Nhà văn ĐÕ KIM CUÔNG
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
Tiếp nối truyền thống yêu nước của các bậc tiền nhân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch vẫn tỏ rõ khí tiết của người cộng sản thông qua 114 bài thơ trong Nhật ký trong tù.
TRONG TÙ NGỤC - THƠ CA TRỞ THÀNH VŨ KHÍ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
Trong cuộc đấu tranh cam go, gian khổ chống ách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến, không thể tính hết được xương máu của bao lớp người chiến sĩ cách mạng đổ ra để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), từ cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX đã có hàng ngàn chí sỹ và người dân yêu nước giương cao ngọn cờ đấu tranh giành độc lập, đòi quyền dân chủ, tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học... dù bị giặc bắt và tù đầy trong các nhà giam ở Hỏa Lò, Côn Đảo, Khám lớn Chí Hòa, dù bị tra khảo tàn bạo, dã man, nhưng vẫn quyết không đầu hàng, gục ngã. Họ đã biến nhà tù thành trường học, sáng tác thơ ca để truyền bá tinh thần yêu nước, giữ vững chí khí cách mạng.
Năm 1905, cụ Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử để tuyên truyền cách mạng. Thật thấm thía với những lời tự sự của cụ Phan: “Không có gì đau bằng người dân mất nước. Cũng không có gì đau bằng người dân bị mất nước mà bàn việc nước”.
Nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1872 - 1926) đã từ quan để dấn thân vào con đường cứu nước. Trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, cụ viết: “Tháng ngày bao quản thân sành sỏi / Mưa nắng chi sờn dạ sắt son / Những kẻ vá trời khi lỡ bước / Gian nan chi kể việc con con...”.
Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học (1902 - 1930), lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, chủ trương giành độc lập cho Tổ quốc bằng vũ trang khởi nghĩa, song thất bại. Ông và 12 lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng bị giặc Pháp đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Tại pháp trường, Nguyễn Thái Học đã đọc 4 câu thơ bằng tiếng Pháp: “Chết vì Tổ quốc / Chết vinh quang / Lòng ta trong sáng / Trí ta nhẹ nhàng”.
Tiếp nối truyền thống yêu nước của các bậc tiền nhân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch vẫn tỏ rõ khí tiết của người cộng sản thông qua 114 bài thơ trong Nhật ký trong tù. Mỗi câu thơ của Người đều khẳng định và toát lên sức mạnh, ý chí cách mạng: “Thân thể ở trong lao / Tinh thần ở ngoài lao / Muốn nên sự nghiệp lớn / Tinh thần càng phải cao”.
Nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) tâm niệm: “...Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ / Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền...”. Sức mạnh của văn chương nghệ thuật, của thi ca đã được nhà thơ Tố Hữu tiếp nối và kết nối trong nhiều tác phẩm của tập thơ Từ ấy mở đầu cho nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.
TỪ "ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA" 1943 ĐẾN CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP
Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1943, khi phong trào Mặt trận Việt Minh từng bước bùng phát, dần trở thành cao trào cách mạng, đồng chí Trường Chinh và Trung ương Đảng đã truyền bá Đề cương văn hoá (1943) của Đảng, tập hợp đội ngũ trí thức văn nghệ sỹ tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trên mặt trận văn hoá văn nghệ. Từ đây, công tác văn hoá văn nghệ thực sự trở thành một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng - văn hoá, tạo nên sức mạnh đoàn kết, tập hợp đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, bất kể họ thuộc thành phần giai cấp nào.
Ánh sáng của Đề cương văn hoá với mục tiêu: dân tộc - khoa học và đại chúng là khối nam châm lớn thu hút những trí thức - nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận,... Họ là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn nghệ của thời kỳ Mặt trận Việt Minh. Bằng những sáng tác văn học nghệ thuật, truyền bá tư tưởng cách mạng, những nghệ sỹ - chiến sỹ đã cùng với toàn Đảng, toàn dân góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).
Thực hiện lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ (1946 - 1975), lớp lớp văn nghệ sỹ ra chiến trường vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù vừa tham gia xây dựng các đơn vị văn nghệ, mỗi tác phẩm văn học được viết ra trong lửa đạn, giữa vòng vây của kẻ thù hay ở hậu phương, đều góp phần định hình nên một nền văn nghệ cách mạng Việt Nam ở vào một giai đoạn đỉnh cao của dân tộc - văn học nghệ thuật chống xâm lăng và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đã có không ít văn nghệ sỹ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sỹ, tạo nên “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (Thơ Lê Anh Xuân), tô thắm hình tượng “anh bộ đội cụ Hồ”, “anh giải phóng quân”.
Máu của bao thế hệ đã đổ xuống trong 30 năm trường kỳ gian khổ chiến đấu để hướng tới và đạt được khát vọng cao nhất “30 năm chúng ta đi không chệch một con đường / Nghĩ cho mấy cũng trở về với gốc / Đánh nghìn trận trăm phen, đổi mấy chiến trường / Cũng chỉ để giải phóng miền Nam và Thống nhất” (Chế Lan Viên).
Chặng đường hơn 10 năm của đất nước ta từ sau Mùa xuân 1975 đến trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) là một thời kỳ đầy khó khăn. Âm hưởng khốc liệt của cuộc chiến tranh giành độc lập thống nhất đất nước chưa tan, niềm vui chưa trọn vẹn, dân tộc ta lại phải lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây - Nam và biên giới phía Bắc. Nền kinh tế của đất nước bị bao vây, cấm vận... Văn nghệ cách mạng suốt bao nhiêu năm xem chủ nghĩa anh hùng cách mạng là một định hướng lớn, những năm tháng này cũng đứng trước những thử thách, đó là đối diện với đói nghèo và sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai.
Cuộc sống mới đòi hỏi văn nghệ sỹ cũng phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới, khát vọng mới để thực hiện cho được mong ước của Bác Hồ “... làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó cũng là trách nhiệm công dân của mỗi văn nghệ sỹ chân chính. Và cũng đã đến lúc điềm tĩnh nhìn nhận lại hiện thực cuộc sống cả quá khứ và hiện tại. Khẩu hiệu “Dân tộc - Khoa học và Đại chúng” (Đề cương văn hoá 1943) định hướng cho cả một thời kỳ văn học nghệ thuật cũng cần phải đổi mới, để thẩm định các giá trị của văn học nghệ thuật, trong đó nhân tố văn hoá và con người có một vị trí quan trọng - ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương VI của Đảng, đổi mới tư duy và cải cách đã tạo tiền để quan trọng cho sự “thay da đổi thịt” trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa - văn nghệ, để đến năm 1998, Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời, được coi là một bước “đột phá” chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Tiếp đó, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (2008) và mới đây là Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (2014) là những bước đi quan trọng khẳng định quan điểm, đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng ở thời kỳ mới. Theo đó, Đảng ta khẳng định quan điểm xem văn hóa là nền tảng, tinh thần của xã hội cùng với chính trị, kinh tế để phát triển đất nước; văn học nghệ thuật vẫn là mũi nhọn xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng. Với sức mạnh nội tại, văn học nghệ thuật đã và đang góp phần vào công cuộc chấn hưng, đẩy lùi sự suy thoái của con người; góp phần định hình và xây dựng các giá trị mới của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT KHẲNG ĐỊNH MỘT MẶT TRẬN TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG - VĂN HÓA CỦA ĐẢNG
Với sự quan tâm của Đảng và các cấp chính quyền, cho đến nay tổ chức các Hội văn học nghệ thuật (VHNT) từ Trung ương đến địa phương luôn giữ được sự ổn định. Cả nước hiện có khoảng trên 42.000 văn nghệ sỹ hoạt động chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và 63 Hội VHNT các tỉnh, thành phố đang hoạt động có chất lượng, hiệu quả dưới “mái nhà chung” Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Gần 20.000 văn nghệ sỹ là hội viên của các Hội VHNT chuyên ngành do Trung ương quản lý.
Ngoài ngân sách nhà nước cấp cho các Hội hoạt động thường xuyên, hằng năm Chính phủ còn hỗ trợ từ ngân sách 75 tỷ đồng để các Hội đầu tư hỗ trợ sáng tác, tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ đi thực tế, mở trại sáng tác, tham gia vào các hoạt động phục vụ cho công tác tuyên truyền của đất nước.
Mỗi năm, các Hội tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm tranh, ảnh, hội chợ sách, biểu diễn sân khấu... diễn ra trên cả nước. Các Hội cũng thường xuyên chú trọng đào tạo văn nghệ sỹ trẻ, giao lưu và hội nhập quốc tế.
Các hoạt động văn học nghệ thuật đã góp phần làm cho đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư thêm phong phú. Văn học nghệ thuật đã về với vùng đồng bào các dân tộc, miền núi, hải đảo. Nhiều văn nghệ sỹ tham gia vào các chuyến đi thực tế ở Trường Sa. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giữ chủ quyền biển, đảo, giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Trong bối cảnh hòa bình, phát triển, hội nhập hôm nay càng cho thấy sự lựa chọn đúng đắn về “đường đi nước bước” của Đảng ta. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo suốt mấy chục năm qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta chủ quan, bởi các thế lực thù địch, kẻ xấu luôn rình rập, tăng cường chống phá, phủ nhận và “gây nhiễu” bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn tinh vi. Các hoạt động văn học nghệ thuật luôn là một mặt trận mà những phần tử chống đối, bất mãn, các thế lực thù địch tìm cách tấn công.
Lợi dụng sự tự do dân chủ trong sáng tác, đã có những tác phẩm văn học phủ nhận cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, thậm chí xuyên tạc lịch sử mà nhân dân ta đã phải trả bằng máu trong những năm tháng mà mỗi người dân, mỗi gia đình từng sống trong cảnh “Những năm bom Mỹ / Trút trên mái nhà / Những năm cây súng / Theo người đi xa / Những năm băng đạn / Vàng như lúa đồng / Bát cơm mùa gặt / Thơm hào giao thông...” (Trần Đăng Khoa).
Khách quan, chúng ta phải thừa nhận vẫn còn không ít những hạt sạn, những khiếm khuyết trong các sáng tác của nền văn học nghệ thuật cách mạng ở thời kỳ “cả nước cùng ra trận”. Nhưng rất sai lầm, ấu trĩ và ảo tưởng nếu chỉ lấy “cái hôm nay” cùng với những tiêu chí văn chương của phương Tây để lãng quên lịch sử (thậm chí là phủ nhận lịch sử) để soi chiếu và “đánh giá lại” các giá trị văn học nghệ thuật đã từng làm nên hồn cốt văn hoá văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh. Bởi vậy, cuộc chiến đấu trên mặt trận văn học nghệ thuật để chống lại cái xấu, cái ác, cái phản giá trị nhân văn dân tộc cùng những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.. đang không ngừng diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi người nghệ sỹ phải phải có một tầm nhìn mới và bản lĩnh vững vàng.
Hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sỹ là sáng tạo. Sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh một cách chân thực hiện thực lịch sử, đất nước và con người Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Chặng đường 90 của Đảng (1930 - 2020) gắn liền với lịch sử của dân tộc và quá trình hình thành nền văn hóa - văn nghệ cách mạng Việt Nam - một viên gạch nối dài xây đắp cho truyền thống văn hoá Việt Nam trường tồn bền vững./.
Đ.K.C
(Nguồn: http://tuyengiao.vn)