NGUYỄN MINH KHIÊM
Hoa thảo mộc (NXB Hội Nhà văn, 2001), Trăng đợi (NXB Văn học, 2004), Đi về nơi không chữ (NXB Hội Nhà văn, 2006), Lang thang trên giấy (NXB Văn học, 2009), Những ngọn gió đồng (NXB Hội Nhà văn, 2015) là năm tập thơ của nhà thơ Bình Nguyên xuất bản trong vòng mười lăm năm nay. Năm tác phẩm thơ đã xuất bản ấy, cộng với bút danh Bình Nguyên với những bài thơ, những câu thơ neo vào lòng người đọc, Bình Nguyên đã tạo được vị thế cho thơ mình.
Thơ Bình Nguyên thanh lịch, tao nhã, tinh tế trong câu chữ, chặt chẽ trong cấu trúc, khoáng đạt trong biểu hiện. Tất cả sự vật, sự việc, ký ức, kỷ niệm, trải nghiệm đều được Bình Nguyên cảm nhận bằng một chiều sâu rung cảm, tâm thức, suy ngẫm, lắng lọc. Thơ Bình Nguyên không nói những điều to tát. Anh ít dùng những hình dung từ. Bài nào cũng gọn gàng, không rườm rà. Anh nói được cái rất nặng mà nhẹ nhàng; nói được cái rất gần mà xa; nói được cái rất ảo mà thực. Nhiều ý ở ngoài lời. Người đọc thấy hay, thấy đẹp, thấy sâu xa, thấy gợi, thấy thơ mà nhiều khi không thấy ngôn từ. Đúng là Bình Nguyên đang đưa thơ, đưa hồn thơ mình về nơi không chữ. “ Từng giọt chảy tận bùn mà lặng tiếng/ Sông Đáy xé mình để thành đồng áng/ Thành đồng áng rồi không thấy nữa sông đâu”(Chảy cùng sông Đáy). Trằn trọc vì thơ. Say đắm vì thơ. Rút ruột vì thơ, vì câu chữ. Nhưng thành thơ, thành câu chữ rồi lại không thấy câu chữ đâu. Người đọc bị hút vào các tầng vỉa của câu thơ, của chữ. Chiêm nghiệm nhiều, va đập lắm, hiểu đạo lý, thấu nhân cách làm người, khiêm nhường, vượt lên triết lý giáo điều, giàu nội lực, mới viết được những câu thơ “ Này ai có tuổi cao hơn cỏ / Thấp xuống mà nghe cỏ nói gì” (Cỏ quê). Lay động. Thức tỉnh. Không cần biết toàn bộ nội dung bài thơ nói gì, bài thơ bao nhiêu khổ, bao nhiêu câu, chỉ cần hai câu thơ ấy là có tất cả cái cần thiết đối với một người đọc thơ, thưởng thức thơ. Phải thi sĩ lắm, trí tuệ lắm, nhuần nhuyễn mọi triết lý, mới chuốt ra được câu thơ như thế. Anh có những câu thơ định tuổi cho cả bài thơ. Đôi khi định tuổi cho cả tập thơ.
Cái chợt đến, cái chợt đi, cái chợt bắt gặp đều cho Bình Nguyên cái cớ tạo dựng những góc nhìn, những định nghĩa, những triết lý về nhân sinh, nhân tình thế thái. Chẳng cần đến đề tài to tát, chỉ “Những ngọn gió đồng”, “Ông già về bến cũ”, “Bóng gậy trong vườn”, “…buổi chiều xuống nắng” , hay “Những hòn than”, “về Cồn Nổi”… những ký ức, những kỷ niệm, những bắt gặp không đặc biệt lắm, có một cái cớ là Bình Nguyên có thơ, có lý do để giải mã cuộc sống, chiếu rọi hồn mình vào sự vật, sự việc. Từ đó bật ra một cái mới. Đó là sự khám phá. Đó là tìm tòi. Cái quý, cái quan trọng nhất đối với Bình Nguyên là anh không bị những ý tưởng bộc lộ, chuyển tải, gửi gắm làm khô cứng thơ, mất vẻ đẹp của thơ. Anh giữ được thơ, rất thơ. Nhưng trí rất trí. “Chớp ở đằng xa mà sấm nổ gần/ Mưa lại dột xuống lùm cây mẹ đứng” (Bóng gậy trong vườn”; “Ông trắng tay từ bàn tay khác” (Ông Tố). Đó là ngôn ngữ thơ của bao nhiêu cái giá phải trả, đã trả. Hời hợt không chạm được tới. “Tôi trở về gặp buổi chiều mẹ vục bóng vào sông” (Những ngọn gió đồng). Ai không nhăn trán, ai không trau mày, ai không có một khoảng lặng khi đọc những câu chữ ấy? Câu chữ đi dần vào trong suốt, đi dần vào tinh tế. “Những hạt sương tìm về đậu xuống tóc anh/ Chúng mỏng mảnh như buổi chiều im ắng”/…/ “Có ai mua tiếng rao trên nẻo gập ghềnh khuya/ Để ấm bước gánh hàng dong xuống phố/ Trăng ngấm nắng rót mùa thu vào tửng mái cổ/ Anh ngã xuống tiếng gọi em trong bóng trăng đang vỡ vụn bên thềm” (Gửi em từ buổi chiều xuống nắng). Vẻ đẹp cổ điển hiện lên trong một tâm hồn thơ hiện đại. Bình Nguyên hiện đại trong truyền thống nhưng điềm tĩnh. Anh không chịu ảnh hưởng một chút nào của các khuynh hướng thơ hiện sinh, thơ tân hình thức mấy chục năm qua. Thơ Bình Nguyên rất truyền thống. Phải nói thêm là rất giàu truyền thống. Anh không đơn giản hóa truyền thống, cũng không phức tạp hóa truyền thống. Anh chỉ làm cho thơ truyền thống sâu hơn, đẹp hơn, giàu năng lượng hơn.
Những câu thơ trực cảm, gần khẩu ngữ trong thơ Bình Nguyên không nhiều. Dù lục bát hay tự do, thơ Bình Nguyên vẫn là thơ của tư duy, suy tư, lập tứ, lập ngôn theo kiểu “Ta biết cây tự che từ bốn hướng/ Những nốt sần dọc tuổi thức chong đêm”/…/Ta gặp những tiếng vỡ ra như không kìm lại được/…/Ta nghĩ đến những hạt mầm vừa bay vừa mọc/…/ Bóng đêm thường làm nó sáng lên” (Nói chuyện với cây). Dù cuộc sống thô ráp đến đâu, giật cục đến đâu, bụi bặm đến đâu, khi vào thơ Bình Nguyên cũng rất uyển chuyển, nhẹ nhàng. Anh không chú trọng tác động đến độc giả bằng va đập mạnh của vỏ ngôn ngữ. Anh thu hút độc giả bằng chiều sâu tri thức, chiều sâu tâm hồn. Anh cố gắng đi đến một nghệ thuật thơ ít chữ nhất mà chuyển tải được nhiều nhất. Đó cũng là cách thơ đi đến miền không chữ.
Rất nhiều người viết về chị trong chiến tranh. Bình Nguyên vẫn tìm được một cách cảm riêng, nghĩ riêng: “Chị/ chẳng vấp ai cũng ngã dọc đường về” (Chị). Nhiều người cho rằng, sở trường của Bình nguyên là thơ lục bát. Có những bài thơ lục bát của Bình Nguyên đẹp trọn vẹn cả bài, tinh tế cả bài. “Tự khúc” trong tập “Trăng đợi” là một ví dụ: “Rồi ai còn ở trong ta/ Ta trong ai nữa một xa tháng ngày/ Bao mùa xác lá tàn cây/ Đã yên trong sợi tóc gầy sang sương/ Chong chong mình với con đường/ Nắng mưa thì cứ thất thường mãi thôi/ Bóng người ngả phía xa xôi/ Đêm đêm trăng đứng lẻ đôi một đời/ Rạch ngang mây tiếng chim trời/ Giục bao giọt nắng đâm chồi trên cây/ Nhặt lên từng tuổi qua ngày/ Mà rưng rưng nỗi vơi đầy thế gian”. Toàn bài là một thi phẩm đẹp. Thơ nói được chiều sâu nỗi niềm mà không diễn. Thơ bộc lộ được điều tâm tư gan ruột mà không phô. Như thế gọi viết có nghề. Như thế gọi già dặn câu chữ. Những câu thơ thế này trong thơ Bình Nguyên không hiếm “ Ra giêng trắng ngổn ngang lòng hoa cau”, “Thôi đừng gọi cái tuột tầm đa mang” (Về dại), “Thôi đừng sóng nữa mà xô ngã mình” (Một đêm với Hữu). “Đôi chỗ mạch câu chữ của Bình Phương gặp mạch câu chữ của cổ nhân “Đêm sạch như nước trong/ Mà nhìn không tận đáy” (Câu chữ),“Mỗi lần hỏi một câu ngoài chính sử/ Lại một lần thêm xa lắc xa lơ/…/Cỏ biết được những gì pho tượng kia không nói/ Xin thắp vào chiếc bình đá cũ nhành lau” (Trước tượng Dương Vân Nga).
Một số nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã phân thơ làm mấy hạng thế này: Thơ kể, tả là thơ bình dân, thơ ở bậc thấp nhất. Thơ cấu tứ câu chữ rõ ràng, mạch lạc, ngôn từ trong sáng, ý nghĩa ngời ngời là thơ mặt phẳng, thơ trung bình, thơ hạng hai. Thơ này chi phối gần như toàn bộ cách tư duy, định hướng thẩm mỹ thời chống Pháp và chống Mỹ. Thơ không thấy chữ, không thấy câu, chỉ thấy cái nó mở ra, gợi ra, dắt đi, được nó nuôi dưỡng thành linh khí, sinh khí, là thơ đỉnh cao, đích thực thơ.
Ưu điểm lớn nhất của thơ Bình Nguyên là tránh được kể, tả. Thơ đã bắt đầu bằng xúc cảm, bằng tâm trạng. Nghĩa là, thơ Bình Nguyên từ tâm bật ra, từ hồn ngân lên chứ không phải bắt đầu bằng trực giác. Anh ít dựng cảnh thơ. Địa chỉ của các cung bậc cảm xúc trong thơ Bình Nguyên chính là tiếng lòng anh, tiếng tâm thức hồn anh. Hình trong thơ rất rõ nhưng không nắm được. Ảnh trong thơ rất thực nhưng không phân định màu sắc, ánh sáng được. Nó lung linh bởi tâm trạng, bởi ánh sáng nội tâm nhà thơ khắc khảm trong đó.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, thơ bắt đầu bằng sự thốt ra và kết thúc bằng sự rung ngân. Thơ Bình Nguyên đã chạm đến cái bắt đầu bằng sự thốt ra và kết thúc bằng sự rung ngân ấy. Bài thơ “Mưa em” là một minh chứng: “Trời cho em có thế thôi/ Anh về bấu cỏ xước mười ngón tay”. “Anh về bấu cỏ” là chi tiết đắt, gợi, đau xé, tạo cảm xúc mạnh. Đây cũng là một câu thơ rất mở “Bãi hoang ướt một góc trời mưa em”. Bài “Hỡi người đi xa” cũng bắt đầu bằng thốt lên: “Ngỡ đánh rơi mình bên bờ cơm áo”, “Người yêu nhau tự bao giờ/ Tôi làm sao biết mà ngờ sông Tương” (Vu vơ lục bát), “Ngõ làng còn ngát hoa chanh/ Thì còn con gái quê thành ca dao” (Gửi Nguyễn Bính), “Chiếc nón cũ hơn đêm/ Người đàn bà đầy gió” (Người đàn bà bán trúc đêm). Người yêu thơ Bình Nguyên vẫn muốn có nhiều hơn nữa những bài thơ, khổ thơ, tứ thơ bắt đầu bằng sự thốt lên, bung ra như thế. Ai đọc “Mộ khói” mà không rưng rưng? “Cái nấm cỏ con nằm chẳng bao giờ khô/ Bởi đêm đêm mẹ ra thắp cho con bằng nước mắt/ Làn khói trắng mang con đi tóc mẹ chưa kịp bạc/ Những năm đau tóc mẹ trắng lâu rồi/…/ Mẹ ơi, mỗi mùa về gió rét căm căm/ không hiểu sao cái gió rét cứ tìm mẹ mà thốc vào gian nhà mái rạ/ …/Nén hương mẹ thắp cho con sẽ lại tàn xuống bãi gió ven sông/ Con chẳng biết làm gì cho mẹ lúc này chỉ nhận về nước mắt/ Nước mắt mẹ đã đắng với gió trời lại chát vào lòng đất/ Lẩy bẩy bóng đêm, buôn buốt phía con nằm”. Ai đọc “Hoa lan bên ô cửa” mà không khen Bình Nguyên dựng được một tứ thơ đẹp? “Cả đất trời đang thấp xuống mùa hương/…/Để dâng hiến, để bung ra tự lòng hương thơm như không đừng tự lòng hương thơm được/ Một cánh hoa mỏng mảnh nhiều khi một ngọn gió đêm cũng làm chầy xước/…/ Cứ hắt lên long lanh từ mỗi cánh hoa như mài rũa trong sương để thành giọt sao trời”. Bình Nguyên nắm được hồn cốt cái thực, không bị cái thực dẫn dắt câu chữ mà anh biến cái thực thành chất liệu của rung cảm. “Người làng chài học chữ” có những khổ rất đẹp: “Chữ gieo ở mạn sông gầy/ Bao nhiêu con chữ dạn dầy gió đêm/ Lênh đênh chữ nổi, chữ chìm/ Mỗi lần rơi, mỗi lần tìm vớt lên”. Những bài thơ như thế đầy đặn lắm, khéo léo lắm, chỉn chu lắm, tròn trịa lắm. Ai bảo không rung cảm? Ai bảo không sâu? Ai bảo không trong?
Đi đến miền không chữ là Bình Nguyên đang đưa thơ đến sự sang trọng, đến đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Đó là một con đường dài chông gai, gian nan vất vả trong im lặng “Khóc nhiều lần không thành tiếng/ Cả những ngọn sóng vỗ trong em cũng không thành tiếng” (Anh). Đã dấn thân cho miền không chữ, Bình Nguyên hiểu rõ dừng lại không bao giờ biết đỉnh núi. Phải đi đến tận cùng con đường đã chọn “Con đường ta đã dấn thân/ Thi xin đi tận bước chân cuối cùng” (Lãng đãng thơ). Nhiều khi đó là một con đường cô độc “Ngỡ bầu bạn của ta đông/ Tan sương mới thấy trống không con đường” (Lãng đãng thơ). Nỗi nhọc nhằn, khắt khe, khắc nghiệt trong lao động của nhà thơ không đem tất cả đặt lên đầu lưỡi.
Thơ là trai làm ngọc, là biển làm kim cương. Trai lặng lẽ một mình nơi đáy biển. Sóng nghìn năm kết thành kim cương đáy biển. Đó là nhà thơ, là thi sĩ. Còn độc giả nâng ngọc trai trên tay, đeo ngọc trai vào tay, vào cổ ngắm ngía, trang sức và những phiên chợ ru bi, đá quý đấu giá kim cương.
Hạnh phúc lớn nhất của Bình Nguyên là trên đường đi đến miền không chữ, anh đã có những câu thơ được người yêu thơ đeo làm chuông, làm xuyến, làm khánh để thưởng thức để ngân nga.
N.M.K