NGUYÊN PHƯƠNG
Đại học Hoa Lư, Ninh Bình
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bên cạnh những kỳ tích thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dân tộc Việt Nam đã xây dựng và phát triển một nền âm nhạc cổ truyền khá rực rỡ. Với tư cách là một hình thái ý thức đặc thù, trên con đường phát triển, âm nhạc cổ truyền Việt Nam luôn có sự giao thoa thường xuyên với các bộ môn nghệ thuật khác tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo.
Giữ gìn, phát huy thành tựu của âm nhạc cổ truyền vẫn luôn là băn khoăn của các nhà nghiên cứu giáo dục, giới sáng tác và những cá nhân tâm huyết. Bởi đó là một phần thiết yếu của một nền văn hóa, gắn bó và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của cá nhân, xã hội. Trong nhà trường, giáo dục âm nhạc truyền thống tạo điều kiện cho học sinh hiểu biết, trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc, có ý thức về giá trị văn hóa của dân tộc, địa phương mình. Bên cạnh nghệ thuật Hát Chèo, Hát Chầu văn, Hát Xẩm vốn là “đặc sản” văn hóa của Ninh Bình với những nghệ nhân nổi tiếng. Bảo tồn và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật này trong học sinh và cộng đồng thực sự là mối quan tâm của các cấp liên quan. Theo đó, các loại hình nghệ thuật nói trên sẽ không chỉ tồn tại như một nhu cầu sinh hoạt văn hóa dân gian mà phải là một hoạt động có tính chuyên nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương, của tỉnh.
Tiếp nối truyền nghề hát Xẩm Ảnh của ĐẶNG THANH KIỀU
1. Được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật Hát Xẩm ở đồng bằng Bắc Bộ thời kỳ đầu thế kỷ XX nhưng thể loại nghệ thuật này ở Ninh Bình tập trung chủ yếu ở Yên Mô. Sự xuất hiện và tỏa sáng đặc biệt của nghệ nhân Hà Thị Cầu ở Ninh Bình và tại nhiều chiếu Xẩm nổi tiếng trên cả nước đã hình thành nên lối hát Xẩm Hà Thị Cầu với cách luyến láy, cách nảy âm đặc trưng. Khi công tác sưu tầm được chú trọng, trước khi mất, bà Hà Thị Cầu đã truyền dạy lại cho số ít học trò xuất sắc của mình và lớp trẻ tại địa phương. Rất tiếc sau khi bà mất, phường Xẩm mai một, các nghệ nhân Xẩm tài danh của Ninh Bình dần bước vào tuổi xế chiều và lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ từng lưu giữ, sáng tạo và thực hành. Với quyết tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trong tương quan với phát triển giáo dục và tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra nghị quyết, xây dựng các đề án với lộ trình thực hiện cụ thể.
Bài viết sẽ chỉ nghiên cứu sự tồn tại và cơ hội bảo tồn nghệ thuật Hát Xẩm trước hết trong giáo dục ở địa phương này như một gợi ý cho sự nhân rộng mô hình trong tỉnh thời gian tới.
2. Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch số 07/KH-UBND tỉnh Ninh Bình về việc phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật Hát Xẩm, xây dựng các đề án phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, có kế hoạch tổ chức các sự kiện, loại hình văn hóa ở các quy mô khác nhau nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, có thương hiệu. Trong đó nghệ thuật hát Xẩm là một phần quan trọng của nhóm sản phẩm hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp với các địa phương tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt định kỳ, các buổi giao lưu với các Câu lạc bộ Hát Xẩm tại các xã, thôn xóm trên địa bàn huyện Yên Mô. Đó là những cơ sở pháp lý, điều kiện tiên quyết tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và truyền bá nghệ thuật Hát Xẩm trong nhà trường.
3. Năm năm trở lại đây, với chiến lược phát triển con người một cách toàn diện, nhận thức, sự quan tâm của xã hội và ngành Giáo dục trong việc giáo dục âm nhạc ở nhà trường phổ thông, bộ môn âm nhạc được xác định đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Việc giảng dạy âm nhạc đã có chuyển biến tích cực:
- Chương trình giáo dục Phổ thông mới năm 2018 phân phối thêm tiết học cho giáo dục âm nhạc, quy định số tiết giảng dạy âm nhạc nhất định cho cấp THPT. Cụ thể: 70 tiết/lớp/năm cho cả hai cấp Tiểu học và THCS, 70 tiết cho cấp THPT. Chương trình giáo dục địa phương có độ mở thích hợp cho việc thực hành, thực tế, tìm hiểu những đặc trưng văn hóa tại địa phương, có sự tích hợp các bộ môn liên quan (Âm nhạc, Lịch sử, Văn học...). Chương trình cũng không quy định số tiết bài tập, bài hát, nhạc cụ... cụ thể để tác giả sách giáo khoa và giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.
- Sở Giáo dục & Đào tạo Ninh Bình đã triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương ở các cấp học, âm nhạc truyền thống là một trong các chủ đề của tài liệu bên cạnh số tiết đã quy định trong chương trình.
- Bổ sung đội ngũ giáo viên âm nhạc có trình độ chuyên môn, phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng cấp học. Cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo Hát Xẩm theo kế hoạch hoạt động của các dự án phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh.
Sự thay đổi đó là khởi đầu thuận lợi cho việc triển kế hoạch dài lâu và không hề dễ dàng là đưa nghệ thuật Hát Xẩm vào giảng dạy trong các trường phổ thông ở các mức độ khác nhau. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đối với công tác giáo dục và đào tạo nói chung, với hoạt động giảng dạy âm nhạc truyền thống cho học sinh nói riêng, đặc biệt là nghệ thuật Hát Xẩm, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đã tổ chức triển khai hoạt động này ở các trường học, bắt đầu từ huyện Yên Mô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hầu hết các trường gặp khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, thời lượng chương trình… Vì vậy, việc định hình nội dung, phương pháp giảng dạy cho bộ môn âm nhạc một cách phong phú, linh hoạt vừa bảo đảm chương trình cứng của Bộ vừa thích hợp, phát huy thế mạnh của địa phương là một điều vô cùng cần thiết, giúp người dạy, người học có thể truyền thụ và tiếp thu hiệu quả những nét đặc sắc của bộ môn nghệ thuật này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị lâu bền trong đời sống cộng đồng.
Đào tạo người truyền dạy
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, từ năm 2011, UBND huyện Yên Mô đã có kế hoạch triển khai, thực hiện đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Hát Xẩm” với nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể là nghệ thuật Hát Xẩm. Hát Xẩm phải là sản phẩm du lịch đặc thù. Xác định khâu truyền dạy là hết sức quan trọng trong quá trình khôi phục loại hình nghệ thuật này, hàng năm huyện tổ chức đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận, nhất là các nghệ nhân trẻ. Huyện mỗi năm tổ chức 02 lớp, mỗi lớp 25 học sinh để truyền dạy nghệ thuật Hát Xẩm. Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các cấp ở Yên Mô, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Sở Văn hóa, các nghệ sĩ Hát Xẩm ở Hà Nội được thể hiện rõ trong công tác sưu tầm các làn điệu, các bài Hát Xẩm cổ truyền, biên soạn chương trình và tuyên truyền quảng bá về nghệ thuật Hát Xẩm một cách bài bản và trực tiếp truyền dạy cho các diễn viên, nhạc công Nhà hát Chèo Ninh Bình, các diễn viên quần chúng ở các xã thuộc huyện Yên Mô trong nhiều năm liền. Đối tượng tham gia bao gồm: giáo viên âm nhạc các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn (nhằm mục tiêu lâu dài, đưa Hát xẩm và các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác của Ninh Bình vào dạy trong trường học), hội viên các CLB Hát Xẩm và các em học sinh có năng khiếu ở cả hai cấp học trên thuộc các xã Yên Phong, Yên Nhân, Yên Mạc, Khánh Thịnh, Khánh Dương, Yên Hưng, Yên Hòa và thị trấn Yên Thịnh. Lớp dạy Hát Xẩm miễn phí cho học sinh ở đây được mở hàng năm vào dịp hè nhằm tìm kiếm “truyền nhân” cho nghệ thuật Hát Xẩm Hà Thị Cầu với các nội dung: luyện âm, nhả chữ, phân biệt các thể loại Xẩm, sử dụng các nhạc cụ… Kinh phí tổ chức lớp học được trích từ nguồn kinh phí phát triển du lịch của địa phương. Lớp không giới hạn độ tuổi. Ngoài ra còn có CLB hát Xẩm do anh Bùi Công Sơn, thế hệ học trò thứ ba của nghệ nhân Hà Thị Cầu phụ trách gồm 20 người thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có 8 học sinh hát khá thành thạo và biết đàn. Anh Sơn chịu trách nhiệm truyền dạy chính cho các thành viên trong CLB những làn điệu chính thống của bà Hà Thị Cầu, đưa người của CLB tham gia hát tại các lễ hội chùa Bái Đính, đền Đinh Lê, biểu diễn ở phố đi bộ Hà Nội và Ninh Bình. Các lớp học do cá nhân và đơn vị nhà nước tổ chức bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Các tiết mục Hát Xẩm của các em học sinh tham gia hội diễn của huyện, của tỉnh đạt kết quả cao. Huy chương Vàng tại hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2014; Liên hoan đàn, hát dân ca tỉnh Ninh Bình năm 2015; Liên hoan các CLB hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019 do Sở VHTT Ninh Bình, Cục Văn hóa thông tin cơ sở (Bộ VHTTDL) và Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp tổ chức… Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có hàng trăm CLB nghệ thuật truyền thống, có 9 CLB Hát Xẩm ở Yên Mô và một số CLB Hát Xẩm mới hình thành ở huyện Yên Khánh và Kim Sơn.
Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn và phát triển của nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật hát Xẩm nói riêng tại Ninh Bình thời gian qua luôn là bài toán không có nhiều đáp án đối với không chỉ các thế hệ nghệ nhân mà cả các nhà quản lý văn hóa, giáo dục. Vì dù thực tế nghệ thuật hát Xẩm cũng đã được truyền dạy và có thành tựu nhất định nhưng duy trì một cách có hệ thống và bền vững thì không hề đơn giản. Ngoài đào tạo người truyền dạy thì khán giả của hát Xẩm là một vấn đề phải tiến hành một cách kiên trì, bền bỉ trong cả một quá trình.
Đào tạo năng lực cảm thụ cho người thưởng thức
Bất cứ loại hình văn hóa nghệ thuật nào cũng cần có khán giả để tồn tại và để có “nguồn” cho những sáng tạo mới, cho nghệ thuật tồn tại và tiếp diễn. Phải quen thuộc gắn bó với âm nhạc dân tộc thì mới có thể bảo tồn và truyền bá được, vì bảo tồn không chỉ là chuyện ghi hình, ghi âm những loại nhạc có thể bị mất đi, rồi cất làm tư liệu, vì âm nhạc dẫu ai nói gì nữa cũng không phải là một thứ ngôn ngữ đại đồng, người thưởng thức phải có một khả năng lĩnh hội, thẩm thấu nhất định. Với âm nhạc hiện đại “dễ hiểu, dễ nhớ” hơn cũng đã tự khu biệt thính giả, nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật Hát Xẩm thì yêu cầu này còn cao hơn. Trên thực tế, và theo quy luật, nếu ai đó không biết, không hiểu thì không thể thưởng thức, yêu thích hay đam mê theo đuổi đến cùng một bộ môn âm nhạc nào. Người thưởng thức không hoàn toàn quay lưng lại với âm nhạc dân tộc mà cơ bản là chưa hiểu thì khó lòng mà yêu được. Nói cách khác muốn họ thích thì trước tiên phải giúp họ hiểu và phải có thời gian. Do điều kiện lịch sử đặc biệt của đất nước mà chúng ta có sự thiếu hụt không dễ bù đắp trong một thời gian ngắn về văn hóa âm nhạc. Điều này đã tác động mạnh đến tư duy, tình cảm, nhận thức của người dân. Đó là không đầu tư cho việc dạy, học âm nhạc truyền thống, không xem đó như là yêu cầu bắt buộc, như nền tảng văn hóa cần phải có của một người trưởng thành. Trong khi muốn thưởng thức được cái hay, cái lạ của Xẩm người nghe buộc phải có kiến thức tối thiểu về loại hình nghệ thuật này. Chưa kể sự tác động rất lớn từ các loại hình nghệ thuật hiện đại vốn dễ tìm, dễ xem từ tất cả các phương tiện truyền thông nên việc học sinh phổ thông Việt Nam ít biết về âm nhạc truyền thống cũng là điều dễ hiểu trong khi đây lại là lực lượng thưởng thức trong hiện tại và lâu dài. Việc đổi mới chương trình đào tạo hiện tại cho phép nhà trường có thể kết hợp nhiều hình thức để tăng vốn hiểu biết của học sinh về nghệ thuật Hát Xẩm qua các lứa tuổi, đúng như cách nhận định hợp lý của nhạc sĩ Tô Vũ: “Tuổi thiếu niên nhi đồng là tuổi tiếp thu thụ động nhưng lại dễ dàng nhất và lâu bền nhất. Tuổi thanh niên là tuổi kế thừa và phát triển. Tuổi trung niên trở lên là tuổi bảo vệ và truyền thụ”. Các hình thức tổ chức, hoạt động sau đây đã và đang được tiến hành tại hai cấp học (Tiểu học và THCS) đã mang lại hiệu quả khả quan:
- Cập nhật, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn định kỳ cho đội ngũ giáo viên âm nhạc về những kiến thức liên quan đến nghệ thuật Hát Xẩm vì đây chính là đội ngũ có thể truyền lửa một cách trực tiếp cho các thế hệ học sinh, thế hệ người nghe.
- Tổ chức hoạt động ngoại khóa: Đây là hoạt động chiếm một vị trí đáng kể trong tiếp thu âm nhạc của học sinh và chất lượng giảng dạy của giáo viên. Nói cách khác, giảng dạy âm nhạc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi có sự kết hợp cân đối, thường xuyên giữa việc giảng dạy trên lớp và hướng dẫn thực hành, tìm hiểu ngoài giờ học. Lời giảng của thầy cô trên lớp chỉ có thể củng cố, khắc sâu khi học sinh được thực sự hòa mình vào chính các hoạt động đó. Hình thức tổ chức các hoạt động ngoại khóa rất linh hoạt: Thi tìm hiểu xuất xứ một làn điệu Xẩm, thi hát Xẩm, nghe các chuyên gia, nghệ nhân, các diễn viên có trình độ chuyên sâu nói chuyện, trao đổi, biểu diễn minh họa, gặp gỡ các CLB hát Xẩm trong xã, trong huyện, thăm nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu, gặp gỡ những học trò gạo cội của bà…Việc được thường xuyên tiếp xúc với môi trường diễn xướng, tọa đàm, giao lưu với các chuyên gia, với người biểu diễn sẽ tạo niềm hứng thú cho học sinh. Trong quá trình tham gia, hòa nhập cùng cảm xúc của người biểu diễn, học sinh hiểu được ý nghĩa biểu cảm của nhiều phương tiện biểu hiện, biết quý trọng các bậc tiền bối, các nghệ nhân tài hoa, tâm huyết, những người đã góp phần sáng tạo và gìn giữ cái đẹp của âm nhạc truyền thống, của nghệ thuật Hát Xẩm. Từ đó kích thích sự tò mò mong muốn tìm hiểu, từng bước thiết lập một thói quen đầu tiên và cần thiết là nhận thức đúng đắn về giá trị của bộ môn nghệ thuật hát Xẩm (Cách hát, cách sử dụng nhạc cụ, cách đặt lời cho một bài Xẩm với nội dung hiện đại), nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, nhận thức được sự đa dạng của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nâng cao khả năng cảm thụ, thúc đẩy nhu cầu thưởng thức, nâng cao năng lực thực hành của các em, từng bước thu hẹp sự cách biệt dẫn đến yêu thích. Từ sự hiểu biết, yêu thích các em sẽ có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của nghệ thuật Hát Xẩm. Hoạt động ngoại khóa còn là môi trường thuận lợi để giáo viên có điều kiện phát hiện, đánh giá, bồi dưỡng học sinh kịp thời. Mỗi cá nhân sẽ là hạt nhân cho các phong trào văn nghệ của nhà trường, sẵn sàng chuẩn bị cho các hội thi, hội diễn các cấp từ trung ương đến địa phương. Đồng thời đây cũng là cơ hội phát hiện nhân tài cung cấp nguồn lực cho hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.
- Kết hợp với các bộ môn khác trong chương trình giáo dục địa phương
Đưa nội dung kiến thức nghệ thuật Hát Xẩm vào giảng dạy phải cho học sinh (nhất là học sinh THPT) một cái nhìn khách quan, biện chứng về mối tương quan tất yếu của nghệ thuật Hát Xẩm với Văn hóa, Lịch sử, Địa lý, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác trong địa bàn tỉnh…Vì dù khác nhau về sắc thái, tính chất nhưng giữa chúng vẫn có mối liên hệ với nhau từ đơn giản đến phức tạp cùng bổ sung cho nhau trong sự phản ánh cái chung về nội dung tư tưởng thời đại, cuộc sống. Ví dụ: nghệ thuật Hát Xẩm với việc xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch. Vị trí địa lý, đặc trưng văn hóa vùng miền, các giai đoạn lịch sử của đất nước đã ảnh hưởng đến sự ra đời của nghệ thuật Hát Xẩm ra sao, việc đưa nghệ thuật Hát Xẩm trở thành một sản phẩm du lịch của Ninh Bình đã tác động thế nào đến đời sống, động lực duy trì nghề nghiệp của các nghệ nhân …
Ở hoạt động trải nghiệm của các bộ môn khác tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… trong tỉnh, giáo viên có thể lồng ghép giới thiệu về hoạt động nghệ thuật đang diễn ra tại đây nhờ đề án bảo tồn, phát triển các sản phẩm văn hóa địa phương. Môi trường để các nghệ nhân có thể biểu diễn, mưu sinh một cách bền vững, để sống và duy trì niềm đam mê nghề nghiệp.
4. Như vậy, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo và chiến lược phát triển văn hóa, nghệ thuật truyền thống của UBND tỉnh trong giai đoạn tới, hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và huyện Yên Mô nói riêng phải được triển khai một cách có hệ thống. Đưa nội dung tuyên truyền, quảng bá, giảng dạy nghệ thuật Hát Xẩm vào các cấp trong chương trình giáo dục âm nhạc ở nhà trường phổ thông dưới nhiều hình thức là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Kết quả giáo dục sẽ giúp địa phương tìm kiếm, nhân rộng người kế cận, người thưởng thức, tạo tiền đề vững chắc cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này trong nhiều phương diện của đời sống xã hội trong thời điểm hiện tại và dài lâu.
TLTK: 1,Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDDT, ngày 26/12/2018. 2, Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Âm nhạc, theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDDT, ngày 26/12/2018.3, Lê Hồng Lý (2021), Hát Xẩm sự phục hồi hay kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới, Nguồn sáng dân gian, số 3. 4,Trần Việt Ngữ (2002), Hát Xẩm, NXB Âm nhạc. 5,UBND tỉnh Ninh Bình, Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2045, theo quyết định số 1339 QĐ-UBND ngày 30/11/2021. 6,Tỉnh ủy Ninh Bình, Phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2020.
N.P
(Nguồn: TC VNNB 262+263-3/2022)