UÔNG TRIỀU
Là nhà văn, anh muốn tác phẩm của mình được bạn đọc đón đợi thế nào? Mong ngóng hay hờ hững, lạnh nhạt. Nếu tác phẩm được nhiều người mong đợi nó sẽ bán chạy và ngược lại nếu chỉ một số nhỏ quan tâm đến, nó sẽ bán ế. Nhưng thêm một câu hỏi nữa được đặt ra, bán chạy hay bán ế có đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm?
Thế giới, đã từng chứng kiến những tác phẩm ế lừng danh. Tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ của W. Faulkner khi lần đầu xuất bản chỉ bán được rất ít, bạn đọc đương thời đa số không tiêu hóa nổi ông. Nhưng càng về sau người ta càng đánh giá cao tác phẩm này của W. Faulkner, coi nó là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông và nền văn học Mĩ. Tất nhiên những đánh giá này cũng không giúp ích nhiều cho việc sách bán chạy sau này. Khi Âm thanh và cuồng nộ được dịch ra tiếng Việt, tôi thấy nó lay lắt rất lâu ở các hiệu sách. Nó bán được có lẽ chỉ vì một số ít độc giả tò mò về cuốn sách được coi là cực khó đọc này. Bi đát hơn, tập thơ Lá cỏ của Walt Whitman in lần đầu 1000 bản mà chỉ bán được được chưa đến... ba mươi bản. Nhưng hề gì, Lá cỏ vẫn được coi là một trong những tập thơ quan trọng nhất của thi ca Mỹ và Âm thanh và cuồng nộ là kiệt tác của một trong những nhà cách tân tiểu thuyết tiêu biểu nhất.
Còn nhiều ví dụ về những cuốn bán ế lừng danh khác. Một lần nhà văn Nguyễn Bình Phương bảo tôi. Sách của tao bán ế lắm mày ạ. Anh nói thế và tôi biết Nguyễn Bình Phương cũng không buồn rầu vì anh biết cái tạng kén người đọc của mình. Nhưng chẳng phải những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương như Thoạt kì thủy, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng... đều là những cuốn sách được giới hàn lâm đánh giá cao đó sao. Nhưng những lời ngợi khen có ảnh hưởng tới sức mua của người đọc? Nguyễn Bình Phương luôn có một bộ phận độc giả trung thành nhưng không nhiều. Sách của anh không đến nỗi ế ẩm nhưng chưa bao giờ là bán chạy. Tôi lấy ví dụ Nguyễn Bình Phương vì anh được coi là một trong những cây bút tiểu thuyết đương đại đáng chú ý nhất hiện nay.
Nhà văn Hồ Anh Thái một lần nói rằng. Anh sẽ không in sách nếu không đạt 5000 bản cho lần xuất bản đầu tiên. Xin chú ý tới con số 5000, nó là cái mốc được đông đảo giới làm sách công nhận là đạt ngưỡng bán chạy. Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái bán chạy hơn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương nhưng không phải vì thế mà Hồ Anh Thái có vị thế cao hơn Nguyễn Bình Phương và ngược lại.Và có lẽ tôi đang làm một sự so sánh rất nguy hiểm. Tôi không xếp hạng nhà văn ở hạng mục này, ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng, sự bán chạy và bán ế dường như có thể xảy ra với bất cứ nhân vật nào.
Sách văn học bán chạy nhất ở Việt Nam hiện thời đang thuộc về Nguyễn Nhật Ánh. Các con số thống kê đã nói điều đó rất rõ. Có những cuốn sách của nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi đạt gần nửa triệu bản, một con số đáng ngưỡng mộ. Nhưng tại sao sách của Nguyễn Nhật Ánh bán chạy trong khi người Việt chúng ta bị đánh giá cơ bản là những người lười đọc sách. Đã có những thống kê rằng người Việt một năm không đọc quá một cuốn sách, trong đó tính cả sách giáo khoa! Đó là một kỉ lục chẳng hay ho gì nhưng dù vậy, sách của Nguyễn Nhật Ánh vẫn bán chạy. Và không chỉ một cuốn, cả chục cuốn của Nguyễn Nhật Ánh luôn đứng đầu bảng bán chạy nhất hàng năm.
Nguyễn Nhật Ánh có một thị trường lớn. Đó là câu trả lời đầu tiên để đánh giá về hiện tượng này. Sách của ông viết cho thanh thiếu niên và hiện thời đó là đối tượng ham đọc sách nhất. Nhưng đó cũng là điều rất đáng suy nghĩ, người ta thích đọc sách lúc bé và hình như càng có tuổi người ta càng không muốn đọc. Tôi đã từng tự mình khảo sát ở phố sách Đinh Lễ, Hà Nội bằng cách quan sát các cửa hàng sách. Người đến mua nhiều nhất là giới trẻ hoặc phụ huynh đến mua sách cho con. Người trưởng thành và người có tuổi rất ít xuất hiện ở các hiệu sách!
Nguyễn Nhật Ánh làm cho người đọc của ông thích thú. Đó là câu trả lời thứ hai và có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất. Nguyễn Nhật Ánh làm cho người ta dễ chịu, tôi chắc chắn thế, những độc giả thanh thiếu niên của ông được làm cho vui thích. Và đương nhiên họ sẽ mua những tác phẩm khiến họ hài lòng.
Qua trường hợp Nguyễn Nhật Ánh ta có thể thấy được hai điều về những quyển sách bán chạy. Thứ nhất, nó cần có một thị trường tiềm năng, nhiều người đón đợi. Một triệu người háo hức được đi bơi thì rõ ràng triển vọng hơn rất nhiều so với chỉ một nghìn người có mong muốn ấy, ở đây chưa nói tới cái bể bơi như thế nào.
Cái bể bơi ở đây là hình hài làm cho người ta sung sướng. Con người dù thế nào đi nữa bao giờ cũng muốn được dễ chịu. Người ta nói rằng một ca sĩ có danh vọng bao giờ cũng có nhiều fan hâm mộ hơn một nhà khoa học xuất sắc. Vì ca sĩ làm chúng ta vui vì những bài hát của anh ta, còn nhà khoa học, anh ta có làm chúng ta vui được không, có đấy, ví dụ các phát minh của anh ta có thể làm cho cuộc sống thoải mái, tiện nghi hơn. Nhưng sự sung sướng của nhà khoa học tạo ra cần những điều kiện, trạng thái nhất định và những điều đó thì không phải ai cũng tiếp cận được.
Ta đã biết vì sao sách bán chạy. Tôi đi vào nguyên nhân chính và tạm thời không bàn đến các yếu tố khác như truyền thông, công nghệ PR, các giải thưởng, các chiến lược, chiến thuật thị trường của các nhà sách, công ty phát hành. Và nói chung sách bán chạy thì rất dễ nói vì nó hiển hiện, ai cũng thấy. Sách bán ế mới là vấn đề nan giải và bây giờ ta bàn tới sự đau đầu của rất nhiều người cầm bút.
Trước hết cần khẳng định rằng sách bán ế không hoàn toàn là những cuốn sách dở. Ta dễ dàng chứng minh được điều này khi nhìn các phẩm của các nhà văn Nobel nằm phơi bụi ở các hiệu sách nhiều năm. Dù có tranh cãi thì giải Nobel đương nhiên là một giá trị. Và những nhà văn được tôn vinh ở cấp độ cao như thế sách của họ còn lay lắt huống chi những người khác. Nhưng trong số sách bán ế nói chung chắc chắn có nhiều cuốn dở. Dở mà bán ế thì không phải bàn mà chỉ xem sách có chất lượng tại sao vẫn bán ế.
Sự phân tích dễ dàng khi ta nhìn những yếu tố của sách bán chạy và chỉ cần đảo chiều. Sách bán ế là những sách có một thị trường không tiềm năng. Ví dụ sách văn học dành cho người đồng tính nữ thì rõ ràng thị trường rất hẹp so với sách thiếu nhi. Các nhà kinh điển viết những cuốn như Âm thanh và cuồng nộ, Ulysses... chắc chắn không phải dành cho tất cả độc giả. Chúng chỉ dành cho ít người, ví dụ cá nhà văn, các nhà nghiên cứu, những người ưa thích sự thách thức, chinh phục. Thị trường đã hẹp thì dù có xuất sắc đến mấy thì cũng chỉ chinh phục được một số lượng độc giả nhất định.
Sách bán ế không làm cho nhiều người thỏa mãn. Nói gì thì nói, giải trí vẫn là một trong những chức năng quan trọng bậc nhất của văn học. Rất ít người mua một cuốn tiểu thuyết để mong nó sẽ dạy mình một điều gì, cơ bản chúng ta mua sách đọc để giải trí và nếu nó có giá trị thì càng tốt. Nếu biết chắc chắn rằng đọc cuốn sách ấy sẽ khiến ta đau đầu, mệt mỏi thì ai sẽ sẵn sàng rút ví?
James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka là những nhà tiểu thyết tiên phong. Nhưng sách của ba người này hoặc là quá phức tạp như J. Joyce, quá lòng thòng như M. Proust hoặc loanh quanh mỏi mệt như F.Kafka, chắc chắn bạn đọc thông thường sẽ không quan tâm. Các ông lớn thế nào chúng tôi không cần biết, ông không làm chúng tôi vui thì sẽ không mua!
Tất nhiên đa số các nhà văn lớn sẽ không quá quan tâm đến sự bán ế hay bán chạy tác phẩm của mình trừ những trường hợp bị cuộc sống o ép quá. Rất nhiều người sẽ nói rằng: Tôi viết chỉ để thỏa mãn ước muốn, sở nguyện cá nhân và không quan tâm đến độc giả là ai. Có đúng như thế không? Câu phát biểu này chắc chắn là lời nói dối. Nếu anh thực sự không quan tâm một chút nào đến công chúng thì anh viết sách để làm gì, vì sách là dành cho công chúng chứ không dành cho chính tác giả của nó. Điều đáng nói ở đây là sự quan tâm có thể khu biệt thành từng nhóm: dành cho giới tinh hoa, bình dân, trẻ nhỏ hay đông đảo công chúng...
Tất nhiên, nếu xác định được độc giả của mình thì người viết cũng không quá buồn khi sách bán ế nhưng chắc chắn ai nấy đều vui mừng khi sách của mình bán chạy. Có thể anh không quan tâm nhiều đến tiền bạc nhưng suy nghĩ của anh, thẩm mĩ của anh, lí tưởng của anh được truyền bá đến nhiều người há không phải là một phần thưởng rất lớn đó sao. Người viết phải sở đắc một khoái cảm của sự viết thì mới thôi thúc anh ta sáng tạo. Tất nhiên có những lúc vì tiền bạc, đói khát, vì công việc người ta vẫn sản sinh ra những kiệt tác. Vũ Trọng Phụng chẳng phải viết để kiếm cơm từng bữa mà vẫn có Số đỏ, Giông tố và F.Dostoevsky còng lưng viết để trả nợ và đánh bạc mà vẫn có Tội ác và hình phạt, Thằng ngốc, Anh em nhà Karamazov đấy thôi.
Sự bán chạy và bán ế là muôn vàn hình trạng. Sách bán chạy chưa chắc đã có giá trị và sách bán ế không nhất thiết là kém cỏi. Tôi cứ hình dung ra một ông nhà văn bán chạy nhưng chất lượng tầm tầm và một ông siêu bán ế nhưng được đánh giá cao gặp nhau. Hai ông sẽ thèm khát địa vị của nhau và có lẽ một ông sẽ nói, hay là ta đổi vị trí cho nhau nhỉ. Không ai biết chính xác được cuộc gặp gỡ ấy thế nào nhưng có lẽ đó là một trong những tình huống điển hình, hứa hẹn nhiều bất ngờ.
U.T