Chủ nhật, 06/10/2024

Tấm gương tận hiến cho đời

Thứ sáu, 26/07/2024

Bút ký của nhà văn ĐINH NGỌC LÂM

Một tuần nay bầu trời như thổn thức chợt nắng, chợt mưa, cảnh vật đất trời mang một vẻ buồn vô tận kể từ giây phút Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần. Những cơn mưa sầm sập mang nỗi buồn đau và niềm tiếc thương vô hạn cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước sự đột ngột ra đi của Tổng Bí thư - một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ Cộng sản trung kiên, một nhân cách cao đẹp với một trái tim nhân hậu, một nhà văn hóa lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tấm gương đạo đức trong sáng vô ngần.

Tôi đã viết một bài thơ vĩnh biệt Người, với lòng kính trọng tiếc thương và nước mắt tuôn trào, cháu ngoại tôi năm nay lên lớp 7 đến nhà: “Ông ơi. Cháu thương Ông Nguyễn Phú Trọng lắm, cả nhà cháu ai cũng khóc”. Ông cháu tôi cùng đọc bài thơ rồi hai ông cháu lại khóc, cháu lấy giấy đưa cho tôi thấm nước mắt rồi hai ông cháu tôi cùng ngồi lặng lẽ. Một nỗi buồn khôn tả… Suốt tuần qua Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên đưa tin về Tổng Bí thư, về tấm gương tận hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân đến hơi thở cuối cùng, trên các trang mạng xã hội  trong nước và ngoài nước cùng đưa tin rất nhiều, tất cả, tất cả đều với một niềm kính trọng và tiếc thương vời vợi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Giờ đây Người con ưu tú của non sông đất nước Việt Nam đã về cõi vĩnh hằng, song hình ảnh của Người còn sống mãi trong lòng đồng bào, đồng chí và bạn bè khắp năm châu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có thể nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vĩ nhân đương đại, về uy tín và khí chất cách mạng, về trí tuệ và sự cống hiến, về rèn luyện phong cách đạo đức với lối sống quần chúng giản dị, về tấm gương cần kiệm liêm chính chí công vô tư, về tầm cao tri thức văn hóa và đức khiêm nhường, về tính nhân văn và lòng nhân hậu, về tầm ngoại giao và quan hệ quốc tế… Người là một hình mẫu tiêu biểu, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một gia đình rất đỗi bình dị mang đậm chất văn hóa truyền thống thuần Việt mà chứa đựng một hạnh phúc lớn lao. Người luôn đặt mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh” lên trên hết, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng Cộng sản chân chính, không vì lợi ích cá nhân. Tôi đã đọc những trang viết của những người được sống và làm việc cùng Bác Trọng nhiều năm, những vật dụng cá nhân như kính đeo mắt, cặp công tác, tấm áo khoác mùa đông… đã đi theo Bác từ vài chục năm nay, nhà ở của hai Bác hiện nay là nhà ở công vụ, trước đó cả gia đình Bác 5 người đã từng ở một căn hộ tập thể hơn 10 năm chỉ có 25m2, ở quê đẻ hiện nay Bác chỉ có phần đất của ông cha để lại, hai vợ chồng Bác chỉ có một ít tiền gửi tiết kiệm và mua công trái… Liên hệ với quá trình công tác của Bác Trọng, Người đã được giao rất nhiều trọng trách từ vị trí một cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị cho đến những vị trí đứng đầu Đảng và Nhà nước, bất kỳ ở cương vị nào Người cũng chỉ một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân không màng danh lợi. Từ khi còn ở nhà trường Bác Trọng luôn là học sinh, sinh viên tiêu biểu; xuyên suốt quá trình công tác Bác luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Khi Bác Trọng được bàu làm Chủ tịch Quốc hội, lên phát biểu nhậm chức Bác đã vận một câu Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không”, không chỉ ở đức khiêm tốn mà Bác muốn tự nhắc mình phải toàn tâm toàn ý khi gánh vác trọng trách nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế đất nước mới chuyển sang cơ chế thị trường, những nảy sinh tất yếu của mặt trái đã trở thành vấn nạn tiêu cực hệ lụy đến sự an nguy của chế độ, đồng thời cũng là sự tiên đoán và khuyến cáo đối với nhiệm vụ của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ trước mắt cũng như lâu dài. Một câu vận Kiều ấy cũng đủ cho thấy được sự uyên bác, tầm nhìn xa của một vĩ nhân như Bác Trọng.

Tôi được tiếp xúc với Bác Trọng tuy không nhiều nhưng đọng lại trong tôi từ những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy là hình ảnh của một nhân cách lớn. Tại Đại hội Tỉnh Đảng bộ Ninh Bình lần thứ 19 nhiệm kỳ 2005 - 2010, Bác Trọng trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội được Bộ Chính trị phân công về dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, bài phát biểu, phong cách và giọng nói của Bác thật là ấm áp, gần gũi, giản dị mà mang một tầm cao trí tuệ. Ngoài lề Đại hội Đoàn Chủ tịch đại hội được tiếp xúc với Bác, khi Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Tuyên giới thiệu chức danh và sau đó tôi được bắt tay Bác, Bác có nói một câu rất vui: “Là Bí thư Thị ủy “bạn” phải nhớ thị xã là một đô thị tỉnh lỵ, bộ mặt của cả một tỉnh nên cần phải nỗ lực hết sức mới xứng tầm được, rồi còn phải phát triển lên thành phố nữa chứ…”. Câu nói ấy như một động lực thúc đẩy tôi luôn hết sức cố gắng trong thời gian 2 năm còn lại cùng Đảng bộ, quân và dân thị xã nên chỉ trong 4 năm sau khi mở rộng địa giới, thị xã Ninh Bình đã trở thành thành phố vào tháng 2 năm 2007. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10, Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình được ở cùng Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tại khách sạn Hồng Hà, lần thứ hai tôi được tiếp xúc với Bác Trọng, những câu thăm hỏi, những cái bắt tay nồng ấm chân tình hẳn nhiều người trong Đoàn chúng tôi còn nhớ. Những bữa cơm chiều tại khách sạn, mỗi mâm cơm 6 đại biểu thì được tiêu chuẩn 6 chai bia Hà Nội có nhãn in dòng chữ “Bia phục vụ Đại hội Đảng”, các anh ở Đoàn Hà Nội bữa nào cũng mang sang tặng Đoàn Ninh Bình, chúng tôi hỏi: “Sao các anh không uống?”, anh Nguyễn Quốc Triệu - Chủ Tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời: “Anh Trọng không uống nên mọi người không ai uống”. Anh em trong Đoàn đại biểu Hà Nội không phải là sợ thủ trưởng mà thể hiện sự nể trọng đối với Bác. Mỗi lần gặp Bác Trọng tôi cảm nhận được ở Bác một gương mặt phúc hậu, song cũng rất cương nghị và đáng kính, Bác cười một nụ cười hiền hậu bao dung. Bác Trọng ngồi Đoàn Chủ tịch Đại hội, Bác được phân công tổng hợp ý kiến thảo luận và giải trình những nội dung góp ý vào bản Báo cáo Chính trị đã trình trước Đại hội, sau mỗi lần Bác trình bày hầu như các Đại biểu đều cảm thấy thỏa mãn và nhất trí cao. Bác Trọng là một cây lý luận sắc bén, nhuần nhuyễn đến độ uyên bác, đó là những tư duy lý luận phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế của đất nước, của thời đại với xu thế tất yếu trong quá trình vận động phát triển và hội nhập của đất nước chúng ta.

Khi Bác đảm nhận các chức vụ Chủ tịch Quốc hội, rồi Tổng Bí Thư, Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch Nước, tuy công việc lãnh đạo, chỉ đạo rất bận song Bác vẫn dành không ít thời gian đi thăm các vùng miền của Tổ quốc, dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và Tây Bắc là những nơi đặc biệt khó khăn; thăm và động viên các đơn vị lực lượng vũ trang, các đơn vị kinh tế, các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ. Bác luôn coi trọng mặt trận văn hóa, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong nhiều bài viết, bài phát biểu quan trọng Người thường vận dụng và dẫn dụ bằng những đoạn văn, những câu thơ, những nội dung trích từ các tác phẩm nghệ thuật mang tính kinh điển làm cho bài viết, bài nói thêm sinh động, thêm sâu sắc, chỉ có kiến thức và tư duy uyên bác mới làm được như vậy. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong bài phát biểu với vai trò Tổng Bí thư, Bác nhấn mạnh: “Di sản Văn hóa là tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng và phát huy nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, cha ông chúng ta”. Một cách nói rất gần gũi, giản dị mà hàm chứa tính nhân văn sâu sắc thấm sâu vào lòng người, cách nói như vậy đã thể hiện một nhân cách tiêu biểu Nguyễn Phú Trọng.  

Trong bối cảnh phát sinh nhiều sự việc tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ đảng viên làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, suy giảm sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, trên cương vị Tổng Bí thư Bác Trọng đã đứng ra đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một nhiệm vụ hết sức nặng nề, vô cùng khó khăn nhưng lại đòi hỏi hết sức cấp bách. Hình ảnh “đốt lò” chống tham nhũng mà người nhóm lò là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đủ cho thấy lòng trung kiên, nhất mực vì Đảng vì dân của người chiến sĩ Cộng sản chân chính, sự trong sáng, đầy bản lĩnh và trí tuệ của Bác Trọng. Sự hoài nghi ban đầu về chiến dịch “đốt lò” giờ đây không còn nữa, ngọn lửa trong lò chống tham nhũng đã rực cháy xóa đi sự hoài nghi ấy, thay vào đó là niềm tin và sự mong đợi của quần chúng nhân dân, có thể nói ngọn lửa đang cháy là ngọn lửa của Người Anh hùng hào kiệt trong lịch sử đương đại.

Trong ngoại giao quốc tế, bằng uy tín và tầm trí tuệ của mình, Bác Trọng đã đại diện cho toàn Đàng, toàn quân và toàn dân ta nâng vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới. Nguyên thủ các cường quốc đã đến Việt Nam với một thái độ tôn trọng; lần đầu tiên Chính phủ Mỹ đã đón Bác Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với nghi thức đón một Nguyên thủ quốc gia. Người đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế những ấn tượng và hình ảnh tốt đẹp nhất cùng với sự nể trọng. Bác Trọng là một trong những người ghi nhớ và đã góp công lớn vào việc thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách xuất sắc: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. (Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/9/1945)        

Càng liên tưởng về hình ảnh của Bác Trọng bao nhiêu tôi càng cảm thấy xúc động đến nghẹn ngào bấy nhiêu. Văn phong nào tả xiết nỗi đau thương mất mát lớn lao này. Trong bài viết tôi đã gọi Người là Bác để được coi Bác như một người thân ruột thịt kính yêu của mình. Kính trọng Bác bao nhiêu tôi càng cảm thấy trách nhiệm đảng viên và công dân của mình lớn hơn. Là một cán bộ đã nghỉ hưu, tham gia hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, trong quãng đời còn lại xin nguyện noi gương Người về giữ gìn phẩm chất đạo đức và lối sống giản dị khiêm nhường; đọc và viết đặng góp phần nhỏ bé phục vụ lợi ích chung của quê hương, đất nước. Tưởng nhớ Bác Nguyễn Phú Trọng với một tấm lòng thành kính, tôi xin được nêu lại một trích đoạn trong tác phẩm văn học “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nicolai Ostrovsky theo cách vận dụng, ý chí và phong cách thể hiện của Bác Trọng: “Cái quý nhất của con người ta là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân”.

 Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Kết thúc bài viết này vào thời khắc sắp khép lại ngày Quốc tang cuối cùng. Xin thành kính cúi đầu vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu!

Ngoài trời hôm nay bỗng bừng lên sắc nắng, ngan ngát dâng đầy hương thơm từ một đóa sen hồng, đóa sen trong lòng mỗi người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc nối bước nhau đến dâng hương và đưa tiễn Bác Nguyễn Phú Trọng kính yêu về nơi an nghỉ cuối cùng với niềm tiếc thương vô hạn. Đất trời đang tỏa ánh hào quang đón người về cõi vĩnh hằng gặp Bác Hồ, gặp các cụ Các Mác - Lê Nin vĩ đại cùng các Hiền nhân Đất Việt. Nước mắt của cuộc đời vì thương nhớ Người còn mãi chưa vơi…      

Trong niềm xúc động ấy bỗng hiện lên trong đầu tôi hai câu thơ trong bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu:

“Mong manh áo vải hồn muôn trượng

 Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”!     

                                                                                            Ninh Bình, Chiều 26/7/2024

Bài viết khác