Thứ hai, 07/10/2024

Tưởng nhớ vị Đại tướng tài năng của dân tộc

Thứ năm, 26/08/2021

NGUYỄN KHẮC THIỆU 

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng đã được hội đồng khoa học thế giới xếp là một trong mười vị tướng tài của thế giới, trong đó đất nước Việt Nam anh hùng của chúng ta có hai vị, đó là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tư liệu này tôi được vị thư ký đưa Đại tướng một lần về thăm Hoa Lư - Ninh Bình kể lại).

Đại tướng là học trò xuất sắc của Bác Hồ về mọi mặt: Phẩm chất, đạo đức, tác phong. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ xin được kể ra đây vài câu chuyện nhỏ về tác phong, phong cách sống của ông. Do thời đó làm Chánh văn phòng Huyện ủy Hoa Lư, tôi được tổ chức phân đưa ông đi tham quan một vùng Cố đô Hoa Lư lịch sử.

Năm 1985 chúng tôi đưa ông về thăm Đền Thái Vi, một vùng đất địa linh, tương truyền đây là đầu con Rồng có hai cái giếng đất thiên tạo, dân địa phương kể lại đó là hai cái mắt của Rồng, người dân làm cỏ, san nền có ý bồi lấp nhưng hai cái giếng ấy không bao giờ đầy lên được và bây giờ vẫn vậy. Nơi đây trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, các vua nhà Trần đều lui quân về để chờ thời phản công. Sau này trên mảnh đất ấy đã dựng lên ngôi đền, khi đang hoàn thiện lại bị giặc Pháp càn quét phá chùa đập tượng.

Hôm về thắp hương, chứng kiến cảnh đền hoang tàn, bước ra khỏi đền nét mặt ông đượm buồn, lại thấy mấy con ngựa đá tạc chưa hoàn chỉnh để trước cổng vào. Ông lẩm nhẩm đọc hai câu thơ của vua Trần: “Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông muôn thuở vững âu vàng” rồi quay ra nhìn chúng tôi ông bảo: “Các anh là cán bộ ở địa phương phải khẩn trương cho sửa lại nội thất trong Đền như tô lại tượng, dựng lại gác chuông, đồng thời hoàn chỉnh hình dáng đứng của các chú ngựa đá kia.” Thực hiện lời ông dặn, Huyện ủy, bấy giờ ông Hoàng Xuân Khuyên làm Bí thư, đã chỉ đạo cho sửa chữa, đúng một năm sau thì hoàn thành, khang trang như ngày nay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày đại lễ mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ 
tại Mường Phăng ngày 13/5/1954                                                   Ảnh: TL

Xuống thuyền, chúng tôi đưa ông đi theo dòng sông Ngô Đồng, tham quan gần đến cửa hang, người thuyết minh quen giới thiệu trôi chảy: Đây là tảng đá trước kia các vua nhà Trần thường ngồi câu cá. Ông nheo nheo đôi mắt mỉm cười và hỏi lại người thuyết minh: “Thế có chứng cứ không?” như dòng nước đang chảy bị nghẹn lại. Và tôi biết người thuyết minh ấy không bao giờ giới thiệu với ai nữa.

Năm 1993 sau khi tỉnh Ninh Bình được tái lập, ông lại về thăm tỉnh, trong bữa cơm đang ăn, như nhớ lại một kỉ niệm, ông chỉ vào một món như đã quen thuộc hỏi một đồng chí lãnh đạo cùng ăn: “Thế người làm món ăn này, bây giờ có khỏe không?” mọi người nhìn ra và trả lời: “Thưa Đại tướng đó là ông Xuân vẫn còn khỏe ạ!” Ông mừng rỡ và nói luôn “Thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tôi có về thăm Ninh Bình một vài lần và đã được ăn món này. Đây là một đặc sản của quê mình, các anh cần lưu ý phục hồi và phát triển”.

Nghe theo lời ông dặn, lãnh đạo tỉnh cho gọi ông Xuân về và đề nghị ông phổ biến cho nhiều người cùng làm. Từ đó Ninh Bình chúng ta có món Cơm cháy, trở thành đặc sản của vùng quê. Tôi chỉ được tháp tùng ông một vài lần mà đã để lại những kỷ niệm về một con người vĩ đại mà vô cùng gần gũi với quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, tôi xin có nén hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thiên tài quân sự, vị tướng huyền thoại của dân tộc./.

N.K.T

(Nguồn: TC VNNB 254-8/2021)

Bài viết khác