Thứ hai, 07/10/2024

Từ miền quê Gia Viễn đến vị tướng biên phòng

Thứ hai, 19/04/2021

NHẬT PHONG

Trải qua gần 30 năm mang trên vai màu quân hàm xanh, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên cương xứ Lạng, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

 

Lần đầu tiên gặp anh khi còn rất trẻ, mang quân hàm Thiếu tá, đảm nhiệm vai trò Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn năm 2006, cảm nhận đầu tiên của tôi về người lính biên phòng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo ở miền quê Gia Viễn, Ninh Bình là vẻ ngoài mạnh mẽ, khoáng đạt và tính cách thì quyết đoán, bộc trực.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo

Anh chia sẻ với chúng tôi nhiều điều rất thú vị về lịch sử, truyền thống quê hương mình bằng cách nói dí dỏm hàm chứa sự am tường sâu sắc. Cha anh là một nhà giáo nên ông rất nghiêm, thường răn dạy con về tinh thần vượt khó và lấy nghĩa nhân là nền tảng cư xử, làm việc. Anh tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng BĐBP bởi anh rất yêu sự khoáng đạt của núi rừng, biển đảo và vẻ đẹp của người chiến sĩ "chân đạp mây bay tóc vờn gió núi". Từ đó, anh xác định phải cống hiến, bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất biên cương mà cha anh đã hi sinh xương máu giữ gìn. 

Trên cương vị Phó đồn trưởng, Lê Quang Đạo đã cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị đôn đốc cán bộ chiến sĩ bám dân, bám bản, xác định rõ người lính biên phòng làm việc gì giúp dân phải chỉn chu như làm việc cho chính gia đình mình. Các anh đã khơi dậy phong trào tăng gia sản xuất trong nhân dân, giúp nhân dân xây dựng đời sống mới. Khi chính sách xây dựng nhà đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, anh chỉ huy cho cán bộ chiến sĩ góp công, góp sức trực tiếp đơn vị đứng ra thi công hàng chục ngôi nhà Đại đoàn kết cho người dân. Nhà của Đồn Biên phòng thi công luôn cao, thoáng, chắc chắn bởi có thêm phần công sức và sự khéo léo, tinh thần trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh. Vận dụng các mối quan hệ của đơn vị cũng như bản thân, người cán bộ giàu bản lĩnh và sức sáng tạo ấy cũng không ngần ngại vận động một số doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vào quỹ để trên vùng biên cương này có thêm những mái ấm làm sáng rừng, sáng bản.

Một trong những dấu ấn trong cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Lê Quang Đạo chính là việc đã tham mưu cho Ban Chỉ huy Đồn và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn triển khai hoạt động tuần tra song phương đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bởi vốn dĩ, Lạng Sơn là một trong những tỉnh sớm thiết lập các hoạt động đối ngoại và giao lưu kinh tế sau khi bình thường hóa quan hệ với nước bạn, nên thực tiễn công tác mách bảo anh rằng, ngoài hoạt động hội đàm định kì và trao đổi thông tin thường xuyên ra thì không có gì hiệu quả bằng việc tuần tra song phương để có thể cùng nhau giải quyết mọi vấn đề xảy ra trên biên giới. Lúc mới đặt vấn đề, phía bạn còn dè dặt và tỏ ra không thiện chí bởi trước đây hai nước chưa có tiền lệ cho hoạt động này, nhưng rồi bằng những lí lẽ chân thành, anh đã thuyết phục được bạn cùng hợp tác.

Cùng với thời gian, hoạt động tuần tra song phương đã thực sự phát huy hiệu quả trong quản lý, bảo vệ biên giới, góp phần tạo thêm niềm tin, sự gắn bó thấu hiểu giữa những người lính biên phòng hai nước. Những người đồng chí ở phía đối diện đã sát cánh cùng anh qua nhiều chuyên án, nhiều nhiệm vụ giờ đây cũng đã phát triển lên vị trí chỉ huy các đơn vị bảo vệ biên giới thuộc Chiến khu Miền Nam (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc), Tổng đội công an Biên phòng Quảng Tây (Cục Quản lý biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc) cũng vẫn luôn nhắc đến anh với sự trân quý tinh thần coi trọng công việc lên trên hết và sự khoáng đạt, chân thành trong giao lưu, kết bạn của người lính biên phòng Việt Nam: Lê Quang Đạo.

Có vẻ như số phận luôn gắn anh ở vị trí người đi đầu trên những trận tuyến khó khăn. Năm 2008, anh được điều chuyển về làm Đồn trưởng đồn Biên phòng Tân Thanh và cùng với Ban Chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ nơi đây tạo lập thêm những chiến công mới. Khi ấy, địa bàn đồn quản lý gồm 15km đường biên giới, trên địa bàn của 26 thôn bản, thuộc hai xã Tân Thanh và Tân Mỹ là điểm nóng về an ninh trật tự của tỉnh. Thủ đoạn của bọn tội phạm rất tinh vi, manh động, nếu bị phát hiện ngăn chặn, thì chống trả quyết liệt. Nhất là đội quân "cửu vạn" chuyên mang vác hàng lậu, ngày cũng như đêm, hễ vắng bóng lực lượng chống buôn lậu là tung hoành trên các đường mòn, lối tắt. Nếu bắt được hàng lậu, hàng cấm mà không xử lý nhanh, chủ hàng lập tức huy động đội quân "cửu vạn", xe ôm đến gây sự, vu cáo, chống người thi hành công vụ, rồi nhân đó mà cướp hàng.

Để thiết lập lại trật tự, bảo vệ sự bình yên nơi biên giới trong bối cảnh ấy là không hề đơn giản. Vậy mà Ban chỉ huy và tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh đã làm được. Bình quân mỗi năm, đơn vị đã thiết lập các chuyên án, điều tra bám sát tình hình, đấu tranh, bắt giữ chiếm tới 70% số vụ tội phạm về ma túy, tiền giả, pháo nổ... trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Cũng đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh, bị thương trong quá trình chiến đấu với kẻ thủ ác. Vậy mà khi được hỏi về những chiến công ấy, Đồn trưởng Lê Quang Đạo chỉ nói rất giản dị: "Ðiều cốt lõi là phải xây dựng được thế trận lòng dân. Hằng tuần, tháng, đơn vị luôn phối hợp với các lực lượng, đóng trên địa bàn, giao ban, nắm tình hình. Ðồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng, củng cố các tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh, tuyên truyền vận động bà con các dân tộc không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, toàn dân tố giác tội phạm".

Là người đã có 27 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc của tỉnh Lạng Sơn, từ một sĩ quan biên phòng trẻ lần lượt trải qua những vị trí công tác nhiều áp lực, đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh như Tham mưu phó, Phó Chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Lạng Sơn, rồi tiếp tục được tín nhiệm giao trọng trách Phó Tham mưu trưởng rồi Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, dường như tư duy "lấy dân làm gốc", phát huy sức mạnh của nhân dân luôn là kim chỉ nam cho mọi nhiệm vụ công tác của Lê Quang Đạo. Anh luôn tự đặt mình vào vị trí là một tấm gương trong công tác, đời sống để cán bộ chiến sĩ trong đơn vị noi theo. Chỉ đạo sát sao từng công việc cụ thể, phân công công việc hợp lí, tạo quan tâm, điều kiện cho cán bộ chiến sĩ phát huy hết năng lực riêng… Sự điều hành của anh đã góp phần không nhỏ vào những thành công liên tiếp của đơn vị.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, Chính ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn đánh giá: "Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ có nhiều ưu điểm nổi bật. Trước tiên, khi còn là Chỉ huy đơn vị cơ sở, đồng chí đã nắm chắc đặc điểm từng tuyến biên giới của tỉnh từng địa bàn, từng dân tộc, văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào. Điều thứ hai là hiểu được cấp dưới và nắm rõ năng lực, phẩm chất, điều kiện hoàn cảnh gia đình từng người. Khi tham gia điều hành, chỉ huy đơn vị, quán triệt nghị quyết cũng hết sức mạch lạc, khoa học và giao nhiệm vụ, phân công cụ thể nên cấp dưới hiểu và nắm ngay được ý định của cấp trên và định hình ngay được quy trình, phương pháp và cách làm".

Thiếu tướng Lê Quang Đạo thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ
tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn.        Ảnh: VIẾT LAM

Năm 2014, trên cương vị Phó Chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Quang Đạo là một trong những cán bộ có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh mẽ công tác đối ngoại biên phòng trên tuyến biên giới Lạng Sơn (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc). Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (BĐBP tỉnh Lạng Sơn) và Trạm kiểm soát Biên phòng Hữu Nghị Quan (Tổng đội công an biên phòng Quảng Tây) trở thành cặp đơn vị đầu tiên kết nghĩa "đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên" vào năm 2014. Tiếp đó, anh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy đồn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, trở thành đơn vị làm điểm Giao lưu Công tác chính trị giữa BĐBP Việt Nam và Cục Quản lý Biên phòng (nay là Cục Quản lý di dân quốc gia - Trung Quốc). Những hoạt động như "Lá cờ Đảng soi sáng biên cương", "Việt - Trung - Hữu nghị tâm liền tâm" thực sự mang lại một không khí cởi mở, gắn bó giữa những người lính làm nhiệm vụ kiểm soát cửa khẩu hai nước, góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình - hữu nghị và hạnh phúc. 

Năm 2018, tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn diễn ra Hội nghị triển khai công tác cán bộ. Theo đó, Bộ Quốc phòng quyết định: Đại tá Lê Quang Đạo - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng, thay Đại tá Trịnh Quốc Huy - Chỉ huy trưởng được nghỉ hưu theo chế độ. Với bản lĩnh, năng lực của mình cùng những kinh nghiệm mà các thế hệ đi trước chia sẻ, hướng dẫn, đồng chí Lê Quang Đạo cùng với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung xây dựng đoàn kết nội bộ, giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc, cũng như trong củng cố, xây dựng đơn vị. Bên cạnh đó, luôn coi trọng sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các huyện, thị trong tỉnh, tăng cường quan hệ với lãnh đạo tỉnh, để các đồng chí ấy hiểu và quan tâm đến BĐBP hơn.

Trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống BĐBP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: "Đặc biệt trong những ngày qua, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, các ngành và địa phương và lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng làm nhiệm vụ tại ga biên giới Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, đón tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam bằng tàu hỏa đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế”.

 Để có được sự ghi nhận lớn lao ấy, toàn lực lượng BĐBP đã nỗ lực rất lớn nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn và tiến hành làm thủ tục xuất, nhập cảnh nhanh chóng, chính xác cho phái đoàn cấp cao của Chính phủ Triều Tiên. Trong những ngày tháng ấy, Chỉ huy trưởng Lê Quang Đạo đã thực hiện tốt tất cả chức năng đối ngoại Biên phòng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý biên giới Trung Quốc làm tốt công tác này. Anh gần như luôn có mặt tại ga Đồng Đăng từ sớm đến khuya để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và động viên cán bộ chiến sĩ cố gắng khắc phục khó khăn, giá rét. Anh cũng tự mình đi bộ dưới trời mưa và cái lạnh vùng biên dọc theo đường tàu hỏa để quan sát địa hình, kịp thời khắc phục những sơ hở hay những vấn đề nhỏ như vệ sinh môi trường, cảnh quan...

Giữ được cái tâm trong sáng, không vụ lợi; quản lí điều hành, xây dựng kế hoạch công tác đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác; tinh thần làm việc trách nhiệm cao, dám thể hiện chính kiến, quan điểm của mình, phản biện những vấn đề đúng, sai trong mọi mặt công tác... những yếu tố ấy đã giúp cho đồng chí Lê Quang Đạo nhận được sự tin tưởng và đồng thuận của cấp trên cũng như đồng đội trong hầu hết những vấn đề mà ông đề xuất. Đó cũng là lý do đầy thuyết phục để liên tục 13 năm liền anh được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. Những đơn vị mà anh từng công tác liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, chính quy, vững mạnh toàn diện và xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.

 Ngày 11/9/2020, người con của vùng đất Gia Viễn anh hùng có thêm trọng trách mới là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, chỉ đạo những người lính nơi địa đầu phên dậu giữ toàn vẹn chủ quyền biên giới, biển đảo. Trở thành Phó Tư lệnh, song không vì thế mà khoảng cách giữa anh với cán bộ chiến sĩ hay Nhân dân biên giới thêm cách xa. Thiếu tướng Lê Quang Đạo luôn trăn trở là làm sao phát huy được phẩm chất của người lính mang quân hàm xanh vốn đã quen đồng cam cộng khổ nơi biên cương xa thẳm, khơi dậy tình đồng chí đồng đội, ý thức trách nhiệm chia sẻ gian khó với nhau… Rồi những thiếu thốn, rách áo đói cơm của bà con nơi xa xôi khắc nghiệt cũng được anh đặc biệt lưu tâm, chỉ đạo anh em tìm mọi cách hỗ trợ bà con thoát đói, giảm nghèo.

"Đời loạn mới biết tôi trung/ Tuế hàn mới hiểu bách tùng kiên tâm"... Đảm nhiệm vai trò mới giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng xảy ra tại miền Trung và hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên cả ba tuyến biên giới diễn biến phức tạp, tinh vi, bản lĩnh của người chiến sĩ quân hàm xanh một lần nữa lại được chứng minh. Thiếu tướng Lê Quang Đạo đã cùng với các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham gia xây dựng và tham mưu cho Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Biên phòng Việt Nam; đề xuất nhiều sáng kiến hữu hiệu nhằm tiến hành các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, đối ngoại Biên phòng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ - cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... trong tình hình mới cùng những thách thức an ninh phi truyền thống.

 Anh thường xuyên có mặt tại những địa bàn trọng điểm, đến từng tổ chốt Biên phòng trên đỉnh núi cheo leo để kiểm tra công tác của anh em, nắm chắc đời sống, điều kiện ăn ở để tham mưu cho Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng, bán kiên cố hàng trăm tổ chốt để đảm bảo cho anh em công tác, ứng trực và nghỉ ngơi dài ngày. Suốt hơn 1 năm qua, hơn 1600 chốt biên phòng trên dọc dải diên cương Tổ quốc đẹp như một khúc tráng ca với màu cờ đỏ thắm tin yêu, là điểm tựa cho cả nước vững vàng trong đại dịch. Trong cơn lũ dữ, anh sát sao chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh tập trung cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân. Anh trực tiếp vào Quảng Bình để kiểm tra tình hình bão lũ, kịp thời chỉ đạo, động viên cán bộ chiến sĩ khắc phục khó khăn, phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, đến những nơi xung yếu nhất, nguy hiểm nhất với tinh thần "cứu dân như cứu người thân của mình".

Còn với cá nhân tôi, trong phạm vi bài bút kỳ này của mình, tôi chỉ muốn nói thêm rằng, những tấm gương lặng lẽ của những người lính mang quân hàm xanh như Thiếu tướng Lê Quang Đạo đã và sẽ luôn là những ngọn lửa ấm, là điểm tựa cho đồng đội, đồng bào nơi địa đầu gian khó. Cùng với đồng đội của mình, vị tướng của vùng quê Gia Viễn ấy đã đi giữa lòng dân, biết tận dụng sức dân, sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân để gánh vác việc quân một cách nhân văn và đầy sáng tạo./.

N.P

(Nguồn: TC VNNB 250-4/2021)

 

Bài viết khác