Thứ hai, 07/10/2024

Với một nữ đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu

Chủ nhật, 03/01/2021

Trong thời gian qua, các nữ đại biểu Quốc hội đã luôn phát huy trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, là đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình có cuộc gặp gỡ trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh, đại biểu Quốc hội khóa XII, hiện đang làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Thúy Sơn phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.

 Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh, Đại biểu Quốc hội khóa XII


Phóng viên: Qua theo dõi hoạt động của Quốc hội, theo đồng chí, Quốc hội nước ta hiện nay đã có những bước phát triển như thế nào so với trước đây?

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh, Đại biểu Quốc hội khóa XII:

Trước đây, vì điều kiện truyền thông chưa được phát triển nên các cử tri nắm thông tin của Quốc hội còn hạn chế. Trong những năm gần đây phương tiện thông tin truyền thông đã phát triển mạnh mẽ, làm cầu nối giữa Quốc hội với cử tri. Khi còn là một đại biểu Quốc hội và đến bây giờ khi đã nghỉ hưu được hơn 10 năm, tôi có một cảm nhận chung đó là Quốc hội nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc nhất là vấn đề xây dựng pháp luật, vấn đề giám sát, vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn. Khóa chúng tôi lúc đó đã là tiến bộ nhưng không thể bằng bây giờ. Trước hết là khâu làm luật. Trước đây luật trình đưa vào đưa ra rồi tiếp thu chỉnh sửa nhiều; cái thứ nữa là cơ quan soạn thảo trước đây không khoa học như bây giờ, phương tiện trước đây còn hạn chế. 

Về xây dựng pháp luật, cho đến bây giờ Quốc hội phát triển trình độ lên cao. Theo nhận thức của cá nhân, tôi thấy trước đây chất lượng hoạt động của Quốc hội không được bằng bây giờ, do nhiều nguyên nhân: Trình độ đại biểu còn hạn chế; các cơ quan soạn thảo nằm trong tình trạng chạy đua chứ không nâng được chất lượng cho nên việc xây dựng luật còn hạn chế. Bây giờ phương pháp đổi mới nhanh chất lượng, khi đã có chương trình là biểu quyết thông qua. Mấy khóa gần đây, đại biểu được trang bị máy tính. Công nghệ thông tin cũng ảnh hưởng đến chất lượng của Quốc hội; Hồi chúng tôi, nhìn chung cơ sở vật chất còn hạn chế. Do tình hình thời thế mà nhiệm vụ chính trị của từng thời điểm khác nhau nhưng nhìn chung chất lượng đại biểu vẫn là trách nhiệm, nhiệt tình, đạo đức, rèn luyện, phấn đấu, tham gia đóng góp ý kiến rất là sôi nổi nhưng chất lượng chưa được bằng như bây giờ. Tôi lấy ví dụ về khâu điều hành Quốc hội hiện nay rất là hợp lý và thoải mái cho đại biểu quốc hội phát huy được năng lực. Rất dân chủ, linh hoạt, mềm dẻo nhưng rất trang nghiêm, nguyên tắc, điều hành khoa học theo chuyên đề, giám sát cũng theo chuyên đề, chất vấn cũng theo chuyên đề. Các mảng của xã hội được đưa ra tranh luận tại nghị trường.

Vấn đề phát biểu so với nhiệm kỳ XII, các đại biểu đã phát biểu trọng tâm hơn, đi vào vấn đề; trước đây dài, viết ra giấy, đọc tràng giang, còn bây giờ các đại biểu đã chắt lọc phát biểu ngắn gọn súc tích do đó cũng được nhiều người phát biểu hơn. Theo ý nghĩ chủ quan của tôi, đại biểu mà đọc theo một văn bản chép sẵn sẽ không đọng lại cho người nghe nhớ. Theo tôi các đại biểu chỉ nên gạch đầu dòng các ý chính, rồi sau đó triển khai các ý chính ấy. Cho đến thời điểm này, tôi thực sự ngưỡng mộ những phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi phát biểu xong người nghe nhớ được Phó Thủ tướng nói gì và cần làm gì chứ không nên đọc tràn lan, văn hay nhưng cuối cùng vẫn không đọng lại gì ở người nghe; Về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng chất lượng. Hoạt động điều hành của Quốc hội được nâng lên rất là tuyệt vời. Chất vấn mạnh dạn, các khóa gần đây có sự  tiến bộ vượt bậc. Điều tôi hài lòng ở chỗ các Bộ trưởng trả lời ngay chứ không vòng vo hoặc hẹn trả lời sau. Điều này cử tri rất là ủng hộ đồng tình. Chất lượng không nặng nề, không căng thẳng nhưng rất sâu, hiệu quả, ngắn gọn. Quốc hội ngày càng phát triển lên và vững vàng sánh với quốc tế, tự tin hòa nhập.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những kỉ niệm sâu sắc nhất khi tham gia đại biểu Quốc hội khóa XII, nhiệm kỳ 2007 -2011?

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh:

Có thể nói, trong nhiệm kỳ thứ XII có hai vấn đề mà tôi nhớ nhất: Thứ nhất, về luật đất đai. Đây là đạo luật rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Chúng tôi đã ý kiến với Quốc hội là cần phải sửa đổi. Xuất phát từ bản thân mình làm ở cơ sở thấy luật đất đai có những cái rất bất cập trong thực tiễn, chuyển đổi từ giai đoạn lịch sử này sang giai đoạn lịch sử khác. Đã xảy ra nhiều kiện tụng, tranh chấp. Chúng tôi rất bức xúc, kỳ họp nào cũng đưa ra kiến nghị nhưng kết quả là hết nhiệm kỳ khóa XII, luật đất đai vẫn không thông qua được, không sửa được được luật đất đai năm 1993.

Ấn tượng thứ 2 là vấn đề Quốc hội thông qua việc mở rộng địa giới Thủ đô, lúc đầu đại biểu không đồng tình, không lấy được ý kiến, không biểu quyết được. Nhận thức của chúng tôi lúc bấy giờ là: Thủ đô như này còn chưa quản lý được thì khi mở rộng ra lên tận Hòa Bình, Sơn Tây… thì không biết sẽ như thế nào. Khi đó, số đại biểu chúng tôi rất hoang mang, phải chăng cũng là do nhận thức của mình còn hạn chế, hơi ngắn. Quốc hội lúc ấy, đã dùng rất nhiều phương sách, giải trình rất là hợp lý hợp tình và khoa học để cho đại biểu hiểu được, thấm được và đồng tình. Bây giờ, khi nhìn lại, chúng tôi thấy được đúng là hợp lý. Điều đó chứng tỏ quyết sách của Quốc hội là đúng, cái tầm của Thủ đô phải rộng và phong phú như vậy. Quốc hội phải kiên quyết như vậy bởi vì đại biểu có lúc là đúng có lúc chưa phải là đúng!

Phóng viên: Từ những kinh nghiệm thực tế khi còn là một đại biểu Quốc hội cho đến bây giờ là một cử tri, đồng chí có đề xuất gì để góp phần xây dựng Quốc hội ngày càng vững mạnh?

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh:

Thứ nhất là, Quốc hội nên tăng tỉ lệ nữ đại biểu. Trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tuy số lượng nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong Quốc hội, song hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội đều được đánh giá cao. Dù đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng đại đa số nữ đại biểu Quốc hội đều giữ vững phẩm chất là người đại biểu nhân dân, là nữ lãnh đạo gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bản thân các nữ đại biểu đã vươn lên trong công tác. Nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực y tế, an ninh quốc phòng, đối ngoại…, nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Nhiều đại biểu Quốc hội nữ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động chung của Quốc hội.

Thứ hai là, tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách. Đại biểu Quốc hội chuyên trách là những người có kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, pháp luật, có những năng lực và phẩm chất của một chính khách chuyên nghiệp, là bộ máy giúp việc của các cơ quan của Quốc hội và của từng đại biểu Quốc hội. Tôi thiết nghĩ với mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh nên cần bổ sung thêm đại biểu chuyên trách, đơn cử như Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình hiện nay chỉ có 1 đại biểu chuyên trách theo tôi là hơi ít.

Thứ ba là, tăng cường hoạt động giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội kết hợp với Hội đồng nhân dân. Chúng ta đã làm được điều này và cần phải làm sâu hơn nữa nhất là công tác cán bộ, tránh tình trạng sai sót gây bức xúc đối với cử tri và nhân dân.

Thứ tư là, hoạt động tiếp xúc cử tri nên thực hiện đồng thời và kết hợp giữa hai cơ quan là Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm tiết kiệm thời gian, cơ sở vật chất …; và cũng nên mở rộng đối tượng cử tri tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri. Thực trạng trong các hội nghị tiếp xúc cử tri thì hầu hết là các “đại cử tri” được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mời hoặc “chỉ định” đến tham dự. Những người dân lao động, đặc biệt là tầng lớp nông nhân, công nhân ít được tham gia hội nghị Tiếp xúc cử tri. Chính vì thế, họ ít có điều kiện để trình bày tâm tư, nguyện vọng hoặc đề xuất những vấn đề mà mình quan tâm, bức xúc tới Quốc hội.

Phóng viên: Được biết, sau khi nghỉ hưu, đồng chí có tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thúy Sơn, làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thúy Sơn phường Đông Thành, xin đồng chí cho biết một số hoạt động ý nghĩa của Câu lạc bộ?

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh:

Sau khi nghỉ hưu tôi có tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ Thúy Sơn. Ban đầu chỉ nghĩ làm hội viên, tham gia Câu lạc bộ để giao lưu, vui khỏe tuổi già, nhưng sau đó được sự tin yêu của các thành viên trong Câu lạc bộ, họ đã ấn định tôi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thúy Sơn, phường Đông Thành. Như chúng ta đã biết, đến năm 2020, Câu lạc bộ Thúy Sơn trải qua 28 năm hoạt động với nhiều nỗ lực, cố gắng của hội viên đã đoàn kết xây dựng mái nhà chung ấm áp tình nghĩa, là điểm sáng về tổ chức và hoạt động của một tổ chức xã hội tự nguyện, tự quản. Đến nay Câu lạc bộ đã trở thành địa chỉ văn hóa lành mạnh, bổ ích của những cán bộ hưu trí sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác, về nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Qua đó động viên, khích lệ hội viên vượt qua những khó khăn về tuổi tác, sức khỏe, nhiệt tình tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương. Câu lạc bộ có nhiều bộ môn hoạt động sôi nổi, trong đó phải kể đến Bộ môn Thơ hoạt động rất mạnh, số lượng đông, hội viên hăng hái sáng tác có giá trị tuyên truyền cổ vũ. Tôi lấy ví dụ gần đây, nhiều sáng tác của hội viên phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19; thơ ca ngợi tình tương thân tương ái của đồng bào ta trong đợt lũ lụt miền Trung vừa qua …

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

BÙI HẰNG (thực hiện)

(Nguồn: TC VNNB 245+256/12-2020)

 

Bài viết khác