Thứ hai, 07/10/2024

Trung tướng Bùi Bá Định thành công từ giá trị tổng hòa

Thứ hai, 24/05/2021

ĐỖ TRUNG HIẾU

Lần đầu tiếp xúc với Trung tướng Bùi Bá Định tại Hà Nội, chúng tôi khá bất ngờ khi được biết sau khi nghỉ hưu ông đã không ở lại Thủ đô, mà về Ninh Bình sống. Vì sao ông lại quyết định như vậy? Không trả lời thẳng vào câu hỏi của chúng tôi, vị tướng sinh năm 1955 giãi bày tâm sự...

Trung tướng Bùi Bá Định

Nặng nghĩa quê hương

“Quê tôi nghèo lắm! Cuộc sống nhọc nhằn nên giọng nói của người dân quê tôi cũng nặng.” Tướng Định bộc bạch đầy thương cảm khi nói về nơi chôn nhau cắt rốn: Thôn Liêu Thượng, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô. Qua miêu tả của ông, chúng tôi hình dung ra một miền quê thanh bình nằm bên bờ sông Vạc, bà con hai xứ đạo Yên Liên, Phú Thuận sống hòa thuận với bà con bên lương. Tuổi thơ của ông thấm đẫm cả tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ. Trở đi trở lại trong câu chuyện của ông là hình ảnh một con ngòi nối từ nhánh sông Vạc phía trên Chùa Tháp chảy qua làng Luận, tới cống Sa rồi lại chảy ra sông Vạc. Nước con ngòi trong veo, trở thành cái giếng chung để cả làng gánh về thổi cơm, nấu bánh... Mỗi năm làng tổ chức tát ngòi bắt cá một lần, đông vui như hội.

Tướng Định nhắc nhiều tới con ngòi này là phải, bởi nó gắn với ông suốt cả thời niên thiếu theo cha men con ngòi này ra sông Vạc giăng lưới đánh dậm bắt cá cua tôm ếch...; bờ ngòi là con đường hàng ngày cậu học trò Định tới trường với bao kỉ niệm thân thương. Và bờ ngòi với hai hàng cây tỏa bóng xum xuê cũng chính là nơi chàng thanh niên Bùi Bá Định gặp và hò hẹn với cô gái Dương Thị The cùng làng vào những đêm trăng sáng. Cũng trên con đường bờ ngòi này, hai người đã chở nhau bằng xe đạp đi học suốt những năm cấp ba...

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi quyết liệt, không khí chiến trận hừng hực bay về làng khiến nhiều thầy giáo và học sinh trường Phổ thông cấp 3 Tạ Uyên không thể yên lòng đến lớp, nhiều người đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Chàng học sinh Bùi Bá Định khi ấy đang học dở lớp 10 cũng muốn tham gia vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng gia đình lại có anh trai là Bùi Bá Nhận vừa hi sinh ở mặt trận phía Nam nên không được xét. Với suy nghĩ không được trực tiếp chiến đấu thì phải làm một công việc nào đó góp phần vào sự nghiệp chung, chàng đã xung phong gia nhập lực lượng công an để giữ gìn trật tự trị an hậu phương. Và chàng đã được tuyển vào làm việc tại Ty Công an Ninh Bình.

Tướng Định bồi hồi nhớ lại những tháng năm chiến tranh. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Khánh Thịnh quê ông là xã đứng đầu huyện Yên Mô trong phong trào thi đua yêu nước, từ nhiệm vụ tuyển quân cho đến xây dựng hợp tác xã, bảo vệ trị an...

“Người quê tôi mạnh mẽ, hào sảng và trọng nghĩa khí”, tướng Định không giấu niềm tự hào khi khẳng định khí chất người Khánh Thịnh nói riêng và người Yên Mô nói chung. Theo ông, khí chất này được hun đúc từ lâu đời bởi vùng văn hóa sông Vạc. Chả thế mà từ thời Đinh, Đinh Điền, một thuộc tướng của Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân đã chọn Yên Mô để xây dựng căn cứ, quy tụ dân của các làng sống bên sông Vạc làm lực lượng. Suốt các triều đại sau, người Yên Mô luôn hướng theo nghĩa cả, phò chính thống, chống ngoại xâm. Chỉ riêng thời Lê, sách Đại Nam nhất thống chí có nói đến “Trường Yên thất hào” – bảy người nổi tiếng của Ninh Bình thì Yên Mô đã có tới 4 vị: Thị độc Ninh Tốn, người Côi Trì (Yên Mỹ, Yên Mô), Hiến phó sứ Nguyễn Đình Chí, người Bồ Xuyên (Yên Thành, Yên Mô), Thiêm sự Trịnh Xuân người Yên Liêu (Khánh Thịnh, Yên Mô) và Tham chính Phạm Kiêm Huyền người Thiên Trì (Yên Mạc, Yên Mô). Tiếp nối truyền thống đó, đến thời Kháng chiến chống Pháp, dù Yên Mô là vùng bị địch tạm chiếm nhưng người dân vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, nuôi giấu cán bộ, diệt ác trừ gian...

Tướng Định cũng cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chỉ riêng xã Khánh Thịnh quê ông đã có tới 195 liệt sĩ, 17 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 3 Huân chương Lao động, 3 Huân chương Chiến công; đặc biệt năm 2001 xã Khánh Thịnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kì chống Mỹ.

Với tướng Định, vùng quê Khánh Thịnh, Yên Mô không chỉ nuôi dưỡng, kiến tạo tâm hồn, mà còn là động lực để ông vươn lên cho xứng đáng với truyền thống quê hương. Vì thế, sau khi gia nhập lực lượng công an, ông đã không ngừng rèn luyện, học tập, phấn đấu. Tháng 7 năm 1975 ông vinh dự được kết nạp Đảng khi tròn hai mươi tuổi. Tháng 10 năm 1975, sau nhiều đêm miệt mài ôn luyện với ngọn đèn dầu, ông đã trúng tuyển vào Đại học An ninh nhân dân khóa D7. Suốt năm năm ở trường, ông là hạt nhân tiêu biểu trong phong trào học tập của lớp B2 với điểm số luôn hàng top. Ông cũng đã đoạt giải Ba kì thi học viên giỏi môn Lí luận chính trị dành cho sinh viên các trường đại học ngành Công an. Và năm 1980, với bằng tốt nghiệp loại Giỏi, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Tuy nhiên, sau sáu năm giảng dạy, phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì nhớ quê, ông lại xin chuyển về làm Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Kinh tế huyện Yên Mô.

Nhớ về giai đoạn này, Trung tướng Bùi Bá Định không khỏi bồi hồi. Đây là lúc ông được mang những lí luận áp dụng vào thực tiễn. Người dân Hà Nam Ninh những năm đó rất quen với hình ảnh một cán bộ công an trẻ luôn xông xáo trong công việc, có mặt kịp thời ở các điểm nóng. Tiếng là công tác ở quê nhưng vì tình hình trật tự trị an phức tạp, ông luôn vắng nhà. Khi có án, bất kể thời gian nào ông đều lập tức lên đường. Có lần ông đã phải tức tốc đi xe xít-đờ-ca vào tận Nghệ An để truy bắt một tội phạm liên quan đến vụ án trộm cắp hàng hóa ở Sở Thương nghiệp.

“Thời kì này mình hăng hái lắm, thành công cũng nhiều, nhưng cũng có vụ do nôn nóng nên thất bại” – tướng Định thẳng thắn thừa nhận. Ông bảo, nhiệm vụ của cán bộ hình sự khó khăn lắm, nên gặp thất bại là bình thường. Vấn đề là mình dám thừa nhận thất bại, lấy thất bại làm bài học quý báu để rút kinh nghiệm. Nhờ nhận thức rõ ràng như thế nên ông đã không ngừng trưởng thành và đã nhận được sự tín nhiệm đề bạt lên các chức vụ cao hơn: tháng 9/1989 là Phó trưởng Công an huyện Yên Mô; tháng 4/1992 là Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Ninh Bình; tháng 2/1999 là Phó Giám đốc và tháng 2/2001 là Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình; tháng 6/2009 là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; tháng 7/2010 là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (sau này là Tổng cục Chính trị Công an nhân dân).

Như vậy là trong 45 năm công tác, trừ 6 năm làm giảng viên ở Đại học An ninh và 8 năm ở Bộ Công an, tướng Bùi Bá Định đã có tới 31 năm gắn bó với quê hương Ninh Bình. Đời công tác được gắn bó với miền đất thân thương quả là một hạnh phúc lớn. Thế nên ông luôn cảm thấy rạo rực niềm vui về quê hương đang ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nói riêng về xã Khánh Thịnh, tướng Định tự hào: “Đảng và chính quyền địa phương luôn đoàn kết phấn đấu xây dựng nên xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng cao”.

Mặc dù tướng Định không muốn kể về những đóng góp của mình cho quê hương nhưng chúng tôi đã về Yên Mô tìm hiểu và được biết, mặc dù nghỉ hưu nhưng tướng Định vẫn không ngừng tham gia hoạt động xã hội, vận động quyên góp ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, nâng cấp hệ thống điện, đường, tu bổ các công trình văn hóa...

Vào những tháng giữa năm 2020, người dân Yên Liêu Thượng, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô đang vui mừng chứng kiến hai chiếc cổng làng dần hoàn thành. Vị trí đặt hai cổng tiền và hậu từ hai đầu con đường chạy song song với con ngòi chảy ra sông Vạc, bờ ngòi được trồng một hàng cau rất đẹp.

Với người Việt, cổng làng không chỉ là nơi phân định ranh giới, mà còn là biểu tượng văn hóa của mỗi làng quê. Các cụ già trong làng Yên Liêu Thượng cho biết, thời xưa cổng được làm bằng tre. Đến những năm 70 của thế kỉ trước cổng được thay bằng gỗ, thiết kế theo lối cổng chào nhưng đã hư hỏng theo thời gian. Từ đó, ước mơ về một chiếc cổng làng to đẹp, kiên cố luôn thường trực trong tâm thức người dân Yên Liêu Thượng.

Trung tướng Bùi Bá Định có chung tâm tư với dân làng. Nhưng vấn đề đặt ra là tiền ở đâu?

Một ngày, cộng đồng mạng bất ngờ khi thấy vị tướng 65 tuổi lập facebook kêu gọi quyên góp dựng cổng làng. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền đóng góp đã được gần 2 tỉ đồng. Tướng Định đã giao toàn bộ số tiền đó cho Ban Quản lí công trình, còn mình nhờ bạn bè là các họa sĩ, kiến trúc sư vẽ thiết kế. Sau nhiều vòng lựa chọn, mẫu cổng cổ truyền theo kiểu tam môn một cửa chính hai cửa phụ, mái ngói ba tầng với những ngọn đao cong vút được chọn.

Trò chuyện với tướng Định khi ông đang đội mũ cối theo dõi thi công, chúng tôi được biết, sở dĩ lời kêu gọi của ông được nhiều người đồng tình ủng hộ là bởi quê ông có nhiều người thành đạt, họ luôn hướng về quê hương và mong có dịp được báo đáp. Bằng giọng cảm động chân thành, tướng Định thổ lộ: “Chúng tôi được như ngày nay là nhờ quê hương nghĩa nặng tình sâu, thế nên việc báo đáp bao nhiêu cũng là chưa đủ”.

Trọng chữ thánh hiền

Tới thăm ngôi nhà nơi tướng Định được sinh ra và sống suốt thời niên thiếu, chúng tôi rất ấn tượng bởi một không gian đậm nét làng quê đồng bằng Bắc bộ. Một khoảng sân gạch rêu phong. Khu vườn với một hàng cau cao vút xen những khóm mẫu đơn đỏ, hoa ngâu trắng... Ngôi nhà cổ cột kèo rui mè gỗ, mái lợp ngói ri theo kiến trúc truyền thống Việt đã được tướng Định tu sửa thành nhà thờ. Không gian trầm mặc với hai bộ đại tự và câu đối chữ Nho sơn son thếp vàng đã ánh lên màu thời gian.

Lần theo gia phả, chúng tôi ngạc nhiên khi biết tổ tiên của tướng Định vốn là một gia đình hiếu học họ Nguyễn ở Nam Định. Khi vào Ninh Bình lập nghiệp, người anh cả là Nguyễn Đình Trị đã xuất gia vào chùa tu hành trở thành một hòa thượng đạo hạnh, yêu nước thương dân, có công lớn trong phát triển Phật giáo nên được triều đình nhà Nguyễn phong đạo dụ miễn thuế, miễn phục dịch, hiện xá lị của ngài được đặt tại chùa Phương Ba. Trải qua các thế hệ, dòng họ có nhiều người theo Phật, số đinh cứ ít dần nên một chi đã cải sang họ Bùi. Noi theo tổ tiên, chi họ này luôn giữ được đức hiếu học, trở thành một dòng họ khoa bảng, nhiều người học rộng tài cao. Thân sinh của tướng Bùi Bá Định là cụ Bùi Bá Nhượng, người nổi tiếng giỏi chữ Nho trong vùng. Mang cốt cách kẻ sĩ, cụ không ham khoa cử, chỉ thích thú làm công việc nơi ruộng vườn sông nước, chú tâm nuôi dạy con cái. Tướng Định cho rằng, nhân cách và trí tuệ của cha và sự tảo tẩn chịu thương chịu khó của mẹ đã ảnh hưởng rất lớn đến các con, cả năm anh em của tướng Bùi Bá Định gồm ba trai hai gái đều học giỏi, trưởng thành, tham gia công tác xã hội và đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một điều hiếm thấy ở một làng quê.

Sau khi thắp hương lên bàn thờ gia tiên, tướng Định giới thiệu với chúng tôi những bộ chữ trong nhà thờ.

Bộ thứ nhất có từ trước năm 1940, bức đại tự có ba chữ Đại Gia Cát, nghĩa là nhà đại gia mãi cát tường; đôi câu đối Chi lan thất nhập hương văn cửu/ Đào lí môn cao sắc ảnh thâm, nghĩa là nhà danh gia vọng tộc mãi toả hương, nhà có học hành thì sâu sắc.

Bộ chữ thứ hai do một đại thư pháp Đài Loan viết tặng năm 2007 khi đoàn Phật giáo Đài Loan sang thăm tỉnh Ninh Bình. Bức đại tự có bốn chữ Trường phát kì tường, nghĩa là mãi mãi phát tường phúc đức đôi câu đối Cần kiệm trì gia nông công thương cổ các cư nghiệp/ Văn chương hoa quốc tổ khảo cao tằng nãi uý tâm, nghĩa là cần kiệm giữ nếp nhà làm các nghề nông công thương đều an vui, nhà có học hành văn chương nổi tiếng từ cao tằng tổ khảo đều thoả mãn vui vẻ.

Nghe tướng Định say mê giảng giải chữ nghĩa, chúng tôi đã hiểu tâm nguyện của người xưa muốn truyền lại cho con cháu thông qua những bộ chữ đã thấm đẫm vào con người tướng Định, thấm một cách tự nhiên và bền bỉ, tác động sâu sắc đến quan điểm sống của ông.

Là người yêu chữ nên ông rất trọng những người làm nghề chữ nghĩa. Bởi thế khi giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Công an, ông rất quan tâm đến hoạt động sáng tác văn học. Ông đã chỉ đạo Nhà xuất bản Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trại sáng tác với chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” tại Đà Lạt năm 2014. Trại đã quy tụ được nhiều cây bút tên tuổi cả trong và ngoài ngành tham dự, được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tới thăm hỏi và chúc mừng. Năm 2015 ông lại chỉ đạo tổ chức sự kiện “Những trang sách vàng 70 năm Công an nhân dân” để tôn vinh những tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tác và xuất bản của ngành. Đây là chương trình độc đáo, phát trực tiếp trên sóng VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam, thu hút được sự quan tâm lớn của khán giả cả nước; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và trao quà lưu niệm cho 20 nhà văn tiêu biểu cả trong và ngoài ngành Công an.

Ngay từ hồi còn công tác ông đã dành nhiều thời gian chơi với anh em văn nghệ sĩ hơn, cả ở Ninh Bình và Hà Nội. Ông chơi với họ với tư cách bạn bè gần gũi từ trước. Trong những buổi trò chuyện bàn về văn chương chữ nghĩa, tướng Định luôn say mê khi bàn về chữ cổ. Trong các chữ thánh hiền, ông rất coi trọng chữ Đức. Chữ Đức được kết hợp từ 3 bộ chữ là: Sách, Trực, Tâm. Chữ Sách có nghĩa là bước đi, hành động. Chữ Trực nghĩa là ngay thẳng, chính trực. Chữ Tâm mang ý nghĩa về sự suy tư, về ý nghĩ, tư duy. Hiểu khái quát, chữ Đức là biểu hiện của sự tư duy, bước đi, hành động đều phải ngay thẳng, chính trực, tức là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình. Thế nên, không chỉ treo chữ Đức trong nhà, tướng Định còn đặt làm nhiều khung chữ Đức để tặng anh em, bạn bè... như một món quà tinh thần giàu ý nghĩa.

Các cụ dạy “Có đức mặc sức mà hưởng”, câu này rất đúng với tướng Định. Suốt quá trình làm việc ông luôn hướng đến chữ Đức để hoàn thiện mình. Chữ Đức không chỉ trở thành triết lí sống của ông, mà còn là phương châm giáo dục con cái. Tiếp thu tinh thần của bố, các con ông, đều hiếu học, thành đạt, trở thành những cán bộ, trí thức giàu năng lực trong các bộ ngành. Con gái đầu của ông là Bùi Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1979 học Học viện Tài chính, hiện làm việc cho Tổng Công ty Tiền gửi Việt Nam. Con trai thứ hai là Bùi Thành Đạt sinh năm 1981, cả hai vợ chồng đã có học vị tiến sĩ và đều là cán bộ cấp phòng của Bộ Công an. Con trai út là Bùi Bằng Đoàn (cái tên do ông ngoại đặt vì quá mê thơ của nhà thơ Bùi Bằng Đoàn), hiện cũng là cán bộ công an tỉnh Ninh Bình. Nhờ tôn thờ chữ Đức mà tướng Định có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau; các con trai gái dâu rể đoàn kết, sống mẫu mực, kính trọng bố mẹ; 6 đứa cháu nội ngoại khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi.

Yêu ngành, quý thương đồng đội

Trung tướng Bùi Bá Định là cán bộ được đào tạo bài bản, có ba bằng cử nhân Đại học An ninh nhân dân, Cử nhân Luật, Cử nhân chính trị. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ ở nhiều lĩnh vực, vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều dấu ấn sáng tạo. Ông đã được tặng thưởng Huy chương Vì an ninh Tổ quốc; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương chiến công hạng Ba (đột xuất); Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương chiến công hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý của các bộ, ngành, đoàn thể. Năm 2020 ông vinh dự được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

Tướng Định cho rằng mình may mắn vì ngay từ khi chập chững vào ngành, ở Phòng nghiên cứu tổng hợp Ty Công an Ninh Bình ông đã được sống và làm việc với những cán bộ công an ưu tú, những bậc thầy về cả nghiệp vụ và nhân cách. Ông dành sự biết ơn kính trọng với những người như Trưởng ty Công an Phạm Văn Bổng, các Phó ty Đỗ Trọng Tuyến, Nguyễn Xuân Y và Trưởng phòng Nguyễn Hữu Lân. Họ là những tấm gương sáng về phương pháp làm việc khoa học, lối sống mẫu mực. Ông đã được theo họ đi phá án, đi thị sát hiện trường trong những ngày Mỹ ném bom các vị trí trong tỉnh, quan sát, lắng nghe thông tin nhiều chiều, ghi chép, phân tích tỉ mỉ, từ đó đưa ra những phương án xử lí linh hoạt... Ông đã vô cùng khâm phục những thủ trưởng của mình ban ngày bám sâu bám sát địa bàn, đêm về cơ quan chong đèn dầu nghiên cứu tận khuya...

Với tướng Định, những người này là điển hình của người chiến sĩ công an nhân dân. Chính họ đã tác động sâu sắc đến nhận thức của ông từ những ngày đầu vào ngành, giúp ông kiến tạo tư duy, hình thành tầm nhìn, xây dựng tác phong, phong cách chỉ huy lãnh đạo sau này. Bởi vậy trong suốt quá trình công tác ông luôn đau đáu về việc giữ gìn hình ảnh.

Là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên, hình ảnh người chiến sĩ công an trở thành biểu tượng sinh động trong mắt nhân dân trong suốt những tháng năm đất nước có chiến tranh. Nhưng bước vào thời kinh tế thị trường, lực lượng công an phải đương đầu với vô vàn thử thách. Ngoài nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, họ còn phải đối diện với rất nhiều cám dỗ. Nếu bản lĩnh không vững, tinh thần không cao, cái tâm không sáng là rất dễ sa ngã. Bởi thế, ngay từ khi công tác ở Công an Ninh Bình, ông đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm giữ gìn và xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân trong thời kì mới. Những đề án “Xây dựng chuẩn mực văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ chiến sĩ công an”, “Đề án luân chuyển cán bộ thuộc lực lượng cảnh sát giao thông phòng ngừa sai phạm”, “Đề án tăng cường lực lượng cho cơ sở và đơn vị trực tiếp chiến đấu, xây dựng công an cấp huyện vững mạnh toàn diện”, “Đề án cái cách hành chính trên các lĩnh vực công tác công an liên quan đến tổ chức và công dân”... đã được Bộ Công an đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng ra toàn quốc.

Nhiều năm công tác ở địa bàn có tình hình tôn giáo phức tạp, tướng Định đã phải trăn trở rất nhiều mỗi khi đứng trước một sự kiện xung đột. Đã sống cùng với bà con giáo dân từ bé nên ông hiểu, không thể dùng biện pháp hành chính cứng nhắc với tôn giáo được. Đối với giáo dân ở địa phương, dưới Chúa, người mà họ kính trọng và nghe lời là những cha xứ. Vì thế ông đã chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với những linh mục tiến bộ. Cương quyết và khôn khéo, ông đã lấy tình cảm cách mạng để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp họ nhận thức đúng về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từ đó xây dựng mối đoàn kết hòa ái vì lợi ích chung. Bằng biện pháp nhân văn này, ông đã thành công trong việc giải quyết êm đẹp các vụ tranh chấp, xung đột ở Cồn Thoi huyện Kim Sơn; các phường Nam Thành, Thanh Bình, Nam Bình của thành phố Ninh Bình; xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; xã Ninh Giang huyện Hoa Lư; xã Mai Sơn huyện Yên Mô; xứ Đồng Đinh xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan...

Đất nước bước vào thời kì Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa. Chủ trương lớn này đã được toàn Đảng đồng lòng, nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, lợi dụng những kẽ hở pháp luật, nhiều doanh nghiệp đã có âm mưu thâu tóm đất đai của dân để chuyển đổi mục đích sử dụng thu lợi nhuận lớn, tạo ra những cuộc khiếu kiện kéo dài nhiều nơi trên cả nước, có nơi phải sử dụng lực lượng công an trấn áp dân để giải phóng mặt bằng gây nên sự bất bình và những hệ lụy nặng nề. Ở Ninh Bình, khi tướng Định làm Giám đốc Công an, ông đã thẳng thắng: “Sử dụng công an trấn áp dân, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp là làm xấu xí hình ảnh người chiến sĩ công an”. Kiên định với quan điểm này, ông cương quyết không sử dụng lực lượng sai chức trách, nhiệm vụ. Thay vào đó ông tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban những biện pháp giải quyết ổn thỏa, đảm bảo lợi ích của đôi bên.

Là người trưởng thành từ cơ sở nên ông thấu cảm nỗi vất vả của anh em cán bộ chiến sĩ dưới quyền. Ông đã xúc động kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về những tấm gương cán bộ chiến sĩ công an hi sinh thầm lặng khi làm nhiệm vụ, những việc làm cao đẹp của lực lượng công an trong đời thường... Hiểu và yêu thương cán bộ chiến sĩ dưới quyền nên ở cương vị nào ông cũng rất quan tâm tới công tác chăm lo đời sống. Khi nhận chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tướng Định đã đi khắp các đơn vị trong toàn quốc và nhận thấy chế độ đãi ngộ ở một số vị trí, đặc biệt là ở các trại giam còn nhiều bất cập. Ông cho rằng: “Giám thị trại giam là người chịu trách nhiệm rất nặng nề, bởi phạm nhân đa thành phần, từ trộm cắp, giết người, buôn bán ma túy cho đến tội phạm kinh tế, chính trị... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các giám thị phải căng mình đối phó với muôn vàn tình huống éo le, phức tạp, vậy mà lương chỉ được xếp tương đương trưởng phòng.” Từ phát hiện này, ông đã làm tờ trình đề nghị nâng hạng tổ chức và chế độ ưu đãi cho giám thị trại giam ngang cục phó và đã được Bộ chấp nhận.

Cũng trong thời gian làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tướng Bùi Bá Định được giao xây dựng Dự án tăng cường biên chế, chế độ chính sách cho cán bộ chiến sĩ trạm cảnh sát giao thông đường thủy công an các tỉnh Nam bộ. Vẫn với tác phong sâu sát, ông đã trực tiếp lặn lội khảo sát nhiều đợt ở các tuyến sông nhiều địa phương, tiếp xúc với lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông để có cơ sở báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ quyết định thành lập 37 trạm, kiện toàn Thủy đoàn số 1 và Thủy đoàn số 2 của Cục Cảnh sát giao thông; ông cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các khoa giảng dạy nghiệp vụ cảnh sát giao thông đường thủy ở các trường Công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới.

Tướng Định đã không ngừng đóng góp sức mình vào công tác xây dựng lực lượng và dành nhiều tâm huyết cho công tác giáo dục truyền thống của ngành. Tự sâu thẳm lòng mình, ông luôn biết ơn các thế hệ tiền bối đã hi sinh xương máu trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm nên truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân. Bởi vậy khi được giao làm Trưởng Ban Quản lí xây dựng Khu di tích lịch sử An ninh khu 9 tại xã An Ninh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, mặc dù xa xôi cách trở về địa lí nhưng ông luôn bám sát hiện trường cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tập trung xây dựng công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kĩ, mĩ thuật, được lãnh đạo Bộ và chính quyền các tỉnh Khu 9 đánh giá cao. Hiện khu di tích này là địa chỉ đỏ thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ công an và nhân dân tới tham quan và tìm hiểu truyền thống.

“Tôi yêu ngành Công an, vì đó là máu thịt, là gia đình, là sự nghiệp, nơi đã đào tạo, rèn luyện tôi trưởng thành” – Tướng Định bộc lộ tình cảm chân thành. Ông tự hào khi nói về vai trò, thành tích của lực lượng công an, nhưng ông cũng không giấu nỗi buồn khi trong ngành còn có những cá nhân tiêu cực: “Sự thật thì trong ngành có cán bộ chiến sĩ, thậm chí cả những cán bộ cấp tướng đã sa ngã. Nhưng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn đại bộ phận đều là người tốt. Tôi có niềm tin tuyệt đối rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì lực lượng Công an vẫn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thử thách, xứng đáng là thanh bảo kiếm sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, là con em yêu quý của nhân dân.”

* * *

Chúng tôi tới thăm tư gia của tướng Bùi Bá Định và đã gặp được bà Dương Thị The, cô gái đã cùng chàng trai Bùi Bá Định năm xưa hẹn hò trên bờ ngòi những đêm trăng sáng giờ đã là Trung tướng phu nhân. Bà vui vẻ kể, sau gần chục năm yêu nhau, bà đồng ý lấy ông vào tháng 7 năm 1978 với một đám cưới đơn sơ được tổ chức từ 3 đến 5 giờ sáng theo “ý chỉ” của bố khi đó là Chủ nhiệm hợp tác xã “để bà con dự xong còn đi làm đồng”. Đám cưới không có tiệc mặn, chỉ có bánh kẹo, vài cơi trầu, mấy ấm nước trà, dăm bao thuốc lá. Phông trang trí là mấy cái vỏ chăn mượn của hàng xóm được gắn hai chữ Đ-T bằng xốp lồng nhau. Với tinh thần đám cưới thời chiến có từ hồi chống Mỹ, ông Bí thư Đảng ủy xã đến dự và phát biểu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Và lời dặn dò ấy quả không thừa. Đất nước bước vào hai cuộc chiến tranh mới, toàn dân toàn quân lại sôi sục khí thế sản xuất và chiến đấu. Chưa hết tuần trăng mật cặp vợ chồng trẻ phải chia tay, chàng khoác ba lô về trường, nàng ở lại quê cũng lao vào công tác, hết làm kế toán hợp tác xã lại đi học sư phạm, trở thành cô giáo dạy tiểu học.

Tướng Định cho biết, suốt mấy chục năm lặng lẽ dạy học ở làng, vợ ông đã tằn tiện hết mức, không dám ăn ngon, không dám mặc diện, gánh bao lo toan vất vả để làm điểm tựa hậu phương vững chắc cho chồng con phấn đấu.

Sau 45 năm gắn bó, cống hiến hết mình cho ngành Công an, Trung tướng Bùi Bá Định được đánh giá là một vị tướng có cả Đức lẫn Tài, thành công trong sự nghiệp.

Quả là “Sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ”, chúng tôi nhắc lại câu danh ngôn để nói về vai trò của bà The. Tướng Định cười vui: “Phải nói thế này mới đầy đủ. Thành công của tôi nhờ vào một tổng hòa các giá trị: đó là vượng khí từ truyền thống quê hương Yên Mô, hồng phúc của dòng họ Nguyễn - Bùi, điểm tựa gia đình, sự yêu thương giúp đỡ của đồng chí đồng đội trong ngành và sự nỗ lực không ngừng của bản thân”.

Tướng Định nói, ông biết ơn tất cả và mong được đền đáp tất cả. Thế nên tiếng là nghỉ hưu nhưng ông quanh năm suốt tháng bận bịu. Khi thì về làng khảo sát, đôn đốc thi công các công trình; lúc thì đi vận động quyên góp... Mỗi khi ông về nhà thì khách tới thăm rất đông; nhiều người trong ngành còn tranh thủ tham khảo ý kiến về những vấn đề trong lĩnh vực công tác được coi là sở trường của ông. Ông góp ý thẳng thắn, nhiệt tình với mong muốn còn sức còn cống hiến cho ngành.

Đối với Trung tướng phu nhân, tướng Định cho biết sức khỏe bà mấy năm nay không được tốt nên tháng nào ông cũng đưa bà lên Hà Nội, vừa để khám bệnh, vừa thăm con cháu, và cái chính, là được thể hiện tình yêu thương, chăm sóc nhau, bù trừ cho những tháng ngày gian khó. Dù đã lên ông lên bà nhưng đôi vợ chồng già vẫn gọi nhau anh em ngọt lịm.

Thấy chúng tôi trầm trồ khen giàn lan trước sân với những giò nghinh xuân, phi điệp, cattleya... rất đẹp, tướng Định bảo: “Lan của bà nhà tôi đấy”. Rồi ông giải thích, giàn lan này gây dựng từ hồi ông còn công tác. Ông mang lan về, nhưng vắng nhà suốt, có thời gian chăm đâu. Bà The tiếp lời: “Mỗi lần đi công tác ông ấy luôn dặn “em ở nhà tưới lan cho anh!”. Tôi dọa “anh cứ đi đi, coi chừng lan bị tưới nước sôi đấy!”. Kể lại chuyện cũ, ngầm trách chồng bận mải việc nước xao nhãng việc nhà, nhưng nét mặt và ánh mắt Trung tướng phu nhân lại sáng ngời lên.

Đ.T.H

(Nguồn: TC VNNB 251-5/2021)

Bài viết khác