NGUYỄN HỮU VĂN
Chúng tôi cùng ở chung một phố, một lần tôi vào nhà ông có chút việc riêng, vốn có tính khi vào nhà ai tôi thường hay ngước nhìn quan sát trên tường, và lần này tôi bỗng phát hiện ra một bức ảnh thật quý.
Bức ảnh đó có rộng chừng 30 x 40 cm, ở trong ảnh có hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh ông Bách và hai người nữa đều mặc quân phục sĩ quan quân đội đang đi trên một đoạn đường đồi. Tôi tò mò hỏi ông:
- Có phải bức ảnh này ông đi sau Đại Tướng Võ Nguyên Giáp?
- Vâng, trong ảnh đó Đại tướng Giáp đi cùng với Thiếu tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn I và Thiếu tướng Hoàng Minh Thi, Chính ủy Quân đoàn, còn tôi là Đại úy trợ lý bảo vệ đi sau.
- Thế người chụp ảnh là ai ?
- Đồng chí ấy là Nguyễn Điện, phóng viên báo ảnh quân đoàn. Hiện nghỉ hưu ở phố 7, phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình.
- Ảnh chụp ở đâu vậy ông?
- Ở thành phố Tam Điệp quê mình đấy! Ngày ấy Bác Giáp về thăm Quân đoàn I chúng tôi để bàn kế hoạch tác chiến sắp tới. Các thủ trưởng của tôi đang bàn với Bác Giáp đấy.
- Bàn việc trên đường đi?
- Đúng vậy.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ làm cho ông lại là người hỏi tôi.
- Anh nghĩ gì vậy?
Tôi nói là tôi đang liên tưởng đến việc Bác Hồ cũng tổ chức bàn việc quân trên chiếc thuyền đầy ắp trăng sáng, năm 1948. Sau đó được Bác Hồ thể hiện cảm xúc dâng trào trong bài thơ "Nguyên tiêu" (Rằm tháng giêng) nổi tiếng. Ông Bách bảo tôi: Chả thế Bác Giáp là người học trò xuất sắc đặc biệt của Bác Hồ đấy thôi. Chính những việc cơ mật mà bàn bạc trong khoảng không gian như thế thì thật tuyệt.
Chúng tôi cùng chung một niềm vui, vì phát hiện ra một điều tâm đắc về hai vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Là những người dân Ninh Bình nói riêng, người dân Việt Nam nói chung ai mà không biết Phòng tuyến Tam Điệp? Đây là cửa ngõ Bắc Nam nơi đã được các tiền nhân của chúng ta từ Ngô Quyền đến các Vua Trần, đến nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, đều đã cùng dựa vào bức trường thành Tam Điệp để tiến đánh quân xâm lược thắng lợi. Và Tam Điệp đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc ta, trong võ công oanh liệt của người anh hùng áo vải Quang Trung, đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789.
Nguồn ảnh minh họa: internet
Sau này Quân đoàn I - Binh đoàn Quyết thắng được thành lập cuối năm 1973 cũng đã chọn Tam Điệp làm Đại bản doanh. Và cũng từ đây, tháng 4 năm 1975 Quân đoàn đã có cuộc hành quân "Thần tốc", tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho. Thật là: “Vinh quang thay! Đoàn quân chiến thắng/ Nòng súng vươn cao ánh thép oai hùng/ Tiến bước giữa thành phố Sài Gòn giải phóng/ Đất nước ca vang khúc hát tưng bừng. (Thơ Hữu Văn)
Và cũng vinh dự thay! Trong đoàn quân hùng dũng đó có một người lính của Binh đoàn Quyết thắng, đang ngồi một cách hết sức bình dị, khiêm tốn và chan hòa tình cảm trước mặt tôi đây.
Ông luôn là một người đúng mực, luôn đi đầu trong mọi phong trào ở Phố 14, phường Vân Giang, Thành phố Ninh Bình của chúng tôi. Ông luôn có sự quan tâm đến mọi người một cách rất sâu sát. Có thể nói: Trong thời gian ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của phường, ông am hiểu hoàn cảnh từng hội viên trong các chi hội ở 14 phố. Từng cân đường, hộp sữa, quả cam của Hội, ông và các đồng đội mang đến từng giường bệnh cho bệnh nhân, cùng với những lời nói động viên thân thiết. Có người nắm lấy tay ông nước mắt vòng quanh xúc động, không nói lên lời. Dù là công tác của Hội Cựu chiến binh hay sau này là Người Cao tuổi ông làm việc gì cũng rất cẩn trọng từ đầu chí cuối, như việc tổ chức cho đồng đội đi thăm chiến trường xưa, hay chuẩn bị cho một hội nghị, "kịch bản" hết sức chi tiết. Các văn bản của trên ông nghiên cứu rất kỹ lưỡng, rồi soạn các văn bản của mình để tổ chức thực hiện, hoặc để báo cáo trước hội nghị một cách rành mạch.
Bà con phố 14 chúng tôi rất tự hào rằng phố mình luôn luôn làm tròn nhiệm vụ với phường với thành phố giao cho. Tất cả các phong trào trên đề ra, phố tôi luôn luôn gương mẫu thực hiện như Phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" và nổi bật nhất là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bên cạnh đó là xây dựng các quỹ "Ngày vì người nghèo", quỹ "Tình nghĩa", quỹ "Vì trẻ thơ", quỹ "Khuyến học khuyến tài"... đều được bà con thực hiện nghiêm chỉnh. Sự quan tâm đến các cháu thiếu niên Nhi đồng cũng rất chu đáo. Chính vì vậy mà tệ nạn trộm cắp không hề có, người nghiện hút ma túy cũng không, phố liên tục đạt danh hiệu phố Văn hóa. Đây là kết quả sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể trên địa bàn, nhưng còn một điều nữa đó là vai trò đầu tầu gương mẫu của một người "Tuổi cao gương sáng" đã trải qua 84 mùa lá rụng mà nhiệt tình cách mạng thì vẫn sôi nổi như ngày nào hành quân lên Điện Biên đánh giặc, đó là Trung tá Hoàng Thiện Bách. Đây cũng là sự phát huy truyền thống của người Quân nhân cách mạng, của người Đảng viên Cộng sản, thể hiện trong suốt 32 năm (1953 - 1985) liên tục trong quân ngũ của ông. Ông đã có mặt trên nhiều chiến trường: Từ các trận Điện Biên Phủ năm 1954, Tết Mậu Thân 1968, Quảng Trị 1972, đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 và sau nữa là Bảo vệ biên giới 1979. Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng một Huân chương Chiến thắng hạng Hai, một Huân chương Quân công hạng Ba, một Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, một Huân chương Quân Giải Phóng hạng Ba và ba Huân chương chiến sỹ vẻ vang.
Thật là một cuộc đời đầy ý nghĩa và cũng thật xứng danh Anh bộ đội Cụ Hồ.
N.H.V
(Nguồn: VNNB238/5-2020)