Thứ hai, 07/10/2024

Workshop "Cúc Phương - Vạn sắc màu - Một tình yêu"

Thứ sáu, 19/02/2021

Trong 2 ngày 14-15/2/2021 (mùng 3, 4 Tết Tân Sửu), tại Cúc Phương đã diễn ra hoạt động mỹ thuật workshop “Cúc Phương - Vạn sắc màu - Một tình yêu”. 

Đây là hoạt động nghệ thuật cộng đồng nằm trong chuỗi hoạt động "Hội xuân Cúc Phương – Thêm xanh cho cánh rừng già", trải dài từ 04/02 đến hết ngày 26/02 (23 tháng Chạp năm Canh Tý đến hết Rằm tháng giêng năm Tân Sửu) nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia – Ninh Bình năm 2021 và Tuần lễ "Cúc Phương đại ngàn” do Nhóm Urban Sketchers Hanoi (Ký họa di sản đô thị Hà Nội) và những người bạn đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức.

Với mong muốn gìn giữ ngôi nhà thiên nhiên rừng già Cúc Phương như chính ngôi nhà của mình,  83 họa sĩ chuyên và không chuyên, trong đó có nhiều họa sỹ nhí cùng mang theo giá vẽ, bút, màu, toan hồ hởi về với đại ngàn Cúc Phương trong sương xuân bảng lảng cùng góp sức làm nên không khí xuân nho nhỏ giữa rừng già Cúc Phương.

Họa sĩ Trần Thị Thanh Thủy, thành viên nhóm Ký họa di sản đô thị Hà Nội chia sẻ: Vườn quốc gia Cúc Phương rất rộng, các địa điểm vẽ ở xa nhau, thậm chí trong vùng lõi không có phương tiện liên lạc. Để các bài vẽ có hiệu quả và chất lượng, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn y tế về phòng chống dịch Covid-19, buổi sáng ngày 14-2 các họa sĩ vẽ  2 bức tranh khổ lớn 12m2, buổi chiều nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội đã chia từng tốp nghệ sĩ riêng: Nhóm ký họa tại Chương trình Bảo tồn Rùa, Nhóm ký họa tại Chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Nhóm nghệ sỹ khu Hồ Mạc. Các hướng dẫn viên của Vườn quốc gia Cúc Phương đưa các nghệ sỹ tham quan và sáng tác về các khu bảo tồn thiên nhiên, trạm kiểm lâm, trung tâm Bống, mỗi tốp chịu trách nhiệm sáng tác cho từng địa điểm, từng mảng đề tài riêng. Hàng ngày mỗi người đều bận rộn với công việc riêng, nhưng khi có việc chung của nhóm, các thành viên đều nhiệt tình cống hiến giống như  “bài hát tuy nốt cao nhưng mỗi người một câu, mình hát chưa tự tin thì có đồng đội góp sức.

Kỷ niệm ấn tượng nhất trong cảm xúc của các cây cọ nhí là  được tham quan và vẽ ký họa bảo tàng Cúc Phương, nơi lưu trữ và bảo quản hàng nghìn mẫu côn trùng, bướm, xén tóc, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, chim, các loài thú khác như gấu, báo, khỉ, voọc, vv. Bảo tàng cũng đang lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản Bò sát răng phiến có niên đại 230 - 250 triệu năm; 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2900 mẫu côn trùng các loại, hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật. Hiện nay, Bảo tàng Cúc Phương là địa điểm nghiên cứu, tham khảo mẫu vật quan trọng cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn, thực vật, động vật thăm quan và học tập.  

Các họa sĩ tham quan bảo tàng Cúc Phương  - Ảnh Thanh Thủy

Trong 2 ngày say mê khám phá, trải nghiệm vào tận lõi rừng nguyên sinh Cúc Phương, được bước trên những thảm lá khô, êm, xốp và phong kín mùi xạ hương của rừng già bí ẩn, ngắm đám dây rừng làm xiếc, được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những con người đang thầm lặng bảo vệ thiên, về các loài linh trưởng, rùa và tê tê... và tìm lại những sắc màu, thanh âm, xúc cảm “hồng hoang” nhất trong tâm thức sáng tác nghệ thuật, nhóm họa sĩ Ký họa di sản đô thị Hà Nội đã hoàn thành 108 bức tranh cá nhân khổ A2, A3 vẽ, ký họa về phong cảnh thiên nhiên, động vật hoang dã của rừng nguyên sinh và con người Cúc Phương trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, bột màu, giấy dó… Đồng thời nhóm đã hoàn thành 2 bức tranh vẽ chung khổ lớn 12m2 (2.2m x 6m) trên chất liệu Acrylic với chủ đề mang thông điệp bảo vệ mẹ thiên nhiên Cúc Phương đó là bức tranh “Hồ Mạc” và bức tranh “Muôn thú Cúc Phương”

Các họa sĩ vẽ tranh khổ lớn "Hồ Mạc" - Ảnh Thanh Thủy

Bức tranh “Hồ Mạc” 12m2 được vẽ bởi 5 họa sỹ tài năng của Usk HN: Thanh Thủy, Tùng KTS, Vũ Minh, Đinh Việt Anh, Trần Nam Long 15 tuổi. Hồ Mạc là một trong 03 điểm ăn - nghỉ phục vụ khách du lịch tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Trước kia, từ cổng Vườn vào trung tâm rừng từng có 06 bản người Mường sinh sống, năm 1988-1991các bản Mường đã di chuyển ra vùng đệm sinh sống “nhường lại màu xanh cho cánh rừng già” là lời bài hát trong một sáng tác của chị Tích – nhân viên đang làm việc tại Cúc Phương, muốn nói về hình ảnh của các bản làng người Mường trước kia, và hồ Mạc là tên của một trong 06 bản Mường ấy. Với bức tranh Hồ Mạc, lấy cảm hứng từ cộng đồng 6 làng Mường với công tác bảo tồn nguyên trạng cánh rừng nguyên sinh, các thành viên tham gia workshop và khách du xuân cùng nhau gửi đi từ Cúc Phương một thông điệp “mỗi hành động nhỏ của chúng ta cùng góp phần thêm xanh cho cánh rừng già và bảo vệ rừng nguyên sinh quốc gia”. 

Tranh khổ lớn "muông thú Cúc Phương" - Ảnh Thanh Thủy

Bức tranh “Muôn thú Cúc Phương”  phác họa lại động vật quý hiếm ở rừng nguyên sinh Cúc Phương do nhóm họa sỹ nhiều thành phần lứa tuổi, nhiều quốc tịch thể hiện dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của họa sỹ Đỗ Vũ Lợi và KTS Phạm Thanh Sơn, đem lại ấn tượng tuyệt vời, truyền đi từ Cúc Phương một thông điệp về tình yêu và trách nhiệm với di sản thiên nhiên vô giá này. Chương trình Cứu hộ linh trưởng nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương là một địa chỉ nổi tiếng trên thế giới về công tác cứu hộ và chăm sóc linh trưởng. Chương trình được thành lập vào năm 1993 với sự hợp tác giữa Vườn quốc gia Cúc Phương và Hội Động vật Frankfurk (Cộng hòa Liên bang Đức). Từ khi thành lập tới nay, Chương trình đã cứu hộ,chăm sóc cho khoảng 180 cá thể linh trưởng, của 16 loài/ 25 loài và phân loài thú linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Đặc biệt,trong số 16 loài đó, có 6 loài hiện nay chưa có một vườn thú hay một dự án cứu hộ thú linh trưởng nào trên thế giới nuôi dưỡng đó là: Voọc Mông Trắng; voọc Hà Tĩnh, voọc Lào, voọc Đen Tuyền, voọc Cát Bà và voọc Chà Vá Chân Nâu. Trong đó, các loài nằm trên tuyến đường tham quan, cụ thể: Voọc Mông Trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc Cát Bà, voọc Chà Vá Chân Nâu, voọc Chà Vá Chân Xám, vượn đen má hung phía Nam, vượn đen má trắng phía Nam, vượn đen má trắng phía Bắc, voọc Xám, voọc Bạc. bạn Đào Minh Quân khi vẽ bức tranh về mẹ con voọc vàng đã bộc lộ cảm xúc: Các bạn linh trưởng chỉ hạnh phúc khi được sống trong môi trường tự nhiên”.

tác phẩm "Rùa cổ bự" của Nguyễn Hà Minh Anh (11 tuổi)

Đây là 1 trong 25 loại rùa đang đứng trước ngưỡng của sự tuyệt chủng đã được bảo tồn bởi Vườn quốc gia Cúc Phương, và có sự hợp tác với Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP). 

"Hoa của rừng" tranh của Nguyễn Ly

"Cây Chò ngàn năm" tranh của Sáo Nguyễn

"Trạm kiểm lâm số 1" của Bé Bông (11 tuổi)

Hai bức tranh khổ lớn 12 m2 hoàn thành vào ngày 3 Tết Tân Sửu. Kết thúc workshop, các tác phẩm (2 bức tranh khổ lớn và 108 bức khổ A2, A3) được các nghệ sĩ trao tặng lại cho Vườn quốc gia Cúc Phương sử dụng, triển lãm, phục vụ cho hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và tham gia đấu giá ủng hộ quỹ giáo dục bảo vệ môi trường.

Tại khu vực hồ Mạc - không gian chính của “Hội xuân Thêm xanh cho cánh rừng già” là mê cung các trò chơi dân gian độc đáo, nhằm thu hút sự tham gia trải nghiệm của khách du xuân như là một gợi ý mang hàm nghĩa giáo dục gợi cho mọi người tìm về với một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc trước nhịp sống hối hả và sự xâm nhập như vũ bão của trò chơi gắn với thiết bị điện tử hiện đại. Họa sĩ, ca sĩ Caroline Boisvert đến từ Canada, ở Việt Nam từ 2005 chia sẻ: Mê cung được bố cục gồm 5 phần, mỗi phần là một chủ đề riêng, sử dụng nghệ thuật sắp đặt và diễn giải bằng hình ảnh. Phần “Hồi Sinh” lấy cảm hứng từ nỗ lực của Cúc Phương trong công tác cứu hộ động vật hoang dã, bảo tồn linh trưởng, rùa, thú ăn thịt nhỏ và tê tê. Phần “Giữ Bình Yên Rừng Già”, lấy cảm hứng từ sự hy sinh, vất vả của lực lượng cán bộ Hạt Kiểm lâm Cúc Phương. 13 trạm Kiểm lâm với gần 100 cán bộ đang ngày đêm ăn núi ngủ rừng tuần tra khắp các ngả đường mòn để giữ cho rừng bình yên. Hãy dừng lại tại mỗi một trạm kiểm lâm trong đó, để bạn một lần nói lời tri ân, sự sẻ chia với họ. Phần thứ ba của Mê Cung có tên là câu trích trong bài hát do chính một cán bộ trong Vườn sáng tác: “Nhường Màu Xanh Cho Cánh Rừng Già” thông qua thủ pháp trưng bày cây nêu ngày tết, trò chơi dân gian, nhạc cụ truyền thống  tôn vinh văn hóa Mường bản địa là một thành tố làm nên giá trị của Cúc Phương. Phần “Cuc Phuong Jungle Paths”, lấy cảm hứng từ một cung đường trekking xuyên rừng – một sản phẩm du lịch độc đáo của Cúc Phương. Đây cũng là tên của Giải chạy quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Cúc Phương vào ngày 04/4 tới. Tại cung đường này, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác xuyên rừng già Cúc Phương với các dạng địa hình đặc trưng nhất của cánh rừng nguyên sinh. Trung tâm của mê cung là một “đặc sản” của hình thái rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi Cúc Phương lấy cảm hứng từ hệ thống hang động đá vôi – một tiềm năng vô cùng giá trị của Cúc Phương. Khoang thứ nhất với tên gọi “Độ Rừng Vào Hội”, với sắp đặt ấn tượng từ hàng vạn con bướm làm từ vật liệu tái chế. Du khách lạc vào mùa bướm Cúc Phương thực sự và nhận về thông điệp bảo vệ môi trường sâu sắc. Khoang thứ hai, là điểm nhấn đặc biệt nhất trong tạo hình một hang tối, du khách trải nghiệm một thứ quà vô giá của thiên nhiên đó là một đêm rừng Cúc Phương lung linh, huyền ảo của mùa đom đóm.

Quang cảnh Triển lãm - Ảnh Thanh Thủy

Cũng trong khuôn khổ Workshop, đã diễn ra đêm giao lưu ca nhạc cộng đồng và "Dạ hội thời trang" với chủ đề về môi trường và bảo vệ thiên nhiên tại sân khấu ngoài trời hồ Mạc vào mùng 3 Tết (14/2)  do chính các nghệ sĩ USK HN phối hợp với đội văn nghệ truyền thống dân tộc Mường của xã Cúc Phương biểu diễn. Trên sân khấu, tiết mục đặc biệt của Dạ hội “Vạn sắc màu – Một tình yêu" là Bộ sưu tập thời trang độc đáo với chủ đề “Rừng già và Tết”. Sự độc đáo và ấn tượng ở đây chính là bởi chủ nhân sáng tạo nên Bộ sưu tập là một bạn nhỏ 11 tuổi – siêu mẫu nhí Châu Á Nguyễn Hà Minh Anh. Lấy cảm hứng và chất liệu về chủ đề bảo vệ thiên nhiên những bộ trang phục, phụ kiện dựa trên các chất liệu có sẵn, tái chế để truyền đi thông điệp về môi trường, về bảo vệ rừng. Bộ sưu tập được lên ý tưởng thiết kế siêu tốc ngay khi Minh Anh biết tin USK Hà Nội sẽ tổ chức workshop tại Cúc Phương. Mặc dù chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 1 tuần, lại là thời gian giáp Tết, nhưng bằng tình yêu Cúc Phương và với sự trợ giúp từ mẹ của Minh Anh - Nghệ nhân hoa tươi Sáo Nguyễn và Nghệ nhân hoa tươi Xuân Hiền đã làm nên bộ sưu tập ấn tượng. Đêm mùng 3 Tết Tân Sửu, giữa tiết xuân đại ngàn, chúng ta được chiêm ngưỡng sản phẩm sáng tạo độc đáo và mang thông điệp bảo vệ môi trường sâu sắc.

Một đống lửa to được đốt lên, ngọn lửa và những trái tim ấm áp cùng nối vòng tay lớn. Tiếng cồng tiếng chiêng, những điệu múa lời ca mang đậm bản sắc văn hóa Mường cùng với những ngẫu hứng của các nghệ sĩ, đã để lại những dấu ấn khó phai. “Vạn sắc màu” đã cùng nhau tô điểm cho “Một tình yêu” mang tên Cúc Phương. Cúc Phương đã luôn và sẽ mãi mãi là mái nhà chung cho các nghệ sỹ sáng tạo và giới thiệu các tác phẩm về thiên nhiên, môi trường, ở nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau (mỹ thuật, âm nhạc, văn học…).

DIỆP CHI

Bài viết khác