TỐNG XUÂN ĐIỂN
Thú chơi diều có ở nhiều nước, phổ biến là tại các vùng quê. Mỗi chúng ta, ai cũng có một quê hương để nhớ và một tuổi thơ ấp đầy kỷ niệm. Hình ảnh những con diều lơ lửng trên không trung trong những ngày xuân ấm áp hoặc ngày hè rực nắng mà lũ trẻ chúng tôi hồi còn bé say mê đến mức quên cả ăn, thật là ấn tượng.
Làm diều thật đơn giản, chỉ bằng những vật liệu thông thường dễ kiếm như tre, nứa, giang, giấy với một ít dây thép buộc là ta có thể tạo nên những con diều đủ các kích cỡ, chủng loại. Để diều được bền chắc, lâu hỏng có thể thay giấy bằng vải hoặc lụa và sau khi phất giấy hoặc căng vải lên khung bằng keo dính hoặc sơn, người ta còn hồ diều bằng mấy lớp nhựa được chế từ các loại vỏ cây như cậy, nhội..
Kỹ thuật làm diều cốt ở khâu chế tác sao cho lèo cánh được cân đối, hài hoà, tạo điều kiện thuận gió để diều bay được cao và ổn định. Muốn diều đẹp, người ta trang trí những hoa văn trên thân diều hoặc đeo vào cánh diều những dải tua màu. Người ta cũng có thể chế ra những con diều theo nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, nhất là trong các cuộc thi diều thì có lắm kiểu diều lạ mắt như cánh phượng, đuôi công, có cái trông giống hình tam giác.
Ngày hè Ảnh: PHẠM DUY KIM
Diều phải có dây. Dây diều thường làm bằng các chất liệu khác nhau như gai, tơ, bông hoặc ni lông,... Dây diều là vật nối, nó neo giữ con diều với mặt đất. Dây diều tuy đơn giản nhưng cần phải bền chắc không thì "Buồn nào bằng kẻ chơi diều đứt dây"!
Chơi diều chỉ có diều không thì quá bình thường, muốn nâng lên mức diệu nghệ, người ta phải gắn một cây sáo lên lưng con diều để nó vi vu tít trên tầng không suốt cả ngày đêm mới thật là khoái. Sáo diều được tạo bởi một ống khá to làm bằng ống tre hoặc gỗ khoét rỗng, hai đầu có lỗ để gió thổi qua mà phát thành tiếng. Sáo diều thường được sơn đen bằng hắc ín, nếu diều không quá cao, ngước lên còn trông thấy sáo như một vệt ngang nằm giữa cánh diều.
Tiếng sáo diều thật kỳ diệu, nó không thổi bằng hơi người mà thổi bằng gió trời với một âm vực lâng lâng trầm bổng, nghe cứ dập dìu khêu gợi nhớ nhung. Mỗi khi nghe tiếng sáo diều, ta hình dung ra một cánh đồng quê lộng gió, một xóm nhỏ bình yên, để rồi những người đi xa vì miếng cơm manh áo hoặc sa ngã nhất thời mà phải phiêu dạt, nổi chìm nơi đất khách phải thốt lên: "Xa quê nhớ tiếng sáo diều/ Ngõ quê ai ngả bóng chiều còn chăng?"
Đó là nỗi lòng của người xa xứ. Còn những người chốt ở quê nhà suốt đời từ lúc oa oa tiếng khóc chào đời đến khi gần đất xa trời bỗng nhớ về tiếng sáo diều thuở ấu thơ như vẫn còn ngỡ ngàng, bồi hồi trước bao kỷ niệm và tự hỏi: "Ai treo tiếng sáo lên không/ Vi vu đến tận cõi lòng mình đây?"
Người ta nhớ về một cảnh tượng thật hoành tráng, giữa bầu trời trong xanh, một con diều lơ lửng lúc đứng im, lúc trao đi trao lại với một cái dây lúc rõ, lúc mờ, cứ quét những hình nón lộn ngược mơ hồ lên bầu trời. Có khi tưởng như diều không có dây, chỉ thấy những mảng mây vèo qua cánh diều và ta tưởng tượng lúc này còn có gió. Gió đẩy mây và nâng diều lên nhưng không quên có một cái dây cứ vô tư, ngang nhiên như rạch trời theo vô vàn lát cắt.
Mùa chơi diều có thể vào mùa xuân trong những ngày ấm áp nhưng thích hợp nhất vẫn là vào mùa hè, bởi mùa này nhiều nắng, nhiều gió. Chơi diều khoái nhất là lúc nằm khểnh cùng bạn bè hoặc một mình dưới bóng tre xanh cuối làng mà nghe tiếng sáo lúc trầm lúc bổng, khi khoan khi nhặt, nghe như có ai giãi bầy tâm sự và lòng ta ở thời khắc đó thật thanh thoát như quên hết mọi nỗi buồn nơi trần thế.
Bởi vậy dù ở đâu, đi đâu hoặc trong những khoảnh khắc nào đó của cuộc đời, người ta vẫn nhớ về những cánh diều, nó gắn liền với những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ; đặc biệt tiếng sáo diều là tiếng lòng, là hồn quê muôn thuở của mỗi người, nó gắn kết ta với quê hương, xứ sở. Đúng là: "Người đi muôn nẻo vẫn người/ Cánh diều chỉ một khoảng trời mà quê/ Lời thương giăng mắc lối về/ Cánh diều giăng mắc hồn quê với mình!"
T.X.Đ
(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)