Thứ hai, 07/10/2024

Phố cổ Hoa Lư

Thứ sáu, 06/05/2022

Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH DUYÊN

Chiều nay với tay thấy tin đến, chị bạn đồng nghiệp bảo tôi rằng:
- Em ơi, đi phố cổ không? Chị đang ở phố cổ Hoa Lư đây em này.

Ôi! Phố cổ! Phố cổ ư? Hai từ thánh thót reo lên trong tôi, và tôi quay ngoắt quay ngược về quá khứ, về với những mái phố lô nhô tường đá ong nâu trầm mặc đong đầy tháng năm, về với con đường lát nghiêng nghiêng ngàn vạn viên gạch sậm màu nâu đỏ, về với vô số những hàng quán bán các món đồ quê, với những đèn lồng đong đưa, đong đưa, rồi nhất định có ông đồ già với nghiên với bút với mực tàu giấy đỏ cho chữ người qua… với bao hồn cốt Việt trong mỗi hình ảnh phố xưa!

Một góc phố cổ Hoa Lư về đêm                                     Ảnh: Internet

Nhưng mà nói đến phố cổ là ai ai cũng nghĩ đến phố cổ Hội An, phố cổ Đồng Văn, phổ cổ Hà Nội chứ làm sao lại có phố cổ Hoa Lư?

Tôi gọi lại hỏi chị:

- Chị ơi, có phố cổ Hoa Lư ư? Phố ấy ở đâu?

Tiếng cười vui vẻ ở đầu kia vọng lại:

- Phố cổ Hoa Lư thì tất nhiên trên đất Hoa Lư - Ninh Bình nhà mình chứ còn đâu nữa cô giáo ơi! Cô thu xếp thời gian đến đây đi, biết đâu cô giáo lại say mê rồi xin một góc phố trải chiếu làm bà đồ đấy.

Hoa Lư, Hoa Lư, phố cổ Hoa Lư trên đất Ninh Bình quê mình thế sao? Tôi hỏi tôi rồi tôi lại tự trả lời: “Đúng quá đi ấy chứ.”

“Hoa Lư một thuở Tràng An

Sân rồng còn đó, bụi hồng còn đây”.

Hoa Lư, tên động xưa chốn cờ lau tập trận của vị anh hùng dân tộc đã đặt tên cho một địa danh hành chính ven bên thành phố Ninh Bình. Bây giờ hồi phục nên một phố cổ, thì đích danh tên Hoa Lư đặt cho phố là hay nhất, hợp nhất còn gì hơn!

* * *

Ra xuân, trời còn mưa bụi bay, bay, bay từ ngày này qua ngày khác, cái tiết trời mưa phùn đặc trưng của thời tiết mùa xuân Bắc bộ cứ dầm dề mãi không thôi. 

Chờ một ngày nắng lên?

Chờ một ngày nắng lên!

Không, không chờ được một ngày nắng lên mới đến phố cổ Hoa Lư. Tôi muốn đến phố cổ, tôi muốn đến gặp phố cổ Hoa Lư quê hương lắm rồi. Rồi cứ thế, mặc trời còn mưa: 

Mưa bụi nên em không ướt áo

Tôi phải đi, phải đến phố cổ thôi, lòng nao nức gọi mời lắm lắm. Một điều gì đó không rõ ràng nhưng đầy thân thương níu gọi tôi về phố.

Ninh Bình ba mươi năm nay bao nhiêu đất, bao nhiêu làng, bao nhiêu công trình được tôn tạo và hồi sinh, đặc biệt là những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đền đài, chùa, miếu, quần thể du lịch - tâm linh được cả thế giới biết đến. Nhưng bây giờ Ninh Bình mới khôi phục, tôn tạo và dựng xây nên một đường phố cổ thật ý nghĩ để sánh ngang cùng các kinh thành xưa cũ. 

Đây rồi Phố cổ Hoa Lư, mới mà thâm nghiêm, lạ mà gần gũi. Ấn tượng đầu tiên là tổng thể màu xám rêu của những ngôi nhà, bức tường, mái ngói, đầu hồi trong khu phố. Những cột gỗ lim đen nâu trầm mặc dựng hàng hàng hiên nhô ra thụt vào, nét đặc trưng của kiến trúc xưa. Ngoài đường phố đã có sẵn những hàng cây cổ thụ có từ mấy chục năm, cả trăm năm trước trồng sẵn như là để cho ngày hôm nay lớp con cháu có “nguyên liệu” hồi sinh nên một phố cổ xứng tầm kinh kỳ.

Làng có cổng làng, phố có cổng phố. Cổng phố cổ không phải là cái cổng chào dựng lên bằng các vật liệu kẽm, tôn với hàng khẩu hiệu in trên vải bạt như bao nhiêu cổng làng nào đó.

Cổng chào vào phố cổ Hoa Lư nhuốm bụi thời gian, in dấu tích như thuở ngàn năm với đôi dòng câu đối:

Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo

Hoa Lư đô thị Hán Tràng An

Đúng rồi Hoa Lư đô thị kia mà! Trong khoảng phố không rộng mà sâu hun hút dấu tích thời gian trên từng chiếc lá rơi, trên từng chi tiết nhỏ nhoi, đến gian hàng bán đồ lưu niệm dân gian hay hơi nước mang mùi hương cây mùi già lan thoang thoảng dập dìu người người đi du xuân tươi thắm trong tà áo truyền thống, trong sắc hoa và bao nhiêu câu đối, đèn lồng, tranh dân gian Đông Hồ.

Mặt người tựa những cánh hoa đào dìu dặt bên phím đàn mùa xuân.

Các bậc trung niên không kém phần ríu rít, các bà các chị vào hàng hoa, ra quầy đồ sứ, hàng tranh thêu thủ công, hàng mĩ nghệ mây tre, cói, lục bình mua mua, ngắm ngắm. Lâu ngày không gặp nhau nay tranh thủ chụp kiểu ảnh, má hồng lên như thì còn trẻ. Rồi lại nhắc nhau sang năm về ngoại, đến phố này tìm nhau.

Các cụ ông thì phần nhiều ghé gian hàng đồ cổ, hay nơi trải mấy chiếc chiếu đào, treo hàng hàng câu đối đỏ. Chỉ cho nhau một thế cây, một dáng hạc trong tranh, một nét chữ phồn thể hay chữ chân. “Ông đồ” vâng dạ, dạ vâng theo tay các cụ chỉ. Tôi chợt nhận ra ông đồ ấy chính là cậu giáo dạy mĩ thuật trường bên, hôm nay đang vào vai ông đồ già ngồi viết chữ nho trên nền giấy đỏ. Thỉnh thoảng “cậu đồ” lại rót vài chén rượu mắt cua hầu các cụ: “Rượu đào đôi chén bút đề thơ”.

Phố có nhiều cửa hiệu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, những mặt hàng truyền thống của quê hương Ninh Bình. Sau khi hai chị em tôi đã dạo qua những hàng quán nông sản với ngô vàng ươm, đậu tương tròn trắng như hạt ngọc, gạo tám Kim Sơn, mắm tép sông Hoàng Long, qua hàng trầu cau xanh thắm, tường treo đôi tranh dân gian lợn đàn và gà mái, qua cô hàng xén áo nhung nưng nức, thắt bao hoa lý, môi cắn chỉ hồng chúng tôi thú vị và bỡ ngỡ lạc vào không gian gốm Bồ Bát. 

Gốm Bồ Bát, cuốn hút tôi vẻ đầu tiên ấy là màu men trắng ngà, trắng rất riêng của loại gốm có từ khi triều đại nhà Đinh đóng đô trên đất Tràng An, gốm Bồ Bát là tiền thân của gốm Bát Tràng hiện nay. Tuy mới được khôi phục xong dòng gốm ấy đã có uy tín và tiếng vang trên thị trường, được Bộ Công thương vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2015. Những mặt hàng gốm phong phú, đa dạng, tinh tế đường nét hoa văn, họa tiết, kiểu dáng. Tôi thấy cả ở đây những mảng gạch, viên ngói mang dòng chữ: “Đại Việt quân quốc thành chuyên”.

Ninh Bình có những sản phẩm đã làm nên thương hiệu tên tuổi như sản phẩm cói Kim Sơn. Chỉ là thứ cây cỏ mọc vùng ven biển, ven sông lớn lên đơn thân cao vói, ấy thế mà dưới bàn tay của người Ninh Bình những sản phẩm từ cói như chiếu cói, làn cói, bàn ghế, giỏ xách, hộp đựng đồ, lẵng hoa… ra những sản phẩm thủ công mĩ nghệ đẹp sang trọng, tinh tế mà gần gũi, thân thiện với môi trường, nổi tiếng trong và ngoài nước. 

Chắc phải đi cả một chiều mới ngắm hết phố, bởi bao nhiêu hàng quán, cửa hiệu, gác gió, lầu hoa dưới này lại còn tầng phố trên kia, cuốn hút chừng nào!

Ở xế bên kia là những mảng tường, ngôi nhà mang nét đặc trưng của châu thổ quê nhà, có cái ngõ nhỏ đi vào trong sân rộng góc phủ rơm, và nồi bánh chưng đang đỏ lửa, cô con gái bé chừng mười hai tuổi cùng vài cậu em canh nồi bánh, lát lát thằng em lại mở nồi ra thọc que vào bánh chắc xem chín chưa và cô chị chụm môi phì phì thổi lửa, tay không rời cỗ bài tam cúc.

Đông nhất là các cô cậu học trò tuổi mới lớn, thế giới này, bầu trời này là của lứa người trẻ đó, họ trẻ đẹp, sôi nổi như sức sống mùa xuân, như bầu trời mùa xuân. Các em ấy phần đông chọn trang phục áo dài khăn đóng, rồi nón rồi khăn, rồi chụp hình check-in.

Qua dây phơi vải dệt, qua những quồng quay tơ và cái khung cửi dệt tơ vàng màu kén. Có cô con gái tóc chưa chải đang giơ tay hứng giọt nước mưa bay bay chắc lòng cô nghĩ đến chàng trai nào hẹn hò đêm hát tối nay. Tối nay có đoàn chèo nào về phố không? 

Dạo qua những quán tranh, qua hàng hương trầm mà mỗi bó hương phơi đã là một bó hoa đỏ thẫm màu điều và hương lên hương trên từng que tre nhỏ.

Qua cây xà cừ cổ thụ nằm dài như cái võng đong đưa. Tôi bước ra con đường lát đá xanh ven hồ. Hồ mênh mang như sông, chảy xa hút về phía núi mờ xa phủ mây trắng vùng Tràng An. Cây cầu đá cong cong dẫn sang núi Kì Lân, những dây đèn lồng đong đưa soi bóng xuống lòng nước xanh. Dưới bến rất nhiều con thuyền nhỏ như cánh sen xinh xinh và lung linh đang đợi đưa khách dạo vòng quanh hồ rộng ngắm phố, ngắm mây, ngắm núi và cả lau trắng xa mờ.

Tôi thấy rằng con phố cổ nhỏ này không nhỏ, mà phố là một bức tranh gợi mênh mang về niềm năm tháng xa xưa, bởi trong lòng tôi phố đang chạy dài tới tận kinh thành đằng kia. Phải, đúng rồi, ở phía ấy miền Trường Yên vẫn còn có một dãy phố chạy cong cong giữa kinh kì góp phần làm nên: Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo”.

* * *

Trước đây nói về phố cổ thì người ta nhớ ngay đến một phố cổ Hội An, một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Á, vô số đèn lồng giăng giăng kì ảo. Hay người ta nhớ đến phố cổ Đồng Văn với đặc trưng của người vùng rẻo cao nhà tường trình lợp ngói âm dương và vi vu tiếng kèn môi của chàng trai H’Mông. Đến phố cổ Hà Nội trung tâm buôn bán sầm uất: “Ba mươi sáu phố phường”.

Bây giờ, phố cổ Hoa Lư hồi sinh mang đặc trưng của đồng bằng châu thổ Bắc bộ, mang dáng dấp của kinh kì xa xưa: Hoa Lư đô thị Hán Tràng An

Ninh Bình ba mươi năm qua khởi mình đổi thay vượt bậc đó chính là quá trình tìm lại bản thể xưa. Sông vẫn đây, núi vẫn đây. Nước vẫn quanh quanh, núi vẫn trùng trùng:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Lầu cũ lâu đài bóng tịch dương

Phố cổ Hoa Lư hồi sinh sau nhưng lại là một dấu ấn thắm đỏ cho ai ai cũng muốn một lần ghé phố tìm lại xưa.

Mang đến cho Ninh Bình thêm một vẻ thơ bên hồ Kì Lân.

Chiều nay tôi đến phố mà bâng khuâng chân dẫm lên từng viên đá lát đường, tay khe khẽ vịn vào cạnh tường xám màu rồi nhìn với sang bên xem người ấy còn ngồi nắn nót vẽ tranh lên bình gốm Bồ Bát không. Và để thấy quê hương mỗi ngày đổi thay tươi mới mà vẫn đậm những nét văn hoá truyền thống của kinh kỳ ngàn năm trước.

Hoa Lư phố cổ như nét son môi thêm thắm đẹp trên gương mặt người con gái. Người con gái có tên Tràng An - Ninh Bình.

Xuân 2022

(Nguồn: TC VNNB 264-4/2022)

                                                                  

Bài viết khác