mục này đã được phát nhiều lần cho đồng bào các dân tộc trên vùng đất cao nguyên. Suốt khoảng thời gian trên một tháng lưu diễn tại Đà Lạt, những lúc ra đường mọi người gặp tôi đều chào Bác Hồ với thái độ hết sức thành kính và trân trọng.
Năm 2003 tôi được Nhà văn Hà Phạm Phú và đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tất Lợi mời lên trụ sở Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội) để cùng một số nghệ sĩ thử vai Bác Hồ trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Khi tôi bước vào, đạo diễn Nguyễn Tất Lợi đã thốt lên Tống Văn Sơ đây rồi. Diễn thử vài lần nhưng rồi vận may không mỉm cười với tôi. Tuy nhiên những lúc có nhu cầu, tôi vẫn diễn những trích đoạn ngắn như “Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng trong chương trình ca múa nhạc của Nhà thiếu nhi tỉnh”.
Năm 2010, tại Liên hoan tiếng hát làng Sen, nhạc sĩ Mai Công Thắng đã mời tôi thể hiện hình tượng của Bác trong ca khúc “Hoa khoai vườn Bác”, lời thơ Lâm Xuân Vi tại thành phố Vinh, huyện Anh Sơn, thị xã Cửa Lò được Ban tổ chức, các đồng chí lãnh đạo và khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Nhiều diễn viên ở Thành phố Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã chụp ảnh lưu niệm với tôi. Đó là những kỉ niệm, cũng là những phần thưởng vô giá cho một nghệ sĩ mà có lẽ không dễ gì mua được. Năm 2010, tôi tham gia chuyến công tác của BCH Hội VHNT Ninh Bình tại nước bạn Lào, trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn Lào, nhà thơ Bình Nguyên giới thiệu tôi là Nghệ sĩ Ưu tú, là người đóng vai Bác Hồ trên sân khấu, các nhà văn Lào đã rất xúc động, họ yêu cầu tôi diễn một “đoạn gì đó về Bác Hồ”, tôi đã đứng lên, diễn lại cảnh Bác Hồ đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến… Đoạn diễn vừa kết thúc, các nhà văn nước bạn cúi đầu chào Bác Hồ với sự trân trọng và kính nể. Lúc ấy trong tôi rưng rưng một xúc cảm thật khó diễn tả. Tôi càng thấm thía câu hát của nhạc sĩ Thuận Yến: “Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”.
Năm 2012, vào tháng 9 tôi đã được Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu. Tôi cùng nhạc sĩ Mai Công Thắng, nghệ sĩ Ngô Lương Thu thực hiện chương trình ca cảnh 150 năm danh xưng Nho Quan và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước, lại một dịp nữa tôi được thể hiện hình tượng Bác tại Hội nghị Điền chủ tổ chức ở Nho Quan vào năm 1947, được lãnh đạo tỉnh, huyện, các vị lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng và Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh.
Trong suốt 40 năm hoạt động trên lĩnh vực sân khấu, từ chèo đến kịch, rồi lại về chèo và phim ảnh, có biết bao kỉ niệm vui buồn. Với nhiều phần thưởng huy chương Vàng, Bạc tại các kì Hội diễn sân khấu toàn quốc đã dừng lại ở con số 13, và gần 30 huy chương Vàng, Bạc trong sân khấu nghiệp dư do các Bộ, Ban, ngành trao tặng. Tuy nhiên ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc nhất của tôi đó là được thể hiện hình tượng Bác Hồ, đó là một phần thưởng cao quý và vinh dự nhất cho tôi. Có lẽ vì vậy đã giúp tôi luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp đúng nghĩa nghệ sĩ. Khi ở cương vị diễn viên và cả trong quản lý để cống hiến hết mình, cháy hết mình cho nghệ thuật. Luôn ý thức để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Để giữ gìn danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú mà Chủ tịch nước đã phong tặng.
Mặc dù đã nghỉ hưu, song với lòng đam mê nghệ thuật và khao khát cống hiến cho nghệ thuật, tôi vẫn thường xuyên đi đóng phim, diễn kịch ở khắp nơi trên cả nước. Vừa đóng phim về thì nhận được điện thoại của đồng chí Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đề nghị tôi kể lại những kỉ niệm của mình khi được thể hiện hình tượng của Bác trên sân khấu. Đắn đo lắm, thực sự rất ngại kể về mình, bây giờ đã nghỉ hưu nên tâm lý cũng khác lúc còn đang huỳnh huỵch trên sân khấu. Báo chí từ Trung ương đến địa phương đã viết nhiều, phỏng vấn nhiều, luôn luôn xuất hiện trên các bộ phim của hãng phim truyền hình nên có ý từ chối nhưng Phó Chủ tịch vẫn động viên tôi viết, muốn tôi chia sẻ những cảm xúc của mình khi thể hiện hình tượng Bác Hồ. Vì vậy tôi đã quyết định ghi lại những kỉ niệm trên trong những lần vinh dự được thể hiện hình tượng của Bác, góp một phần nhỏ của mình vào sự nghiệp sáng tạo sân khấu nói riêng và lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung. Nhất là những ngày này, khi cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng và tiếp tục phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
L.T.K