Thứ hai, 07/10/2024

Nơi đây suối nguồn tình thương cùng chảy!

Thứ tư, 01/09/2021

AN VIỆT LÂM
Trưởng Chi hội Da Cam/DIOXIN Phường Đông Thành - TP Ninh Bình

Nơi đây, là căn nhà mới khang trang, sạch đẹp của bà Lê Thị Thóc ở số nhà 8, ngõ 90 đường Đông Phương Hồng, Phường Đông Thành, TP Ninh Bình. Bà là chiến sỹ đơn vị phòng không Đông Phương Hồng thời chiến tranh chống Mỹ - đơn vị pháo cao xạ, với những thành tích bảo vệ thị xã Ninh Bình, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Gặp cơ duyên bà kết hôn với ông Đặng Văn Doai chiến sỹ quân giải phóng, sinh hạ được 4 người con là: Đặng Văn Hào - 1977; Đặng Văn Phương - 1981; Đặng Văn Lâm - 1983; Đặng Thị Nhàn - 1986.

Hội NNDC-Dioxin phường Đông Thành thăm, tặng quà gia đình bà Lê Thị Thóc và 3 con thế hệ 2 (F2)

Ông Doai nhập ngũ năm 1966 vào chiến trường Đông Nam Bộ là một chiến sỹ quân giải phóng kiên cường mưu trí, linh hoạt ..., ông đã lập được nhiều chiến công. Sức khỏe ông bị yếu dần do sự khắc nghiệt của chiến tranh, ông được điều động ra Bắc để an dưỡng phục hồi sức khỏe. Khi trở ra Bắc trên đường dây tuyến 559 - ông nung nấu quyết tâm trở lại chiến trường để thực hiện lời hứa trước lúc lên đường “Chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương” thế là ông xin ở lại làm cán bộ khung của đoàn 573 - sư đoàn 473 làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ đường, vận chuyển hàng hóa, giao liên, gùi bộ sau đó được nhận nhiệm vụ làm Đại Đội Phó (theo lời kể của ông Lê Văn Thú và ông Đinh Văn Chài cùng tổ dân phố hiện nay - cùng nhập ngũ với ông Doai), tiếp tục cuộc sống trong quân ngũ, chịu đựng gian khổ, khó khăn ác liệt nơi chiến trường, ông và đồng đội sống trong mưa bom bão đạn của kẻ thù; đặc biệt là chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng. Những cánh rừng chỉ sau vài ngày hứng chịu mưa bụi của chất độc hóa học đã trơ cành, trụi lá! Những dốc núi đất đỏ ngầu do bom đạn, pháo ở đồng bằng và hạm đội của Mỹ nã vào mà trở thành “Đồi đất đỏ”! Những trận sốt rét rừng cộng với thiếu cơm, thiếu muối làm tổn rất nhiều sức lực của các chiến sỹ. Có tiểu đội trong ngày chỉ vẻn vẹn có một lon gạo xin được của đồng bào Pa Cô ở bản Cồn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để nấu cháo loãng, có lúc phải đốt cỏ tranh hòa gạn lấy nước trong để nấu canh rau chua me, rau môn thục, tai nai ăn thấy đậm đậm trong mồm một chút, đánh lừa cái lưỡi “gọi là muối”, vậy mới biết được đồng bào ở đây quý muối Bác Hồ như thế nào, khi thiếu muối chân đi không vững, thường bị co cơ, chuột rút. Những cán bộ chiến sỹ ở đường dây 559 từ cái thời: đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng - bí mật là vậy mà công sức của họ đóng góp, chia lửa với chiến trường không thể kể hết được. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cánh lính đường dây 559 đón nhận tin vui này có thể nói là rất chậm, họ vẫn cần mẫn kè đường, đóng cọc tiêu, lấp hố bom, trỉa bắp trên nương mà chỉ nghe được tin chiến thắng qua hệ thống đài bán dẫn loan truyền.

Ông Doai được ra Bắc an dưỡng và về phục viên với cấp hàm thiếu úy, hành trang trở về của ông là chiếc ba lô con cóc và nhiều vết thương, di chứng của chất độc hóa học nơi chiến trường ác liệt những năm trước. Dưới mái tranh nghèo, ông bà sinh ra được 4 người con (3 trai 1 gái) và đầu năm 1990 ông từ trần do căn bệnh hiểm nghèo chất độc hóa học mầu da cam, ông mắc bệnh ung thư biến chứng kéo dài từ khi về phục viên.

Các con ông thế hệ thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học, con lớn Đặng Văn Hào từ khi chào đời sau 3 năm vẫn không đi được, không nói được và bị đần độn trí tuệ. Cháu cứ đi lang thang suốt ngày ở ngoài đường, có một lần hú vía: 3 ngày mới tìm ra qua thông tin của 1 bác bán bánh gai ở Nam Định: cháu biết đi mà không biết đường về, trong người lại không có giấy tờ gì, không có căn cứ gì để hỏi cho rõ nên đành chịu, mãi sau này mới có tin thì mẹ Thóc mới biết, tất tả sang bên Nam Định xin con về nuôi và cảm tạ gia đình bà bán bánh gai đã cưu mang che chở cho cháu. Hào sinh từ năm 1977 đã ngoài 40 tuổi mà không có khái niệm về không gian, thời gian, địa điểm và tính nóng nảy cục cằn. Hai năm gần đây, bà Thóc cho Hào đi khám lại mắt vì thấy mắt con đục ngầu, mờ dần nhìn không rõ. Bà Thóc khốn khổ vì con, phải làm công tác hộ lý 24/24h hỗ trợ sinh hoạt cuộc sống...; con thứ hai Đặng Văn Phương lớn lên lấy vợ được 16 năm rồi vẫn chưa có con; con thứ 3 Đặng Văn Lâm còn có cơ may hơn đã lấy vợ, được cơ sở Hội Người mù nhận vào làm nghề tẩm quất cách nhà khoảng hơn 1km, vợ cháu hàng ngày phải đèo chồng đi làm bằng xe đạp. Lâm chịu khó làm việc, được khách trả tiền hoa hồng nên cũng đủ nuôi thân. Gần đây cháu bị điếc nặng tăng dần. Con thứ tư là Đặng Thị Nhàn, đã lấy chồng nhưng bị ảnh hưởng chất độc nên nói năng ngọng ngịu, vụng về, tính tình trầm cảm, vì thế chồng và nhà chồng cũng đành trả cháu về lại gia đình! Nỗi buồn của gia đình bà Thóc là do hậu quả chiến tranh để lại cũng như biết bao gia đình trên đất nước này phải lâm vào cảnh lầm than, cụt đường như vậy.

Chúng tôi, những người làm công tác hội đã không thể có nụ cười khi đến thăm hỏi gia đình nhà bà Thóc. Nhưng trong lòng cũng phấn khởi thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã có những văn bản, chính sách kịp thời để xoa dịu nỗi đau da cam, động viên giúp đỡ về tinh thần, vật chất với gia đình bà Thóc.

Cụ thể năm 2013, UBND phường Đông Thành cùng thành phố Ninh Bình giúp đỡ được 37 triệu đồng cho gia đình bà Thóc. Sự lao động cần cù, chắt chiu dành dụm của gia đình cùng với sự đóng góp của họ tộc về công sức và tiền của đã xây dựng cho gia đình bà Thóc được 1 căn nhà khang trang rộng rãi, là nơi ăn chốn ở và khi bà về già là nơi thờ cúng tổ tiên.

Từ khi Đảng và Nhà nước, địa phương có chủ trương quan tâm đến người hoạt động kháng chiến bị thất lạc giấy tờ liên quan đến để giải quyết chính sách, ông Doai sinh được 4 con không được hưởng quyền lợi gì từ năm 1990 đến tháng 10/2019 hai con của ông là Hào và Lâm mới được hưởng. Trước gia cảnh của gia đình và có 2 quân nhân cùng ăn chung một bếp đại đội với ông Doai đứng ra làm nhân chứng, UBND phường đã báo cáo với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đặc cách xét nạn nhân Chất độc da cam thế hệ thứ 2. Với tình thương yêu và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương vận dụng chính sách của Đảng, 2 con của bà Thóc đã được hưởng chế độ “con của người hoạt động kháng chiến” bị chết do chất độc hóa học.

Là gia đình có công với cách mạng, được các cấp chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc, chia sẻ những khó khăn, tưởng chừng như không thể vượt qua được trong cuộc sống hàng ngày, bà Thóc đã nở nụ cười tươi, tự vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng./.

A.V.L 

(Nguồn: TC VNNB 254-8/2021)

Bài viết khác